Xây dựng cơ chế sàn thương mại điện tử kê khai, nộp thuế thay cho người bán: giải pháp nào để triển khai hiệu quả tại Việt Nam?
Tại Việt Nam, thị trường TMĐT đã bùng nổ với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm với mức ước tính khoảng 25-30%, đạt quy mô 16,4 tỷ USD vào năm 2022. Điều này không chỉ tạo ra cơ hội kinh doanh lớn cho các DN mà các giao dịch TMĐT vượt ra khỏi biên giới quốc gia cũng đặt ra không ít thách thức cho cơ quan thuế trong việc đảm bảo tính công bằng và hiệu quả khi quản lý thu thuế GTGT. Để tìm lời giải cho vấn đề, Tạp chí Thuế thực hiện chuyên đề: “Xây dựng cơ chế sàn TMĐT kê khai, nộp thuế thay cho người bán: giải pháp nào để triển khai hiệu quả tại Việt Nam?”, bắt đầu ra mắt bạn đọc từ số này.
Bài 1: Quản lý thuế GTGT với TMĐT - những khuyến nghị từ OECD
Nhận diện những thách thức
Qua nghiên cứu cho thấy, các thách thức chính đối với quản lý thuế GTGT trong TMĐT hiện nay chủ yếu là khó khăn trong việc tiếp cận thông tin để phục vụ công tác quản lý thuế đối với các giao dịch mà người bán không hiện diện tại các nước là thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, với sự phát triển của khoa học công nghệ, người cung cấp hàng hóa và dịch vụ không nhất thiết phải có trụ sở, kho hàng hay các hình thức hiện diện vật lý tại thị trường tiêu thụ sản phẩm. Mọi giao dịch đều có thể thực hiện trên môi trường mạng, phần lớn những người bán này cũng không phải đăng ký với các cơ quan chức năng của nước thị trường. Điều này khiến việc nắm bắt, xác định đối tượng quản lý của cơ quan thuế còn nhiều khó khăn.
Cùng với đó, sự thiếu minh bạch và thiếu nguồn lực để theo dõi các giao dịch cũng là vấn đề đáng quan tâm. Nhiều nền tảng TMĐT, đặc biệt là các nền tảng TMĐT quốc tế, có trụ sở ở nước ngoài và thường không có nghĩa vụ cung cấp thông tin hoặc thực hiện cung cấp thông tin không chính xác, không đầy đủ, không chi tiết về các giao dịch cho cơ quan thuế trong nước. Cơ quan hải quan cũng gặp khó khăn trong việc giám sát hàng triệu giao dịch nhỏ lẻ mỗi ngày, khi không đủ nguồn lực để kiểm tra từng gói hàng nhỏ để xác định chính xác giá trị, dẫn đến việc nhiều hàng hóa có thể dễ dàng được đưa vào thị trường trong nước mà không phải chịu thuế GTGT.
Ngoài ra, pháp luật về thuế tại nhiều quốc gia chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của TMĐT. Sự khác biệt về pháp luật giữa các quốc gia cũng tạo ra những thách thức lớn trong việc quản lý thuế GTGT đối với các giao dịch TMĐT xuyên biên giới. Trong nhiều trường hợp, các quy định pháp luật hiện hành không đủ linh hoạt để áp dụng hiệu quả đối với các giao dịch trong môi trường kỹ thuật số, dẫn đến lỗ hổng trong việc thu thuế.
Một thách thức nữa là phương thức quản lý mới đối với mô hình kinh doanh kinh tế chia sẻ. Thực tế cho thấy, các mô hình kinh tế chia sẻ, như Uber, Airbnb, Upwork, Fiverr... đã mang lại những thay đổi lớn, tận dụng thị trường lao động nơi có sẵn các công việc tạm thời, linh hoạt và ngắn hạn để giao dịch. Mô hình kinh tế chia sẻ này đã góp phần tạo động lực mới cho các hoạt động kinh tế và dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ trên toàn cầu. Nhưng, sự phát triển này cũng đặt ra những thách thức lớn đối với quản lý thuế, đặc biệt là thuế GTGT. Nhiều nhà cung cấp dịch vụ trong các nền tảng kinh tế chia sẻ là các cá nhân hoặc DN nhỏ lẻ, thường có doanh thu thấp và không có kiến thức đầy đủ về nghĩa vụ thuế GTGT. Điều này dẫn đến việc nhà cung cấp không đăng ký thuế, hoặc không tuân thủ đúng các quy định về thuế. Bên cạnh đó, các mô hình kinh tế chia sẻ thường có cấu trúc phức tạp với nhiều bên tham gia, quan hệ kinh tế giữa các bên tại mỗi mô hình khá đa dạng về hình thức nên việc xác định ai là đối tượng phải kê khai, nộp thuế; giá tính thuế; nơi kê khai, nộp thuế… trong các giao dịch xuyên biên giới trở nên phức tạp. Hơn nữa, bản thân các mô hình kinh doanh này và cách thức tương tác, giao dịch thanh toán giữa các bên trong mô hình kinh tế chia sẻ có thể thay đổi liên tục, cũng tạo ra thách thức lớn trong việc áp dụng đúng các quy định về thuế.
Song song đó là sự khuyết thiếu trong mối hợp tác quốc tế. Do tính chất xuyên biên giới của TMĐT, việc quản lý thuế GTGT đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan thuế của các quốc gia. Tuy nhiên, sự khác biệt trong chính sách thuế và mức độ hợp tác hiện tại giữa các quốc gia còn hạn chế, đã dẫn đến khó khăn trong việc thu thập và chia sẻ thông tin cần thiết để quản lý thuế hiệu quả; hơn thế còn tạo cơ hội cho các DN và cá nhân lợi dụng để trốn thuế.
