Nỗi lo mới về thỏa thuận thương mại Anh-EU hậu Brexit

07:49 | 29/12/2020

(HQ Online) - Thỏa thuận thương mại mà Anh và Liên minh châu Âu (EU) vừa đạt được đã xua tan nỗi lo sợ cố hữu trong hơn 4 năm qua về nguy cơ nước Anh rời khỏi EU (tức vấn đề Brexit) mà không đạt thỏa thuận thương mại. Tuy nhiên, sẽ phải mất nhiều năm để các thị trường tài chính của Anh có thể lành vết thương mà vấn đề Brexit gây ra.

Hội nghị Thượng đỉnh EU tìm tiếng nói chung về kế hoạch ngân sách 2021
Thỏa thuận tự do thương mại Anh-EU quan trọng cho tương lai của Anh
Anh từ chối nối lại đàm phán hậu Brexit với EU
EU áp dụng chính sách mới về thuế và hải quan đối với Anh
Nỗi lo mới về thỏa thuận thương mại Anh-EU hậu Brexit
Anh và EU đã thông báo chính thức đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit vào ngày 24/12.

Nguy cơ không thỏa thuận đã tác động mạnh đến sức tăng trưởng và triển vọng đầu tư của Anh kể từ tháng 6/2016. Trong cuộc trưng cầu dân ý vào thời điểm đó, người dân Anh đã nhất trí rời khỏi EU- một khách hàng dịch vụ tài chính lớn nhất của Anh, chiếm 1.000 tỷ USD thương mại song phương mỗi năm. Vì vậy thỏa thuận đạt được ngày 24/12 vừa qua, khi chỉ còn 7 ngày nữa là kết thúc giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit, là một cái thở phào nhẹ nhõm. Tuy nhiên, những người hy vọng thỏa thuận sẽ cho phép tài sản của Anh bắt kịp với các thị trường sôi động nước ngoài có thể bị thất vọng. Bản chất rõ ràng của thỏa thuận khiến nước Anh tiến xa hơn việc tách khỏi EU như dự định ban đầu. Bên cạnh đó, Anh và EU sẽ phải tiếp tục đàm phán trong năm 2021 để triển khai thỏa thuận. Điều đó có nghĩa là tình trạng mất giá tài sản đã theo sát nước Anh kể từ năm 2016 sẽ không sớm biến mất.

Do quy mô của thị trường Anh đã bị thu hẹp, các nhà đầu tư nước ngoài không còn cần nắm giữ nhiều cổ phiếu của Anh. Cổ phiếu Anh hiện giao dịch ở mức giảm giá 30% so với thị trường toàn cầu, trong khi mức giảm giá cơ bản là 10%. Vốn đã bị suy yếu do những rủi ro liên quan đến Brexit, nền kinh tế Anh còn chịu thiệt hại nghiêm trọng nhất so với bất kỳ nước lớn nào do tác động của đại dịch Covid-19, với quý 2/2020 chứng kiến tình trạng suy thoái tồi tệ nhất trong 30 năm qua. Điều đó đã buộc chính phủ Anh phải nâng mức vay mượn lên mức cao kỷ lục trong thời bình. Sự phục hồi kinh tế bị tác động bởi đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực tế thấp. Các số liệu chính thức cho thấy giá trị ròng của FDI vào Anh giảm xuống 49,3 tỷ bảng trong năm 2018, chỉ bằng 1/4 mức của năm 2016. Công ty tư vấn EY ước tính số dự án FDI vào Anh sẽ thấp hơn 30-45% so với năm 2019, chủ yếu do tác động của đại dịch Covid-19.

Một số nhà phân tích nhận định thỏa thuận thương mại hậu Brexit sẽ là tín hiệu tích cực, khuyến khích các nhà đầu tư quốc tế tái đầu tư vào công ty cổ phần hữu hạn Anh. Tuy nhiên, chuyên gia Andrew Sheets của Morgan Stanley nhấn mạnh việc loại bỏ nguy cơ không thỏa thuận hậu Brexit sẽ làm tăng giá trị tài sản trung bình, nhưng nó sẽ không giải quyết được những thách thức kinh tế nội tại, bởi Anh đang đối mặt với cú sốc quá mạnh trong ngành dịch vụ vốn chiếm phần lớn trong hoạt động của nền kinh tế Anh.

Đặng Ánh