Dịch Covid-19 phơi bày nguy cơ của các thành phố đông dân
Các thành phố có mật độ dân cư quá đông được cho là môi trường lý tưởng để lây lan các dịch bệnh. Ảnh minh họa: Getty. |
Thành phố Vũ Hán của Trung Quốc được cho là tâm dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) gây ra. Sự việc cũng biến Vũ Hán trở thành đô thị lớn mới nhất phải đối mặt với dịch bệnh chết người. Điều này khiến các nhà hoạch định và chuyên gia y tế đầu ngành phải lên tiếng cảnh báo những đô thị lớn với mật độ dân cư dày đặc.
Vũ Hán – thành phố có số dân khoảng 11 triệu người đã bị phong tỏa trong hơn 3 tuần qua. Ủy ban y tế Hồ Bắc ngày 17/2 cho biết, tổng số trường hợp nhiễm bệnh trong tỉnh đã lên tới 58.182 vào tối 16/2, với 1.696 người chết. Vũ Hán chiếm 71% tổng số ca nhiễm và 77% số ca tử vong của tỉnh.
Sự bùng phát của dịch bệnh do virus corona mới (Covid-19) khiến nhiều người liên tưởng đến dịch do Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) từng làm 770 người tử vong trong khoảng thời gian từ năm 2002-2003. Tâm chấn của dịch bệnh khi đó là một khu nhà tại Hong Kong – một trong những đô thị đông dân và có sự phân hóa rõ nét nhất trên thế giới.
Với hơn 2/3 dân số toàn cầu được dự báo sẽ sống ở khu vực thành thị vào năm 2050, các thành phố cần phải được quy hoạch thiết kế lại để có thể bảo đảm sức khỏe tốt nhất cho người dân, bà Sreeja Nair - nhà nghiên cứu chính sách tại Trung tâm Sáng tạo thành phố Lee Kuan Yew (LKYCIC) tại Singapore cho biết.
Bà Sreeja Nair nói: “Trong khi cuộc sống đô thị mang đến triển vọng về cơ hội kinh tế và cơ sở hạ tầng tốt hơn, bao gồm cả các cơ sở chăm sóc sức khỏe thì cách các thành phố mở rộng và phát triển là yếu tố có ảnh hưởng lớn đến việc lây lan các bệnh truyền nhiễm”.
Sự mất cân đối giàu – nghèo ở các thành phố cũng có ảnh hưởng đến tính dễ bị tổn thương và năng lực của các thành phố này trong việc chuẩn bị đối phó và phản ứng với dịch bệnh, Nair nói với Reuters.
“Sự chênh lệch về điều kiện kinh tế xã hội và quản trị khiến một bộ phận dân cư có nguy cơ cao hơn”, bao gồm cả những cá nhân thiếu điều kiện tiếp cận nhà ở, chăm sóc sức khỏe và các tiện ích cơ bản khác như nước sạch, vệ sinh…, Sreeja Nair nói.
Các thành phố lớn từ lâu đã luôn được ví như những “thanh nam châm” thu hút người dân tìm kiếm cơ hội việc làm, cải thiện kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống. Nhưng những khu vực có đông người sống gần nhau cũng tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan nhanh hơn, nếu nhìn lại quá khứ từ bệnh dịch hạch thời Trung cổ cho đến dịch cúm gia cầm, SARS và mới nhất là Covid-19.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mặc dù người dân thành thị thường được chăm sóc sức khỏe tốt hơn cư dân nông thôn nhưng rủi ro được phân bổ không đều, với phần lớn gánh nặng rơi vào bộ phận dễ bị tổn thương như dân cư trong các khu ổ chuột.
Hành vi của con người
WHO đã xác định đô thị hóa là một trong những thách thức chính đối với sức khỏe cộng đồng trong thế kỷ 21, ngay cả khi giới chức các thành phố thường thực hiện các chính sách y tế trước khi giới chức quốc gia có chỉ đạo trong những trường hợp khẩn cấp.
