Người tiêu dùng châu Á đối mặt giá thực phẩm đắt đỏ nhất thập kỷ
Người nông dân thu hoạch lúa mì. Ảnh: Reuters |
Những nhà sản xuất thực phẩm đang áp mức giá cao hơn lên các hộ gia đình. Tình trạng này đang đè nặng lên người tiêu dùng và có khả năng làm suy giảm bất kỳ sự phục hồi kinh tế nào sau đại dịch COVID-19 ở châu Á. Tuy nhiên, một số nhà xuất khẩu và nông dân lại đang thu lợi từ các điều kiện thị trường hiện nay.
Chỉ số giá thực phẩm tháng 5/2021 do Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) công bố - tập trung vào giá thịt, sữa, ngũ cốc, dầu thực vật và đường - đã tăng tháng thứ 12 liên tiếp lên 127,1, chạm mức mức cao nhất trong gần 10 năm. Con số này cao hơn 40% so với một năm trước.
Theo tờ báo tài chính Nikkei, sự kết hợp giữa một số yếu tố đã khiến giá thực phẩm tăng vọt. Nhu cầu ở Trung Quốc, một trong những nước nhập khẩu lương thực lớn nhất thế giới, tăng mạnh do đã phục hồi sau đại dịch với tốc độ nhanh hơn hầu hết các nước còn lại trên thế giới.
Chi phí vận tải biển cao hơn do thiếu hụt container và gián đoạn chuỗi cung ứng là một nguyên nhân. FAO còn trích dẫn các vấn đề từ phía nguồn cung như sự chậm trễ trong thu hoạch cũng như tình trạng giảm sản lượng mía ở Brazil. Thêm vào đó, giá hàng hóa đã được thúc đẩy bởi dòng tiền đầu tư vào thị trường khi các nhà đầu tư đa dạng hóa rủi ro trong bối cảnh thanh khoản cao trên thị trường tài chính.
Trước tình hình đó, nhiều hãng sản xuất thực phẩm châu Á đang tăng giá để bù đắp chi phí nguyên liệu thô cao hơn. Các nhà nhập khẩu thực phẩm lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đều nhận thấy tác động của điều này.
Nhà máy xay bột mì Nhật Bản Nisshin Seifun Group sẽ tăng giá sản phẩm bột mì cho các hộ gia đình từ 2% đến 4% trong tháng 7. Công ty này cho biết họ đang gồng gánh giá nguyên liệu thô cao hơn cũng như chi phí hậu cần và đóng gói tăng. Nhà sản xuất thực phẩm Ajinomoto cũng sẽ tăng giá mayonnaise từ 1% đến 10% vào tháng tới, với lý do giá dầu ăn tăng lên trong vài tháng qua.
Ajinomoto sẽ tăng giá sản phẩm mayonnaise từ tháng tới. Ảnh: Nikkei |
Tại Hàn Quốc, chuỗi cửa hàng bánh mì lớn nhất nước này là Paris Baguette đã tăng giá bánh mì lên 5,6% trong tháng 2 do giá nguyên liệu đầu vào tăng. Tại Trung Quốc, giá một số loại dầu ăn từ đậu nành nội địa đã tăng 20% trong tháng 4.
Dữ liệu giá tiêu dùng chính thức đã cho thấy sự lạm phát ở một số quốc gia. Chỉ số giá tiêu dùng của Hàn Quốc đã tăng 2,6% trong tháng 5 so với một năm trước đó, đánh dấu mức tăng cao nhất kể từ tháng 3/2012, một phần do giá nông sản cao hơn. Đáng chú ý, giá thực phẩm và đồ uống không cồn đã tăng 7,4% so với một năm trước.
Philippines cũng đã ghi nhận lạm phát cao trong năm nay, với chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tăng 4,5% so với một năm trước đó. Tương tự, giá thực phẩm và đồ uống không cồn tăng 4,6%.
Nhà kinh tế Chua Hak Bin tại Maybank Kim Eng nhận định giá lương thực cao hơn có thể cản trở sự phục hồi của châu Á sau đại dịch. Ông Chua nói: “Giá lương thực tăng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng kinh tế phục hồi không đồng đều”.
Dù vậy, nông dân và các nhà xuất khẩu hàng hóa của châu Á vẫn có thể thu lợi nhuận từ việc giá tăng thực phẩm. Theo chuyên gia Chua nói, giá hàng hóa tăng, đặc biệt là lương thực, có thể có tác động tái phân phối mạnh mẽ, nâng cao thu nhập và việc làm ở nông thôn.
Theo Ngân hàng Trung ương Thái Lan, nguồn doanh thu từ trang trại của nước này - không bao gồm trợ cấp của chính phủ - đã tăng 14% trong tháng 4 so với một năm trước, do giá nông sản tăng. Thái Lan là một trong những nhà xuất khẩu đường và gạo lớn nhất thế giới.
