“Gỡ rối” cho kinh doanh xăng dầu
Doanh nghiệp mong muốn đảm bảo hài hoà lợi ích các bên trong kinh doanh xăng dầu | |
Đề nghị tăng tính cạnh tranh cho thị trường kinh doanh xăng dầu |
Ảnh minh họa: Đức Duy |
Doanh nghiệp nào cũng khó khăn
Giá dầu Brent trên thế giới những năm qua liên tục biến động với biên độ mạnh, nhất là trước những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 cũng như những xung đột địa chính trị của nhiều quốc gia trên thế giới, làm dấy lên những cuộc khủng hoảng về an ninh năng lượng. Những thách thức và biến động lớn về giá đã đặt ra yêu cầu về quản lý kinh doanh, điều hành giá xăng dầu linh hoạt, hợp lý hơn. Do đó, dù mới được ban hành từ năm 2021, đến nay, Bộ Công Thương đang tiếp tục lấy ý kiến cho Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương): Chính sách quản lý không chạy theo những vấn đề cục bộ Xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm, là đầu vào quan trọng của nền kinh tế, cũng như ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát. Vì thế, việc quản lý xăng dầu luôn gắn với bài toán cạnh tranh, quản lý thị trường, “bàn tay” nhà nước đến đâu, nguồn lực của nhà nước dành cho mục tiêu kiểm soát, đảm bảo quản lý về xăng dầu phải được tính toán hài hòa phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế đất nước. Do đó, chính sách quản lý phải có tính dài hơi, tuân thủ quy luật khách quan, không chạy theo những vấn đề cục bộ, hiện tượng mang tính chất cực đoan, cũng như phải bám sát thực tiễn, diễn biến thị trường, quản lý nhà nước hài hòa giữa lợi ích doanh nghiệp, người dân và nhà nước. |
Một thương nhân phân phối xăng dầu tại Đắk Lắk chia sẻ, những sửa đổi về đầu mối quản lý hay phương thức điều hành tại dự thảo Nghị định không quan trọng, vấn đề mấu chốt nằm ở mức chiết khấu. Các doanh nghiệp dù ở cấp độ nào, từ phân phối đến bán lẻ đều phải chịu nhiều chi phí trong kinh doanh, bán hàng, nếu không có chiết khấu thì không đủ chi phí cho doanh nghiệp tồn tại. Nên vị này kiến nghị mức chiết khấu là từ 3,5-5% theo giá hiện hành.
Tại dự thảo Nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương vẫn giữ quan điểm không quy định mức tối thiểu mức chiết khấu với lý do để các doanh nghiệp tự quyết định, điều chỉnh linh hoạt nhằm đảm bảo hài hoà lợi ích trong từng giai đoạn, phù hợp cung cầu thị trường. Nhưng ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, đây là quy định “nửa vời”, nhiều doanh nghiệp phản ánh tình trạng chiết khấu bán lẻ bằng 0 hoặc thậm chí âm là nguyên nhân khiến các cửa hàng bán lẻ không muốn bán hàng, nhưng buộc phải bán vì nếu không sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt.
Nói rõ hơn về khó khăn của các doanh nghiệp bán lẻ, ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH Bội Ngọc, đại diện nhóm doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho rằng, kinh doanh xăng dầu hiện nay rất bất ổn, doanh nghiệp bán lẻ cực kỳ khó khăn. Mấu chốt là làm sao xây dựng được nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu lâu dài, ổn định, đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển kinh tế. Theo ông Chấn Tây, nếu không có chiết khấu thì không thể đảm bảo được thị trường xăng dầu ổn định, doanh nghiệp bán lẻ không có lãi thì không thể duy trì kinh doanh. Vì thế, nghị định sửa đổi cần quy định mức chiết khấu tối thiểu và xem đó là khoản chi phí nhất định để đảm bảo hoạt động của thị trường xăng dầu. Tuy nhiên, cần chia 3 khâu rõ ràng: đầu mối, phân phối và bán lẻ.
Theo thống kê từ nhóm 950 doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu - nhóm có trên 9.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, chiếm 53% số cửa hàng bán lẻ trên cả nước, mặc dù là doanh nghiệp bán lẻ nhưng giá trị tài sản rất lớn, tính bình quân suất đầu tư 10 tỷ đồng cho mỗi cửa hàng thì tổng tài sản ước tính lên tới 90.000 tỷ đồng. Chi phí tối thiếu để vận hành một cửa hàng xăng dầu lên tới 100 triệu đồng/tháng nên ước tính số tiền thua lỗ trong 1 năm qua có thể lên đến 3.000 đến 4.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp này cho biết, nếu thua lỗ kéo dài, 9.000 cửa hàng bán lẻ buộc phải xin rút giấy phép và ngừng kinh doanh. Khi đó, chuỗi cung ứng trên toàn quốc đứt gẫy trên 50% ảnh hưởng lớn đến đời sống và nền kinh tế.
