Dư thừa điện năng lượng tái tạo, giá điện có giảm?
Ước tính, năm 2021 Việt Nam có thể khai thác 32 tỷ kWh điện tái tạo, gấp nhiều lần so với năm 2020. Ảnh: Nguyễn Thanh |
Cắt giảm 1,68 tỷ kWh điện năng lượng tái tạo
Theo Bộ Công Thương, kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2019 của EVN cho thấy với tổng chi phí của tất cả các khâu phát điện, truyền tải, phân phối - bán lẻ điện và phụ trợ, quản lý ngành, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2019 là 1.848,85 đồng/kWh, tăng 7,03% so với năm 2018. Giá thành khâu phát điện cũng tăng do giá than, giá dầu, giá khí đều tăng. Đặc biệt, khoản chênh lệch tỷ giá chưa hạch toán vào giá thành điện năm 2019 còn tới hơn 9.249 tỷ đồng. Năm 2020, mặc dù tình hình tài chính của EVN đã được cải thiện khi tiếp tục duy trì mức lãi, song các khoản còn treo lại vẫn đang là áp lực lớn. |
Theo báo cáo mới đây của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN): đại dịch Covid-19 xảy ra khiến nhu cầu sử dụng điện giảm. Sản lượng điện thực tế năm 2020 là 247 tỷ kWh, tăng trưởng phụ tải ở mức 3%, một con số rất thấp. Các năm trước đây, khi không xảy ra dịch bệnh, tốc độ tăng trưởng phụ tải thông thường ở mức 9-10%. Trong khi đó, năm 2020 chứng kiến sự bùng nổ của điện tái tạo. Cả năm 2020, sản lượng điện năng lượng tái tạo khai thác được là 12 tỷ kWh, cho dù kế hoạch ban đầu chỉ là trên 10 tỷ kWh.
Bước sang năm 2021, Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng điện. Việc cung ứng điện từ nay đến hết năm 2021 phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh và chính sách của Chính phủ. Song, nguồn năng lượng tái tạo vẫn được huy động ở mức cao. Theo ước tính của Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), năm 2021 có thể khai thác 32 tỷ kWh điện tái tạo, gấp nhiều lần so với năm 2020.
Ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc A0 cho biết, để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia trong bối cảnh nguồn cung năng lượng tái tạo lớn, trong khi nhu cầu tiêu dùng điện thấp, việc huy động nguồn được thực hiện theo thứ tự ưu tiên các nhà máy điện đảm bảo các điều kiện về kỹ thuật (điện áp, ổn định, quán tính, dự phòng điều tần, công suất cao điểm) rồi đến các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời, sinh khối, thủy điện nhỏ và vừa, thủy điện lớn đang xả), sau đó đến các nguồn điện còn lại.
Do vậy, trong 4 tháng đầu năm 2021, A0 đã buộc phải cắt giảm gần 470 triệu kWh điện năng lượng tái tạo (trong đó đã cắt giảm 447,5 triệu kWh điện mặt trời trang trại, chiếm 13,3% khả năng phát của các nhà máy điện mặt trời và cắt giảm 19,7 triệu kWh điện gió, chiếm khoảng 4,8% khả năng phát của các nhà máy điện gió). Dự kiến trong năm 2021 sẽ cắt giảm khoảng 1,68 tỷ kWh điện năng lượng tái tạo (trong đó, sẽ cắt giảm 1,25 tỷ kWh điện mặt trời trang trại, chiếm khoảng 9% khả năng phát của các nhà máy điện mặt trời và cắt giảm khoảng 430 triệu kWh điện gió, chiếm khoảng 7% khả năng phát của các nhà máy điện gió).
