Chi phí cho xung đột ở Ukraine sẽ gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế toàn cầu
Cuộc xung đột quân sự tại Ukraine không đơn thuần là bước sang năm thứ ba mà những chi phí khổng lồ cho cuộc chiến này đang và sẽ gây ra những ảnh hưởng to lớn đến nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là châu Âu.
Cuối năm ngoái, Liên hợp quốc ước tính tổng chi phí tái thiết và phục hồi Ukraine là khoảng 486 tỷ USD, tăng so với ước tính năm 2022 là 411 tỷ USD.
Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết từ đầu cuộc chiến đến cuối năm 2023, “thiệt hại trực tiếp ở Ukraine hiện đã lên tới gần 152 tỷ USD, trong đó nhà ở, giao thông, thương mại và công nghiệp, năng lượng và nông nghiệp là những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất."
Chính phủ Ukraine ước tính năm 2024 nước này cần khoảng 15 tỷ USD cho các ưu tiên tái thiết và phục hồi ngay lập tức ở cả cấp quốc gia và cộng đồng, đặc biệt là việc hỗ trợ và huy động khu vực tư nhân cùng với việc khôi phục nhà ở, cơ sở hạ tầng "mềm" và dịch vụ, năng lượng và giao thông vận tải.
Một báo cáo của Ủy ban Cứu hộ quốc tế (IRC) cho thấy một khu vực có diện tích tương đương với cả nước Romania đang đầy rẫy bom mìn và vụ nổ đập Nova Kakhkova đã khiến 600.000 ha đất canh tác không có nước tưới.
Với Nga, một ước tính gần đây của Lầu Năm Góc cho rằng Moskva đến nay đã chi 211 tỷ USD để trang bị, triển khai và duy trì các hoạt động quân sự ở Ukraine.
Bên cạnh chi tiêu quân sự, nền kinh tế Nga còn bị ảnh hưởng các lệnh cấm vận và biện pháp của phương Tây, trong đó Liên minh châu Âu (EU) vừa áp đặt gói trừng phạt thứ 14 đối với Liên bang Nga. Hiện EU cùng các nước Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và Australia phong tỏa số tiền hơn 320 tỷ USD của Ngân hàng Trung ương Nga. Ngoài ra, 70% tài sản của ngân hàng này và khoảng 20 tỷ euro (hơn 21,6 tỷ USD) tài sản của hơn 1.500 cá nhân và tổ chức đang chịu lệnh trừng phạt của phương Tây.
Trong khi đó, ngân sách quân sự toàn cầu năm ngoái đã lên tới 244.000 tỷ USD, cao hơn gần 7% so với năm 2022. Đây là mức tăng mạnh nhất theo năm kể từ năm 2009. Đối với mọi đàn ông, phụ nữ và trẻ em, chi tiêu quân sự trên thế giới hiện đang ở mức cao nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh - 306 USD/người. Riêng Mỹ, năm 2024 đã phân bổ 886 tỷ USD cho quốc phòng, tăng hơn 8% trong hai năm.
Đó là mới chỉ nói tới cuộc xung đột ở Ukraine, trong khi theo thống kê được đưa ra trong bức thư ngỏ mà hơn 50 nhân vật đạt giải Nobel vừa ký để kêu gọi chấm dứt các cuộc xung đột và xây dựng hòa bình, có ít nhất 55 cuộc xung đột vũ trang hiện đang diễn ra trên thế giới.
Bức thư nhấn mạnh lần đầu tiên kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai, số người thiệt mạng và bị thương ở châu Âu có thể vượt ngưỡng 1 triệu người. Mức tăng chi tiêu cho vũ khí tương đương với chi phí cần thiết để ngăn chặn nạn đói trên toàn hành tinh trong 80 năm.
Trong bối cảnh đó, những tín hiệu về khả năng nối lại đàm phán nhằm chấm dứt cuộc xung đột Ukraine được đặc biệt quan tâm. Về phía Ukraine, Tổng thống nước này Volodymyr Zelensky tại cuộc gặp quan chức Vatican ngày 23/7 tại Kiev, cho biết ông hiểu sự cần thiết phải chấm dứt xung đột càng sớm càng tốt. Trước đó, Tổng thống Zelensky tuyên bố đại diện của Nga cần phải có mặt tại hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine lần thứ hai.
Ngày 24/7, trong chuyến thăm Trung Quốc, Ngoại trưởng Ukraine, ông Dmytro Kuleba tuyên bố Ukraine đang chuẩn bị cho các cuộc đàm phán với Nga, đồng thời nhấn mạnh "các cuộc đàm phán cần phải hợp lý, mang tính thực chất và hướng tới mục tiêu đạt được nền hòa bình công bằng và lâu dài."
