Giải pháp kiểm tra, kiểm soát trong quản lý hoá đơn điện tử

Kiểm soát rủi ro HĐĐT...
Ngày 10/5/2023, Tổng cục Thuế ban hành Công văn số 1669/TCT-QLRR hướng dẫn triển khai áp dụng quản lý rủi ro (QLRR) trong quản lý và sử dụng hóa đơn. Theo đó, ứng dụng QLRR phân hệ quản lý hóa đơn sẽ hỗ trợ phân tích rủi ro theo các Bộ chỉ số đánh giá (ban hành kèm theo Quyết định số 78/2023/QĐ-TCT ngày 2/2/2023) để xác định người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn.
Đáng chú ý, theo hướng dẫn tại Quy trình ban hành kèm theo Quyết định số 575/QĐ-TCT ngày 10/5/2023, ứng dụng sẽ tự động đánh giá, tính điểm vào ngày 25 hàng tháng, từ đó xác định các mức rủi ro cao, trung bình, thấp. Người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro sẽ được đưa vào danh sách kiểm tra, thanh tra hoặc thông báo chuyển hình thức sử dụng hóa đơn. Ngoài ra, ứng dụng cũng đưa thêm các chỉ tiêu thông tin, xây dựng sẵn các chỉ số tiêu chí Nhóm III và hỗ trợ cơ quan thuế xây dựng thêm các chỉ số tiêu chí mới phù hợp với địa phương, nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý hóa đơn.
Cùng với phân tích rủi ro, cơ quan thuế còn thực hiện kiểm soát rủi ro HĐĐT theo thông tin cảnh báo. Lý do là số lượng HĐĐT liên tục tăng nhanh trong thời gian qua đã đặt ra bài toán cần phải phát hiện nhanh, phát hiện sớm dấu hiệu xuất hóa đơn khống, sử dụng không hợp pháp hóa đơn cho cán bộ thuế. Để đáp ứng yêu cầu cấp thiết này, Tổng cục Thuế đã xây dựng chức năng “Danh sách người nộp thuế thuộc diện giám sát xuất hóa đơn vượt ngưỡng an toàn” trên Ứng dụng quản lý HĐĐT của cán bộ thuế triển khai theo Công văn số 2392/TCT-QLRR ngày 14/6/2023. Đồng thời ban hành Công văn số 1415/TCT-QLRR ngày 5/4/2024 về việc triển khai nâng cấp Chức năng cảnh báo sử dụng HĐĐT trên toàn quốc từ ngày 10/4/2024 để áp dụng đối với người nộp thuế là các tổ chức, DN và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có đăng ký sử dụng HĐĐT. Từ cảnh báo được ứng dụng đưa ra, cán bộ thuế sẽ thực hiện rà soát cập nhật thông tin thực tế (nếu có) hoặc tiến hành thông báo, yêu cầu người nộp thuế giải trình các thông tin cần thiết.
Với đặc thù tốc độ phát sinh nhanh của dữ liệu HĐĐT, chức năng này là công cụ theo dõi giám sát có độ trễ thấp, sát với thời gian xuất hóa đơn của người nộp, cho phép công chức thuế chủ động trong quá trình thực thi công vụ.
...và nhận diện những bất cập
Theo đánh giá, mặc dù công tác giám sát hồ sơ kê khai thuế và tình hình sử dụng HĐĐT của DN bằng công nghệ thông tin đã giúp cơ quan thuế nâng cao hiệu quả công tác quản lý, song qua nghiên cứu cho thấy, vẫn còn một số hạn chế. Đầu tiên là cơ sở dữ liệu HĐĐT và hạ tầng công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu quản lý, thể hiện rõ qua việc tích hợp thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước như sở kế hoạch và đầu tư, công an, hải quan… chưa đầy đủ. Dẫn đến thực trạng là các dữ liệu hiện tại chỉ giúp cơ quan thuế trong khâu đối soát; chưa kể vẫn còn một số lỗi về truyền dữ liệu, cập nhật thông tin, ảnh hưởng đến hoạt động quản lý thu. Các vấn đề về bảo mật thông tin dữ liệu HĐĐT cũng còn hạn chế; rủi ro lớn nhất là các dữ liệu HĐĐT có thể bị tấn công, đánh cắp thông tin, thay đổi tính toàn vẹn của dữ liệu trong quá trình truyền dữ liệu giữa các bên liên quan. Đối với HĐĐT không có mã xác thực của cơ quan thuế, người sử dụng phải mua phần mềm cung cấp HĐĐT từ một đơn vị cung cấp phầm mềm; hay sự đa dạng về dữ liệu làm cho việc mã hóa khó khăn, khiến không thể xử lý chúng bằng các nền tảng phân tích truyền thống.