Kinh nghiệm xử lý các thách thức của OECD
Trước bối cảnh nêu trên, để giải quyết những thách thức trong việc quản lý thuế GTGT đối với TMĐT, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã đưa ra một số khuyến nghị:
Áp dụng nguyên tắc Điểm đến
Theo nguyên tắc này, đối với hàng hóa và dịch vụ quốc tế, quyền đánh thuế nên thuộc về quốc gia nơi hàng hóa hoặc dịch vụ được tiêu thụ. Trong giao dịch B2B, DN mua tại quốc gia nơi tiêu dùng sẽ có trách nhiệm kê khai và nộp thuế GTGT. Trong các giao dịch B2C, DN bán có trách nhiệm thu và nộp thuế GTGT cho cơ quan thuế của quốc gia nơi người tiêu dùng cư trú. Để khuyến khích thực hiện việc này, nhiều quốc gia đã thiết lập các cơ chế kê khai đơn giản hóa, cho phép DN nước ngoài đăng ký và nộp thuế GTGT trực tiếp tại quốc gia của người tiêu dùng mà không cần thiết lập hiện diện pháp lý ở đó.
Cơ chế sàn TMĐT kê khai, nộp thuế thay cho người bán
Một trong những khuyến nghị quan trọng của OECD để giải quyết các thách thức về thu thuế GTGT trong TMĐT xuyên biên giới là áp dụng cơ chế sàn TMĐT kê khai, nộp thuế thay cho người bán. Theo cơ chế này, các sàn TMĐT chịu trách nhiệm thu và nộp thuế GTGT đối với các giao dịch bán hàng được thực hiện qua nền tảng kỹ thuật của họ. Sàn TMĐT được coi như bên chịu trách nhiệm chính trong việc tuân thủ nghĩa vụ thuế GTGT, thay mặt cho các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ không cư trú.
Các nước như Anh, Úc, một số quốc gia trong Liên minh châu Âu, Thái Lan, Đài Loan,… đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể trong nguồn thu thuế GTGT, đồng thời giảm gánh nặng hành chính cho cả cơ quan thuế và người bán. Cơ chế này cũng tăng tính minh bạch và giúp cơ quan thuế kiểm soát tốt hơn các giao dịch TMĐT.
Loại bỏ hoặc giảm ngưỡng miễn thuế đối với hàng hóa giá trị thấp
Các nước thường áp dụng ngưỡng miễn thuế GTGT đối với hàng hóa có giá trị thấp ở khâu nhập khẩu để giảm bớt gánh nặng hành chính. Tuy nhiên, với sự bùng nổ của TMĐT, các ngưỡng này ngày càng trở nên không còn phù hợp, khi người giao dịch thường lợi dụng ngưỡng này và việc khó khăn trong giám sát giao dịch của cơ quan thuế để khai dưới ngưỡng, dẫn đến xói mòn cơ sở thuế và thất thu thuế đáng kể; tạo ra áp lực cạnh tranh không lành mạnh đối với các DN nội địa. Do đó, OECD khuyến nghị các quốc gia nên xem xét lại các ngưỡng miễn thuế này và thay thế bằng các cơ chế khác thu thuế hiệu quả hơn.
Tăng cường hợp tác quốc tế và chia sẻ thông tin
OECD nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác quốc tế và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan thuế của các quốc gia để đảm bảo việc thu thuế GTGT được thực hiện hiệu quả. Theo đó, các cơ quan thuế được khuyến khích sử dụng các cơ chế hợp tác quốc tế sẵn có như Hiệp định đa phương về hỗ trợ hành chính thuế (MAAC), Hiệp định về trao đổi thông tin về thuế, sử dụng các điều khoản trao đổi thông tin trong các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (tương tự như Điều 26 của Hiệp định mẫu về thuế của OECD)… để giải quyết.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các nền tảng kỹ thuật số với cơ quan thuế để đảm bảo tuân thủ thuế GTGT. Các nền tảng kỹ thuật số có thể cung cấp cho cơ quan thuế các thông tin định danh của người bán, thông tin về giao dịch, thanh toán và thông báo kịp thời cho cơ quan thuế về các hành vi không tuân thủ của người bán. Cơ quan thuế có thể hỗ trợ cung cấp thông tin các quy định về thuế, hướng dẫn các nền tảng số thực hiện đúng nghĩa vụ của mình.
Sử dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả thu thuế
OECD khuyến nghị các cơ quan thuế sử dụng công nghệ hiện đại để thu thập và phân tích dữ liệu; đồng thời sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phát hiện và xử lý các hành vi không tuân thủ thuế. Các công nghệ như web scraping và web crawling có thể được sử dụng để thu thập dữ liệu từ các nền tảng thương mại điện tử và kinh tế chia sẻ. Các công cụ này giúp thu thập thông tin về giao dịch, danh tính người bán và các chi tiết liên quan khác. Dữ liệu sau đó được phân tích để phát hiện các hành vi không tuân thủ và rủi ro về thuế.
Bên cạnh đó, việc triển khai các cổng thông tin điện tử và hệ thống đăng ký tự động cho phép các DN không cư trú dễ dàng tuân thủ nghĩa vụ thuế GTGT mà không cần sự hiện diện vật lý tại quốc gia thu thuế. Điều này không chỉ giảm thiểu gánh nặng hành chính mà còn đảm bảo tính bảo mật và hiệu quả cho cả DN và cơ quan thuế. (Còn tiếp)
Nguyễn Vân Hùng
Tin liên quan

