Những cú sốc liên tiếp đối với đầu tàu kinh tế châu Âu
Theo báo cáo mới nhất của Viện nghiên cứu kinh tế Đức (IW), nền kinh tế nước này đang phải chống chịu với môi trường bất lợi. Ngoài các cuộc khủng hoảng địa kinh tế, các cú sốc dai dẳng về chi phí và nhu cầu toàn cầu yếu cũng đang gây ra hậu quả lớn cho nền kinh tế đầu tàu châu Âu.
Theo dự báo cho năm nay, kinh tế toàn cầu sẽ chỉ tăng trưởng nhẹ ở mức 2,5%. Điều này đang khiến lĩnh vực ngoại thương của Đức cảm nhận rõ được những tác động bất lợi.
Báo cáo của IW cho biết sự suy yếu chung của nền kinh tế và lãi suất tăng cao tiếp tục khiến các khoản đầu tư thấp dưới mức trước khủng hoảng. Do lạm phát hầu như không suy yếu nên tiêu dùng cá nhân đang đóng vai trò là lực cản đối với nền kinh tế.
Viện IW dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức trong năm 2023 sẽ giảm 0,5% so với năm 2022. Tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên mức 5,5%.
Những cú sốc liên tiếp
Môi trường địa kinh tế cho hoạt động của các doanh nghiệp ở Đức không thay đổi trong những tháng gần đây. Cú sốc từ cuộc xung đột tại Ukraine vẫn tiếp diễn. Căng thẳng với Trung Quốc và quan điểm địa chính trị không rõ ràng của một số quốc gia mới nổi gây ra rủi ro trong việc tiếp cận nguyên liệu thô và năng lượng, cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu và các thị trường bán hàng quan trọng.
Ở mức độ nào đó, những cú sốc nguồn cung do đại dịch COVID-19 và xung đột tại Ukraine gây ra đã giảm bớt, nhưng phần lớn các doanh nghiệp coi cú sốc về chi phí và vai trò của chúng đối với khả năng cạnh tranh quốc tế gây ra những ảnh hưởng lâu dài.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi di chuyển trên phố ở Saxony, Đức. (Nguồn: THX/TTXVN)
Trong khi xu hướng tăng giá tiêu dùng đã phần nào giảm bớt, triển vọng về việc giảm lãi suất vẫn mờ mịt. Những bất ổn trên thị trường bất động sản toàn cầu đang gây thêm bất ổn cho thị trường tài chính. Thêm vào đó là những hậu quả kinh tế do nhu cầu giảm. Điều này thể hiện rõ qua lượng đơn đặt hàng giảm dần trong các ngành công nghiệp và sự bi quan của doanh nghiệp tăng lên.
Nền kinh tế Đức đang gặp khó khăn rất lớn trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy yếu. Do tập trung nhiều vào thị trường thế giới và kim ngạch xuất khẩu cao, nước Đức phải đối mặt với nhiều cú sốc địa kinh tế.
Với tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế cao so với quốc tế, các ngành sử dụng nhiều năng lượng lại là những ngành kinh tế trọng điểm quốc gia, Đức đang cảm nhận rõ những tác động từ rủi ro nguồn cung và các cú sốc về chi phí đầu vào ngày càng tăng.
Kinh tế thế giới suy yếu
Nền kinh tế toàn cầu tiếp tục được định hình bởi những bất ổn địa chính trị và hậu quả của chúng. Đà tăng trưởng thương mại thế giới đã suy yếu đáng kể. Vào tháng 5/2023, con số này thấp hơn 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Những hạn chế trong thương mại với Nga và sự chuyển hướng chiến lược của dòng chảy thương mại đang gây ra hậu quả.
Lĩnh vực sản xuất của thế giới đã đi ngang kể từ mùa Hè năm 2022. Nhu cầu từ nước ngoài yếu đang khiến sản lượng kinh tế tại các nền kinh tế tiên tiến ở mức thấp.
Dự báo sản lượng kinh tế toàn cầu tăng 2,5% trong năm nay thấp hơn khoảng 1 điểm phần trăm so với mức trung bình trong vài thập kỷ qua. Lĩnh vực thương mại quốc tế cũng được dự báo chỉ tăng 1% trong năm nay. Đây là mức tăng rất thấp so với những năm trước.
Những động lực tăng trưởng tích cực vẫn có thể đến từ nền kinh tế Mỹ trong năm nay. GDP thực tế của nền kinh tế lớn nhất thế giới này tăng trưởng đáng kể trong hai quý đầu năm 2023, do đó việc suy giảm kinh tế khó có thể xảy ra ở Mỹ, bất chấp chính sách tiền tệ thắt chặt cao độ của nước này.
Chính sách kinh tế của Mỹ đang có hiệu lực, dẫn tới sự bùng nổ đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp. Dự báo, GDP của Mỹ sẽ tăng 1,75% trong năm nay, khác biệt hoàn toàn với triển vọng tăng trưởng ảm đạm ở châu Âu.
Tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), tỷ lệ lạm phát tiếp tục ở mức cao. Điều kiện cạnh tranh ngày càng tồi tệ do cú sốc giá năng lượng và việc trì hoãn đầu tư sang các nước ngoài châu Âu đang tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế.
Người tiêu dùng lựa chọn mua hàng tại một siêu thị ở Berlin, Đức ngày 27/4/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tác động của chính sách tiền tệ có thể sẽ tiếp tục thể hiện trong nửa cuối năm 2023. Đồng euro mạnh đang khiến lĩnh vực xuất khẩu gặp khó khăn hơn. Viện IW dự báo tăng trưởng trong Eurozone sẽ ở mức 0,75% trong năm 2023.
Ở các nước mới nổi, sản lượng kinh tế tăng mạnh vào đầu năm 2023, nhưng lại giảm kể từ tháng Ba. Lý do chính là sự suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc. Sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang bị cản trở bởi sự sụt giảm của thị trường bất động sản, nhu cầu xuất khẩu yếu và nguy cơ giảm phát cao. Tuy vậy, do tăng trưởng dương trong nửa đầu năm nên dự báo GDP của Trung Quốc vẫn sẽ tăng 5% trong cả năm nay.
Nhu cầu trong nước yếu
Nền kinh tế Đức không chỉ gặp khó khăn do nhu cầu nước ngoài yếu, mà ngay cả nhu cầu trong nước cũng ở mức thấp. Lĩnh vực tiêu dùng của Đức đang bị ảnh hưởng lớn bởi lạm phát; lĩnh vực đầu tư bị ảnh hưởng nặng bởi môi trường kinh tế chung yếu và lãi suất cao hơn; lĩnh vực ngoại thương cũng chịu tác động bởi nhu cầu toàn cầu yếu.
Những gánh nặng chồng chất này tác động đặc biệt tiêu cực đến ngành công nghiệp và xây dựng. Các ngành dịch vụ tăng trưởng nhẹ không thể bù đắp cho sự sụt giảm này. Kết quả là, sản lượng kinh tế tổng thể sẽ giảm trong năm 2023.
Nhìn chung, nền kinh tế đầu tàu châu Âu không có động lực tăng trưởng kể từ đầu năm 2022; sản lượng kinh tế vào cuối năm 2023 chỉ ngang bằng mức cuối năm 2019. Sau sự sụt giảm liên tiếp trong hai quý mùa Đông 2022-2023, đà tăng trưởng hiện tại hầu như không còn. Trong các quý còn lại của năm 2023, tăng trưởng dự báo sẽ giảm so với quý trước.
Về ngoại thương, trong một thời gian dài, kinh tế toàn cầu yếu đã được phản ánh qua việc số lượng đơn đặt hàng từ nước ngoài đối với sản phẩm công nghiệp Đức giảm mạnh. Điều này một phần cũng là do sự suy giảm đáng kể khả năng cạnh tranh về giá của các doanh nghiệp Đức do các cú sốc chi phí tạo nên (đặc biệt là chi phí năng lượng tăng mạnh).
Trong bối cảnh đó, dự báo giá trị xuất khẩu thực tế năm 2023 sẽ thấp hơn 1% so với năm trước; trong khi nhập khẩu sẽ giảm mạnh hơn, ở mức 2%. Do nhập khẩu giảm mạnh hơn xuất khẩu nên cán cân thương mại của Đức sẽ ở mức thặng dư, phần nào lấy lại động lực cho nền kinh tế.
Công nhân làm việc trên dây chuyền lắp ráp ôtô tại nhà máy Mercedes-Benz ở Sindelfingen, Tây Nam Đức, ngày 13/2/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Về đầu tư, theo dự báo của viện IW, đầu tư cho các loại thiết bị (các tài sản lưu động như máy móc, thiết bị và phương tiện mới) sẽ tăng 3,5% vào năm 2023 (thấp hơn 1,5% so với mức đầu tư của năm 2019).
Ngược lại, do cuộc khủng hoảng xây dựng, đầu tư xây dựng thực tế sẽ lần đầu tiên thấp hơn mức trước khủng hoảng năm 2019. Tâm trạng kinh tế nói chung ảm đạm, chi phí cao và lãi suất tăng mạnh khiến lĩnh vực đầu tư xây dựng được viện IW dự báo giảm 3% trong năm nay.
Trong lĩnh vực tiêu dùng, do lạm phát hầu như giảm rất ít (dự kiến tỷ lệ lạm phát năm 2023 sẽ ở mức 6,5%) nên lĩnh vực tiêu dùng tiếp tục bị ảnh hưởng, trở thành gánh nặng đáng kể cho nền kinh tế. Tuy nhiên, mức tăng lương cũng như các khoản phụ cấp phần nào kéo lại sức mua. Do đó tính chung cả năm 2023, chi tiêu tiêu dùng thực tế sẽ giảm 1,25% so với năm trước.
