Quản lý, điều hành ngân sách cần tích cực, quyết liệt nhưng đảm bảo khả thi, nuôi dưỡng phát triển nguồn thu
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. |
Thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng đảm nhận trọng trách “Tư lệnh” ngành Tài chính trong thời điểm toàn ngành Tài chính tích cực triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, năm đầu thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025 và Chiến lược Tài chính 10 năm 2021 - 2030. Xin Bộ trưởng cho biết, đâu là những thuận lợi đối với công tác điều hành tài chính – ngân sách hiện nay?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc:
Được Đảng, Nhà nước tin tưởng, giao phó đảm nhận nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính, đây là vinh dự lớn song cũng rất nặng nề đối với cá nhân tôi, đòi hỏi trách nhiệm cao và nỗ lực phấn đấu để hoàn thành trọng trách được giao.
Sau thành công của Đại hội lần thứ XIII của Đảng, cùng với cả nước, ngành Tài chính đã khẩn trương bắt tay ngay vào việc triển khai, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) đặt ra trong 5 năm, 10 năm tới theo Nghị quyết của Đảng, làm cơ sở để tập trung lãnh đạo và chỉ đạo tổ chức thực hiện, sớm đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống.
Có thể nói, công tác điều hành tài chính – NSNN thời gian tới được dự báo có nhiều thuận lợi, đan xen với không ít khó khăn, thách thức.
Trước hết, nói về thuận lợi. Đến thời điểm này, đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Kết thúc kế hoạch 5 năm 2016 – 2020, mặc dù chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 vào năm cuối kế hoạch, kinh tế nước ta vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân khá cao (khoảng 5,9%); chất lượng tăng trưởng được cải thiện, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát kiểm soát ở mức thấp; quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt nhiều kết quả quan trọng; môi trường đầu tư, kinh doanh và sức cạnh tranh của nền kinh tế tiếp tục được cải thiện.
Bên cạnh đó, hòa bình, hợp tác, liên kết để phát triển vẫn là xu thế chủ đạo trong quan hệ quốc tế, mà khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, tiếp tục đóng vai trò động lực quan trọng của kinh tế toàn cầu; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động nhanh, sâu rộng, mở ra nhiều cơ hội cho các nền kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số...
Tiềm lực, quy mô và tính bền vững của NSNN được nâng lên. Giai đoạn 2016-2020, quy mô thu NSNN bình quân đạt 25,2% GDP, tăng 1,6 lần so với giai đoạn 2011-2015 và gấp 3 lần so với giai đoạn 2006-2010; tỷ lệ thu từ thuế, phí xấp xỉ 21% GDP; tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN đến năm 2020 đạt mức 85,6%, tăng gần 26% so với 10 năm trước đó. Quy mô chi NSNN cùng giai đoạn bình quân đạt xấp xỉ 28% GDP, được kiểm soát trong phạm vi thu và mục tiêu giảm dần mức bội chi NSNN; đã cơ cấu lại một bước chi NSNN, ưu tiên dành nguồn lực tăng chi đầu tư phát triển đến năm 2020 đạt khoảng 28% tổng chi NSNN để thực hiện đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực, giải quyết đói nghèo, thực hiện các mục tiêu công bằng, tiến bộ...; tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi NSNN giảm xuống dưới 64% và được quản lý chặt chẽ, triệt để tiết kiệm.
Dư địa tài khóa được củng cố, khả năng chống chịu của NSNN được tăng cường. Bội chi NSNN giai đoạn 2016-2020 bình quân là 3,45% GDP, thấp hơn bội chi mục tiêu (dưới 3,9% GDP); nợ công giảm mạnh từ mức 63,7% GDP cuối năm 2016 xuống còn 55,2% GDP cuối năm 2020 và được cơ cấu lại theo hướng bền vững hơn (huy động trong nước là chủ yếu, kéo dài kỳ hạn nợ, giảm lãi suất huy động,...). Nhờ đó, trong hoàn cảnh khó khăn của năm 2020, NSNN vẫn đảm bảo được nguồn lực thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ứng phó với đại dịch Covid-19, xử lý các nhu cầu cấp bách về khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ và đảm bảo an sinh xã hội.
