Đồng chí Đinh Tiến Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính: 5 năm bền bỉ “chèo lái” con thuyền cải cách
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng |
Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, cánh phóng viên chúng tôi lại có cơ hội gặp gỡ trực tiếp đồng chí Đinh Tiến Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính để nghe ông trải lòng về quyết tâm, nỗ lực của những người giữ “tay hòm chìa khóa” quốc gia. 5 năm gánh trọng trách của người đứng đầu ngành, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã “dẫn dắt” ngành Tài chính “gặt hái” nhiều “trái ngọt”. Đáng kể đến nhất đó là hành trình cải cách tài chính công; cải cách thể chế, thủ tục hành chính và cải cách bộ máy ngành Tài chính.
Hướng đến tài chính công bên vững
Khi nhắc đến ngành Tài chính và vấn đề cải cách, chúng tôi đều ấn tượng với kết quả cải cách tài chính công. Đây là nhiệm vụ then chốt nhất của Ngành bởi nhiệm vụ này góp phần lớn giúp kinh tế - tài chính tăng trưởng nhanh, toàn diện và bền vững. Nhớ lại nửa đầu năm 2013, đồng chí Đinh Tiến Dũng được giao trọng trách Bộ trưởng Bộ Tài chính trong bối cảnh kinh tế thế giới khủng hoảng, ngân sách của Việt Nam đối diện nguy cơ mất cân đối khiến các chuyên gia kinh tế cũng như cơ quan điều hành “đứng ngồi không yên”. Lúc này, rất nhiều ý kiến cho rằng tân Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ chọn con đường dễ đi bằng cách đề xuất các chính sách mới để tăng thu, giải “cơn khát” cho ngân sách nhà nước (NSNN). Thế nhưng không! Ông lập tức họp với các đơn vị “trọng điểm” của Bộ, tìm hiểu cặn kẽ công việc, đưa ra yêu cầu đầu tiên với các cán bộ của mình là không được tận thu cũng như không đề ra các chính sách tăng thuế đối với DN, người dân.
Ôn lại câu chuyện đó, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định rằng: Việc đưa ra các chính sách thuế có thể giúp ngân sách bù đắp thiếu hụt trước mắt nhưng không thể giải bài toán lâu dài. Không lẽ cứ mỗi khi ngân sách khó khăn chúng ta lại tăng thuế, thêm thuế. Điều đó sẽ chỉ tăng thêm gánh nặng cho DN và người dân. Giải pháp căn cơ là phải tái cơ cấu cả thu và chi ngân sách để hướng đến một nền tài chính công bền vững, an toàn hơn.
Quan điểm này đã được Bộ trưởng quán triệt thực hiện trong toàn ngành Tài chính xuyên suốt 5 năm qua.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Về thu NSNN, từ Trung ương đến các đơn vị địa phương đã chủ động rà soát, nắm chắc đối tượng, nguồn thu ngân sách trên địa bàn, phấn đấu chống thất thu, giảm nợ đọng thuế, chống chuyển giá,… ở các lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn có rủi ro cao về quản lý thu thuế để bù đắp các phần giảm thu do thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn thời hạn nộp thuế; kiểm soát việc kê khai thuế, quyết toán thuế, hoàn thuế của các DN, tổ chức, cá nhân, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào NSNN. Đặc biệt, cơ quan thu, cơ quan tài chính và các lực lượng chức năng tăng cường phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý thu, chống thất thu và xử lý nợ đọng, chống gian lận thương mại, chống buôn lậu, chống chuyển giá.
Những giải pháp nói trên không phải là mới, song, vào thời điểm NSNN đối diện với nhiều khó khăn, sự quyết liệt của người đứng đầu ngành Tài chính đã mang lại hiệu quả lớn hơn rất nhiều. Thực tế cho thấy, quy mô nguồn thu NSNN đã tăng trưởng cả về giá trị tuyệt đối (năm 2018 gấp 1,7 lần năm 2013; hơn 2,4 lần so với năm 2010) và tương đối (từ 23,45% GDP bình quân giai đoạn 2011-2015 lên 25,6% vào năm 2018). Tổng thu NSNN từ năm 2013 đến hết năm 2018 đều đạt và vượt dự toán, năm sau cao hơn năm trước. Riêng năm 2018, số thu vượt dự toán hơn 102,7 nghìn tỷ đồng, tức khoảng 7,8% dự toán năm. Cơ cấu thu NSNN cũng đã dịch chuyển theo hướng bền vững hơn.