Về nguyên nhân giảm phát năng lượng tái tạo cũng như các nguồn điện khác trong hệ thống điện quốc gia, ông Nguyễn Đức Ninh nói tới 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên phụ tải tăng trưởng rất thấp, thấp hơn so với các kế hoạch. Ví dụ như trong năm 2020, phụ tải chỉ tăng trưởng trên 3%, còn những tháng đầu năm nay cũng dao động từ 5 - 7%, tức là thấp hơn nhiều so với tăng trưởng phụ tải trong quá khứ. Thứ hai là do sự phát triển rất nhanh của nguồn năng lượng tái tạo. “Năm 2019, chúng ta có gần 5.000 MW điện mặt trời nối lưới, nhưng sang đến năm 2020 chúng ta lại tiếp tục có thêm gần 5.000 MW điện mặt trời nối lưới và 7.000-8.000 MW điện mặt trời áp mái. Cuối năm nay, dự báo sẽ tiếp tục bùng nổ điện gió. Với sự phát triển nhanh như vậy của các nguồn năng lượng tái tạo, lưới điện đồng bộ đi theo không đáp ứng được nhu cầu", ông Ninh nói.
Trong trung hạn, Việt Nam vẫn có nhu cầu lớn về điện, nguy cơ thiếu điện vẫn có thể xảy ra nếu không đầu tư thêm nguồn điện. Theo EVN, trong giai đoạn 2021-2025, phụ tải tăng trưởng khoảng 8,9%/năm, tương đương nhu cầu cung cấp điện tăng khoảng 23,6-30,5 tỷ kWh/năm. Sản lượng các nguồn mới bổ sung chỉ đạt 6,1-16,7 tỷ kWh/năm, thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu. Theo tính toán, năm 2022-2023, EVN phải huy động các nguồn dầu trong giai đoạn 2021-2023 để đáp ứng về mặt công suất hệ thống điện vào cao điểm chiều khi các nguồn điện mặt trời đã giảm công suất, nguồn điện khác chưa kịp tăng để đáp ứng nhu cầu phụ tải.
|
Nên giảm giá điện?
Suốt thời gian dài, nỗi đau đáu của ngành điện là thiếu điện. Ở thời điểm hiện tại, câu chuyện thừa điện, không chỉ giảm phát năng lượng tái tạo mà còn cả các nguồn điện khác trong hệ thống điện quốc gia khiến nhiều chuyên gia kinh tế đặt vấn đề: đã đến lúc ngành điện nên tính toán phương án giảm giá điện để kích thích sản xuất, tiêu dùng.
Theo PGS. TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), khi điện thiếu, ngành điện tăng giá và kêu gọi mọi người sử dụng hạn chế, tiết kiệm điện, vậy khi nguồn cung dư thừa, EVN và Bộ Công Thương cũng nên xem xét phương án giảm giá.
“Hiện nay, việc dư thừa nguồn cung không chỉ xảy ra ở khu vực năng lượng tái tạo mà còn ở các nguồn cung khác. Trên thực tế, chính EVN cũng đã đề xuất cắt giảm sản lượng sản xuất của điện than và thuỷ điện. Ngoài ra, khoảng 2 năm trở lại đây, lượng nước về nhiều nên giá thủy điện khá rẻ. Giá thành điện trung bình có thể giảm sâu. Sẽ là không hợp lý nếu giá điện đầu vào có thể giảm nhưng giá đầu ra lại không giảm”, ông Phạm Thế Anh nói.
Xung quanh câu chuyện điều chỉnh giá điện, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam phân tích, thời tiết các miền đang vào mùa nắng nóng, tiền điện thường tăng cao hơn. Trong khi điện đang thừa, người dân sẽ đặt câu hỏi tại sao không giảm giá điện? “Trong cơ chế điều tiết giá điện cần nghiên cứu trong tình hình mới khi có sự tham gia của nhiều nguồn năng lượng tái tạo; phải có tiêu chí giá vào giờ thấp điểm, cao điểm, khuyến cáo người dân sử dụng phù hợp. Việc giảm giá điện vừa giúp chia sẻ khó khăn với khách hàng trong bối cảnh đại dịch Covid-19, đồng thời vẫn đảm bảo mục tiêu giữ an toàn cho hệ thống truyền tải điện quốc gia”, ông Ngãi nhấn mạnh.