Trong khi đó, từ góc nhìn doanh nghiệp đầu mối, ông Nguyễn Hồng Nam, Trưởng ban chính sách kinh doanh Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chia sẻ, kinh doanh xăng dầu có rất nhiều thành phần kinh tế tham gia. Trong giai đoạn khó khăn vừa qua, bản thân các doanh nghiệp đầu mối cũng chịu nhiều áp lực. “Số thua lỗ của chúng tôi nhiều hơn của doanh nghiệp bán lẻ rất nhiều nên không đủ nguồn lực để chia sẻ thù lao chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ”, ông Nam nói.
Tương tự, ông Phạm Văn Thoại, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM (Saigon Petro) cũng cho biết về tình trạng “lỗ quá trời nhưng không dám nói” của các doanh nghiệp đầu mối. Bởi trách nhiệm của doanh nghiệp đầu mối là phải nhập khẩu để cân đối nguồn hàng. Hàng năm doanh nghiệp chỉ được đăng ký một lượng hàng nhập nhất định từ hai nhà máy lọc dầu trong nước, còn lại phải nhập khẩu nhưng vấn đề không dễ về cả nguồn hàng và giá cả. Hơn nữa, doanh nghiệp nhập khẩu còn phải chịu rủi ro từ chênh lệch tỷ giá.
Hài hòa lợi ích, cạnh tranh công bằng
Theo ý kiến góp ý về dự thảo Nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu của VCCI, rất nhiều quy định quản lý trong lĩnh vực xăng dầu đang làm giảm tính cạnh tranh của thị trường. Chẳng hạn, điều kiện đầu tư kinh doanh và gia nhập thị trường quá cao khiến các doanh nghiệp đang tồn tại trên thị trường lo lắng về nguy cơ có doanh nghiệp mới gia nhập dẫn đến các doanh nghiệp đang tồn tại không có nhiều động lực cải tiến nâng cấp dịch vụ để thu hút người dùng… Do đó, những vấn đề này cần được giải quyết nhằm tăng tính cạnh tranh của thị trường, chỉ có áp lực cạnh tranh mới khiến nhà cung cấp không thể tăng giá một cách bất hợp lý.
Chính sách cho kinh doanh xăng dầu cần được sửa đổi theo hướng tăng tính cạnh tranh, công bằng cho hoạt động của các doanh nghiệp ở mọi thành phần. Ảnh: H.Dịu |
Theo đại diện nhóm thương nhân phân phối xăng dầu Việt Nam, thương nhân phân phối cũng là nhà đầu tư, là kênh phân phối xăng dầu, liên kết với nhau tạo nên sự cạnh tranh làm phát triển thị trường, không phải chỉ là khâu “trung gian” nhưng nhiều quy định làm hạn chế hoạt động của thương nhân. Chẳng hạn, Bộ Công Thương đưa ra phương án hạn chế quyền mua bán của đội ngũ thương nhân phân phối, “siết” việc mua chỉ từ 3 đầu mối. Theo các thương nhân phân phối, điều này sẽ gây thiếu hụt nguồn cung khi khâu phân phối không mua hàng linh hoạt được và làm cho tính độc quyền của thị trường tăng lên. Hơn nữa, quy định này cũng làm mất đi tính cạnh tranh công bằng và bình đẳng vì nếu 3 đầu mối không bảo đảm được nguồn hàng hóa thì hệ thống đại lý sẽ đứt gãy.
Trong khi đó, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cũng đề nghị có các quyền và nghĩa vụ bình đẳng như thương nhân đầu mối để đảm bảo sự công bằng của pháp luật và bảo hộ quyền sở hữu tài sản, vốn đầu tư mà doanh nghiệp đã bỏ ra đầu tư xây dựng các cửa hàng bán lẻ xăng dầu như quy định. Ngoài ra, với quy định tại dự thảo, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu chỉ được mua hàng của một đầu mối là một “bất công, bất hợp lý”, bởi sẽ tạo điều kiện cho thương nhân đầu mối có quyền đưa ra các quy định về chiết khấu không phù hợp.
