Lý do thực sự khiến Tổng thống Trump sẽ không tấn công quân sự Iran
Iran bị cáo buộc là bên chịu trách nhiệm cho vụ tấn công vào các cơ sở dầu mỏ quan trọng của Saudi Arabia hồi tuần trước, khiến việc sản xuất dầu ở vương quốc này giảm 5,7 triệu thùng/ngày và giảm 5% nguồn cung dầu mỏ toàn cầu. Một số nhà quan sát nhận định rằng nếu chính quyền Tổng thống Trump quyết định đáp trả quân sự Iran vì các cuộc tấn công này, "thùng thuốc súng" Trung Đông sẽ phát nổ thành một cuộc chiến tranh dầu mỏ nghiêm trọng trong khu vực.
| |
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters |
Tuy nhiên, theo nhà phân tích Emily Meierding nhận định trên trang Foreign Policy, đây là một hiểu lầm nghiêm trọng. Trong trường hợp này, những lợi ích về dầu mỏ sẽ khiến các bên kiềm chế lại thay vì khơi mào chiến tranh.
Khả năng đáp trả của Iran
Một cuộc chiến ở Vịnh Ba Tư chắc chắn sẽ gây ra bất ổn sâu sắc đối với hệ thống dầu mỏ toàn cầu. Nếu chính quyền Tổng thống Trump tấn công Iran, dù là hành động đơn phương hay liên minh với Saudi Arbia, thì những cuộc tấn công như vậy sẽ làm gián đoạn nguồn cung năng lượng trên thế giới. Mặc dù sản lượng dầu mỏ của Iran đã giảm đáng kể từ khi Mỹ áp lệnh trừng phạt lên chính phủ nước Cộng hòa Hồi giáo này năm 2019 song Tehran vẫn sản xuất hơn 2 triệu thùng dầu/ngày và xuất khẩu khoảng nửa triệu thùng/ngày tới nhiều khách hàng khác nhau. Các cuộc không kích của Mỹ nhằm vào Iran, nếu xảy ra, sẽ loại nguồn cung này khỏi thị trường, giữa bối cảnh các nhà sản xuất dầu mỏ khác đang nỗ lực để bù lại những tổn thất của nguồn cung Saudi Arabia sau vụ tấn công vừa qua.
Iran cũng đe dọa sẽ đáp trả hành động quân sự của Mỹ và Saudi Arabia. Nếu thực sự Iran là "thủ phạm" đằng sau vụ việc liên quan đến các cơ sở sản xuất dầu của Saudi Arabia thì nước này hoàn toàn có thể "vô hiệu hóa" các cơ sở khác hoặc làm gián đoạn quá trình khôi phục sản xuất 2 cơ sở Abqaiq và Khurais vừa bị tấn công. Những vụ tấn công ban đầu vào các cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia gây ra thiệt hại lớn hơn so với nhiều chuyên gia ước tính khi chúng nhằm vào các cơ sở sản xuất quan trọng với một sự chính xác đến khó tin.
Thậm chí cả khi Tehran không trực tiếp chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công này thì Saudi Arabia vẫn phải đối mặt với những lực lượng thù địch được Iran hỗ trợ vũ khí. Nếu các giả thuyết trên là đúng thì Tehran thực sự có khả năng gây ra những thiệt hại lớn hơn nhiều vào ngành dầu mỏ Saudi Arabia. Mặc dù vương quốc này được cho là đã nâng cấp hệ thống phòng không sau khi bị tấn công vào cuối tuần trước song khả năng của Saudi trong việc bảo vệ các cơ sở dầu mỏ quan trọng khỏi máy bay không người lái và các tên lửa tầm thấp hiện nay vẫn rất hạn chế.
Iran cũng có thể phản ứng trước các cuộc tấn công của Mỹ và Saudi Arabia bằng cách làm gián đoạn việc vận chuyển dầu trên thế giới. Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã cho thấy Tehran sẵn sàng bắt giữ các tàu chở dầu nước ngoài ở Vịnh Ba Tư như những gì họ từng làm ngày 16/9 với một tàu chở 250.000 lít nhiên liệu và vụ bắt một tàu chở dầu khác treo cờ Panama hồi tháng 7 với cáo buộc buôn lậu nhiên liệu.
Cuối cùng, Iran có thể đóng cửa Eo biển Hormuz nếu bị "dồn vào chân tường". Nước Cộng hòa Hồi giáo này đã nhiều lần đe dọa sẽ chặn vùng biển chiến lược này. Mặc dù lực lượng hải quân Iran không thể dừng toàn bộ hoạt động đi lại hoặc đóng cửa eo biển này trong dài hạn, song chỉ riêng những nỗ lực như vậy đã tác động không nhỏ đến thị trường dầu mỏ toàn cầu. Tỷ lệ bảo hiểm cho các tàu chở dầu đi qua Eo biển Hormuz tăng gấp 10 lần từ tháng 5 - tháng 9/2019. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm ngăn chặn eo biển này đều sẽ gây nên những hệ quả nghiêm trọng. Giá dầu cũng có thể sẽ tăng cao khi những nguy cơ bất ổn địa chính trị gia tăng.