Cùng với đó, cơ quan thuế còn gặp khó khăn trong việc phát hiện kịp thời các trường hợp dàn xếp giao dịch để gian lận thuế, hoàn thuế; xuất hóa đơn lòng vòng giữa các đơn vị có quan hệ liên kết để giảm nghĩa vụ thuế. Việc xử lý các hành vi này chưa kịp thời và chưa triệt để. Nguyên nhân là do việc đăng ký sử dụng HĐĐT rất dễ dàng, nên DN lợi dụng để buôn bán hóa đơn, trong khi cơ quan thuế chưa có quy định kiểm soát rủi ro ngay từ khâu đầu. Bên cạnh đó, việc khai thác dữ liệu HĐĐT chưa thật sự hiệu quả, một phần do giới hạn về nguồn nhân lực, một phần do cách phân quyền cho cán bộ thanh tra, kiểm tra thuế còn bất cập, cũng như trình tự, thủ tục ngăn chặn, xử lý chưa kịp thời. Ngoài ra, thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt, không thanh toán qua ngân hàng, đồng thời với việc người mua hàng không lấy hóa đơn là yếu tố khách quan gây khó khăn cho công tác quản lý HĐĐT nói riêng và quản lý thuế nói chung.
Đề xuất giải pháp kiểm tra, giám sát trong quản lý HĐĐT
Một là, thiết lập tiêu chí phân loại rủi ro đối tượng sử dụng HĐĐT. Các chỉ số tiêu chí quan trọng trong đánh giá rủi ro trong sử dụng hóa đơn của người nộp thuế cần xây dựng khách quan và sát với thực tiễn, từ đó hoàn thiện bộ chỉ số tiêu chí. Tiến tới xây dựng mô hình dự báo theo trí tuệ nhân tạo: áp dụng các thuật toán học máy phát hiện những trường hợp rủi ro gian lận khi sử dụng hóa đơn, xác định các trường hợp bất thường về mặt hàng và doanh thu với tài sản cố định, kho hàng và đánh giá mức độ rủi ro, xác định tiêu chí bất thường phục vụ lại cho công tác kiểm tra, thanh tra thuế.
Hai là, hoàn thiện các biện pháp quản lý dữ liệu, đảm bảo kiểm soát dữ liệu. Sau khi thu thập dữ liệu, cần đảm bảo các vấn đề về bảo mật, lưu trữ dữ liệu vào những nơi thống nhất, tạo điều kiện tiếp cận và cấp quyền truy cập đảm bảo mức độ bảo mật cao hơn. Hệ thống quản lý dữ liệu HĐĐT cần được áp dụng các công cụ, phần mềm kỹ thuật tiên tiến và được vận hành bởi đội ngũ chuyên gia công nghệ thông tin, các vấn đề phát sinh khi cập nhật dữ liệu mới hàng ngày sẽ được giải quyết và tạo khả năng tiếp cận, sử dụng dữ liệu mới. Hệ thống quản lý dữ liệu HĐĐT cần đảm bảo khả năng ngăn chặn truy cập trái phép, thao túng hoặc sử dụng dữ liệu và thông tin trái quy tắc; đảm bảo dữ liệu có thể được sử dụng hiệu quả cho công tác quản lý HĐĐT.
Ba là, các giải pháp về hạ tầng công nghệ. Hạ tầng công nghệ là vấn đề cốt lõi trong chuyển đổi số. Hoàn thiện hạ tầng công nghệ về HĐĐT cần từng bước nâng cấp, bởi hoàn thiện các ứng dụng công nghệ thông tin là yêu cầu quan trọng trong đáp ứng triển khai HĐĐT theo đúng lộ trình đã đề ra. Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin HĐĐT bao gồm tập hợp thiết bị tính toán (máy chủ, máy trạm), hệ thống đường truyền, thiết bị kết nối mạng, thiết bị (hoặc phần mềm) an ninh an toàn mạng và cơ sở dữ liệu, thiết bị lưu trữ, thiết bị ngoại vi và thiết bị phụ trợ, mạng nội bộ. Đồng nghĩa, cần phải đầu tư đồng bộ về thiết bị để đảm bảo đường truyền được thông suốt và liên tục, tăng cường bảo mật, đảm bảo an ninh mạng. Đặc biệt, cần chú trọng các giải pháp an toàn, bảo mật thông tin tại cơ quan thuế các cấp, ngăn chặn các nguy cơ xâm nhập, mất an ninh thông tin trong môi trường ứng dụng thuế điện tử.