Về chi NSNN, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chia sẻ: Bộ Tài chính đã tập trung cơ cấu lại theo hướng tăng tỷ trọng chi cho đầu tư phát triển, giảm chi thường xuyên. Thực tế, chi cho đầu tư đã tăng từ 24,4% tổng chi NSNN năm 2015 lên trên 27% năm 2018 (mục tiêu giai đoạn 2016-2020 là 25-26%). Tương ứng, chi thường xuyên giảm từ 62,3% năm 2015 xuống còn dưới 62% năm 2018, trong khi vẫn điều chỉnh tăng tiền lương bình quân 7%/năm, cùng với triển khai chính sách giảm nghèo đa chiều, an sinh xã hội, đảm bảo một số nhiệm vụ an ninh - quốc phòng,... Hơn thế nữa, 3 năm gần đây, ngân sách đều có tích luỹ cho đầu tư phát triển. Cùng với đó, bội chi NSNN được kiểm soát chặt chẽ cả về số tuyệt đối và tỷ lệ so với GDP; trong điều hành phấn đấu giảm so với dự toán và giảm dần qua các năm. Nếu như bình quân giai đoạn 2011-2015 là 5,79% GDP; năm 2018 dự kiến còn 3,6% GDP (dự toán là 3,7%).
Nhớ lại, trong các kỳ họp Quốc hội gần đây, điều mà Bộ trưởng vừa chia sẻ được nhiều đại biểu Quốc hội gọi là “kỳ tích” bởi năm 2017 chính là lần đầu tiên trong 10 năm trở lại đây Việt Nam quản lý được bội chi ngân sách cả ở con số tuyệt đối cũng như tương đối. Năm 2018 này cũng thế. Điều đó đã góp phần kiểm soát được nợ công, giảm từ 63,7% GDP cuối năm 2016 xuống còn 61,4% GDP năm 2017 và khoảng 61% GDP năm 2018.
Nét cười ánh lên trên gương mặt nghiêm nghị của người đứng đầu ngành Tài chính khi nghe điều đó. BỘ TRƯỞNG ĐINH TIẾN DŨNG nói: Đó thực sự là một thành công lớn. Để làm được điều đó trong bối cảnh nợ công của chúng ta đang tăng cao, áp lực lớn, năm 2016, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TƯ về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Sang năm 2017, Bộ tiếp tục trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) với những quy định mới chặt chẽ hơn. Đây là những văn bản rất có ý nghĩa. Bên cạnh đó, toàn Ngành luôn nỗ lực điều hành bám sát mức bội chi NSNN và lộ trình cắt giảm bội chi đã được hoạch định. Mục tiêu phấn đấu các năm tiếp theo, bội chi sẽ giảm dần còn 3,6% và 3,4%, đảm bảo mục tiêu theo Nghị quyết là dưới 4% cho cả giai đoạn 5 năm và đạt dưới 3,5% vào năm 2020.
Có thể nói, những con số đó chính là dẫn chứng thuyết phục nhất cho những thành tựu về cải cách tài chính công của ngành Tài chính 5 năm qua.