Ngoài ra, sau nhiều năm đổi mới, khung khổ thể chế về tài chính – NSNN đã được tập trung hoàn thiện, đồng bộ, từng bước áp dụng các chuẩn mực và kinh nghiệm tốt của quốc tế phù hợp với trình độ phát triển và hội nhập của nền kinh tế, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Bên cạnh những thuận lợi thì những thách thức của công tác điều hành tài chính – ngân sách hiện nay cụ thể là gì, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc:
Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, tình hình cho thấy cũng có nhiều khó khăn, thách thức.
Đại dịch Covid-19 đã và đang có tác động nghiêm trọng đến kinh tế thế giới, tạo ra những bất ổn về chính trị - xã hội, cân đối tài chính – tiền tệ,... làm thay đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị toàn cầu và phương thức hoạt động kinh tế; từ đó có ảnh hưởng đến kinh tế nước ta.
Ở trong nước, đại dịch Covid-19 cũng đã và đang tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, dư địa nguồn lực của cả khu vực nhà nước, doanh nghiệp và người dân để hỗ trợ nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng bị suy giảm, các DNNVV cực kỳ khó khăn, lao động mất việc làm, thu hút đầu tư giảm, làm thu ngân sách khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều yếu kém nội tại của nền kinh tế vẫn chậm được khắc phục, như: trình độ khoa học, công nghệ, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp; độ “mở” của nền kinh tế cao, nhưng khả năng chống chịu, thích ứng với tác động bên ngoài còn hạn chế; biến đổi khí hậu, diễn biến bất thường thời tiết tiềm ẩn nhiều nguy cơ....
Trên thực tế, các cân đối tài chính vĩ mô, cân đối NSNN tuy đã có nhiều cải thiện, nhưng chưa thực sự bền vững và đang chịu thách thức lớn. Trong thu NSNN, các khoản thu thoái vốn, CPH DN và thu từ đất đai có tính chất “một lần” còn cao, thu từ hoạt động sản xuất – kinh doanh còn khó khăn, khả năng phát triển nguồn thu ngày càng hạn chế, vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương có xu hướng giảm. Chi NSNN còn dàn trải, manh mún, chưa phân định rõ phạm vi Nhà nước và thị trường; tổ chức thực hiện chưa tốt, giải ngân vốn đầu tư chậm, chuyển nguồn lớn..., dẫn đến hiệu lực, hiệu quả phân bổ, sử dụng nguồn lực công còn hạn chế; có nơi, có lúc xảy ra thất thoát, lãng phí...
Công tác đổi mới hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập chưa đáp ứng được yêu cầu; việc sắp xếp lại, CPH, thoái vốn tại DNNN còn chậm tiến độ; sự phát triển của các thị trường tài chính, dịch vụ tài chính chưa ổn định, tính minh bạch còn hạn chế, chi phí vốn cho nền kinh tế vẫn ở mức cao; kỷ luật, kỷ cương trong quản lý tài nguyên, đất đai, công sản còn kém hiệu quả, có nơi bị buông lỏng, dẫn đến sai phạm...
Những yếu tố trên sẽ ảnh hưởng tới công tác điều hành tài chính – NSNN trước mắt cũng như lâu dài. Trên cơ sở nhận thức rõ những thuận lợi và khó khăn, thách thức nêu trên, ngành Tài chính sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ đưa ra những chính sách, cơ chế phù hợp cho thời gian tới, quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc mục tiêu, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó, đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp phát triển của đất nước.
Xin Bộ trưởng cho biết những định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm trong quản lý, điều hành thu, chi NSNN sẽ được ưu tiên chỉ đạo trong giai đoạn 2021 – 2025?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc:
Giai đoạn 2021 – 2025 là giai đoạn 5 năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển đất nước từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Với ý nghĩa quan trọng đó, công tác quản lý, điều hành thu, chi NSNN trong 5 năm tới cần rất tích cực, quyết liệt, chủ động, nhưng cũng phải đảm bảo khả thi, nuôi dưỡng phát triển nguồn thu, quyết tâm phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ tài chính – NSNN đã đề ra.
