![]() | JICA tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phòng chống dịch Covid- 19 |
![]() | Lo ngại biến chủng mới của dịch Covid - 19 có thể thúc đẩy giá vàng đi lên |
![]() | Nơi giành lại sự sống cho những bệnh nhân Covid-19 |
![]() |
Trong năm thứ hai của đại dịch Covid-19, cụm từ mà thế giới khiếp sợ nhất có lẽ là “biến thể”. Thêm một biến thể mới xuất hiện đồng nghĩa với việc virus này đã phát triển hơn, có thể thích nghi tốt hơn và mang trong mình những đột biến có thể gây nguy hiểm hơn, kéo theo hàng loạt biện pháp phòng dịch mới làm ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật của con người. Nhìn lại năm 2021, thủ phạm chính gây ra gần 200 triệu ca nhiễm mới trong 12 tháng qua là biến thể Delta. Được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ từ cuối năm 2020, Delta đã trở thành biến thể “thống trị” khắp thế giới trong năm 2021. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 99,5% số ca mắc Covid-19 có giải trình tự gen được công bố trên cơ sở dữ liệu công khai đều là biến thể Delta. WHO nhận định Delta đã vượt tất cả các thành viên khác trong nhóm biến thể gây quan ngại, trở thành biến thể chính gây ra các ca Covid-19 trên toàn cầu. Đến thời điểm này, Delta vẫn được khẳng định là biến thể có khả năng lây lan nhanh nhất, mạnh nhất và đáng sợ nhất mà thế giới đang phải đối mặt. Với thời gian ủ bệnh ngắn, tải lượng virus trong mũi cao gấp 1.260 lần so với khi nhiễm virus phiên bản gốc, Delta còn khiến bệnh nặng hơn và giảm hiệu quả của vắc xin cùng các phương pháp chữa trị, đặt ra thách thức lớn trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch. Các chuyên gia Mỹ đánh giá Delta có mức độ lây lan tương đương với virus gây bệnh thủy đậu (varicella) - một trong những virus hiện nay có mức độ truyền nhiễm cao nhất, và nhanh hơn virus cúm thông thường, virus cúm Tây Ban Nha (gây đại dịch năm 1918) và virus đậu mùa.
Nhưng khi thế giới vẫn chưa vượt qua những đợt “sóng dữ” do biến thể Delta gây ra, sự xuất hiện của Omicron ngay trước thời điểm Giáng sinh và Năm mới đã khiến cả thế giới rơi vào một cơn sốc mới do biến thể này có khả năng lây nhiễm rất nhanh và có số lượng đột biến nhiều nhất trong số các phiên bản của SARS-CoV-2. Được phát hiện đầu tiên ở miền Nam châu Phi vào giữa tháng 11, chỉ trong gần nửa tháng, Omicron đã lây lan “thần tốc” đến châu Âu, châu Á, châu Mỹ và châu Đại Dương, tới hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dù hầu hết các ca nhiễm Omicron đều có những triệu chứng nhẹ, nhưng tốc độ lây nhiễm cao đang khiến hệ thống y tế quá tải. Các nhà khoa học cảnh báo khi dịch bệnh chưa chấm dứt, virus SARS-CoV-2 có thể tiếp tục biến đổi, với nhiều biến thể nguy hiểm hơn, có khả năng lây lan mạnh hơn. Thêm một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện tức là virus đã tiến hóa và có khả năng “thích nghi” tốt hơn, buộc thế giới phải điều chỉnh biện pháp phòng chống dịch và “nâng cấp” vắc xin, bào chế và phát triển các loại vắc xin có khả năng chống biến thể virus.
Việc WHO phê chuẩn sử dụng khẩn cấp nhiều loại vắc xin ngừa Covid-19 và các nước đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng đại trà đã tạo động lực để hàng loạt quốc gia chuyển hướng coi Covid-19 là "pandemic" (đại dịch) sang "endemic" (bệnh đặc hữu). Điều này có nghĩa thay vì nỗ lực "quét sạch" Covid-19, các nước điều chỉnh sang mô hình "sống chung an toàn", vừa kiểm soát các đợt bùng phát dịch, vừa mở cửa trở lại nền kinh tế và khôi phục cuộc sống bình thường.
Có thể nói việc chủ động, linh hoạt điều chỉnh chiến lược ứng phó với Covid-19 đã tạo bước ngoặt giúp nhiều nước quay lại nhịp sống “bình thường mới” và phục hồi kinh tế.
Vĩnh Hà