Bốn là, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về HĐĐT và hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu thông minh. Việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu về HĐĐT giúp cơ quan thuế có dữ liệu lớn về các thông tin giao dịch giữa người bán và người mua trong quá trình mua bán trao đổi hàng hóa, từ đó có thể phân tích được hành vi của người nộp thuế trong việc tuân thủ pháp luật về thuế. Vì thế, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về HĐĐT, kết hợp kết nối với các cơ sở dữ liệu khác (như cơ sở dữ liệu về dân cư, cơ sở dữ liệu đất đai, dữ liệu từ ngân hàng cần có liên thông) và có công cụ kiểm soát là cần thiết… Đây là bước tiến lớn về chuyển đổi phương thức quản lý thuế, chuyển đổi số ở lĩnh vực thuế; xây dựng cơ sở dữ liệu, phát hành HĐĐT và quản lý tốt HĐĐT, để từ đó có thể dùng trí tuệ nhân tạo quản lý HĐĐT từ dữ liệu lớn về hóa đơn.
Năm là, cải thiện mức độ tuân thủ thuế của DN. Việc cải thiện mức độ tuân thủ thuế nhằm đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo đó, cơ quan thuế cần công khai tiêu chí phân loại mức độ tuân thủ, mức độ rủi ro người nộp thuế và kết quả phân loại mức độ tuân thủ của người nộp thuế để DN nắm và thực hiện, tránh được sai sót, vi phạm trong quá trình kê khai và nộp thuế, đồng thời được hưởng đầy đủ quyền lợi tương ứng với mức độ tuân thủ pháp luật của mình.
Sáu là, tăng cường quản lý rủi ro. Trong đó, cần hoàn thiện quy trình quản lý rủi ro HĐĐT trong việc thu thập, xử lý, quản lý, sử dụng thông tin liên quan đến người nộp thuế; đồng thời đánh giá tuân thủ pháp luật thuế và phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế, từ đó áp dụng các biện pháp nghiệp vụ quản lý thuế tương ứng, phù hợp. Theo đó, tiêu chuẩn ISO 31000 là một tiêu chuẩn cung cấp các nguyên tắc, khung và quy trình quản lý rủi ro có thể được sử dụng cho bất kỳ tổ chức với quy mô nào. Khi có dấu hiệu rủi ro, hệ thống sẽ tự phát hiện và phân tích, cảnh báo sớm đến người nộp thuế và cơ quan thuế.
Tài liệu tham khảo
Bộ Tài chính (2011), Thông tư số 32/2011/TT-BTC hướng dẫn về khởi tạo, phát hành và sử dụng hóa đơn điện tử bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
Chính phủ (2020), Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"
Chính phủ (2020), Điều 16, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP
Tổng cục Thuế (2023), Quyết định số 183/QĐ-TCT về việc sửa đổi bổ sung quy chế tổ chức và hoạt động của ban quản lý rủi ro.
Công văn số 2392/TCT- QLRR về việc kiểm tra HĐĐT.
Quyết định số 78/2023/QĐ-TCT của Tổng cục Thuế ban hành Bộ chỉ số tiêu chí đánh giá, xác định người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn.
Quy chế chuyển tin báo vụ việc về thuế, hồ sơ kiến nghị khởi tố đối với hành vi vi phạm pháp luật về thuế có dấu hiệu tội phạm đến cơ quan điều tra ban hành theo Quyết định số 489/QĐ-TCT.
Quyết định 575/QĐ-TCT của Tổng cục Thuế về việc ban hành quy trình áp dụng quản lý rủi ro đánh giá, xác định người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn.
Tôn Thất Viên
Tin liên quan

