Hướng tới Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh, thịnh vượng, rộng mở
Trong khuôn khổ năm Chủ tịch ASEAN 2020, từ ngày 9-12/9, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM 53) và các Hội nghị liên quan đã diễn ra với hình thức trực tuyến.
Với sự tham gia của 27 đoàn thuộc 4 châu lục với các múi giờ khác nhau, AMM 53 và các Hội nghị liên quan là một trong những đợt Hội nghị quan trọng nhất trong năm Chủ tịch ASEAN 2020.
Dù được tổ chức theo hình thức trực tuyến, không có những hình ảnh các Bộ trưởng Ngoại giao bắt chéo tay thể hiện tình đoàn kết theo truyền thống của ASEAN, nhưng Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu rõ: AMM 53 và các Hội nghị liên quan đã thành công tốt đẹp.
Những mục tiêu đặt ra trước Hội nghị của Chủ tịch ASEAN 2020 cũng như các nước thành viên và Đối tác đều cơ bản đạt được. 42 văn kiện được thông qua đã khẳng định rõ thành công của AMM 53 và các Hội nghị liên quan.
Thông qua nhiều nội dung quan trọng
Đánh giá về thành công của AMM 53 và các Hội nghị liên quan, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, thành công của AMM 53 và các Hội nghị liên quan trong thời điểm đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp cho thấy sự đoàn kết, thống nhất và quyết tâm mạnh mẽ của các nước ASEAN, đồng thời thể hiện sự linh hoạt, chủ động và tích cực của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.
19 Hội nghị cấp Bộ trưởng đã diễn ra, trong đó có những Hội nghị quan trọng như AMM 53, các Hội nghị trong khuôn khổ ASEAN+3, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 27, các Hội nghị giữa ASEAN với các Đối tác.
Ngoài ra, còn có Đối thoại giữa các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với đại diện Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR), Phiên họp đặc biệt của Hội đồng Điều phối ASEAN về phát triển tiểu vùng, Đối thoại cấp Bộ trưởng ASEAN về tăng cường vai trò của phụ nữ vì hòa bình và an ninh bền vững và Hội nghị Bộ trưởng Quan hệ đối tác Mekong-Hoa Kỳ lần thứ nhất.
Các Bộ trưởng ASEAN tiếp tục khẳng định quyết tâm và cam kết mạnh mẽ thực hiện đầy đủ, hiệu quả các mục tiêu và ưu tiên hợp tác trên tinh thần "Gắn kết và Chủ động thích ứng" của năm 2020.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết ASEAN nhất trí tiếp tục nỗ lực triển khai đúng tiến độ các Kế hoạch tổng thể thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 trên cơ sở kết quả kiểm điểm giữa kỳ trên cả 3 trụ cột; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ và hiệu quả các quy định của Hiến chương ASEAN; thông qua đánh giá kịp thời về kết quả triển khai Hiến chương thời gian qua; ủng hộ nỗ lực thảo luận xây dựng định hướng phát triển cho ASEAN trong giai đoạn mới sau khi hoàn thành Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.
Bên cạnh đó, các Bộ trưởng Ngoại giao cũng dành quan tâm cao đến việc nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN và các cơ chế, diễn đàn do ASEAN dẫn dắt trong bối cảnh môi trường toàn cầu và khu vực thay đổi nhanh chóng, phức tạp.
Các Bộ trưởng thống nhất thúc đẩy vai trò của ASEAN trong hợp tác tiểu vùng; gắn kết phát triển tiểu vùng với tiến trình phát triển chung của ASEAN.
Tiếp tục khẳng định những đóng góp của ASEAN cho các nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, các Bộ trưởng đã trao đổi và thống nhất tạo điều kiện phát huy vai trò của phụ nữ ASEAN trong hòa bình và an ninh.
Các Bộ trưởng Ngoại giao nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì đoàn kết, thống nhất, cách tiếp cận tổng thể của cả Cộng đồng ASEAN trong kiểm soát lây nhiễm và giảm thiểu tác động của dịch bệnh, giữ vững đà hợp tác liên kết, xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Các Bộ trưởng hoan nghênh những đóng góp ban đầu đáng khích lệ của các nước cho Quỹ ASEAN Ứng phó COVID-19; nhất trí chỉnh sửa các quy định của Quỹ để tạo thuận lợi cho đóng góp từ các nước Đối tác cho Quỹ; sớm thành lập và đưa vào vận hành Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp của khu vực; triển khai xây dựng Quy trình ứng phó chung của ASEAN đối với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp; đảm bảo quyền tiếp cận công bằng, rộng rãi của người dân với vắcxin phòng COVID-19...
Với sự hỗ trợ của các đối tác, ASEAN sẽ sớm thành lập Trung tâm khu vực về Ứng phó dịch bệnh và các Tình huống y tế công cộng khẩn cấp.
