10 câu hỏi cho thể thao 2019
Giấc mơ Vàng SEA Games thành hiện thực?
Ngay vào những ngày đầu năm, đội tuyển Việt Nam tham dự vòng chung kết giải vô địch châu Á - ASIAN Cup 2019 tại UAE và chẳng khó để nhận ra, đây là sân chơi mà thầy trò HLV Park Hang Seo khó có cơ hội tiến xa khi vẫn còn khoảng cách lớn về trình độ.
Đó cũng chính là lý do khiến ông thầy người Hàn Quốc thay vì đưa nguyên đội hình vừa vô địch Đông Nam Á đến châu lục mà tiến hành tiếp một cuộc trẻ hóa nữa về lực lượng nhắm hướng tới cái sân chơi đã cũ - SEA Games lần thứ 30 diễn ra tại Philippines vào cuối năm 2019.
SEA Games vốn không lạ, nhưng nơi đây, thể thao mà cụ thể là bóng đá Việt Nam còn giấc mơ Vàng dang dở đã kéo dài đến 60 năm, tính từ chức vô địch của đội tuyển miền Nam Việt Nam năm 1959.
SEA Games - Bàn đạp hay mục tiêu?
Nếu bóng đá nam lo giấc mơ vàng, thì chẳng cần phải đến khi SEA Games 2019 diễn ra, đã có thể sớm dự báo, Thể thao Việt Nam sẽ lại đứng trong Top 3 đoàn dẫn đầu ngày hội thể thao lớn nhất Đông Nam Á.
Lý do thì thật đơn giản, trình độ chuyên môn chung của thể thao nước nhà đã ở hàng đầu khu vực mà thành tích nhiều kỳ SEA Games đã qua là minh chứng rõ nét. Vấn đề đặt ra là Thể thao Việt Nam đến với kỳ SEA Games lần thứ 16 tham dự này với mục tiêu nào? Nếu chỉ để thêm lần nữa đứng trong Top 3 của bảng xếp hạng huy chương thì rõ ràng là không cần thiết bởi lẽ đó là chuyện... đương nhiên!
Thể thao Việt Nam cần phải tiếp tục coi SEA Games giống như cái bàn đạp để hướng tới những cái đích lớn hơn - châu lục và thế giới thông qua các môn thể thao cơ bản trong hệ thống thi đấu Olimpic, ASIAD, thay vì số đông chỉ nhằm lấy huy chương Vàng.
Bao nhiêu vé đi Olympic Tokyo 2020?
Xét trên tổng thể, Thế vận hội vẫn cứ là cái sân chơi quá tầm về chuyên môn, nhưng vào từng thời điểm, có môn, hoặc có những VĐV xuất sắc của Thể thao Việt Nam đủ khả năng tranh chấp huy chương để làm nên kỳ tích mang tên Olympic. Đó là võ sỹ Trần Hiếu Ngân với ngôi á quân Taekwondo tại Olympic Sydney 2000; là á quân cử tạ Hoàng Anh Tuấn ở Bắc Kinh 2008 và gần nhất là xạ thủ Hoàng Xuân Vinh với 1 HCV - 1 HCB lịch sử tại Olympic Rio 2016.
Tuy nhiên, Olympic không phải là đấu trường... thích là đến! Để góp mặt phải trải qua vòng loại cam go ở cấp châu lục và thế giới. Và đó mới là mục tiêu thực sự của Thể thao Việt Nam - Giành càng nhiều suất chính thức tham dự Olympic càng tốt, nhằm nâng cao vị thế cũng như trình độ.
Cách đây 4 năm, đã có 23 VĐV Việt Nam giành suất dự Olympic Rio và mục tiêu tương tự cũng được đặt ra cho Olympic 2020 tới tại Tokyo (Nhật Bản) với những thế mạnh như: Bắn súng, cử tạ, Taekwondo, Karate, điền kinh, bơi, thể dục dụng cụ...
V-League sẽ thay đổi?
Sau 18 năm chuyển đổi sang mô hình bóng đá chuyên nghiệp, giải vô địch quốc gia V-League đã có những bước tiến dài, tiệm cận với quy chuẩn quốc tế, dần nâng cấp về chuyên môn, đóng góp nhân sự cho các đội tuyển quốc gia. Thế nhưng, cũng không khó để nhận ra, 18 năm, bóng đá Việt vẫn chưa thể tròn chữ chuyên bởi cái lẽ đơn giản - Chưa tự nuôi sống được chính mình.
Mùa 2018 vừa qua cũng chẳng là ngoại lệ. Tình trạng 1 ông chủ nhiều đội bóng vẫn không được giải quyết, trong khi hàng loạt đội bóng khác lâm vào cảnh “ăn đong”, nhà tài trợ không mặn mà. Chất lượng giải đấu, các trận đấu chưa cải thiện, chưa thu hút được nhiều khán giả, sai sót của trọng tài vẫn là điểm nóng...