Hải quan Việt Nam tiếp tục cải cách đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo thuận lợi thương mại. Trong ảnh: Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Cục Hải quan Lạng Sơn. Ảnh: Huy Khâm. |
Lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm
Đối với ngành Tài chính, bên cạnh việc quản lý chặt tài chính công, công tác cải cách thể chế, chính sách cũng vô cùng quan trọng bởi nó hướng tới mục tiêu tạo thuận lợi tối đa cho người dân, DN, tạo đòn bẩy cho phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo nguồn thu cho NSNN và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định: Muốn thúc đẩy tăng trưởng đều phải thông qua xây dựng chính sách tài chính. Thời gian qua, công tác cải cách thể chế của Bộ Tài chính luôn gắn với công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật tài chính, qua đó hệ thống pháp luật tài chính đã có bước hoàn thiện quan trọng với số lượng lớn các văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới. Từ năm 2013 đến nay, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội 14 dự án luật; 5 nghị quyết của Quốc hội, 7 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hơn 200 nghị định, quyết định và ban hành theo thẩm quyền hơn 1.200 thông tư, thông tư liên tịch. Hầu hết văn bản do Bộ Tài chính ban hành hoặc đề xuất đều bám sát yêu cầu cải cách hành chính, cải cách thể chế theo định hướng kinh tế thị trường, phát huy hiệu quả các nguồn lực của đất nước đáp ứng đòi hỏi thực tiễn, nhất là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo cơ sở pháp lý cho cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, đổi mới phương thức quản lý và hiện đại hóa.
Với khối lượng văn bản cần xây dựng, sửa đổi nhiều như vậy, chúng tôi băn khoăn: Vậy Bộ Tài chính đã làm như thế nào để vừa đáp ứng được mục tiêu cải cách đổi mới, vừa kịp thời đưa vào áp dụng trong cuộc sống?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói: Để đáp ứng các mục tiêu cải cách đổi mới, đòi hỏi phải thực hiện cải cách đồng bộ và toàn diện trên mọi lĩnh vực của ngành Tài chính. Trong 5 năm qua, Bộ Tài chính đã tăng cường công tác chỉ đạo về việc tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính. Áp dụng nhiều phương thức sáng tạo như một Luật sửa nhiều Luật, một Nghị định sửa nhiều Nghị định và một Thông tư sửa nhiều Thông tư, để cùng một lúc đưa ra nhiều văn bản có tác động mạnh mẽ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về cải cách hành chính đến các cán bộ, công chức, viên chức trong các đơn vị thuộc Bộ và đến người dân, DN...
Nghe những điều Bộ trưởng vừa chia sẻ, chúng tôi càng thấy rõ hơn khẩu hiệu “lấy DN, người dân làm trung tâm” mà Bộ Tài chính đưa ra đã đi vào thực chất thật sự. Thậm chí, dưới sự chỉ đạo của ông, để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân và DN, cán bộ, công chức toàn Ngành còn quyết tâm chuyển đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm cũng như minh bạch thông tin, quy trình, thủ tục hành chính mặc dù việc này làm tăng áp lực, trách nhiệm lên cơ quan quản lý hơn gấp nhiều lần.
Nói cụ thể hơn về các kết quả cải cách thủ tục hành chính (TTHC), Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay: Đến cuối năm 2018, số TTHC trong lĩnh vực tài chính còn lại 839 thủ tục. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với 987 TTHC, trong đó có gần 30% dịch vụ đã đạt mức độ 4.
Hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố với 697.377 DN tham gia sử dụng. Cơ quan Thuế đã hoàn thành kết nối nộp thuế điện tử với 50 ngân hàng thương mại và 98,15% DN đăng ký tham gia sử dụng. Hệ thống thí điểm cấp hóa đơn điện tử có xác thực được triển khai khá thành công tại Hà Nội và TPHCM với gần 7,3 triệu hóa đơn đã được xác thực.
Trong lĩnh vực Hải quan, Hệ thống VNACCS/VCIS đang vận hành ổn định với khoảng trên 83,2 nghìn DN tham gia. Cơ chế một cửa quốc gia đã có 11 bộ, ngành tham gia kết nối với 136 thủ tục hành chính và trên 25,3 nghìn DN. Cơ quan Hải quan cũng ký kết với 37 ngân hàng thương mại để thu thuế điện tử, số thu chiếm trên 90% số thu ngân sách của lĩnh vực này, giảm thời gian thực hiện từ 2 ngày xuống còn 15 phút.