Mở rộng đối tượng được giảm thuế giúp nền kinh tế sớm phục hồi, tăng trưởng
14:22 | 28/03/2025 Diễn đàn

Hiệu quả triển khai các ứng dụng quản lý hóa đơn điện tử
15:26 | 19/12/2024 Diễn đàn

Quản lý thuế thương mại điện tử tại Việt Nam: đánh giá chính sách và kiến nghị
11:06 | 02/12/2024 Diễn đàn

Quản lý thuế hoạt động thương mại điện tử: hạn chế pháp lý và đề xuất hoàn thiện
09:57 | 25/11/2024 Diễn đàn

Giải pháp nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế
09:09 | 18/11/2024 Diễn đàn

Bài 2: Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý thuế hộ kinh doanh ở Việt Nam
09:07 | 18/11/2024 Diễn đàn

Thuế với biến đổi khí hậu: kinh nghiệm tại một số nước G7 và khuyến nghị cho Việt Nam
09:01 | 11/11/2024 Diễn đàn

Quản lý thuế hộ kinh doanh: kinh nghiệm quốc tế và một số giải pháp cho Việt Nam
08:57 | 11/11/2024 Diễn đàn

Bài 3: Sửa đổi quy định về biện pháp cưỡng chế để đảm bảo thu kịp thời tiền nợ thuế vào NSNN
08:49 | 04/11/2024 Diễn đàn

Đề xuất 3 phương án xác định ngưỡng chịu thuế GTGT đối với hộ và cá nhân kinh doanh
08:48 | 04/11/2024 Diễn đàn

Bài 2: Thiết lập hành lang pháp lý về quản lý thuế thương mại điện tử, đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng, bình đẳng
11:25 | 28/10/2024 Diễn đàn

Chuyển giá quyền sở hữu trí tuệ: bài học kinh nghiệm cho Việt Nam từ vụ kiện của Apple
08:51 | 28/10/2024 Diễn đàn

Quản lý hóa đơn điện tử: cần đồng bộ nhiều giải pháp
08:48 | 28/10/2024 Diễn đàn
Tin mới

Các mẫu xe Lynk & Co được ưu đãi lớn trong tháng 4

Mỹ - thị trường xuất khẩu trăm tỷ đô của Việt Nam

Subaru tặng quà lớn nhân 15 năm có mặt tại Việt Nam

Hải quan khu vực IV đặt mục tiêu giảm ít nhất 30% thời gian thực hiện thủ tục hải quan

Khai trương tuyến dịch vụ vận tải container tốc hành TPHCM- Thượng Hải- Bờ Tây Hoa Kỳ

(INFOGRAPHICS) Kết quả xuất nhập khẩu nổi bật trong 2 tháng đầu năm 2025
12:51 | 27/03/2025 Infographics

(Infographics) Tổng thu từ xuất nhập khẩu các tỉnh, thành vùng Tây Nguyên
10:50 | 15/12/2024 Hải quan

(INFOGRAPHICS) Kim ngạch hơn 67 tỷ USD, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam
11:29 | 04/12/2024 Dòng chảy xuất nhập khẩu

(INFOGRAPHICS): Tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp tham gia chương trình tự nguyện tuân thủ
16:30 | 06/12/2024 Hải quan

(INFOGRAPHICS) Tổng thu từ XNK các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ
16:33 | 06/12/2024 Multimedia