Doanh nghiệp nhà nước đề xuất gì để “cất cánh”?

12:51 | 27/03/2022

(HQ Online) - Thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chịu tác động của rất nhiều yếu tố và luôn có rủi ro nhất định, không thể "trăm trận trăm thắng". Do đó, doanh nghiệp nhà nước đề xuất Chính phủ quy định việc đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước theo phương thức đánh giá tổng thể, không đánh giá riêng từng dự án.

Đề xuất đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước theo chỉ tiêu tài chính
Nhận diện những “điểm nghẽn” khiến doanh nghiệp nhà nước khó "cất cánh"
Sửa Luật 69 để phát huy hiệu quả vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp
Thí điểm nhiều giải pháp đột phá để tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

Để doanh nghiệp tăng trưởng, mở rộng quy mô hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh thì vấn đề đầu tư phát triển có ý nghĩa sống còn; doanh nghiệp có đầu tư thì mới có phát triển. Do đó, nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) kiến nghị được phân cấp, trao quyền chủ động cao hơn trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh; từ đó mới có thể linh hoạt, chớp thời cơ, phản ứng nhanh với thị trường.

DNNN chỉ có thể phát triển và thể hiện được vai trò, vị trí của mình khi được giao những nhiệm vụ lớn, quan trọng, tiên phong mở đường. Ví dụ như Tập đoàn Dầu khí tiên phong xây dựng các công trình dầu khí ở ngoài khơi; Tập đoàn Điện lực tiên phong xây dựng các công trình thủy điện lớn, Viettel tiên phong trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng…

Ngoài ra, các ý kiến cho rằng, doanh nghiệp rất cần sự đồng hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Hiện nay, các DNNN rất đa dạng về quy mô, tính chất và lĩnh vực hoạt động, do đó các cơ chế đặc thù cũng cần phải thiết kế cho từng nhóm doanh nghiệp.

Thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chịu tác động của rất nhiều yếu tố và luôn có rủi ro nhất định, không thể "trăm trận trăm thắng". Do đó, doanh nghiệp đề xuất Chính phủ quy định việc đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN theo phương thức đánh giá tổng thể, không đánh giá riêng từng dự án.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc với DNNN về "Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế-xã hội", Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong hoàn cảnh khó khăn, gian nan, bão lũ, hay khi có biến động trên thị trường, sẽ thấy rõ hơn vai trò quan trọng của DNNN, trong đó có vai trò dẫn dắt, điều tiết, chia sẻ. Các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối đã tăng cường hiệu lực thực thi chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỉ giá.

3132-img-2287
Viettel đề xuất vấn đề tăng quy mô vốn, tài sản cho doanh nghiệp nhà nước để nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng phạm vi và lĩnh vực hoạt động, vươn ra thị trường quốc tế. Ảnh: H.Dịu.

Đứng ở góc độ DNNN, Đại tá Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel đã đưa ra 8 kiến nghị để doanh nghiệp nhà nước tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ nhất, Viettel đề xuất Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện một số dự án/nhiệm vụ quan trọng của nền kinh tế.

Thứ hai, Chính phủ cần đẩy mạnh phân cấp, tăng tính chủ động trong công tác đầu tư đối với các DNNN. Để doanh nghiệp tăng trưởng, mở rộng quy mô hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh thì vấn đề đầu tư phát triển có ý nghĩa sống còn, doanh nghiệp có đầu tư thì mới có phát triển.

Thứ ba, Viettel đề xuất Chính phủ đẩy mạnh phân cấp cho các DNNN được chủ động thành lập, tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị nội bộ.

Thứ tư, Chính phủ quy định đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN theo phương thức đánh giá tổng thể, không đánh giá riêng từng dự án nhằm tạo động lực trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thứ năm, Viettel đề xuất Chính phủ nhanh chóng ban hành hướng dẫn cụ thể để DNNN thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm. Việc thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm để đầu tư vào các công nghệ mới, các start-up, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, từ đó, thúc đẩy đổi mới công nghệ, mô hình kinh doanh mới, phát triển liên kết, tạo ra hệ sinh thái để các doanh nghiệp cùng phát triển.

Thứ sáu, Viettel đề xuất vấn đề tăng quy mô vốn, tài sản cho doanh nghiệp nhà nước để nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng phạm vi và lĩnh vực hoạt động, vươn ra thị trường quốc tế. Ngoài việc bổ sung vốn điều lệ từ quỹ đầu tư phát triển, Viettel đề nghị Chính phủ xem xét bổ sung vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận còn lại nộp ngân sách nhà nước.

Thứ bảy, đề xuất Chính phủ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đầu tư nước ngoài. Công tác đầu tư nước ngoài sẽ góp phần mở rộng quan hệ đối ngoại, giao lưu văn hoá và khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ năng động, có kinh nghiệm kinh doanh quốc tế.

Thứ tám, Viettel đề xuất về cơ chế đặc thù cho các DNNN. Hiện nay, các DNNN rất đa dạng về quy mô, tính chất và lĩnh vực hoạt động, do đó các cơ chế đặc thù cũng cần phải thiết kế cho từng nhóm doanh nghiệp hoặc thậm chí đến từng doanh nghiệp.

Các bộ, ngành, địa phương cũng khẳng định, DNNN có sứ mệnh hết sức quan trọng trong sự nghiệp phát triển và bảo vệ đất nước. Mặc dù chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ (0,08%) nhưng DNNN đóng góp 28% tổng số thuế và các khoản phải nộp NSNN. Số thuế và các khoản phải nộp bình quân của DNNN là 576 tỷ đồng, gấp 43 lần doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 14 lần doanh nghiệp dân doanh.

Xuân Thảo