14:37 | 19/06/2025

Bài 5: Hình thành “lá chắn” hiệu quả trong cuộc chiến chống hàng giả trên sàn

Trước làn sóng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT), đặc biệt qua hình thức livestream, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định sẽ siết chặt quản lý bằng cách sửa luật, tăng chế tài và làm rõ trách nhiệm giữa các cấp, các ngành.

Bài 1: Mua "hàng hiệu" dễ như mua rau trên sàn thương mại điện tử Bài 2: Bị tố “tiếp tay” cho hàng giả, hàng nhái, Shopee và TikTok lên tiếng Bài 3: Mỗi cú click - Một lần đánh cược lòng tin của người tiêu dùng Bài 4: Chặn hàng giả trên sàn thương mại điện tử: Cần hành lang pháp lý đủ mạnh

Nâng tầm công cuộc chống hàng giả, hàng nhái

Trong phiên thảo luận tại Quốc hội chiều ngày 17/6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thẳng thắn nhìn nhận thực trạng hàng giả, hàng nhái lợi dụng hình thức livestream len lỏi vào thị trường một cách tinh vi, khó kiểm soát.

“Pháp luật hiện hành chưa có chế tài cụ thể với các mô hình quảng cáo, bán hàng mới như livestream. Chế tài xử phạt cũng chưa đủ sức răn đe”, ông Diên nhấn mạnh.

Livestream bán hàng hiện không chỉ là công cụ tiếp thị phổ biến mà còn là “miền đất hứa” của những đối tượng kinh doanh không minh bạch. Nhiều sản phẩm giả mạo, không rõ nguồn gốc xuất hiện đều đặn trong các buổi phát sóng trực tiếp, thu hút hàng nghìn lượt người xem và chốt đơn chỉ trong vài phút.

Tại phiên họp Quốc hội ngày 17/6, nhiều đại biểu cũng lên tiếng về vấn nạn hàng giả, hàng nhái tràn lan, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng và niềm tin xã hội.

Bài 5: Hình thành “lá chắn” hiệu quả trong cuộc chiến chống hàng giả trên sàn
Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) phát biểu ý kiến tại nghị trường Quốc hội.

"Hàng giả, hàng nhái hiện nay vẫn len lỏi, hiện diện trong bệnh viện, bếp ăn trường học", nhấn mạnh tình trạng này, đại biểu Lê Hữu Trí (đoàn Khánh Hòa) cho rằng, cần sớm có hành lang pháp lý đủ mạnh để xử lý nghiêm minh, triệt để các hành vi vi phạm.

Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cũng đề nghị, Chính phủ cần nâng công tác chống hàng giả, hàng nhái lên tầm chiến lược quốc gia. Đồng thời, rà soát lại nhiệm vụ giữa các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương, khắc phục tình trạng chồng chéo, thiếu hiệu quả trong quản lý.

Các sàn TMĐT cũng chủ động, phối hợp gỡ bỏ 34.677 sản phẩm vi phạm và ngăn chặn 11.558 gian hàng không cung cấp đầy đủ thông tin hoặc có hành vi sai phạm…

Thực tế cho thấy, việc siết quản lý livestream, tăng hậu kiểm và sửa luật là giải pháp cấp bách, nhưng chưa đủ. Các bộ ngành, địa phương, các nền tảng công nghệ và chính người tiêu dùng cũng cần phối hợp đồng bộ để hình thành một “lá chắn” hiệu quả trong cuộc chiến chống hàng giả trên TMĐT.

Khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Luật TMĐT (sửa đổi)

Theo Bộ Công Thương, trong 5 tháng đầu năm 2025, riêng lĩnh vực TMĐT, nhiều vụ việc liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được các phương tiện truyền thông phản ánh và Bộ Công Thương đã vào cuộc, phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý.

Các sàn TMĐT cũng chủ động, phối hợp gỡ bỏ 34.677 sản phẩm vi phạm và ngăn chặn 11.558 gian hàng không cung cấp đầy đủ thông tin hoặc có hành vi sai phạm…

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với lực lượng Hải quan trong việc xác định các nền tảng cung cấp dịch vụ TMĐT xuyên biên giới nhưng không đăng ký tại Việt Nam. Mục đích nhằm tạo cơ sở để triển khai các biện pháp ngăn chặn thông quan hàng hóa được giao dịch qua các nền tảng vi phạm.

Bài 5: Hình thành “lá chắn” hiệu quả trong cuộc chiến chống hàng giả trên sàn
Hiện nay, Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với lực lượng Hải quan trong rà soát, xác định các nền tảng cung cấp dịch vụ TMĐT xuyên biên giới.

Bộ Công Thương cũng đã chuyển Bộ Công an danh sách 11 nền tảng TMĐT xuyên biên giới không thực hiện thủ tục đăng ký hoạt động theo quy định pháp luật để cơ quan này nghiên cứu và áp dụng các biện pháp ngăn chặn phù hợp theo thẩm quyền.

Đăc biệt, Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật TMĐT (sửa đổi), trong đó sẽ làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành và chính quyền địa phương trong quản lý TMĐT, đặc biệt đối với hành vi livestream bán hàng giả, hàng kém chất lượng.

Đáng chú ý, Bộ Công Thương đề xuất phân cấp mạnh mẽ hơn cho địa phương, phối hợp liên ngành để kiểm tra, xử lý vi phạm và rà soát, chặn các website, ứng dụng lợi dụng nền tảng số để tiêu thụ hàng giả.

“Bộ Công Thương sẽ phối hợp hoàn thiện pháp luật, nâng cao năng lực hậu kiểm, hỗ trợ lực lượng quản lý thị trường, đồng thời đề xuất chế tài đủ sức răn đe với các hành vi cố tình vi phạm”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cam kết.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đặt trọng tâm, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn người tiêu dùng nâng cao cảnh giác, tiêu dùng thông minh.

Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, trong 5 tháng đầu năm 2025, lực lượng Quản lý thị trường trên cả nước đã kiểm tra và phát hiện 7.581 vụ vi phạm. Tổng số tiền xử phạt hành chính lên tới gần 98 tỷ đồng, trong khi số tiền thu nộp ngân sách nhà nước đạt hơn 116 tỷ đồng. Ngoài ra, 54 vụ có dấu hiệu hình sự đã được chuyển giao cho cơ quan điều tra tiếp tục xử lý.

Hoàng Bảo

Đường dẫn bài viết: https://haiquanonline.com.vn/bai-5-hinh-thanh-la-chan-hieu-qua-trong-cuoc-chien-chong-hang-gia-tren-san-197010.html

In bài viết

Bản quyền thuộc về Hải quan Online