Xăng, điện “dắt tay” tăng giá: Tác động kép
Ngày 16-3, Bộ Tài chính đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý và bình ổn giá. Bộ Tài chính đề nghị các địa phương tiếp tục theo dõi, nắm tình hình diễn biến giá cả thị trường để có biện pháp bình ổn giá thích hợp. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các địa phương chỉ đạo các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn, nhất là các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ vận tải và các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh có sử dụng nhiều năng lượng điện, nhiên liệu xăng dầu phấn đấu cải tiến công nghệ, áp dụng mọi biện pháp tiết kiệm nhiên liệu, nâng cao năng suất lao động... để giảm giá thành, hạn chế tác động của việc điều chỉnh giá điện, xăng dầu đến giá bán sản phẩm. Bộ Tài chính yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp tự ý tăng giá đối với mặt hàng không chịu tác động trực tiếp của việc điều chỉnh giá điện, giá xăng dầu hoặc tăng giá cao hơn tỷ lệ tác động của việc điều chỉnh giá điện, giá xăng dầu và các trường hợp vi phạm quy định hiện hành về quản lý giá, quản lý thị trường khác.
Không ảnh hưởng tới chỉ tiêu kinh tế?
Giá điện chính thức thiết lập mặt bằng giá mới từ ngày 16-3 (tăng 7,5%) với mức giá bình quân tương đương 1.622,05 đồng/kWh. Giá xăng từ ngày 11-3 cũng đã tăng thêm 1.600 đồng/lít. Việc giá xăng dầu, giá điện cùng tăng một thời điểm được ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Theo đó, giá xăng dầu được điều hành theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước, thời điểm điều chỉnh giá đã được quy định cụ thể tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. Trong khi đó việc điều chỉnh tăng giá điện đã được đề xuất từ trước và qua đánh giá, phê duyệt của thường trực Chính phủ. “Thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu và giá điện đã được chọn lựa để tránh tác động xấu lên đời sống kinh tế - xã hội”, ông Tuấn nói.
Trước đó, trong buổi họp báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về giá điện, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho hay, với mức tăng giá điện 7,5% sẽ đảm bảo được hai yếu tố quan trọng: EVN không bị lỗ và đảm bảo khả năng phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP 6,2%, kiểm soát lạm phát khoảng 5% theo đúng kế hoạch. Các bộ, ngành cũng đã đánh giá các tác động đến tăng trưởng GDP, CPI, đời sống của người dân từ việc điều chỉnh tăng giá điện lần này. Cũng theo ông Tuấn, việc điều chỉnh giá điện sẽ được tiến hành theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước theo hướng công khai, minh bạch, đảm bảo mục tiêu giá điện không thể bán dưới giá thành.
Tuy Bộ Công Thương bảo đảm việc tăng giá này không ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng GDP và kiểm soát lạm phát, nhưng nhiều chuyên gia kinh tế vẫn tỏ ra lo ngại CPI sẽ chịu tác động kép từ việc tăng giá xăng dầu và giá điện cùng một thời điểm do đây là những yếu tố đầu vào thiết yếu của hầu hết các ngành sản xuất. Vì vậy, hai mặt hàng này tăng giá sẽ làm tốc độ tăng trưởng giảm, mặt bằng giá sẽ tăng kéo theo lạm phát tăng. Dù 4 tháng liên tiếp vừa qua (kể cả trong tháng Tết), CPI đã liên tục giảm nhưng trong tháng tới, CPI dự báo sẽ là một con số dương. Trước mắt, tác động của giá điện có độ trễ trong 1 tháng, do đó những tác động đối với CPI sẽ tập trung chủ yếu vào tháng sau. Bên cạnh đó, việc CPI giảm kéo dài thời gian qua chủ yếu là do giá xăng dầu giảm kỷ lục. Nhưng nay giá xăng đã tăng trở lại nên giá vận tải sẽ không giảm nữa, thậm chí tăng, đồng thời, kéo theo giá các mặt hàng thiết yếu tăng theo, tác động trực tiếp đến CPI khiến CPI tăng trở lại.
Lo tác động tâm lý
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, việc tăng giá hầu hết các mặt hàng do tâm lý rất dễ xảy ra. “Mức tăng giá điện, xăng lần này đều rất lớn, chắc chắn sẽ không tránh khỏi hiệu ứng tăng giá dây chuyền, tăng giá tâm lý. Trước đây, mỗi đợt giá xăng tăng, lập tức các hàng hóa dịch vụ đều lấy làm căn cứ để tăng giá. Tình trạng này không dễ đối phó”, ông Phú nói.