Tỷ lệ thất nghiệp tăng nhẹ
Theo viện IW, dự kiến sẽ có gần 45,9 triệu người làm việc trên thị trường lao động Đức trong năm 2023, tăng 0,5% so với năm trước. So với tháng 12/2022, tốc độ tăng trưởng số lượng việc làm đã chậm lại từ đầu năm 2023 và gần như chững lại trong quý 2/2023.
Các công ty ngần ngại hơn trong việc tuyển dụng lao động mới. Điều này cũng được phản ánh bởi tình trạng thất nghiệp tăng, những người thất nghiệp ngày càng khó tìm được việc làm mới hơn.
Ngoài ra, một số lượng lớn người tị nạn từ Ukraine đã đăng ký thất nghiệp từ mùa Hè năm 2022. Kết quả là số người thất nghiệp trung bình tăng 160.000 người, lên mức 2,58 triệu. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức 5,5%.
Nợ quốc gia vẫn nằm trong giới hạn cho phép
Trong ngân sách nhà nước, doanh thu thuế thấp hơn dự báo trước đây do triển vọng kinh tế đang suy giảm. Về mặt chi tiêu, các khoản chi nhằm ổn định giá điện, khí đốt có thể sẽ thấp hơn dự kiến ban đầu. Tuy nhiên trong trung hạn, các khoản thanh toán lãi vay ngày càng tăng sẽ tạo thêm gánh nặng cho ngân sách nhà nước của Đức.
Viện IW dự báo thâm hụt ngân sách năm 2023 sẽ ở mức 97 tỷ euro, tương đương gần 2,5% GDP. Tỷ lệ nợ công của Đức có thể ổn định ở mức 65% trong năm 2023, vẫn nằm trong giới hạn cho phép./.
Tin liên quan
Hai nền kinh tế lớn nhất châu Âu đối mặt với nhiều thách thức
08:49 | 18/12/2024 Nhìn ra thế giới
Nước Mỹ trước nguy cơ suy thoái
09:13 | 14/08/2024 Nhìn ra thế giới
2023 có thể là một năm ảm đạm hơn đối với nền kinh tế toàn cầu
09:11 | 29/12/2022 Nhìn ra thế giới
Bấp bênh “núi nợ” của các nền kinh tế đang phát triển
13:48 | 22/12/2024 Nhìn ra thế giới
Hoạt động M&A toàn cầu có thể đạt mức cao nhất trong 4 năm
09:05 | 20/12/2024 Nhìn ra thế giới
Những yếu tố định hình thế giới 2025
08:15 | 20/12/2024 Nhìn ra thế giới
13 tấn cocaine trong lô hàng chuối nhập khẩu
15:56 | 19/12/2024 Nhìn ra thế giới
Cuba công bố chế độ tỷ giá hối đoái mới linh hoạt hơn
08:37 | 19/12/2024 Nhìn ra thế giới
Fed cắt giảm lãi suất lần thứ ba liên tiếp
08:37 | 19/12/2024 Nhìn ra thế giới
Ám ảnh bóng ma chiến tranh thương mại Mỹ-Trung
07:45 | 19/12/2024 Nhìn ra thế giới
Cuba tái khẳng định sẵn sàng đối thoại với Mỹ
08:49 | 18/12/2024 Nhìn ra thế giới
Kinh tế Đức tiến gần đến ngưỡng suy thoái và nguy cơ không thể quay đầu
08:56 | 17/12/2024 Nhìn ra thế giới
Hoạt động kinh doanh ở Eurozone ảm đạm trong tháng 12
08:56 | 17/12/2024 Nhìn ra thế giới
Khủng hoảng nội bộ hai chính đảng lớn nhất Hàn Quốc
08:31 | 17/12/2024 Nhìn ra thế giới
Thị trường tài chính Hàn Quốc sau những bất ổn chính trị
09:59 | 16/12/2024 Nhìn ra thế giới
Mỹ-Trung lại "nóng" vấn đề bán dẫn
14:34 | 15/12/2024 Nhìn ra thế giới
Vấn đề Bạn quan tâm
Tin mới
Trung Đông- thị trường tiềm năng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam
Báo động tai nạn tự chế pháo nổ
Đảm bảo năng lực tài chính của các tổ chức phát hành trái phiếu ra công chúng
Bấp bênh “núi nợ” của các nền kinh tế đang phát triển
(INFOGRAPHICS) Xuất nhập khẩu nửa đầu tháng 12 có chiều hướng giảm
(Infographics) Tổng thu từ xuất nhập khẩu các tỉnh, thành vùng Tây Nguyên
10:50 | 15/12/2024 Hải quan
(INFOGRAPHICS) Kim ngạch hơn 67 tỷ USD, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam
11:29 | 04/12/2024 Infographics
(INFOGRAPHICS): Tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp tham gia chương trình tự nguyện tuân thủ
16:30 | 06/12/2024 Infographics
(INFOGRAPHICS) Tổng thu từ XNK các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ
16:33 | 06/12/2024 Xuất nhập khẩu
(INFOGRAPHICS) 66 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 11
14:29 | 12/12/2024 Infographics