Mở rộng đối tượng được giảm thuế giúp nền kinh tế sớm phục hồi, tăng trưởng
14:22 | 28/03/2025 Diễn đàn

Hiệu quả triển khai các ứng dụng quản lý hóa đơn điện tử
15:26 | 19/12/2024 Diễn đàn

Quản lý thuế thương mại điện tử tại Việt Nam: đánh giá chính sách và kiến nghị
11:06 | 02/12/2024 Diễn đàn

Quản lý thuế hoạt động thương mại điện tử: hạn chế pháp lý và đề xuất hoàn thiện
09:57 | 25/11/2024 Diễn đàn

Giải pháp nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế
09:09 | 18/11/2024 Diễn đàn

Bài 2: Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý thuế hộ kinh doanh ở Việt Nam
09:07 | 18/11/2024 Diễn đàn

Thuế với biến đổi khí hậu: kinh nghiệm tại một số nước G7 và khuyến nghị cho Việt Nam
09:01 | 11/11/2024 Diễn đàn

Quản lý thuế hộ kinh doanh: kinh nghiệm quốc tế và một số giải pháp cho Việt Nam
08:57 | 11/11/2024 Diễn đàn

Bài 3: Sửa đổi quy định về biện pháp cưỡng chế để đảm bảo thu kịp thời tiền nợ thuế vào NSNN
08:49 | 04/11/2024 Diễn đàn

Đề xuất 3 phương án xác định ngưỡng chịu thuế GTGT đối với hộ và cá nhân kinh doanh
08:48 | 04/11/2024 Diễn đàn

Bài 2: Thiết lập hành lang pháp lý về quản lý thuế thương mại điện tử, đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng, bình đẳng
11:25 | 28/10/2024 Diễn đàn

Chuyển giá quyền sở hữu trí tuệ: bài học kinh nghiệm cho Việt Nam từ vụ kiện của Apple
08:51 | 28/10/2024 Diễn đàn

Quản lý hóa đơn điện tử: cần đồng bộ nhiều giải pháp
08:48 | 28/10/2024 Diễn đàn
Tin mới

Giá vàng trong nước và thế giới đồng loạt tăng mạnh trong ngày đầu tháng 4/2025

Từ vụ Kẹo rau củ Kera: Cẩn trọng trước những thông tin quảng cáo trên mạng xã hội

Máy đào bitcoin không thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu

Các công ty xây dựng uy tín vươn mình khi thị trường được “tái sinh”

Mỗi năm cần hoàn thành 150.000 căn nhà ở xã hội mới đạt mục tiêu đề ra

(INFOGRAPHICS) Kết quả xuất nhập khẩu nổi bật trong 2 tháng đầu năm 2025
12:51 | 27/03/2025 Infographics

(Infographics) Tổng thu từ xuất nhập khẩu các tỉnh, thành vùng Tây Nguyên

(INFOGRAPHICS) Kim ngạch hơn 67 tỷ USD, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam
11:29 | 04/12/2024 Infographics

(INFOGRAPHICS): Tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp tham gia chương trình tự nguyện tuân thủ
16:30 | 06/12/2024 Infographics

(INFOGRAPHICS) Tổng thu từ XNK các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ
16:33 | 06/12/2024 Multimedia