Trên tinh thần đó, chúng tôi xác định mục tiêu tổng quát trong quản lý, điều hành thu, chi NSNN giai đoạn 2021 – 2025 là: Huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính của Nhà nước và xã hội phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; tiếp tục cơ cấu lại NSNN, nợ công, đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, an toàn, bền vững nền tài chính quốc gia, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh đổi mới khu vực DNNN, khu vực sự nghiệp công, quản lý tài sản công, phát triển đồng bộ các thị trường và dịch vụ tài chính; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; tăng cường cải cách hành chính, hiện đại hóa gắn liền với việc sắp xếp tổ chức lại bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Đồng thời, quán triệt yêu cầu của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đối với một số mục tiêu chủ yếu, như: tỷ lệ huy động nguồn ngân sách giai đoạn 2021-2025 đạt 15-16% GDP; bội chi NSNN giai đoạn 2021-2025 bình quân 3,7% GDP; đến năm 2025, nợ công không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP. Tiếp tục cơ cấu lại chi NSNN, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển; cân đối nguồn để thực hiện các đột phá chiến lược của nền kinh tế, nâng mức trợ cấp xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, cải cách chính sách tiền lương, chủ động đáp ứng yêu cầu cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh... Kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN, nợ công trong phạm vi mục tiêu đề ra, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia.
Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, ngành Tài chính sẽ triển khai đồng bộ, quyết liệt 10 nhóm nhiệm vụ và giải pháp, từ tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ; cho đến đổi mới cơ chế phân cấp, đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, sự sáng tạo, chủ động của địa phương; tăng cường vai trò vốn mồi của NSNN, khuyến khích xã hội hóa; tiếp tục cơ cấu lại NSNN; tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý tài chính - NSNN, đẩy mạnh đổi mới cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công và tái cấu trúc DNNN; cải thiện dư địa chính sách tài khóa, củng cố an toàn, an ninh nền tài chính quốc gia; tiếp tục cơ cấu lại thị trường tài chính, bảo hiểm, dịch vụ kế toán kiểm toán và phát triển các dịch vụ tài chính… Trong đó tập trung vào các nội dung trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống thu ngân sách theo hướng mở rộng cơ sở thu, áp dụng mức thuế suất hợp lý và rà soát, thu hẹp các ưu đãi thuế... nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả để tăng nguồn thu ngân sách. Có biện pháp chống chuyển giá, trốn thuế, tăng cường các biện pháp áp dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong công tác thu ngân sách. Phát hành hóa đơn điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn điện tử để áp dụng, bắt đầu từ 1/7/2022. Thực hiện quyết liệt thu thuế đối với giao dịch trên nền tảng số như sàn thương mại điện tử…
Hai là, đổi mới cơ chế phân cấp NSNN để bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, khuyến khích các địa phương tăng thu, huy động các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Tăng cường phối hợp với các ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Công an để thực hiện thu ngân sách tốt, tiến tới liên thông với dữ liệu đất đai, dân cư quốc gia, cấp phép kinh doanh, dữ liệu ngân hàng… để công tác thu đạt hiệu quả.
Ba là, nâng cao hiệu quả chi NSNN; phát huy vai trò đầu tư công làm vốn mồi để thu hút các nguồn lực xã hội, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội. Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiết kiệm chi thường xuyên để dành nguồn cải cách tiền lương và tăng chi đầu tư phát triển, chống dịch bệnh, thiên tai.
Bốn là, quản lý chặt chẽ, hiệu quả bội chi, nợ công, đảm bảo huy động nguồn lực trong khả năng vay - trả nợ của nền kinh tế; tiếp tục cải thiện dư địa chính sách tài khóa, tăng sức chống chịu của nền tài chính quốc gia .