Môi trường đô thị có liên quan đến số lượng lớn các bệnh không lây nhiễm như béo phì, bệnh tim, bệnh phổi cũng như các bệnh truyền nhiễm như bệnh lao do dân cư đông, độ thoáng khí kém và các bệnh lây truyền qua đường nước, bệnh truyền nhiễm cấp tính như sốt xuất huyết.
Giáo sư David Heymann tại Trường y học nhiệt đới và vệ sinh dịch tễ London cho rằng, các khu vực đô thị cũng có nhiều điểm rủi ro hơn do sự tiếp xúc giữa con người và động vật. Điều đó bao gồm các khu vực có động vật gặm nhấm, chợ buôn bán động vật hoang dã…
“Các khu vực thành thị phải phát triển các giải pháp bổ sung bên cạnh các hệ thống phát hiện và ứng phó bệnh dịch để có thể nhanh chóng kiểm soát những bệnh truyền nhiễm mới phát sinh”, giáo sư Heymann khuyến nghị.
Sự gia tăng của các loại vi khuẩn kháng thuốc và vô số các cơ chế lây truyền có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả những thành phố sạch nhất và giàu có nhất.
Singapore – một trong những quốc gia được quy hoạch tốt nhất nhưng cũng chính là điểm kết nối hàng đầu trên thế giới, đã báo cáo có hơn 70 trường hợp nhiễm Covid-19 – là một trong những nơi ghi nhận số ca nhiễm cao nhất nhì bên ngoài Trung Quốc.
Các thành phố hiện đại có khả năng tận dụng công nghệ tốt hơn để tăng cường giám sát các trường hợp nhiễm bệnh cũng như những trường hợp có nguy cơ cao, đồng thời tạo ra kênh liên lạc mạnh mẽ xây dựng nhận thức và tránh sự hoảng loạn trong cư dân, bà Nair nói.
Ông Matt Benson, Giám đốc chương trình Think City – một cơ quan cải tạo, chỉnh trang đô thị được Chính phủ Malaysia hỗ trợ cho rằng, các thành phố vẫn cần phải được thiết kế để có cơ sở hạ tầng tốt.
“Điều quan trọng hơn cả mật độ dân cư – yếu tố tạo điều kiện cho sự lây lan của bệnh dịch ở các thành phố chính là hành vi của con người. Bạn có thể có một khu dân cư với mật độ thưa thớt nhưng nếu chất thải không được xử lý thì điều đó có thể dẫn đến dịch sốt xuất huyết”, ông Benson nói.
Theo ông Benson, các nhà hoạch định nên tập trung vào việc xây dựng “các thành phố 20 phút” hoặc các khu làng trong thành phố, nơi cư dân có thể đến nơi làm việc, đi khám bác sĩ hoặc đi thăm bạn bè của họ chỉ trong vòng 20 phút.
Melbourne, Australia đã thử nghiệm các khu phố như vậy, nơi hầu hết các nhu cầu hàng ngày của người dân có thể được đáp ứng trong vòng 20 phút đi bộ, đạp xe hoặc di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng.
Thị trưởng Paris Anne Hidalgo cũng đang nhắm đến “thành phố nửa giờ” để giảm ô nhiễm và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Những khu vực có mật độ cao tạo ra sự gắn kết xã hội lớn hơn và mang lại nhiều lợi ích kinh tế và môi trường hơn, bà Anjali Mahendra, Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Ross của Viện Tài nguyên Thế giới về các thành phố bền vững ở Washington cho biết.
Theo bà Mahendra, nếu muốn ngăn các khu vực dân cư đông đúc trở nên dễ lây truyền bệnh dịch thì phải đảm bảo sự sẵn có của cơ sở hạ tầng chất lượng tốt với các tiêu chuẩn quy hoạch nâng cao điều kiện sinh hoạt cho tất cả mọi người. Tuy vậy, các khu dân cư tại các thành phố ở các nước đang phát triển vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt trong việc tiếp cận các dịch vụ như vậy.