Bên cạnh thành công của các đội tuyển quốc gia, năm 2018 còn chứng kiến sự ra đời của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) khóa VIII, nhưng có lẽ sự thay đổi của V-League 2019 là chẳng nhiều.
Có giữ được chân ông Park Hang Seo?
Cuối cùng là 1 điểm nóng dù nằm trên bàn, nhưng lại được xem là liên quan trực tiếp đến thành công đã qua cũng như trong tương lai của bóng đá nước nhà - Bản hợp đồng với HLV trưởng đội tuyển quốc gia, ông Park Hang Seo.
Theo như hợp đồng đã ký giữa VFF, ông thầy người Hàn Quốc sẽ gắn bó với bóng đá Việt Nam đến ngày 31/1/2020 và việc bàn thảo chỉ được hai bên bàn thảo 3 tháng trước khi kết thúc. Tuy vậy, sau những kỳ tích đã làm nên cùng các đội tuyển, từ U23 đến Olympic và đội tuyển quốc gia, việc giữ chân thầy Park đã được đặt ra sớm hơn nhiều.
Thứ nhất, sau rất nhiều đời thầy ngoại đã đến rồi đi, vinh quang có nhưng thất bại thật nhiều, ông Park đã chứng tỏ năng lực vượt trội của mình khi mang đến cho đội tuyển Việt Nam lối chơi phù hợp, có lửa và đặc biệt hiệu quả. Năng lực chuyên môn cùng phong cách làm việc trách nhiệm, tình cảm và hết mình, chính là những dấu ấn lớn của Park Hang Seo - viên ngọc quý mà bóng đá Việt có được.
Hơn nữa, với tài năng của mình cùng mức lương khá khiêm tốn (22.000 USD/tháng), ông Park thừa sức để tìm được bến đỗ khác sau khi bản hợp đồng kết thúc, dù ông vẫn tuyên bố - Sẽ tiếp tục gắn bó.
Vì thế, dĩ nhiên là tăng lương, tạo thêm cơ chế làm việc thuận lợi, bóng đá Việt Nam mới mong giữ được chân ông thầy ngoại tài giỏi này trong năm 2019.
Bội thực bóng đá?
Hiển nhiên thì bóng đá luôn được ưu tiên hàng đầu trong các môn thể thao, chưa kể năm 2019 này, ngoài 3 giải World Cup thuộc hệ thống thi đấu của FIFA là U20, U17 và bóng đá nữ, có đến 4 giải vô địch ở các châu là Copa America, Asian Cup, châu Phi và Gold Cup.
Năm nay, Copa America sẽ được tổ chức tại Brazil từ ngày 14/6 đến 7/7 và người ta đang chờ xem đội nào có thể giành lấy chức vô địch mà đội tuyển Chile đã giữ trong hai kì Copa America gần đây.
Trong khi đó, Asian Cup sẽ diễn ra ngay trong tháng 1 này ở UAE từ ngày 5/1 đến 1/2. Đây là lần đầu tiên Asian Cup có 24 đội, sau khi thể thức 16 đội được mở rộng và duy trì từ năm 2004 đến 2015.
Không như những năm trước, giải vô địch châu Phi thay vì diễn ra từ tháng 1, tháng 2 giờ sẽ được tổ chức từ ngày 7 đến 30/6 tại Cameroon. Tương tự như vậy, Gold Cup của khu vực Concacaf diễn ra từ ngày 18/6 đến 18/7 tại Mỹ.
Đó là chưa kể Nations League của UEFA sẽ xác định được đội vô địch đầu tiên sau khi giải đấu dành cho các đội tuyển kết thúc vòng bảng trong năm 2018.
Công thức 1: Ai sẽ thách thức Lewis Hamilton?
Nhân sự kiện Hà Nội sẽ được đưa vào lịch thi đấu của giải đua Công thức 1 (F1) và Hanoi Grand Prix được xem là một chặng trong mùa giải 2020, chúng ta cũng cần phải nói đến mùa giải 2019 với nhiều thay đổi.
Sau khi Lewis Hamilton của Mercedes giành danh hiệu thế giới lần 5 ở mùa giải năm nay, câu hỏi đặt ra là ai có thể thách thức vị trí số 1 của tay đua người Anh? Trong khi thời gian là câu trả lời chính xác nhất, mùa giải 2019 đã có một số thay đổi về nhân sự ở các đội đua. Theo đó, Daniel Ricciardo sẽ chuyển đến đội Renault sau 5 năm gắn bó với Red Bull Racing và thay thế vị trí của Carlos Sainz Jr. Trong khi đó, vị trí của Ricciardo tại Red Bull Racing được Pierre Gasly, tay đua từ Scuderia Toro, đảm nhận.