Các Bộ trưởng nhấn mạnh, song song với các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, ASEAN cần tập trung hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục hậu quả kinh tế-xã hội do ảnh hưởng của COVID-19 và từng bước thúc đẩy phục hồi.
Các Bộ trưởng đã thông qua Tài liệu khái niệm và các thành tố chính của Khung phục hồi tổng thể ASEAN, giao Ban Thư ký ASEAN phối hợp với các cơ quan chuyên ngành trên 3 trụ cột khẩn trương xây dựng dự thảo đầu tiên của Khung phục hồi để kịp hoàn tất, báo cáo kết quả lên Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37.
Các Bộ trưởng ASEAN và các Đối tác tái khẳng định cam kết ủng hộ hợp tác đa phương và khuôn khổ quan hệ giữa các quốc gia dựa trên nền tảng các nguyên tắc luật pháp quốc tế; tiếp tục đẩy mạnh hợp tác hiệu quả giữa ASEAN với các đối tác nhằm ứng phó với các thách thức đang nổi lên, trong đó có đẩy lùi đại dịch COVID-19 và thúc đẩy phục hồi toàn diện.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Cấp cao Đông Á lần thứ 10. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
ASEAN cũng nhất trí trao quy chế Đối tác phát triển cho Pháp và Italy, chấp thuận Colombia và Cuba tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC). ASEAN đề ra các biện pháp tăng cường sự đóng góp của ASEAN trên các vấn đề toàn cầu, qua đó nâng cao vai trò và tiếng nói của ASEAN trong khu vực và trên thế giới.
Các Bộ trưởng đã trao đổi về các thách thức an ninh phi truyền thống như an ninh mạng, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, thiên tai, biến đổi khí hậu... cùng các vấn đề quốc tế và khu vực.
Về Biển Đông, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao nêu rõ lập trường nguyên tắc của ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng và lợi ích của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, là lợi ích chung của tất cả các quốc gia, được các nước Đối tác tiếp tục ủng hộ.
Các Bộ trưởng khẳng định cần tiếp tục thúc đẩy đối thoại và tăng cường xây dựng lòng tin, kiềm chế không có hoạt động làm gia tăng căng thẳng và phức tạp tình hình, không quân sự hóa, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Các Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được thực hiện đầy đủ và hiệu quả, kêu gọi sớm hoàn tất xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Phát huy vai trò trung tâm của ASEAN
AMM 53 và các Hội nghị liên quan diễn ra trong bối cảnh khu vực và thế giới diễn biến phức tạp. Cạnh tranh giữa các nước lớn đang ngày càng gia tăng. Trong bối cảnh đó, vai trò trung tâm của ASEAN được phát huy tối đa, từ đó góp phần nâng cao vai trò, vị thế của từng quốc gia và khu vực ASEAN trên trường quốc tế.
Đánh giá về chiến lược cạnh tranh giữa các nước lớn và vai trò trung tâm của ASEAN, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn là một thực tế, đang diễn ra ở các hội nghị, diễn đàn trên thế giới, khu vực trong đó có Đông Nam Á - một khu vực giữ vị trí chiến lược quan trọng.
ASEAN là một diễn đàn có các cơ chế, trong đó có cơ chế về hội nghị cũng như diễn đàn an ninh khu vực, là diễn đàn để trao đổi các vấn đề chiến lược, những vấn đề trong quan hệ giữa các nước liên quan đến khu vực. Đương nhiên những vấn đề cạnh tranh chiến lược giữa các nước cũng được thể hiện tại các cuộc họp của diễn đàn này.
Dịp kỷ niệm 53 năm thành lập ASEAN (8/8/1967-8/8/2020), các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã đưa ra Tuyên bố về duy trì hòa bình, ổn định ở Đông Nam Á, thể hiện rõ quan điểm của các nước trong khu vực là mong muốn xây dựng Đông Nam Á hòa bình, thịnh vượng; mong muốn tất cả các quốc gia trên thế giới cũng như trong khu vực đóng góp vai trò tích cực, hỗ trợ, thúc đẩy cho việc duy trì hòa bình, ổn định của Đông Nam Á. Điều này cũng thể hiện vai trò trung tâm mà ASEAN mong muốn xây dựng.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam trả lời phóng viên các cơ quan báo chí. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Đương nhiên, ASEAN và các nước trong khu vực không muốn bị kẹt vào cạnh tranh giữa các nước tác động đến hòa bình, ổn định của khu vực. Điều đó đã được thể hiện và trao đổi tại các cuộc họp của ASEAN tại các diễn đàn đối thoại.
Cùng đánh giá về vai trò trung tâm của ASEAN, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam cho rằng, tại AMM 53 và các Hội nghị liên quan, ASEAN đã tạo được diễn đàn thu hút sự quan tâm của các nước đối tác, cùng ngồi lại với nhau trong một bầu không khí dân chủ, thoải mái và bình đẳng. Từ đó các nước có điều kiện thể hiện quan điểm, lập trường của mình về tình hình khu vực và thế giới.