“Các thành phố hiện đại là bộ mặt của những nơi đổi mới, tiện nghi và nhiều cơ hội, vì vậy chúng ta tiếp tục chứng kiến các thành phố phát triển. Nhưng các cơ quan quản lý đô thị nên hoạt động sao cho lợi ích kinh tế của các thành phố và giá trị được tạo ra phải được chia sẻ công bằng hơn”, bà Mahendra nhận xét.
Tin liên quan
Biên giới Tây Nam mùa nước nổi: Nguy cơ bùng phát buôn lậu thuốc lá
07:15 | 09/10/2024 An ninh XNK
Tiềm ẩn nguy cơ buôn lậu trên biên giới Quảng Ninh
07:45 | 19/08/2024 An ninh XNK
Thị trường bất động sản nhiễu loạn thông tin, tiềm ẩn rủi ro do thiếu dữ liệu chuẩn
19:18 | 05/12/2023 Kinh tế
Đối đầu EU-Nga định hình an ninh toàn cầu năm 2025
08:56 | 24/12/2024 Nhìn ra thế giới
Malaysia triển khai nhiều sáng kiến thúc đẩy thịnh vượng trong suốt năm 2024
11:00 | 23/12/2024 Nhìn ra thế giới
Cuộc "chiến tranh lạnh" mới
10:59 | 23/12/2024 Nhìn ra thế giới
Bấp bênh “núi nợ” của các nền kinh tế đang phát triển
13:48 | 22/12/2024 Nhìn ra thế giới
Hoạt động M&A toàn cầu có thể đạt mức cao nhất trong 4 năm
09:05 | 20/12/2024 Nhìn ra thế giới
Những yếu tố định hình thế giới 2025
08:15 | 20/12/2024 Nhìn ra thế giới
13 tấn cocaine trong lô hàng chuối nhập khẩu
15:56 | 19/12/2024 Nhìn ra thế giới
Cuba công bố chế độ tỷ giá hối đoái mới linh hoạt hơn
08:37 | 19/12/2024 Nhìn ra thế giới
Fed cắt giảm lãi suất lần thứ ba liên tiếp
08:37 | 19/12/2024 Nhìn ra thế giới
Ám ảnh bóng ma chiến tranh thương mại Mỹ-Trung
07:45 | 19/12/2024 Nhìn ra thế giới
Cuba tái khẳng định sẵn sàng đối thoại với Mỹ
08:49 | 18/12/2024 Nhìn ra thế giới
Hai nền kinh tế lớn nhất châu Âu đối mặt với nhiều thách thức
08:49 | 18/12/2024 Nhìn ra thế giới
Kinh tế Đức tiến gần đến ngưỡng suy thoái và nguy cơ không thể quay đầu
08:56 | 17/12/2024 Nhìn ra thế giới
Vấn đề Bạn quan tâm
Tin mới
Cửa khẩu thông minh: Nền tảng kết nối thương mại hiện đại
Triển khai dịch vụ xác thực điện tử qua VNeID trên ứng dụng Agribank Plus
Đối đầu EU-Nga định hình an ninh toàn cầu năm 2025
Xuất nhập khẩu xác lập kỷ lục mới
Cửa khẩu thông minh - “chìa khóa” để Lạng Sơn cất cánh
(Infographics) Tổng thu từ xuất nhập khẩu các tỉnh, thành vùng Tây Nguyên
10:50 | 15/12/2024 Hải quan
(INFOGRAPHICS) Kim ngạch hơn 67 tỷ USD, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam
11:29 | 04/12/2024 Infographics
(INFOGRAPHICS): Tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp tham gia chương trình tự nguyện tuân thủ
16:30 | 06/12/2024 Infographics
(INFOGRAPHICS) Tổng thu từ XNK các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ
16:33 | 06/12/2024 Xuất nhập khẩu
(INFOGRAPHICS) 66 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 11
14:29 | 12/12/2024 Infographics