Sự phụ thuộc vào dầu mỏ
Leo thang căng thẳng ở Vịnh Ba Tư sẽ hủy hoại các lợi ích về mặt năng lượng của nhiều quốc gia. Saudi Arabia sẽ bị tấn công trên nhiều "mặt trận" khi xung đột vùng Vịnh nóng lên. Các cơ sở sản xuất dầu mỏ của vương quốc này có thể tiếp tục bị phá hủy và Saudi sẽ chịu thêm nhiều tổn thất về nguồn thu dầu mỏ.
Căng thẳng vùng Vịnh nóng lên cũng đe dọa đến an ninh năng lượng của Trung Quốc và EU. Saudi Arabia hiện là nguồn cung dầu mỏ hàng đầu của Trung Quốc khi chiếm xấp xỉ 17% nguồn nhập khẩu dầu thô của Bắc Kinh. Ngoài ra, Trung Quốc cũng tiếp tục mua dầu từ Iran, bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ.
Các nước EU đã dừng mua dầu từ Iran và ít phụ thuộc vào dầu mỏ Saudi Arabia hơn nhưng các quốc gia này vẫn nhập khẩu hơn 13% nguồn năng lượng từ các nhà sản xuất dầu vùng Vịnh. Bất kỳ sự leo thang căng thẳng khu vực nào tại đây đều sẽ đe dọa đến việc tiếp cận các nguồn cung này của EU, buộc họ phải trả giá cao hơn cũng như phá hủy những nỗ lực ngoại giao của các nước này trong việc đưa dầu thô Iran trở lại thị trường dầu toàn cầu.
Không mấy ngạc nhiên khi các quan chức Trung Quốc và EU đều có thái độ thận trọng với cuộc khủng hoảng này. Mặc dù Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích cuộc tấn công song người phát ngôn Hoa Xuân Oánh cũng nhận định rằng các bên "cần tránh các hành động làm leo thang căng thẳng khu vực". Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về chủ thể chịu trách nhiệm cho cuộc tấn công này. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi sự phản ứng của cộng đồng quốc tế về việc 2 cở của Saudi Arabia bị tấn công. Tuy nhiên, cả hai nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh "tầm quan trọng của việc tránh để căng thẳng leo thang trong khu vực này". Điều đó cho thấy rằng nếu Mỹ muốn tấn công Iran, Washington sẽ phải làm điều này một mình bởi ngay cả các đồng minh của Mỹ cũng không muốn cuộc chiến này xảy ra.
“Cái giá” của chiến tranh
Thực tế thì bản thân chính quyền Tổng thống Trump cũng có những lý do riêng để tránh căng thẳng leo thang ở vùng Vịnh. Mặc dù Mỹ hiện là nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới như Tổng thống Trump tuyên bố gần đây song điều đó không có nghĩa là Washington "miễn nhiễm" với mọi sự bất ổn từ bên ngoài. Thị trường dầu mỏ là của toàn thế giới nên Mỹ vẫn sẽ bị ảnh hưởng bởi giá dầu tăng. Các cơ sở lọc dầu của Mỹ sẽ phải trả nhiều tiền hơn để mua dầu thô, bất kể nguồn dầu này đến từ đâu, dẫn đến việc người tiêu dùng Mỹ cũng cần chi nhiều tiền hơn cho các sinh hoạt hàng ngày.
Giá xăng dầu tăng không phải là một việc thường xảy ra. Tuy nhiên, việc này trở nên đặc biệt "nguy hiểm" vào năm bầu cử. Giá cả tăng sẽ đánh trực tiếp vào túi tiền người Mỹ và điều đó có thể ảnh hưởng không nhỏ đến những nỗ lực tái đắc cử của Tổng thống Trump. Hơn nữa, giá dầu liên tục tăng còn có thể đẩy nước Mỹ rơi vào suy thoái và khiến đường vào Nhà Trắng của ông Trump khó khăn hơn.
Chính quyền Tổng thống Trump dường như dần nhận ra "cái giá" về mặt chính trị có thể phải trả nếu xung đột leo thang. Mặc dù ban đầu Tổng thống Trump phản ứng trước vụ tấn công ở Saudi Arabia khi tweet rằng "đạn đã lên nòng" nhằm ám chỉ việc Mỹ sẵn sàng cho 1 cuộc tấn công quân sự, tuy nhiên ngày 16/9, ông Trump lại không khẳng định hoàn toàn về trách nghiệm của Iran. Tổng thống Mỹ tuyên bố với báo giới rằng ông muốn tránh những cuộc chiến tranh và nếu Saudi Arabia muốn Mỹ ủng hộ thì họ nên chuẩn bị để trả chi phí cho điều đó. Bên cạnh đó, dù đưa ra lời kêu gọi trừng phạt Iran mạnh mẽ hơn song vẫn còn một khoảng cách rất xa để Mỹ tiến tới việc sử dụng hành động quân sự.