Bộ Tài chính mà trực tiếp là Tổng cục Hải quan cũng dành nhiều công sức phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, hoàn thiện các văn bản về kiểm tra chuyên ngành, đề xuất các giải pháp cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XK, NK để rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa. Theo thống kê, đến thời điểm hiện nay, đã có 13 bộ, ngành sửa đổi, bổ sung 80/87 văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành (chiếm 92%). Đồng thời, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành rà soát, chuẩn hóa danh mục hàng hóa XNK kèm mã số HS phù hợp với danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam. Đến nay, các bộ, ngành đã hoàn thành 6/53 danh mục, đang triển khai 9/53 danh mục; ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các nhóm hàng phải kiểm tra chuyên ngành.
Đặc biệt, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 151/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính. Theo đó đã cắt giảm và đơn giản hóa 117/190 điều kiện kinh doanh thuộc 13 ngành nghề, qua đó tạo thuận lợi cho các DN.
Hàng trăm giờ nộp thuế được cắt giảm; hàng nghìn TTHC và hàng trăm điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa có tạo áp lực cho ngành Tài chính trong công cuộc cải cách của năm 2019 không, thưa Bộ trưởng?
Không chút đắn đo, BBộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời chúng tôi: Tuy số lượng TTHC trong lĩnh vực Tài chính được cắt giảm, đơn giản hóa trong thời gian qua tương đối lớn nhưng Bộ Tài chính vẫn đang bền bỉ rà soát để tiếp tục đề xuất các phương án đơn giản hóa TTHC trên tất cả các lĩnh vực quản lý, trong đó tập trung nghiên cứu giảm thời gian và chi phí thực hiện TTHC liên quan trực tiếp tới người dân, DN. Ví dụ như cuối năm 2018, tôi đã ký Quyết định phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa thêm 176 TTHC thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính, trong đó dự kiến sẽ tiếp tục cắt giảm, bãi bỏ 148 TTHC và đơn giản hóa 28 TTHC. Tương tự với điều kiện kinh doanh, Bộ Tài chính đang tiếp tục hoàn thiện để trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 68/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát, hải quan nhằm cắt giảm, đơn giản 29 điều kiện kinh doanh. Đồng thời, đang nghiên cứu để đầu năm 2019 trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 104/2007/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ đòi nợ để sửa đổi 5 điều kiện kinh doanh. Ngoài ra, dự án Luật Chứng khoán sửa đổi và Luật Quản lý thuế (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội thông qua vào năm 2019 cũng sẽ cắt giảm thêm 28 điều kiện nữa.
Cải cách vốn là một việc làm khó và cần sự quyết tâm rất lớn. Đối với một đơn vị đa ngành, đa lĩnh vực như Bộ Tài chính thì việc này còn khó hơn gấp nhiều lần. Thế nhưng, với sự quyết tâm của người đứng đầu Ngành cùng nỗ lực của toàn bộ các đơn vị trong ngành Tài chính từ Trung ương đến địa phương, công cuộc cải cách hành chính của Ngành bước đầu đạt nhiều thành tựu. Những kết quả ấy là minh chứng rõ ràng nhất cho việc Bộ Tài chính luôn nằm trong “top” 3/19 bộ, cơ quan ngang bộ về chỉ số cải cách hành chính (Par Index) từ năm 2014 đến năm 2017.
Tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu quả
Không dừng ở các kết quả trên, toàn ngành Tài chính còn liên tục “chuyển mình” trong việc sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đó cũng là một sự cải cách mang tính đột phá.
Thời điểm Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhận nhiệm vụ, tháng 5/2013, cũng là lúc vấn đề sắp xếp, đổi mới bộ máy đã được Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) đặt ra. Trước yêu cầu này, trong tất cả các cuộc họp nội ngành, người đứng đầu ngành Tài chính luôn quán triệt nội dung này với yêu cầu quyết liệt thực hiện. Kết quả, từ đầu năm 2013 đến hết năm 2017, Bộ Tài chính đã cắt giảm được khoảng 2.649 đầu mối các đơn vị từ cấp trung ương đến cấp tổ (đội) tại địa phương. Không những thế, triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, trong năm 2018, Bộ Tài chính đã thực hiện cắt giảm thêm được 536 đầu mối.