Lợi nhuận ròng của nhà kinh doanh nông sản có trụ sở tại Singapore Wilmar International đã tăng gấp đôi lên 450 triệu USD trong quý đầu tiên của năm 2021 so với một năm trước, nhờ giá đường và dầu cọ cao hơn. "Giá dầu cọ cao sẽ có lợi cho hoạt động kinh doanh trồng cọ dầu của chúng tôi trong những tháng tới", công ty này cho hay.
Tuy nhiên, đại dịch kéo dài và số ca mắc COVID-19 ngày càng trầm trọng ở một số nền kinh tế châu Á sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung và cầu thực phẩm, làm phức tạp triển vọng về giá cả.
Ông Chua cho biết: “Giá lương thực có thể tiếp tục tăng do sự gián đoạn chuỗi cung ứng cũng như tình trạng phong tỏa ở các nước đang phát triển dựa vào nông nghiệp”. Ví dụ như Malaysia, một nước xuất khẩu dầu cọ chủ chốt. Quốc gia này bắt đầu đóng cửa toàn quốc từ ngày 1/6. Các nhà máy sản xuất ở đây cũng phải ngừng hoạt động vì số ca lây nhiễm tăng vọt.
Mặt khác, thị trường hàng hóa kỳ hạn cho thấy xu hướng tăng giá thực phẩm có thể đã chậm lại kể từ cuối tháng 5. Giá lúa mì kỳ hạn trên sàn giao dịch Chicago Board of Trade đã tăng trên 7,50 USD/giạ (khoảng 36 lít) vào tháng 5, nhưng đến đầu tháng 6, giá lúa mì giao dịch quanh mức 6,80 USD. Giá ngô và đậu tương kỳ hạn cũng diễn biến tương tự.
Với đà tăng và giá giảm sau đó, các nhà chức trách Trung Quốc đang chú ý nhiều hơn đến thị trường hàng hóa để ngăn chặn tình trạng đầu cơ quá mức. Một quan chức tại Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc hồi cuối tháng 5 cho biết cơ quan này sẽ phối hợp cùng các cơ quan chính phủ khác để kiểm soát tốt hơn giá cả trên thị trường hàng hóa.
Tin liên quan
Malaysia triển khai nhiều sáng kiến thúc đẩy thịnh vượng trong suốt năm 2024
11:00 | 23/12/2024 Nhìn ra thế giới
Cuộc "chiến tranh lạnh" mới
10:59 | 23/12/2024 Nhìn ra thế giới
Bấp bênh “núi nợ” của các nền kinh tế đang phát triển
13:48 | 22/12/2024 Nhìn ra thế giới
Hoạt động M&A toàn cầu có thể đạt mức cao nhất trong 4 năm
09:05 | 20/12/2024 Nhìn ra thế giới
Những yếu tố định hình thế giới 2025
08:15 | 20/12/2024 Nhìn ra thế giới
13 tấn cocaine trong lô hàng chuối nhập khẩu
15:56 | 19/12/2024 Nhìn ra thế giới
Cuba công bố chế độ tỷ giá hối đoái mới linh hoạt hơn
08:37 | 19/12/2024 Nhìn ra thế giới
Fed cắt giảm lãi suất lần thứ ba liên tiếp
08:37 | 19/12/2024 Nhìn ra thế giới
Ám ảnh bóng ma chiến tranh thương mại Mỹ-Trung
07:45 | 19/12/2024 Nhìn ra thế giới
Cuba tái khẳng định sẵn sàng đối thoại với Mỹ
08:49 | 18/12/2024 Nhìn ra thế giới
Hai nền kinh tế lớn nhất châu Âu đối mặt với nhiều thách thức
08:49 | 18/12/2024 Nhìn ra thế giới
Kinh tế Đức tiến gần đến ngưỡng suy thoái và nguy cơ không thể quay đầu
08:56 | 17/12/2024 Nhìn ra thế giới
Hoạt động kinh doanh ở Eurozone ảm đạm trong tháng 12
08:56 | 17/12/2024 Nhìn ra thế giới
Vấn đề Bạn quan tâm
Tin mới
Cơn khát căn hộ tại lõi trung tâm nội đô tiếp tục tiếp diễn
Công bố 10 sự kiện nổi bật ngành Công Thương năm 2024
Những thông tin hấp dẫn trên Tạp chí Hải quan số 103 phát hành ngày 24/12/2024
Chìa khóa để TPHCM tiến vào kỷ nguyên mới, vươn lên cùng khát vọng dân tộc
Kim ngạch xuất nhập khẩu tiến tới mốc lịch sử khoảng 800 tỷ USD
(Infographics) Tổng thu từ xuất nhập khẩu các tỉnh, thành vùng Tây Nguyên
10:50 | 15/12/2024 Hải quan
(INFOGRAPHICS) Kim ngạch hơn 67 tỷ USD, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam
11:29 | 04/12/2024 Infographics
(INFOGRAPHICS): Tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp tham gia chương trình tự nguyện tuân thủ
16:30 | 06/12/2024 Infographics
(INFOGRAPHICS) Tổng thu từ XNK các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ
16:33 | 06/12/2024 Xuất nhập khẩu
(INFOGRAPHICS) 66 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 11
14:29 | 12/12/2024 Infographics