Ngoài ra, Daniil Kvyat dự kiến trở lại Toro Rosso sau lần gần đây đua cho đội vào năm 2017 và sẽ kết hợp với Alexander Albon, người thay thế vị trí của Brendon Hartley. Điều thú vị là Albon là tay đua gốc Thái Lan thứ 2 có mặt ở F1, 65 năm sau hoàng tử Bira ở chặng Spanish Grand Prix năm 1954.
Trong khi đó, Sainz Jr. dự kiến chuyển tới McLaren để thay thế Fernando Alonso. Charles Leclerc dự kiến rời Sauber và gia nhập Ferrari để thay thế Kimi Raikkonen, tay đua sẽ ra đi theo chiều ngược lại.
Novak Djokovic sẽ tiếp tục thống trị?
Thường thì sau một năm có nhiều xáo trộn ở các giải đánh đơn của nam và nữ, người ta sẽ đặt câu hỏi xem liệu những cây vợt này có duy trì được thành tích như vậy trong năm 2019.
Nhìn lại năm 2018 thì ở hệ thống Grand Slam của nam, Roger Federer vô địch Australian Open, Rafael Nadal vô địch French Open, trong khi Wimbledon và US Open thuộc về Novak Djokovic. Nhờ vậy, cây vợt người Serbia đã kết thúc năm ở vị trí số 1 dù xét về số danh hiệu trong năm, cây vợt số 2 thế giới là Nadal giành được nhiều hơn, với 5 danh hiệu.
Trong khi đó ở giải nữ, Caroline Wozniacki vô địch Australian Open, Simona Halep vô địch French Open, Angelique Kerber vô địch Wimbledon và Naomi Osaka vô địch US Open. Việc có đến 4 nhà vô địch khác nhau phần nào cho thấy sự thiếu ổn định của các cây vợt nữ sau khi cựu số 1 thế giới Serena Williams thất bại ở hai trận chung kết Wimbledon và US Open.
Cũng vì thế mà trong khi Petra Kvitova giành được nhiều danh hiệu đánh đơn nhất trong năm (5), Halep là người dẫn đầu bảng xếp hạng thế giới. Sau cây vợt người Romania là Kerber của Đức và Wozniacki của Đan Mạch.
Năm của Tiger Woods?
Nói đến golf là nói đến 5 giải major trong năm và như thế, về lí thuyết thì năm 2018, Brooks Koepka phải được nhắc đến khi golfer người Mỹ giành 2 major là US Open và PGA Championship. Bên cạnh đó là Patrick Reed vô địch Masters và Francesco Molinari vô địch Open Championship.
Có điều, cái tên nổi bật nhất trong năm lại là Tiger Woods. Đành rằng chỉ cần cái tên Tiger Woods đã đủ kéo người hâm mộ đến sân, khiến tỉ lệ rating tăng vọt, lí do càng khiến cựu số 1 thế giới người Mỹ nổi bật hơn là sự hồi sinh của anh sau năm 2017 tồi tệ. Với danh hiệu Tour Championship, đứng thứ 2 tại FedEx Cup, cạnh tranh ở hai giải major, Woods đã có sự cải thiện rõ rệt trên bảng xếp hạng thế giới. Từ vị trí 1.199 ở Genesis Open vào tháng 2/2017, golfer 42 tuổi đã vươn lên thứ 13 trong năm 2018.
Vì thế, khi mùa giải 2018/19 đã bắt đầu diễn ra, tất cả đều chờ đợi Woods sẽ chấm dứt 10 năm không danh hiệu major kể từ lần cuối cùng anh vô địch US Open. Liệu năm 2019 sẽ khác, các major sẽ diễn ra ở 3 sân mà Woods đã thắng trước đây. Ngoài 4 danh hiệu Masters tại Augusta National, Woods cũng thắng ở Pebble Beach, nơi diễn ra U.S. Open, và Bethpage Black tại Long Island của New York, nơi tổ chức PGA Championship.
Ai sẽ thay thế Usain Bolt?
Nếu như năm 2018 không có một giải vô địch thế giới ngoài trời diễn ra và cũng chỉ có 3 kỉ lục thế giới được lập (2 ngoài trời, 1 trong nhà), tâm điểm của năm 2019 chính là giải vô địch thế giới tại Doha, Qatar từ ngày 27/9 đến 6/10.
Khỏi cần nói thì giải vô địch thế giới năm nay sẽ đánh dấu sự vắng bóng của huyền thoại Usain Bolt, vận động viên nước rút người Jamaica giờ đang thử sức ở môn thể thao mới là bóng đá.