Có thể thấy, các doanh nghiệp dù ở lĩnh vực nào cũng mong muốn được kinh doanh trong một môi trường công bằng, minh bạch. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế trung ương (CIEM), cơ quan quản lý cần rà soát điều kiện kinh doanh, bỏ các quy định hạn chế quyền tự do kinh doanh và chỉ giữ lại các quy định, tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn. Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng nêu quan điểm, thể chế cần phải tạo động lực cho doanh nghiệp muốn bán hàng, muốn cạnh tranh lành mạnh, nên cơ quan quản lý nhà nước cũng phải thay đổi tư duy, không chỉ “cơi nới” trong nghị định hiện hành.
Từ những vấn đề như trên, các chuyên gia và doanh nghiệp kiến nghị cần tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, cũng như tiến hành nghiên cứu, học kinh nghiệm điều hành kinh doanh xăng dầu của các nước, nhất là các nước có điều kiện tương tự như Việt Nam… để hướng tới một môi trường kinh doanh xăng dầu bền vững, công bằng.
Tin liên quan
Thủ tướng chỉ đạo phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP năm 2025 đạt trên 8%
15:53 | 21/12/2024 Sự kiện - Vấn đề
Tăng doanh thu từ xây dựng chuỗi cung ứng bền vững
15:57 | 21/12/2024 Doanh nghiệp - Doanh nhân
Cục Thuế TP Hồ Chí Minh tuyên dương 136 doanh nghiệp nộp thuế tiêu biểu
18:26 | 20/12/2024 Thuế - Kho bạc
Xuất khẩu 2024 có thể lập đỉnh mới hơn 400 tỷ USD
09:38 | 23/12/2024 Xuất nhập khẩu
Đánh thức tiềm năng dược liệu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
08:38 | 23/12/2024 Kinh tế
Trung Đông- thị trường tiềm năng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam
15:28 | 22/12/2024 Kinh tế
(INFOGRAPHICS) Xuất nhập khẩu nửa đầu tháng 12 có chiều hướng giảm
10:54 | 22/12/2024 Infographics
Xuất khẩu dừa bước vào chu kỳ tăng tốc
09:52 | 22/12/2024 Kinh tế
Xuất nhập khẩu chính thức đạt gần 750 tỷ USD
18:24 | 20/12/2024 Xuất nhập khẩu
Cơ hội bền vững để hàng Việt Nam thâm nhập thị trường toàn cầu
08:00 | 20/12/2024 Kinh tế
Nắm bắt xu thế chuyển đổi xanh - Cơ hội sống còn của doanh nghiệp Việt Nam
07:53 | 20/12/2024 Kinh tế
Diễn biến nào của lãi suất cho vay trong năm 2025?
21:39 | 19/12/2024 Kinh tế
Nhập khẩu từ Trung Quốc cao kỷ lục đạt hơn 130 tỷ USD
14:40 | 19/12/2024 Xuất nhập khẩu
TP Hồ Chí Minh: Đa dạng hình thức hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa
07:46 | 19/12/2024 Kinh tế
Phòng vệ thương mại bảo vệ các ngành sản xuất trong nước
16:40 | 18/12/2024 Kinh tế
Thị trường xuất khẩu đầu tiên cán mốc 100 tỷ USD
16:38 | 18/12/2024 Xuất nhập khẩu
Vấn đề Bạn quan tâm
Tin mới
Sau châu Á, Viettel High Tech tiếp tục mở rộng tại thị trường châu Mỹ
Malaysia triển khai nhiều sáng kiến thúc đẩy thịnh vượng trong suốt năm 2024
Cuộc "chiến tranh lạnh" mới
Ấn tượng Trung Nguyên E-Coffee tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024
Xuất khẩu 2024 có thể lập đỉnh mới hơn 400 tỷ USD
(Infographics) Tổng thu từ xuất nhập khẩu các tỉnh, thành vùng Tây Nguyên
10:50 | 15/12/2024 Hải quan
(INFOGRAPHICS) Kim ngạch hơn 67 tỷ USD, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam
11:29 | 04/12/2024 Infographics
(INFOGRAPHICS): Tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp tham gia chương trình tự nguyện tuân thủ
16:30 | 06/12/2024 Infographics
(INFOGRAPHICS) Tổng thu từ XNK các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ
16:33 | 06/12/2024 Xuất nhập khẩu
(INFOGRAPHICS) 66 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 11
14:29 | 12/12/2024 Infographics