Năm là, tiếp tục giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật tài chính – NSNN; đẩy mạnh công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý, sử dụng ngân sách và tài sản công; tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và phòng chống tham nhũng, lãng phí. Tiếp tục rà soát, đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính - NSNN.
Thị trường tài chính, dịch vụ tài chính Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và thúc đẩy kinh tế phát triển. Theo Bộ trưởng, cần lưu ý những vấn đề gì trong điều hành, phát triển thị trường tài chính thời gian tới?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc:
Trong những năm qua, đặc biệt là giai đoạn 2016-2020, thị trường tài chính và dịch vụ tài chính đã có bước phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò quan trọng trong việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Thị trường vốn đã phát triển theo đúng định hướng của Đảng, Quốc hội về phát triển thị trường tài chính trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn của nền kinh tế, phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ; góp phần quan trọng vào tái cơ cấu nợ công và đầu tư công, quá trình CPH DNNN và đóng góp cho sự phát triển chung của nền kinh tế.
Các cấu phần thị trường bao gồm thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh đều đạt tốc độ tăng trưởng cao, đạt và vượt các mục tiêu quy mô thị trường cổ phiếu, trái phiếu đến năm 2020. Quy mô của thị trường vốn tăng trưởng bình quân 28,5%/năm so với mức tăng trưởng 15,9% của giai đoạn 2010-2015. Đến cuối năm 2020, quy mô thị trường vốn đạt 131,97% GDP, trong đó quy mô thị trường cổ phiếu đạt 84,12% GDP, tốc độ tăng trưởng bình quân là 31,2%; quy mô thị trường trái phiếu đạt 47,85%GDP, tốc độ tăng trưởng bình quân 23,5%/năm. Quy mô huy động vốn qua thị trường vốn giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 2,97 triệu tỷ đồng, tương đương 32,3% tổng mức vốn đầu tư toàn xã hội. 5 tháng đầu năm 2021 tiếp tục phát triển.
Đối với thị trường bảo hiểm, giai đoạn 2016-2020 duy trì mức độ tăng trưởng tích cực, khẳng định vị thế, vai trò trong nền kinh tế-xã hội, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Tổng tài sản tăng trưởng bình quân 23,2%/năm, năm 2020 ước đạt 574.108 tỷ đồng; doanh thu phí bình quân tăng trưởng 21,5%/năm, năm 2020 ước đạt 185.651 tỷ đồng; tổng vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp bảo hiểm tăng bình quân 20,8%/năm, năm 2020 ước đạt 115.945 tỷ đồng. Năm 2020, đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 464.680 tỷ đồng (tăng 22,8% so với năm 2019), chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 47.761 tỷ đồng. Quy mô thị trường bảo hiểm đến cuối năm 2020 đạt 9,16% GDP.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang xây dựng Chiến lược Tài chính giai đoạn 2021-2030, trong đó Chiến lược phát triển thị trường vốn và Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm là các chiến lược nhánh quan trọng. Mục tiêu phát triển thị trường tài chính trong thời gian tới là trở thành kênh huy động vốn và thị trường giao dịch công khai minh bạch, phản ánh đúng đắn, trung thực hoạt động của nền kinh tế; đồng thời tạo ra các công cụ bảo vệ các tổ chức, cá nhân, bảo đảm an sinh xã hội và tăng năng lực cạnh tranh của thị trường. Một số định hướng điều hành chính trong thời gian tới như sau:
Về thể chế: tổ chức triển khai Luật Chứng khoán năm 2019 và Luật Doanh nghiệp năm 2020 để vận hành thị trường vốn, TTCK theo hướng an toàn, công khai, minh bạch. Xây dựng Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi và các văn bản hướng dẫn để phát triển thị trường bảo hiểm bền vững.
Về thị trường vốn: Hoàn thiện công tác tổ chức thị trường; Tích cực triển khai công tác tái cấu trúc TTCK; Phát triển nhà đầu tư; Phát triển thị trường vốn xanh và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của thị trường; Tiếp tục phối hợp với các tổ chức quốc tế về nâng hạng thị trường; Tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra.