Thực tế thì tại giải vô địch thế giới năm 2017 cũng đã chứng kiến thất bại của Bolt và điền kinh Jamaica khi họ chỉ có vỏn vẹn một huy chương vàng ở nội dung 110 vượt rào của nam, không có huy chương bạc và giành ba huy chương đồng. Trong số này có huy chương đồng của Bolt ở nội dung 100m mà anh đang giữ kỉ lục thế giới.
Vì thế, nếu nhìn từ bảng xếp hạng huy chương năm 2017, cuộc cạnh tranh sẽ chỉ diễn ra giữa Mỹ, Anh, Kenya, Nam Phi và Pháp. Quan trọng không kém, tất cả đang hi vọng sẽ tìm ra một Usain Bolt mới trong số những Christian Coleman, Trayvon Bromell, Ronnie Baker, Noah Lyles (cùng Mỹ), Andre De Grasse (Canada), Akani Simbine, Wayde van Niekerk, Clarence Munyai (cùng Nam Phi), Chijindu Ujah, Reece Prescod (cùng Anh) hay nội dung 100m vẫn là sự thống trị của Justin Gatlin, vận động viên người Mỹ giờ đã 36 tuổi.
Tin liên quan
Chính thức có mặt tại Việt Nam Porsche Panamera 2024 giá từ 6,42 tỷ đồng
09:51 | 08/10/2024 Xe - Công nghệ
Bùng nổ thương hiệu xe đạp lạ, khẳng định tiềm năng thị trường thể thao Việt Nam
09:30 | 29/09/2024 Xe - Công nghệ
Gần 200 vận động viên tham gia Giải Thể thao thành lập Hải quan Việt Nam
16:56 | 09/09/2024 Hải quan
HLV Trương Việt Hoàng: “Mourinho Việt Nam” và thử thách cực đại trong năm 2021
10:23 | 31/12/2020 Giải trí
2020 – một năm nhiều mất mát của showbiz Việt
08:28 | 31/12/2020 Giải trí
Thời trang thế giới 2020: Thoát khỏi lối mòn để vượt qua khủng hoảng hậu Covid-19
09:08 | 30/12/2020 Giải trí
Top 10 cầu thủ săn bàn tốt nhất năm 2020: Ibrahimovic và Messi “hít khói” Ronaldo
09:07 | 30/12/2020 Giải trí
Ronaldo vượt qua Messi để giật giải “Cầu thủ xuất sắc nhất thế kỷ”
12:23 | 28/12/2020 Giải trí
Thu Hà phía "Hướng dương ngược nắng"
08:15 | 28/12/2020 Giải trí
Dư âm ĐT Việt Nam 2-2 U22 Việt Nam: Điểm sáng Quang Hải, nỗi lo hàng phòng ngự
08:03 | 28/12/2020 Giải trí
Những sự kiện thể thao nổi bật của năm 2020
07:41 | 28/12/2020 Giải trí
Nhiều nghệ sỹ hàng đầu tham gia đêm nhạc "Quy Nhơn Ngày xanh nắng"
21:46 | 27/12/2020 Giải trí
Top 10 thương vụ chuyển nhượng gây ấn tượng nhất năm 2020
15:21 | 26/12/2020 Giải trí
FIFA phân bổ suất dự World Cup nữ 2023: Thử thách cực lớn cho ĐT nữ Việt Nam
15:56 | 25/12/2020 Giải trí
Tiềm năng phát triển thể thao điện tử tại Việt Nam còn rất lớn
15:47 | 25/12/2020 Giải trí
Chuyển đổi số trong thể thao: Xu hướng phát triển tất yếu
13:17 | 24/12/2020 Giải trí
Tin mới
Xây dựng và hoàn thiện thể chế để thực sự là "đột phá của đột phá" năm 2025
Ngành Tài chính thi đua hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bộ trưởng Tài chính: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số
Hải quan cửa khẩu cảng Chân Mây đồng hành cùng doanh nghiệp tăng thu ngân sách nhà nước
Tổng Bí thư Tô Lâm: Cần khơi dậy tính năng động, sáng tạo và tinh thần dám nghĩ, dám làm
(Infographics) Tổng thu từ xuất nhập khẩu các tỉnh, thành vùng Tây Nguyên
10:50 | 15/12/2024 Hải quan
(INFOGRAPHICS) Kim ngạch hơn 67 tỷ USD, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam
11:29 | 04/12/2024 Infographics
(INFOGRAPHICS): Tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp tham gia chương trình tự nguyện tuân thủ
16:30 | 06/12/2024 Infographics
(INFOGRAPHICS) Tổng thu từ XNK các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ
16:33 | 06/12/2024 Xuất nhập khẩu
(INFOGRAPHICS) 66 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 11
14:29 | 12/12/2024 Infographics