Mua điện giá cao, khó giảm giá bán
Theo đại diện Ban kinh doanh EVN, trong cơ cấu giá thành điện, chi phí mua điện chiếm từ 76-80%. Chi phí sản xuất điện của EVN có xu hướng giảm dần, nhưng do các nguồn giá điện rẻ như thủy điện có tỷ trọng trong xu hướng giảm để ưu tiên cho các nguồn khác, nhất là nguồn năng lượng tái tạo (có chi phí cao) như điện mặt trời, điện gió, điện khí... nên chi phí mua điện càng ngày càng tăng.
Trên thực tế, để có thể tải được lượng điện năng lượng tái tạo sản xuất ra, EVN phải giảm huy động các nguồn điện truyền thống như điện than, khí, thủy điện; đặc biệt lượng điện than giảm đáng kể. Ngay cả các thủy điện nhỏ cũng phải nhường giờ phát cao điểm để đảm bảo cho việc tiêu thụ điện mặt trời của các nhà máy. Tuy nhiên, việc phát hết điện năng lượng tái tạo, điển hình như điện mặt trời là điều không tưởng bởi có thể gây rủi ro cho hệ thống điện.
Ngoài ra, vì ưu tiên phát năng lượng tái tạo, các tổ máy thủy điện phải thay đổi linh hoạt công suất để bù đắp thay đổi năng lượng tái tạo và phạm vi mực nước giới hạn, ảnh hưởng an ninh cấp điện cuối mùa khô. Cùng với đó, các nhà máy nhiệt điện phải tăng số lần khởi động/thay đổi công suất các tổ máy nhiệt điện than/tuabin khí làm tăng nguy cơ sự cố tổ máy (sự cố Phú Mỹ 2.2, Bà Rịa,... ).
Thống kê của A0 cho thấy, năm 2019 có 4.500 MW điện mặt trời vào vận hành thì số lần khởi động tổ máy nhiệt điện do thừa năng lượng tái tạo là 74 lần; năm 2020 tăng lên 192 lần; còn 4 tháng đầu năm 2021 là 334 lần. Cũng phải nói thêm rằng, điện năng lượng tái tạo, điển hình là điện mặt trời lại có giá cao hơn nhiều thủy điện, nhiệt điện (điện mặt trời có giá từ 1.644-2.100 đồng/kWh chưa kể phí truyền tải), trong khi giá thủy điện, nhiệt điện trung bình thấp hơn nhiều.
“Nhìn chung, mặc dù chi phí khâu truyền tải, phân phối, dịch vụ phụ trợ của EVN giảm nhưng do cơ cấu nguồn sản xuất chiếm tỷ trọng cao nên cũng khó bù đắp để giảm chi phí nói chung, khi tỷ trọng các nguồn giá cao tăng lên”, đại diện EVN cho hay.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh: Giảm giá điện trong thời điểm hiện nay có ý nghĩa rất lớn Trong lần giảm giá điện đầu tiên thực hiện chương trình hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 vào tháng 4-6/2020, tất cả các DN và người dân đều rất hoan nghênh. Nhìn trên diện rộng với nhiều DN chế biến, sản xuất những mặt hàng thiết yếu thì việc cắt giảm chi phí tiền điện đã giúp DN tiết kiệm được chi phí khá lớn, lên đến hàng tỷ đồng. Bởi vậy, ở thời điểm hiện tại nếu thực hiện giảm giá điện cho người dân, DN sẽ đem lại ý nghĩa rất lớn. Giai đoạn hiện nay là thời điểm rất quan trọng trong quá trình phục hồi kinh tế. Hiện tại, các DN đều đang chạy đua để sản xuất, kinh doanh, hướng tới đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% như Quốc hội đã đặt ra.
