![]() |
Thịt bò nhập khẩu được bày bán tại siêu thị. Ảnh: T.H |
Hợp tác, sản xuất thịt bò chất lượng cao
Dự án tổ hợp Vinabeef Tam Đảo được triển khai trên tổng diện tích 75,6 ha tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Tổ hợp gồm 2 phân khu chính: Trang trại chăn nuôi bò thịt có sức chứa 10.000 con và Nhà máy chế biến thịt bò mát với công suất 30.000 con/năm (10.000 tấn sản phẩm/năm). Quy mô hợp tác về vốn đầu tư giữa Vinamilk - thông qua công ty thành viên là Vilico, với tập đoàn Sojitz xấp xỉ 3.000 tỷ đồng trong giai đoạn 1, trong đó tổng mức đầu tư xây dựng cho cụm trang trại, nhà máy tại Tam Đảo là 1.670 tỷ đồng. Dự án dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2024 với sản phẩm thịt bò mát được chế biến theo công nghệ Nhật Bản mang thương hiệu Vinabeef.
“Đánh giá thị trường thịt bò tại Việt Nam còn rất nhiều dư địa, nhu cầu tiêu dùng và sử dụng sản phẩm thịt chất lượng cao còn rất lớn, chúng tôi tin tưởng dự án sẽ tạo được một bước đột phá trên thị trường sau khi bắt đầu đi vào hoạt động. Hơn nữa, Vinamilk và Vilico là các đối tác lớn, uy tín và có các thế mạnh về nguồn lực, kinh nghiệm trong ngành chăn nuôi, vận hành, am hiểu về thị trường. Chúng tôi sẽ là những đối tác tuyệt vời để đồng hành, bổ trợ cho nhau trong việc triển khai tổ hợp Vinabeef Tam Đảo và nhiều dự án nữa trong tương lai” - ông Masayoshi Fujimoto, Chủ tịch Tập Đoàn Sojitz Nhật Bản nhận định.
Một điểm đáng chú ý về Vinabeef Tam Đảo là dự án được quy hoạch xây dựng và vận hành theo quy trình 4 trong 1 khép kín: Chăn nuôi - Sản xuất - Chế biến - Phân phối. Qua đó sẽ cung cấp các sản phẩm nổi bật là thịt bò mát đảm bảo tươi, ngon, bổ dưỡng và an toàn cho sức khỏe đến người tiêu dùng Việt Nam.
Quy trình 4 trong 1 được bắt đầu từ mô hình chăn nuôi tự nhiên, đàn bò thịt sẽ được nuôi tại các trang trại sinh thái đạt chuẩn Global G.A.P với chế độ chăm sóc đặc biệt và được ứng dụng công nghệ cao. Tại đây, các chuyên gia Nhật Bản phối hợp với đội ngũ Vinamilk - Vilico dày dạn kinh nghiệm vận hành trang trại để phát triển đàn bò thịt chất lượng. Tiếp đó là quy trình sản xuất theo nguyên tắc nhân đạo và các quy định chuẩn Nhật Bản với hệ thống làm lạnh nhanh tại chỗ, giúp ức chế sự phát triển của vi khuẩn, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn cho sản phẩm.
Với nhà máy có công suất sản xuất 10.000 tấn thịt/năm (tương đương 30.000 con/năm), sản phẩm thịt bò mát của Vinabeef được chế biến hoàn toàn sạch trên dây chuyền hiện đại, khép kín, tự động hóa cao, ứng dụng công nghệ hiện đại để đảm bảo sự tươi ngon và dinh dưỡng cao nhất cho sản phẩm. Từ đây quá trình phân phối sẽ tiếp tục được kiểm soát nghiêm ngặt, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của chuỗi cung ứng lạnh, có khả năng truy xuất nguồn gốc để đảm bảo chất lượng và độ an toàn của từng sản phẩm từ trang trại đến bàn ăn.
Hướng đến xuất khẩu thịt bò
Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), tiêu thụ thịt bò của Việt Nam giai đoạn 2017- 2020 trung bình 9,2 kg/người/năm. Trong đó, sản xuất trong nước mới đáp ứng được 30%, còn lại 70% thịt bò phải nhập khẩu từ nước ngoài. Việt Nam hiện có 6,6 triệu con bò, nhưng thịt bò chỉ đáp ứng đủ một phần nhỏ nhu cầu trong nước, còn phụ thuộc rất lớn vào lượng nhập khẩu. Mỗi năm Việt Nam nhập khẩu gần 700.000 tấn thịt, trong đó thịt bò là chủ yếu. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, chất lượng bò giống tại Việt Nam đã được cải thiện rất nhiều, tuy nhiên để có giống bò chất lượng cao như nhập khẩu từ Nhật Bản, cùng với công nghệ, quy trình sản xuất thịt mát cần sự hợp tác quốc tế. Việc hợp tác này thúc đẩy trong phát triển chăn nuôi, mang sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng, hướng đến xuất khẩu.
Năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi trị giá trên 400 triệu USD, với hướng đi mới trong hợp tác quốc tế, thịt bò sẽ là sản phẩm xuất khẩu tiếp theo. Trước mắt, với dự án liên kết với nhà đầu tư nước ngoài sản xuất thịt bò mát sẽ đáp ứng cho việc tự chủ trong nước, dần thay thế thịt nhập khẩu...
Đánh giá về sự hợp tác phát triển ngành chăn nuôi bò thịt, hướng đến xuất khẩu của dự án, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, sự thành công của dự án quan trọng này không chỉ đánh dấu sự hợp tác giữa các tập đoàn hàng đầu của 2 quốc gia, khẳng định tầm nhìn chiến lược của nhà đầu tư và sự năng động, sáng tạo, sức bật ngoạn mục của doanh nghiệp về khả năng tham gia sâu hơn về chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, mà còn nâng tầm chăn nuôi công nghệ cao của Việt Nam phát triển theo hướng bền vững, xanh, tuần hoàn, thân thiện với môi trường.
Bà Mai Kiều Liên,Tổng giám đốc Vinamilk khẳng định: “Với các thế mạnh sẵn có của các đối tác trong dự án là Vinamilk, Vilico và Sojitz, sự ủng hộ của Chính phủ và lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, chúng tôi tin tưởng rằng đây sẽ là điển hình cho sự hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, định hướng phát triển bền vững. Từ đó, đưa Vinabeef không chỉ trở thành 1 một thương hiệu sản phẩm thịt nói riêng mà còn là thương hiệu thực phẩm an toàn và uy tín nói chung, với các sản phẩm đạt chất lượng quốc tế, phục vụ thị trường Việt Nam và xuất khẩu”.
Lê Thu