Theo khảo sát của phóng viên, giá thực phẩm bán tại một số chợ ở Hà Nội như Cầu Giấy, Láng, Trung Kính… đã có xu hướng tăng. Cụ thể, rau xanh có mức tăng khoảng 1.000 đồng/mớ, thịt lợn khoảng 3.000-5.000 đồng/mớ… Một tiểu thương tại chợ Trung Kính cho biết, giá điện và xăng cùng tăng nên chi phí vận chuyển cũng tăng buộc họ phải tăng giá để bù đắp chi phí.
Trong khi người tiêu dùng lo tăng giá thì cộng đồng DN nhất là những ngành sử dụng nhiều điện như xi măng, sắt thép… lo lắng khi giá điện, xăng tăng sẽ làm chi phí sản xuất của DN tăng theo, trong khi đầu ra khó có thể tăng trong thời điểm này. Ông Nghiêm Xuân Đa, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam cho hay, mặc dù chưa tính toán được con số cụ thể nhưng việc tăng giá điện tác động đến DN ngành thép tương đối lớn. “Trong khi giá đầu vào tăng nhưng giá sản phẩm thì không thể tăng bởi còn phụ thuộc vào thị trường. Vậy nên lợi nhuận của DN có thể giảm chứ không dám tăng giá”, ông Đa chia sẻ.
Cùng chung quan điểm trên, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kỹ nghệ Súc sản - Vissan cho biết, với việc giá điện tăng 7,5%, mỗi tháng Vissan sẽ phải trả thêm 70-80 triệu đồng tiền điện. Dù trước mắt, các nhà cung cấp nguyên liệu cho Vissan sẽ chưa tăng giá ngay nhưng chắc chắn sau 1 tháng thì các nhà cung cấp sẽ xem xét đến việc tăng giá. Điều lo ngại hơn là, giá nguyên liệu đầu vào có tăng nhưng đầu ra của DN thì không thể tăng được. Bởi trong bối cảnh sức mua yếu, việc tăng giá sẽ gây bất lợi cho cả DN và người tiêu dùng. “Tăng giá điện làm cho mọi người gồng sức chịu đựng”, ông Mười than thở.
Như vậy, với thực tế, DN sản xuất chưa thể tăng giá nhưng hàng hóa sẽ có mặt bằng giá mới do tác động tâm lý dây chuyền. Bởi vậy, cơ quan chức năng cần kiểm tra giám sát để tránh hiện tượng “té nước theo mưa”. Đặc biệt khi giá xăng lên, cước vận tải sẽ là đối tượng ảnh hưởng đầu tiên, do đó cần có chế tài kiểm soát, theo dõi các cá nhân, tổ chức đẩy giá thị trường tăng cao.
Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương): Lạm phát và CPI tăng thường do chi phi đầu vào (chi phí đẩy) và cầu tăng khiến giá tăng. Hơn nữa, xăng dầu là đầu vào của tiêu dùng, việc tăng hay giảm giá trực tiếp sẽ tác động tới giá tiêu dùng đầu cuối hoặc khâu trung gian. Vì vậy, giá xăng tăng chắc chắn có ảnh hưởng nhưng không thể nhìn vào sự điều chỉnh ngắn hạn qua 1-2 lần, mà phải nhìn cả quá trình điều hành của liên Bộ, cũng như chỉ đạo của Chính phủ trong thời gian dài. Ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư): Việc tăng giá điện, giá xăng dầu vẫn đảm bảo mục tiêu tăng GDP vì Chính phủ cũng đã có sự tính toán rồi mới cho tăng. Tăng giá điện chỉ khổ cho DN vì phải cải cách, đổi mới mạnh hơn để giảm chi phí. Phía người tiêu dùng thì cũng phải chấp nhận. Tuy nhiên, giá điện tăng vấn đề nằm ở tính minh bạch giá thành. Người dân vẫn chưa yên tâm với cách tính giá thành điện hiện nay. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nói, tăng giá sẽ tăng thu thêm khoảng 13.000 tỷ đồng, giúp bù lỗ, cải thiện khả năng tích lũy để đầu tư tiếp... Tất cả lý do nêu lên chưa đủ sức thuyết phục, rất khó chấp nhận do EVN còn độc quyền. Giờ giá điện tăng người dân phải chấp nhận, nhưng họ yêu cầu tiếp tục tái cơ cấu EVN. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: Giá xăng tăng do giá dầu thế giới tăng, nên phải chấp nhận. Tuy nhiên, với giá điện hiện đang là độc quyền. Đến nay, giá thành điện chưa được giải trình, các yêu cầu của Thủ tướng với ngành điện về tăng năng suất lao động thế nào, giảm biên chế thế nào, giảm hao hụt truyền tải ra sao… cần làm rõ thêm. Thêm nữa, giá điện tăng một lần 7,5% là quá cao, khiến các DN sử dụng nhiều điện trở tay không kịp. Nếu tăng 3-4%, DN có thể tiết kiệm, hoặc điều chỉnh, tìm cách thích nghi dần. Năm 2015 là năm hội nhập, các dòng thuế NK mình phải giảm, hàng hóa nước ngoài vào rẻ hơn. Nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ không thể nào cạnh tranh được. Ông Phạm Thế Trân, Phó tổng giám đốc tiếp thị Công ty TNHH NS BlueScope Việt Nam: Giá điện chiếm tỷ lệ nhỏ trong chi phí giá thành của thép mạ, chỉ khoảng dưới 2%. Tuy nhiên, việc tăng giá điện cũng làm tăng thêm chi phí giá thành sản xuất cho DN. Phần chi phí này dù tăng thêm không đáng kể như chi phí tăng đến từ khâu khác như vận chuyển hoặc thép nguyên liệu, nhưng chắc chắn sẽ ảnh hưởng dây chuyền đến người tiêu dùng. Trước mắt BlueScope thấy chưa thích hợp để chuyển chi phí này cho người tiêu dùng mà sẽ tập trung vào việc giảm sử dụng điện năng bằng cách tối ưu hóa quy trình. Như thế sẽ có lợi lâu dài, nâng cao khả năng cạnh tranh để cạnh tranh với và hàng nhái và thép nhập khẩu chất lượng kém từ Trung Quốc tràn về. Chấp nhận tăng giá điện là việc phải xảy ra, nhưng BlueScope kiến nghị Chính phủ cần đưa ra lộ trình tăng công khai, minh bạch để DN có thể lên kế hoạch kinh doanh, ký kết hợp đồng. P.T (ghi) |
Tin liên quan
Cần đảm bảo hài hoà lợi ích khi xây dựng, áp dụng bảng giá đất mới
21:16 | 10/01/2025 Kinh tế
Chính sách mới của Hoa Kỳ tác động thế nào đến thương mại và đầu tư
14:24 | 08/01/2025 Kinh tế
Tín dụng cả năm 2024 tăng hơn 15%, nỗ lực hơn nữa để giảm lãi suất cho vay
17:23 | 07/01/2025 Kinh tế
TPHCM đột phá xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng 2 con số
08:04 | 07/01/2025 Kinh tế
Xuất khẩu rau quả hướng đến mục tiêu 10 tỷ USD
16:45 | 06/01/2025 Xuất nhập khẩu
Câu chuyện thành công trên Amazon: Lời khẳng định cho tiềm năng sản xuất của Việt Nam
14:26 | 06/01/2025 Doanh nghiệp - Doanh nhân
Cá tra đặt mục tiêu 2 tỷ USD năm 2025
16:40 | 05/01/2025 Kinh tế
Kỳ vọng tích cực cho xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ
08:42 | 02/01/2025 Kinh tế
Thương hiệu du lịch TP Hồ Chí Minh vươn tầm quốc tế
16:46 | 31/12/2024 Kinh tế
Nâng vị thế xuất khẩu nhờ chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả
15:13 | 31/12/2024 Kinh tế
Ấn Độ điều tra chống trợ cấp mặt hàng calcium carbonate filler masterbatch từ Việt Nam
11:50 | 31/12/2024 Kinh tế
NHNN đã giao room tín dụng cho từng ngân hàng, tiến tới lộ trình bỏ room
10:21 | 31/12/2024 Kinh tế
Chính sách tiền tệ giúp sức xuất khẩu tăng tốc
09:28 | 31/12/2024 Kinh tế
Vấn đề Bạn quan tâm
Tin mới
Cần đảm bảo hài hoà lợi ích khi xây dựng, áp dụng bảng giá đất mới
Vedan Việt Nam 12 năm vững vàng trong “Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam”
Năm 2024, Ford Việt Nam đạt kỷ lục bán 42.175 xe
Trao Huân chương Chiến công cho các tập thể, cá nhân thuộc Cục Hải quan Hải Phòng
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Hải quan Hải Phòng
(Infographics) Tổng thu từ xuất nhập khẩu các tỉnh, thành vùng Tây Nguyên
10:50 | 15/12/2024 Hải quan
(INFOGRAPHICS) Kim ngạch hơn 67 tỷ USD, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam
11:29 | 04/12/2024 Infographics
(INFOGRAPHICS): Tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp tham gia chương trình tự nguyện tuân thủ
16:30 | 06/12/2024 Infographics
(INFOGRAPHICS) Tổng thu từ XNK các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ
16:33 | 06/12/2024 Xuất nhập khẩu
(INFOGRAPHICS) 66 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 11
14:29 | 12/12/2024 Infographics