Chia sẻ thêm, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phấn khởi cho biết: Đến nay, tổ chức bộ máy ngành Tài chính đã được tinh gọn đáng kể, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cũng được nâng cao hơn, hoạt động nghiệp vụ chuyên môn của các đơn vị được đảm bảo thông suốt, không xáo trộn. Đó là những kết quả hết sức tích cực. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn phải tiếp tục triển khai trong thời gian tới song hành với nhiệm vụ cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức toàn Ngành thông qua hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp; thí điểm tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng; thu hút và tuyển dụng nhân tài; luân chuyển, luân phiên, chuyển đổi vị trí công tác; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ gắn với vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, viên chức.
KẾT
Có thể thấy, những mục tiêu cải cách của Bộ Tài chính trong thời gian tới đã được hoạch định rõ ràng từ phương hướng đến chỉ tiêu cụ thể. Chúng tôi tò mò: “Để tiếp tục thành công, việc cần làm trong thời gian tới là gì, thưa Bộ trưởng?”
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời rằng: Lãnh đạo Bộ Tài chính và lãnh đạo các cấp trong Ngành sẽ tiếp tục gắn việc cải cách hành chính, kiên trì việc đổi mới phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm gắn với việc quản lý rủi ro cải cách quy trình, nghiệp vụ, hiện đại hóa Ngành với cải cách bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ công chức viên chức, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát; lấy kết quả thực hiện là một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu đơn vị. Trong quá trình đó, Bộ Tài chính rất mong nhận được sự đồng thuận của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự quan tâm, ủng hộ, hỗ trợ của các cấp, các ngành.
5 năm với vô vàn thử thách đi qua cũng là mốc son đánh dấu “bước nhảy” ngoạn mục của ngành Tài chính về cải cách. Năm 2019 – năm nước rút có tính quyết định cho việc thực hiện Kế hoạch 5 năm 2016-2020 cũng như Kế hoạch Tài chính 5 năm giai đoạn 2016-2020 đã được dự báo đầy khởi sắc. Với sự cộng hưởng của những điều kiện thuận lợi ấy, chúng tôi cảm nhận sâu sắc rằng, nhiệm vụ tài chính - ngân sách sẽ tiếp tục bứt phá, tạo lực đẩy cho toàn Ngành “cán đích” thành công dưới sự dẫn dắt của vị Tư lệnh ngành đầy nhiệt huyết và quyết liệt.
Hải quan Việt Nam nâng cao tính chuyên nghiệp, hiện đại Như Bộ trưởng đã chia sẻ ở trên, công tác quản lý về Hải quan thời gian qua đã có những bước tiến mạnh mẽ, đặc biệt trong cải cách TTHC và sắp xếp bộ máy. Năm 2019 là thời điểm “mấu chốt” để ngành Hải quan thực hiện Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020 và Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành Hải quan giai đoạn 2016-2020. Để thành công, theo Bộ trưởng, những nhiệm vụ nào cần được tập trung triển khai? Năm qua, Hải quan Việt Nam đã rất nỗ lực, phấn đấu thực hiện rất tốt các nhiệm vụ trên các mặt công tác về thu NSNN, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa…. Đặc biệt, lần đầu tiên toàn ngành đã thu đạt 314.907 tỷ đồng, vượt cả chỉ tiêu dự toán và chỉ tiêu phấn đấu. Bước sang năm 2019 và những năm tiếp theo, trong bối cảnh diễn biến kinh tế thương mại trên thế giới đang diễn biến phức tạp khó lường đòi hỏi ngành Hải quan phải nghiên cứu và tiếp cận những tiêu chuẩn về chuyên môn cũng