Việt Nam đã cùng các nước ASEAN thể hiện sự đoàn kết, nhất trí rất cao về các vấn đề cơ bản, cốt lõi; trong đó có thể hiện vai trò trung tâm của ASEAN, gìn giữ tính độc lập, trung lập của ASEAN.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng, thái độ của các nước ASEAN trong hội nghị rất chân thành, thẳng thắn, xây dựng, từ đó tạo nên vai trò trung tâm của ASEAN, dẫn dắt thảo luận và tạo không khí chung thảo luận giữa các nước trên tinh thần xây dựng, hợp tác, tạo dựng lòng tin.
Theo ông Vũ Hồ, Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao, vai trò trung tâm của ASEAN được thể hiện trên nhiều phương diện, trong đó có phương diện xây dựng, bảo đảm một khu vực hòa bình, ổn định, tinh thần đối thoại và hợp tác giúp các nước thành viên, sau đó được mở rộng ra thông qua hoạt động của các cơ chế do ASEAN thành lập, dẫn dắt.
Vai trò trung tâm của ASEAN thể hiện ở việc duy trì được tinh thần độc lập, tự chủ, không bị và không để lôi kéo vào những diễn biến phức tạp trên thế giới; duy trì được tinh thần của ASEAN từ ngày thành lập đến nay để có sự bảo đảm cho các đối tác tham gia hỗ trợ và ủng hộ ASEAN trong quá trình xây dựng hòa bình và duy trì ổn định trong khu vực. Quan trọng nhất hiện nay, đó là tinh thần sẵn sàng đối thoại, sẵn sàng hợp tác, cùng nhau hướng tới tương lai, đặc biệt là trong việc phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh.
Sáng kiến của Việt Nam trở thành sáng kiến chung của ASEAN
Tại các Hội nghị trong khuôn khổ AMM 53, đại diện các nước ASEAN hoan nghênh Việt Nam, với tư cách Chủ tịch ASEAN 2020, đã chủ động đề xuất, triển khai nhiều sáng kiến, duy trì và thúc đẩy hợp tác trong cả trong phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh cũng như xây dựng Cộng đồng, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN Nguyễn Quốc Dũng cho biết: Đến nay, các sáng kiến, đề xuất do nước Chủ tịch ASEAN 2020 đưa ra đều được các nước trong khu vực ủng hộ và trở thành sáng kiến chung của ASEAN.
Trong số này, điển hình nhất là các sáng kiến được Việt Nam đưa ra trong bối cảnh dịch COVID-19 như Thành lập Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19; Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực; lập ra các tiêu chuẩn ứng phó với dịch bệnh; xây dựng kế hoạch tổng thể phục hồi hậu COVID-19.
Một điểm xét nghiệm COVID-19. (Ảnh: THX/TTXVN)
Các nước đều thống nhất cùng nhau thực hiện các sáng kiến trên của Việt Nam nhằm từng bước đẩy lùi dịch bệnh, hỗ trợ nhau trong quá trình phục hồi nền kinh tế từng quốc gia cũng như khu vực.
Phát biểu tại các Hội nghị trong khuôn khổ AMM 53 và các Hội nghị liên quan, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã nhấn mạnh nhu cầu hợp tác y tế và phục hồi kinh tế hậu dịch COVID-19.
Theo đó, Ngoại trưởng Marsudi kêu gọi ASEAN tăng cường hợp tác nhằm xây dựng khả năng phục hồi y tế với mục tiêu ngắn hạn là đảm bảo khả năng tiếp cận vắcxin và khả năng phục hồi y tế của khu vực. Bà Marsudi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng tốc vận hành Quỹ ASEAN ứng phó với dịch COVID-19.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN năm 2020 cho biết: Quỹ ASEAN ứng phó với COVID-19 đã được thành lập tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 và bắt đầu đi vào hoạt động.
Ban Thư ký ASEAN cũng đang xây dựng một quy chuẩn để hướng dẫn việc sử dụng quỹ này. Hiện nay, Quỹ cơ bản đã có khoảng vài triệu USD và các nước tiếp tục đóng góp.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Prak Sokhonn cũng đề cao vai trò quan trọng của các đối tác nước ngoài trong việc huy động thêm các nguồn lực hỗ trợ cho Quỹ ứng phó COVID-19 của ASEAN-sáng kiến của Việt Nam, nước Chủ tịch ASEAN 2020.
Có thể nói, các quốc gia thành viên ASEAN đều ủng hộ và hưởng ứng các sáng kiến được Việt Nam đề xuất. Sự linh hoạt, chủ động, dẫn dắt hiệu quả các nước thành viên ASEAN ứng phó với dịch bệnh của nước Chủ tịch ASEAN 2020 được công nhận khi những sáng kiến của Việt Nam đã trở thành sáng kiến chung của ASEAN.