GS. Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam: EVN nên đề xuất giảm giá điện cho 2 đối tượng Trước sự càn quét của đại dịch Covid-19 như hiện nay, EVN nên đề xuất giảm giá điện cho 2 đối tượng. Thứ nhất là các DN sản xuất kinh doanh; thứ hai là các cơ sở cách ly tập trung. Đối với DN sản xuất kinh doanh, mức giảm giá từ 5-10%, còn với các cơ sở cách ly tập trung, mức giảm cần cao hơn, thậm chí có thể miễn tiền điện từ 1-2 tháng cao điểm. Về vấn đề chu kỳ điều chỉnh giá điện nói chung, từng có đề xuất 6 tháng điều chỉnh/lần, có thể giữ nguyên hoặc tăng/giảm giá. Tuy nhiên, tôi cho rằng dù điều chỉnh như thế nào cũng cần phải thông báo định kỳ rộng rãi về việc điều chỉnh để người dân quen với việc này.
Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN): Cơ cấu giá thành của toàn hệ thống phụ thuộc vào nhiều nguồn sản xuất điện khác nhau Từ năm 2019 đến nay với những ưu đãi của Chính phủ ngành điện đã có sự tăng trưởng mạnh về quy mô công suất. Với số lượng 70.000 MW, Việt Nam đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 22 thế giới. Trong bối cảnh dịch Covid-19, điện sản xuất và tiêu dùng có giảm đi so với những năm trước nên áp lực lên ngành điện không cao. Với sự chuẩn bị như hiện nay, nếu không có trường hợp gì đặc biệt và rất đặc biệt thì ngành điện đảm bảo cung ứng điện an toàn trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Hiện nay, EVN chỉ còn nắm giữ 23% nguồn điện trong toàn hệ thống. Do đó, cơ cấu giá thành của toàn hệ thống phụ thuộc vào nhiều nguồn sản xuất điện khác nhau, tùy vào từng dự án đầu tư, thời điểm, cơ hội đầu tư. Mặc dù chi phí khâu truyền tải, phân phối, dịch vụ phụ trợ của EVN giảm nhưng do cơ cấu nguồn sản xuất chiếm tỷ trọng cao nên cũng khó bù đắp để giảm chi phí nói chung, khi tỷ trọng các nguồn giá cao tăng lên.
Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam: Giảm phát điện năng lượng tái tạo do ảnh hưởng dịch Covid-19 chỉ là nhất thời Hiện nay, Tập đoàn Trung Nam đã sở hữu hàng nghìn MW “điện sạch”, trong đó tổng công suất điện mặt trời đã đi vào vận hành là 794 MW, điện gió là 151,95 MW, chưa kể 118 MW thủy điện. Ngoài ra, còn 545,8 MW điện gió vẫn đang được Trung Nam ngày đêm thi công trên công trường để kịp vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021. Lượng công suất này của Trung Nam nếu so với toàn Đông Nam Á cũng thuộc “top” đầu, trải dài từ Ninh Thuận đến Tây Nguyên, Trà Vinh… Thời gian qua, chính sách giá mang tính khuyến khích của Nhà nước với điện gió, điện mặt trời đã đưa Trung Nam dấn thân vào lĩnh vực đầu tư năng lượng tái tạo. Trong đầu tư vào năng lượng sạch, việc quá tải đường dây truyền tải ở Ninh Thuận, Bình Thuận đã khiến nhiều nhà máy điện tái tạo không thể phát hết được lên lưới. Điều này đã ảnh hưởng đến hầu hết nhà đầu tư, trong đó có Trung Nam. Tuy nhiên nhìn chung thời gian gần đây, do Covid-19 nên nhu cầu dùng điện cho sản xuất, kinh doanh dịch vụ giảm, dẫn tới xảy ra việc thừa điện ở một số thời điểm và đây chỉ là nhất thời. Cho nên trong câu chuyện giảm phát năng lượng tái tạo cũng cần thông cảm với EVN hơn là trách móc. Đáng lưu ý, thời gian tới khi nhu cầu dùng điện tăng trở lại, việc quá tải đường dây cũng có thể xảy ra cũng dẫn đến việc cắt giảm công suất. Uyển Như |
