Khoảng 400 kiều bào từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ hôm nay tham dự "Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4" và "Diễn đàn Trí thức và Chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024". Đây là lần đầu tiên Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức trong khuôn khổ hội nghị.
Với hơn 6 triệu kiều bào sinh sống tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ - là một lực lượng quan trọng không thể thiếu, đã làm tốt vai trò ngoại giao nhân dân, cũng như huy động các nguồn lực bên ngoài cho sự phát triển của đất nước.
Là một trong những kiều bào có đóng góp rất lớn trong việc xây dựng, phát triển đất nước, phát biểu tại phiên khai mạc, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, kiều bào tại Philippines, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương cho rằng, ngay từ những năm tháng đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất, ông đã trở về quê hương với sứ mệnh là mở đường bay TP Hồ Chí Minh - Manila, góp phần vào việc phá vỡ thế bao vây cấm vận đối với Việt Nam. Sau đó, ông đã gom góp tài sản cũng như kêu gọi bạn bè trở về đầu tư tại quê hương và từ đó tiếp tục đồng hành cùng đất nước trong suốt hành trình phát triển và hội nhập quốc tế.
Nhận định về môi trường đầu tư tại Việt Nam, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết, trải qua nhiều năm đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam, môi trường đầu tư ở Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt nhờ các chính sách mới, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư, kinh tế, giáo dục và khoa học công nghệ.
"Điều này đã tạo các cơ chế thuận lợi, không chỉ thu hút nguồn vốn mà còn là sự trở về của tri thức, kinh nghiệm và tinh thần sáng tạo từ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Tôi nhận thấy, hiện nay đang là cơ hội tốt nhất cho kiều bào trở về làm ăn tại Việt Nam"- ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhấn mạnh.
Để nền kinh tế Việt Nam vươn lên mạnh mẽ trong giai đoạn mới, tại hội nghị, nhiều kiều bào đã có những hiến kế quan trọng.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã hiến kế nhiều giải pháp xây dựng quê hương |
Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, mặc dù Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong cải thiện môi trường đầu tư, nhưng vẫn cần tăng cường tính minh bạch, đơn giản hóa thủ tục. Cần xem xét cơ chế một cửa dành riêng cho kiều bào, nơi có thể cung cấp thông tin, tư vấn và giải quyết nhanh chóng các vấn đề pháp lý liên quan đến đầu tư.
TP Hồ Chí Minh hiện có gần 100 công ty start up và nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm của các kiều bào trẻ, trong đó đa số về từ Hoa Kỳ. Để có thể phát huy khả năng của các kiều bào trẻ, tranh thủ những công nghệ mới mà các bạn trẻ sáng tạo ra, ông đề xuất Chính phủ có chiến lược thu hút sinh viên, thanh niên kiều bào về thực tập, khởi nghiệp, tham gia các dự án cộng đồng tại Việt Nam để giúp họ gắn kết với nguồn cội và mang đến những sáng kiến mới, góp phần phát triển đất nước.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cũng đề nghị chính phủ áp dụng cơ chế sandbox, cho phép thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà không đòi hỏi nhiều giấy phép. Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để các kiều bào trẻ có quốc tịch Việt Nam mà vẫn giữ quốc tịch nước ngoài, làm căn cước.
Nhấn mạnh về chiến lược phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo khu vực, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho rằng, cần quy hoạch các "cụm công nghệ" với hạ tầng kỹ thuật số hiện đại, đặt tại các thành phố lớn và vùng kinh tế trọng điểm, nơi doanh nghiệp và các start up công nghệ có thể tương tác, chia sẻ tri thức và hợp tác nghiên cứu. Đồng thời, cần tạo cơ chế ưu đãi đặc biệt cho những dự án hạ tầng dữ liệu quốc gia, phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn, thúc đẩy chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời có cơ chế đặc biệt để thúc đẩy những vườn ươm công nghệ, có chính sách khuyến khích kiều bào tham gia phát triển du lịch và đầu tư bán lẻ du lịch.
Liên quan đến chính sách khuyến khích kiều bào tham gia phát triển du lịch và đầu tư bán lẻ du lịch, kiều bào cho rằng, Việt Nam đã và đang trở thành một điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch quốc tế, nhưng để phát triển bền vững và tạo ra sự khác biệt, chúng ta cần tận dụng tốt hơn sự kết nối với mạng lưới tại các thị trường lớn quốc tế thông qua cộng đồng Việt kiều toàn cầu.
Chính vì vậy, Việt Nam cần có các cơ chế hỗ trợ kết nối các hệ thống cửa hàng bán lẻ của kiều bào tại nước ngoài để trưng bày và bán các sản phẩm Việt. Điều này sẽ giúp nâng cao vị thế thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế. Mặt khác, Việt Nam cần đầu tư phát triển hạ tầng thương mại và dịch vụ chất lượng cao, chuyên nghiệp hoá hệ thống bán lẻ tại các điểm du lịch, cần phát triển các trung tâm thương mại, tích hợp với tiêu chuẩn quốc tế để thu hút khách du lịch.
Tính đến hết năm 2023, người Việt ở nước ngoài đã đầu tư 421 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỷ USD, cùng với đó là hàng nghìn doanh nghiệp có vốn đầu tư của người Việt Nam định cư ở nước ngoài. |