Có thể nói, trong khuôn khổ AMM 53 và các Hội nghị liên quan, các nước nhất trí với nhiều đề xuất của Việt Nam tại Hội nghị lần này. 10 sáng kiến được Việt Nam đưa ra đã được thông qua. Đó là Tuyên bố Hà Nội kỷ niệm 15 năm thành lập EAS dịp Hội nghị Cấp cao EAS lần thứ 15, tổ chức họp Nhóm chuyên gia EAS về COVID-19; ra Tuyên bố Lãnh đạo ASEAN+3 về tăng cường hợp tác kinh tế ASEAN+3 về kinh tế và ổn định tài chính…
Với thành công của AMM 53 và các Hội nghị liên quan, nước Chủ tịch ASEAN 2020 - Việt Nam, đã khẳng định được vai trò chủ động, tích cực trong việc dẫn dắt các nước thành viên ASEAN vượt qua thách thức trong bối cảnh khu vực và thế giới có nhiều diễn biến khó lường, đặc biệt là dịch COVID-19.
Thành công trên cũng thể hiện rõ tinh thần "Gắn kết và Chủ động thích ứng" của ASEAN, hướng tới một Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh, thịnh vượng, rộng mở, vì lợi ích của người dân.
Tin liên quan
Quyết tâm bóc gỡ các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy xuyên quốc gia
11:46 | 15/12/2024 An ninh XNK
Ngành Tài chính luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân
20:36 | 10/12/2024 Thuế - Kho bạc
Thử thách và cơ hội đối với Chủ tịch ASEAN 2025
07:37 | 08/12/2024 Nhìn ra thế giới
Malaysia triển khai nhiều sáng kiến thúc đẩy thịnh vượng trong suốt năm 2024
11:00 | 23/12/2024 Nhìn ra thế giới
Cuộc "chiến tranh lạnh" mới
10:59 | 23/12/2024 Nhìn ra thế giới
Bấp bênh “núi nợ” của các nền kinh tế đang phát triển
13:48 | 22/12/2024 Nhìn ra thế giới
Hoạt động M&A toàn cầu có thể đạt mức cao nhất trong 4 năm
09:05 | 20/12/2024 Nhìn ra thế giới
Những yếu tố định hình thế giới 2025
08:15 | 20/12/2024 Nhìn ra thế giới
13 tấn cocaine trong lô hàng chuối nhập khẩu
15:56 | 19/12/2024 Nhìn ra thế giới
Cuba công bố chế độ tỷ giá hối đoái mới linh hoạt hơn
08:37 | 19/12/2024 Nhìn ra thế giới
Fed cắt giảm lãi suất lần thứ ba liên tiếp
08:37 | 19/12/2024 Nhìn ra thế giới
Ám ảnh bóng ma chiến tranh thương mại Mỹ-Trung
07:45 | 19/12/2024 Nhìn ra thế giới
Cuba tái khẳng định sẵn sàng đối thoại với Mỹ
08:49 | 18/12/2024 Nhìn ra thế giới
Hai nền kinh tế lớn nhất châu Âu đối mặt với nhiều thách thức
08:49 | 18/12/2024 Nhìn ra thế giới
Kinh tế Đức tiến gần đến ngưỡng suy thoái và nguy cơ không thể quay đầu
08:56 | 17/12/2024 Nhìn ra thế giới
Hoạt động kinh doanh ở Eurozone ảm đạm trong tháng 12
08:56 | 17/12/2024 Nhìn ra thế giới
Vấn đề Bạn quan tâm
Tin mới
Thêm cẩu giàn được bố trí tại bến số 3, 4 cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng
Bridgestone thực hiện chính sách bảo vệ môi trường tại Việt Nam
Liên tiếp phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm có dấu hiệu nhập lậu
Sau châu Á, Viettel High Tech tiếp tục mở rộng tại thị trường châu Mỹ
Malaysia triển khai nhiều sáng kiến thúc đẩy thịnh vượng trong suốt năm 2024
(Infographics) Tổng thu từ xuất nhập khẩu các tỉnh, thành vùng Tây Nguyên
10:50 | 15/12/2024 Hải quan
(INFOGRAPHICS) Kim ngạch hơn 67 tỷ USD, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam
11:29 | 04/12/2024 Infographics
(INFOGRAPHICS): Tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp tham gia chương trình tự nguyện tuân thủ
16:30 | 06/12/2024 Infographics
(INFOGRAPHICS) Tổng thu từ XNK các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ
16:33 | 06/12/2024 Xuất nhập khẩu
(INFOGRAPHICS) 66 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 11
14:29 | 12/12/2024 Infographics