như thời gian thông quan trước mắt là như các nước ASEAN-4 và hơn nữa là mục tiêu các nước OECD. Để làm được, yêu cầu mà Chính phủ cũng như Bộ Tài chính đặt ra cho Hải quan Việt Nam là phải tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực Hải quan theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch… Có như vậy mới cải thiện được môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Với vai trò là Cơ quan Thường trực của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại, Tổng cục Hải quan cũng phải tích cực hơn trong việc phối hợp với các bộ, ngành gia tăng tỷ lệ các thủ tục hành chính thực hiện trên một cửa quốc gia; đẩy mạnh triển khai một cửa ASEAN; tiếp tục phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK, nhằm giảm thời gian thông quan hàng hóa. Đặc biệt, toàn lực lượng phải thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, kỷ cương kỷ luật. Đó là điều kiện cần để Hải quan Việt Nam tiếp tục phát triển cao và xa hơn nữa. |
Tin liên quan
Phát triển thương mại biên giới cần đồng bộ chính sách
14:17 | 01/11/2024 Chính sách và Cuộc sống
Công tác chuẩn bị tài chính cho dự án đường tốc độ cao đã sẵn sàng
21:47 | 29/10/2024 Kinh tế
Chính sách tài khoá cần trở lại trạng thái bình thường trong giai đoạn mới
14:54 | 29/10/2024 Tài chính
FTSE Rusell và Morgan Stanley làm việc với Uỷ ban Chứng khoán về nâng hạng thị trường
21:13 | 04/11/2024 Chứng khoán
Thu ngân sách nhà nước năm 2024 sắp cán đích dự toán
15:49 | 04/11/2024 Tài chính
Sửa đổi quy định để công chức thuế chủ động, trách nhiệm hơn
08:42 | 04/11/2024 Tài chính
Đề xuất nhiều giải pháp nhằm rút ngắn thời gian hoàn thuế
17:24 | 03/11/2024 Tài chính
Sàn thương mại điện tử Temu đã đăng ký thuế tại Việt Nam
09:57 | 03/11/2024 Thuế - Kho bạc
Hiệu quả từ xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực Kho bạc Nhà nước
07:31 | 03/11/2024 Tài chính
Cuối tháng 10/2024, còn hơn 2% vốn đầu tư công chưa được phân bổ
12:51 | 02/11/2024 Tài chính
Hoàn thiện pháp luật về thuế xuất nhập khẩu theo hướng miễn giảm đúng đối tượng
09:31 | 02/11/2024 Hải quan
Nhà đầu tư cá nhân được quyền đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ
17:41 | 01/11/2024 Chứng khoán
Tăng tính chủ động, phân quyền mạnh hơn khi sửa đổi 7 luật về tài chính
08:57 | 01/11/2024 Tài chính
Kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo an toàn nợ công quốc gia năm 2024
07:52 | 01/11/2024 Tài chính
Còn áp lực lên mặt bằng giá, phấn đấu CPI bình quân không vượt quá 4%
21:37 | 30/10/2024 Tài chính
Chuyển quyền cho Chính phủ miễn, giảm, xử lý tiền phạt chậm nộp thuế là phù hợp
20:41 | 29/10/2024 Tài chính
Vấn đề Bạn quan tâm
Tin mới
"Bức tranh" lợi nhuận ngân hàng 9 tháng năm 2024
Hải quan chủ trì phá 98 vụ án ma túy
Hải quan sân bay Cam Ranh phối hợp phát hiện, xử lý nhiều vụ buôn lậu
Trung Quốc xây dựng hệ thống trạm sạc xe điện lớn nhất thế giới
Tăng trích lập dự phòng rủi ro “bào mòn” lợi nhuận ngân hàng
Tuyên bố chung giữa Việt Nam và UAE về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện
08:35 | 29/10/2024 Sự kiện - Vấn đề
(INFOGRAPHICS) 32 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu nửa đầu tháng 10
09:14 | 29/10/2024 Infographics
Phiên họp Ủy ban Kỹ thuật thường trực WCO tại Bỉ: Dấu ấn điều hành của đại diện Hải quan Việt Nam
09:25 | 29/10/2024 Hải quan
Hành vi buôn lậu “khí cười” tại Công ty Hoa Việt diễn ra thế nào?
10:18 | 29/10/2024 An ninh XNK