Tin liên quan
Giá điện tăng 4,8%, lên hơn 2.100 đồng/kWh từ ngày 11/10
19:11 | 11/10/2024 Sự kiện - Vấn đề
TP Hồ Chí Minh tìm giải pháp thu hút đầu tư năng lượng tái tạo
09:07 | 21/09/2024 Kinh tế
Những cơ hội mới cho tương lai ngành điện, năng lượng tái tạo Việt Nam
14:55 | 04/09/2024 Kinh tế
(INFOGRAPHICS) Hơn 33 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu nửa đầu tháng 11/2024
15:46 | 22/11/2024 Infographics
“Thời khắc vàng” để các thương hiệu Việt vươn tầm thế giới
15:27 | 22/11/2024 Kinh tế
Xuất khẩu tăng hơn 45 tỷ USD, ngành hàng nào đóng góp nhiều nhất?
11:02 | 22/11/2024 Xuất nhập khẩu
Nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam do xu hướng phục hồi mạnh mẽ
08:17 | 22/11/2024 Kinh tế
Chính sách đột phá phát triển nhà ở xã hội
20:34 | 21/11/2024 Kinh tế
10 tháng chi hơn 117 tỷ USD nhập hàng Trung Quốc
14:35 | 21/11/2024 Xuất nhập khẩu
(INFOGRAPHICS) Malaysia: Đối tác chục tỷ đô của Việt Nam ở Đông Nam Á
11:01 | 21/11/2024 Infographics
(INFOGRAPHICS) Thương mại Việt Nam - Campuchia đạt hơn 8 tỷ USD
08:37 | 21/11/2024 Infographics
Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam: Cần được đánh giá rất kỹ với góc nhìn đa chiều
22:33 | 20/11/2024 Kinh tế
Giữa tháng 11, xuất nhập khẩu đạt hơn 681 tỷ USD bằng cả năm 2023
15:50 | 20/11/2024 Xuất nhập khẩu
Nhập khẩu nguyên liệu dệt may da giày tăng mạnh
14:49 | 20/11/2024 Xuất nhập khẩu
“Thủ phủ” xuất khẩu đồ gỗ trước nhiều cơ hội bứt phá
13:30 | 20/11/2024 Kinh tế
(INFOGRAPHICS) 70 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 10/2024
10:33 | 20/11/2024 Xuất nhập khẩu
Vấn đề Bạn quan tâm
Tin mới
Ra mắt Bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Sẽ có nhiều điểm mới quản lý loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu
Chú trọng hỗ trợ thuế cho các lĩnh vực mang tính động lực tăng trưởng
TP Hồ Chí Minh: Phổ biến pháp luật cho người Việt Nam ở nước ngoài
Giúp người tiêu dùng “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Chương trình Chuyển động Hải quan kỳ 2 tháng 11/2024
14:31 | 21/11/2024 Hải quan
(LONGFORM) Sứ mệnh phát triển quan hệ đối tác Hải quan- Doanh nghiệp
10:58 | 11/11/2024 Hải quan
Podcast Hải quan Online tổng hợp tuần 2 tháng 11/2024 (từ ngày 4/10 đến 10/11/2024)
08:52 | 11/11/2024 Multimedia
(INFOGRAPHICS): Thu ngân sách tại 10 đơn vị hải quan tăng 11,86%
14:03 | 04/11/2024 Infographics
(INFOGRAPHICS) 32 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu nửa đầu tháng 10
09:14 | 29/10/2024 Infographics