Theo tờ New York Times của Mỹ, lãnh đạo Ukraine đang xây dựng một kế hoạch nhằm ngăn chặn xung đột với Nga thông qua đàm phán hòa bình.
Về phía Nga, Tổng thống Vladimir Putin trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thăm Nga ngày 9/7 đã nhắc lại rằng Moskva luôn để ngỏ cánh cửa đối thoại.
Trước đó, phát biểu bên lề hội nghị Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) diễn ra ở Kazakhstan đầu tháng này, Tổng thống Putin cho rằng xung đột Ukraine khó chấm dứt thông qua hòa giải, nhưng Nga vẫn hoan nghênh việc hòa giải.
Hồi tháng 6, Tổng thống Putin đã đưa ra các điều kiện để chấm dứt giao tranh và bắt đầu đàm phán, trong đó có việc rút quân Ukraine khỏi các tỉnh Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia, công nhận các vùng lãnh thổ này là của Nga và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moskva.
Theo Tổng thống Putin, Nga sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán ngay lập tức, nhưng các điều kiện có thể thay đổi theo thời gian.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng nhấn mạnh Moskva sẵn sàng tìm kiếm sự cân bằng lợi ích để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine. Ngày 25/7, phản ứng về những tuyên bố của Ukraine về đàm phán, người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov khẳng định Nga sẵn sàng đàm phán với Ukraine về việc chấm dứt xung đột.
Hỗ trợ cho những tín hiệu đó là nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm khai thông bế tắc, thúc đẩy các bên sớm quay trở lại bàn đàm phán, trong đó phải kể tới chuyến công du của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Nga. Đặc biệt là các hoạt động ngoại giao con thoi của Thủ tướng Hungary Viktor Orban ngay sau khi Hungary nhậm chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) trong 6 tháng cuối năm.
Thủ tướng Orban đã tới Kiev để gặp Tổng thống Ukraine rồi sau đó đến Moskva để đối thoại với Tổng thống LB Nga. Tiếp đó, ông đến Bắc Kinh, tới Mỹ dự hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), mang theo thông điệp rằng giải pháp cho cuộc chiến ở Ukraine không nằm trên chiến trường mà trên bàn đàm phán.
Có thể thấy sự thay đổi lớn nhất ở đây là việc Ukraine dường như đã "hạ giọng" so với quan điểm khăng khăng từ chối hòa đàm lâu nay. Ông Zelensky cũng không loại trừ khả năng đàm phán trực tiếp với Tổng thống Nga Putin, mặc dù hai năm trước ông đã ký sắc lệnh cấm các cuộc đàm phán như vậy.
Giới phân tích cho rằng những diễn biến chính trị tại một số nước đồng minh chủ chốt của Ukraine đã tác động dẫn tới sự thay đổi này.
Tại Mỹ, đương kim Tổng thống Joe Biden, người ủng hộ mạnh mẽ Ukraine, đã rút lui khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng, trong khi tỷ phú Donald Trump, người được đảng Cộng hòa đề cử ra tranh chức tổng thống trong cuộc bỏ phiếu tháng 11 tới, từng tuyên bố rằng ông sẽ kết thúc chiến tranh rất nhanh nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, có thể đồng nghĩa với việc Kiev sẽ buộc phải đàm phán với Moskva.
Tại Pháp, dù Tổng thống Emmanuel Macron từng đề cập khả năng phương Tây gửi quân đến Ukraine, song nước này hiện rơi vào bế tắc chính trị từ sau cuộc bầu cử hạ viện đầu tháng 7.
Cuộc bầu cử nghị viện châu Âu (EP) cũng dẫn tới việc phe cực hữu không ủng hộ viện trợ quân sự cho Ukraine giành nhiều ghế hơn. Trong khi đó, hội nghị thượng đỉnh về hòa bình cho Ukraine lần thứ nhất tại Thụy Sĩ đã không mang lại kết quả cụ thể. Những diễn biến này có lẽ khiến giới chức Ukraine phải có những tính toán thực tế hơn.
Tuy nhiên, những tín hiệu về khả năng đàm phán mới chỉ là những chuyển động mang tính thăm dò, bởi việc thực hiện không chỉ phụ thuộc vào hai bên trên bàn đàm phán mà còn cả những nhân tố bên ngoài.
Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nhấn mạnh rằng, một trong những điều kiện để giải quyết tình hình tại Ukraine là phải dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt Moskva. Tuy nhiên EU tuần trước đã gia hạn tất cả các biện pháp trừng phạt Nga thêm 6 tháng, đến ngày 31/1/2025.
Mới đây, Bộ Ngoại giao Nga đã triệu tập Đại sứ Mỹ Lynne Tracy để bày tỏ sự phản đối và cảnh báo sẽ có hành động trả đũa trước các vụ tấn công mà Moskva cho rằng do Ukraine thực hiện bằng tên lửa ATACMS do Mỹ cung cấp.
Trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và phương Tây tiếp tục xấu đi nghiêm trọng, thậm chí có tính đối chọi về tư tưởng, để những tín hiệu về đàm phán được hiện thực hóa, có lẽ phải cần thêm những bước ngoặt mới./.
Tin liên quan
Lãnh đạo Nga, Ấn Độ điện đàm về quan hệ song phương và vấn đề Ukraine
10:14 | 28/08/2024 Nhìn ra thế giới
Vai trò khó thay thế của "công xưởng" Trung Quốc đối với nền kinh tế toàn cầu
09:45 | 14/08/2024 Nhìn ra thế giới
Dự báo kinh tế toàn cầu: Duy trì tốc độ ổn định trong bối cảnh nhiều thách thức
09:19 | 01/07/2024 Nhìn ra thế giới
Tín hiệu đáng khích lệ cho ngành bán lẻ Trung Quốc
08:22 | 22/11/2024 Nhìn ra thế giới
Brazil và Trung Quốc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược
09:01 | 21/11/2024 Nhìn ra thế giới
Nga phê chuẩn học thuyết hạt nhân sửa đổi với nhiều yếu tố mới
09:31 | 20/11/2024 Nhìn ra thế giới
BRICS PAY - thách thức của mạng lưới SWIFT
08:42 | 20/11/2024 Nhìn ra thế giới
1.000 kg methamphetamine giấu trong lô hàng ớt
07:51 | 20/11/2024 Hải quan thế giới
Tỷ lệ thanh toán bằng đồng ruble trong hoạt động thương mại của Nga tăng kỷ lục
09:20 | 19/11/2024 Nhìn ra thế giới
Đồng USD dưới thời Donald Trump 2.0 - vấn đề nan giải cho phần còn lại của thế giới
07:51 | 19/11/2024 Nhìn ra thế giới
Tác dụng ngược từ chính sách thuế quan của Mỹ
07:49 | 19/11/2024 Nhìn ra thế giới
(INFOGRAPHICS) Hội nghị thượng đỉnh G20: Xây dựng thế giới công bằng và hành tinh bền vững
10:01 | 18/11/2024 Nhìn ra thế giới
Lạm phát tại Anh có khả năng tăng vượt mục tiêu 2% của BoE
09:08 | 18/11/2024 Nhìn ra thế giới
APEC 2024: Hàn-Mỹ-Nhật nhấn mạnh cam kết tăng cường hợp tác
09:04 | 17/11/2024 Nhìn ra thế giới
Nga áp đặt các hạn chế xuất khẩu uranium làm giàu sang Mỹ
09:04 | 17/11/2024 Nhìn ra thế giới
Giải mã những lựa chọn nhân sự cho Nhà Trắng thời Donald Trump 2.0
09:52 | 15/11/2024 Nhìn ra thế giới
Vấn đề Bạn quan tâm
Tin mới
Minh bạch và giảm thiểu rủi ro nhờ ESG
Tín hiệu đáng khích lệ cho ngành bán lẻ Trung Quốc
Hải quan Quảng Bình: Tăng thu ngân sách nhờ thu hút doanh nghiệp
Lối đi cho hàng Việt trong cuộc đua thương mại điện tử
Nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam do xu hướng phục hồi mạnh mẽ
Chương trình Chuyển động Hải quan kỳ 2 tháng 11/2024
14:31 | 21/11/2024 Hải quan
(LONGFORM) Sứ mệnh phát triển quan hệ đối tác Hải quan- Doanh nghiệp
10:58 | 11/11/2024 Hải quan
Podcast Hải quan Online tổng hợp tuần 2 tháng 11/2024 (từ ngày 4/10 đến 10/11/2024)
08:52 | 11/11/2024 Multimedia
(INFOGRAPHICS): Thu ngân sách tại 10 đơn vị hải quan tăng 11,86%
14:03 | 04/11/2024 Infographics
(INFOGRAPHICS) 32 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu nửa đầu tháng 10
09:14 | 29/10/2024 Infographics