Về thị trường bảo hiểm: Để thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm an toàn, bền vững đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân, bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm, đảm bảo an toàn hệ thống; phát triển đa dạng các sản phẩm bảo hiểm, các nhóm giải pháp thực hiện chính gồm: Thứ nhất, nâng cao tính minh bạch thông tin thị trường; Thứ hai, phát triển và chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối bảo hiểm; Thứ ba, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử phạt hành chính; Thứ tư, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Thứ năm, tăng cường vai trò của các hội nghề nghiệp; Thứ sáu, tăng cường kết nối liên thông giữa bảo hiểm y tế xã hội với bảo hiểm y tế thương mại.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Tin liên quan
Hải quan Đồng Nai: Cục trưởng trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với doanh nghiệp hàng tháng
09:26 | 02/11/2024 Hải quan
Hải quan Hà Nam Ninh số hóa hồ sơ, thủ tục hành chính trong hoạt động nghiệp vụ
14:58 | 02/11/2024 Hải quan
Phát triển thương mại biên giới cần đồng bộ chính sách
14:17 | 01/11/2024 Chính sách và Cuộc sống
Mua bán thuốc online
19:30 | 02/11/2024 Người quan sát
TP Hồ Chí Minh ra quân phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
19:27 | 02/11/2024 Sự kiện - Vấn đề
Thủ tướng: Phát triển giáo dục, đào tạo phục vụ kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
19:23 | 02/11/2024 Sự kiện - Vấn đề
Thông cáo chung giữa Việt Nam và Qatar
20:49 | 01/11/2024 Sự kiện - Vấn đề
Kẻ đáng gờm 2 tuổi
09:08 | 01/11/2024 Người quan sát
Đề xuất giữ nguyên phạm vi hưởng như lộ trình thông tuyến khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế
23:17 | 31/10/2024 Sự kiện - Vấn đề
Giải ngân vốn đầu tư công tại TP Hồ Chí Minh mới đạt gần 22%
20:43 | 31/10/2024 Sự kiện - Vấn đề
Giá xăng giảm, dầu tăng trong kỳ điều hành ngày 31/10
15:27 | 31/10/2024 Sự kiện - Vấn đề
Đề nghị thêm chính sách đặc thù cho Hải Phòng và Huế phát huy tiềm năng
13:47 | 31/10/2024 Sự kiện - Vấn đề
Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai tại Saudi Arabia
09:08 | 31/10/2024 Sự kiện - Vấn đề
Tổng Bí thư: Không lợi dụng phòng, chống tham nhũng để cản trở phát triển
20:17 | 30/10/2024 Sự kiện - Vấn đề
Thúc đẩy đàm phán nhanh hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Saudi Arabia
20:10 | 30/10/2024 Sự kiện - Vấn đề
"1 luật sửa 4 luật" về đầu tư để tăng phân cấp, gỡ khó cho kinh doanh
16:09 | 30/10/2024 Kinh tế
Vấn đề Bạn quan tâm
Tin mới
Khởi tố Công ty Biomass buôn lậu “khí cười”
Doanh nghiệp cần gì cho công cuộc chuyển đổi số?
Mua bán thuốc online
TP Hồ Chí Minh ra quân phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
Thủ tướng: Phát triển giáo dục, đào tạo phục vụ kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Tuyên bố chung giữa Việt Nam và UAE về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện
08:35 | 29/10/2024 Sự kiện - Vấn đề
(INFOGRAPHICS) 32 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu nửa đầu tháng 10
09:14 | 29/10/2024 Infographics
Phiên họp Ủy ban Kỹ thuật thường trực WCO tại Bỉ: Dấu ấn điều hành của đại diện Hải quan Việt Nam
09:25 | 29/10/2024 Hải quan
Hành vi buôn lậu “khí cười” tại Công ty Hoa Việt diễn ra thế nào?
10:18 | 29/10/2024 An ninh XNK