Sự ngần ngại trong việc đưa ra biện pháp đáp trả của Mỹ, EU, Trung Quốc và Saudi Arabia cho thấy không có ai muốn "dính" sâu vào vụ này bởi sau cuộc tấn công 2 cơ sở dầu Abqaiq và Khurais, biết đâu nạn nhân tiếp theo lại chính là họ. Sự phụ thuộc nguồn dầu mỏ khiến các nước không hề muốn căng thẳng gần đây ở vùng Vịnh leo thang bởi điều đó sẽ đe dọa đến những lợi ích năng lượng cốt lõi của họ.
Các quan chức Mỹ đang "đau đầu" nghĩ cách đáp trả Iran. Dỡ bỏ lệnh trừng phạt Iran phải đi kèm với các điều kiện nhất định. Tuy nhiên, tấn công nước này hay tăng cường trừng phạt trong lĩnh vực dầu mỏ cũng không giải quyết được vấn đề. Hơn nữa, nếu bị "dồn vào chân tường", Iran có thể sẽ đưa ra những giải pháp tiêu cực.
Sau vụ tấn công cơ sở dầu của Saudi Arabia, Mỹ sẽ không triển khai chiến dịch quân sự nhằm vào Iran vì lợi ích của chính Washington. Hơn nữa, chừng nào các quốc gia vẫn còn phụ thuộc vào dầu mỏ thì an ninh Vùng Vịnh vẫn là vấn đề được ưu tiên dù suy cho cùng, dầu mỏ cũng chính là nguyên nhân khiến khu vực này trở nên bất ổn./.
Tin liên quan
Dự báo về mối lo lắng đối với châu Á thời Trump 2.0
07:42 | 12/11/2024 Nhìn ra thế giới
Trump, kinh doanh và quản trị quốc gia
07:28 | 08/11/2024 Nhìn ra thế giới
Nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến xuất khẩu cá ngừ những tháng cuối năm
15:40 | 17/10/2024 Xuất nhập khẩu
Hàn Quốc công bố 5 mục tiêu phát triển điện hạt nhân đến năm 2050
10:11 | 24/11/2024 Nhìn ra thế giới
Cơ hội để 500 triệu người thoát nghèo
08:15 | 23/11/2024 Nhìn ra thế giới
Điểm nổi bật của Hội nghị Công nghệ WCO năm 2024 tại Brazil
09:38 | 22/11/2024 Hải quan thế giới
Lãnh đạo hai nước Nga-Iraq điện đàm thảo luận về hợp tác thương mại
09:17 | 22/11/2024 Nhìn ra thế giới
Tín hiệu đáng khích lệ cho ngành bán lẻ Trung Quốc
08:22 | 22/11/2024 Nhìn ra thế giới
Brazil và Trung Quốc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược
09:01 | 21/11/2024 Nhìn ra thế giới
Nga phê chuẩn học thuyết hạt nhân sửa đổi với nhiều yếu tố mới
09:31 | 20/11/2024 Nhìn ra thế giới
BRICS PAY - thách thức của mạng lưới SWIFT
08:42 | 20/11/2024 Nhìn ra thế giới
1.000 kg methamphetamine giấu trong lô hàng ớt
07:51 | 20/11/2024 Hải quan thế giới
Tỷ lệ thanh toán bằng đồng ruble trong hoạt động thương mại của Nga tăng kỷ lục
09:20 | 19/11/2024 Nhìn ra thế giới
Đồng USD dưới thời Donald Trump 2.0 - vấn đề nan giải cho phần còn lại của thế giới
07:51 | 19/11/2024 Nhìn ra thế giới
Tác dụng ngược từ chính sách thuế quan của Mỹ
07:49 | 19/11/2024 Nhìn ra thế giới
(INFOGRAPHICS) Hội nghị thượng đỉnh G20: Xây dựng thế giới công bằng và hành tinh bền vững
10:01 | 18/11/2024 Nhìn ra thế giới
Vấn đề Bạn quan tâm
Tin mới
Hải quan Quảng Ngãi phối hợp xác minh ma túy trôi dạt vào bờ biển
Vĩnh Phúc gỡ rào cản để xanh hóa nền kinh tế
Cảnh sát biển phát hiện 2 tàu cá sang mạn 85.000 lít dầu DO trái phép trên biển
Sẽ có nhiều điểm mới trong quản lý hàng gia công, sản xuất xuất khẩu
Đáp ứng tiêu chuẩn tái chế- giảm phát thải, tăng tính cạnh tranh
Chương trình Chuyển động Hải quan kỳ 2 tháng 11/2024
14:31 | 21/11/2024 Hải quan
(LONGFORM) Sứ mệnh phát triển quan hệ đối tác Hải quan- Doanh nghiệp
10:58 | 11/11/2024 Hải quan
Podcast Hải quan Online tổng hợp tuần 2 tháng 11/2024 (từ ngày 4/10 đến 10/11/2024)
08:52 | 11/11/2024 Multimedia
(INFOGRAPHICS): Thu ngân sách tại 10 đơn vị hải quan tăng 11,86%
14:03 | 04/11/2024 Infographics
(INFOGRAPHICS) 32 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu nửa đầu tháng 10
09:14 | 29/10/2024 Infographics