Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn: Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý nhà nước về hải quan
Trải qua 72 năm xây dựng và phát triển, Hải quan Việt Nam đã tạo lập được bề dày truyền thống, ngày một lớn mạnh và đóng góp quan trọng vào tiến trình xây dựng, bảo vệ và phát triển, hội nhập của đất nước. Nhân dịp kỷ niệm 72 năm thành lập Hải quan Việt Nam, Tổng cục trưởng có cảm nghĩ gì?
Qua 72 năm xây dựng và trưởng thành, Hải quan Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành về mọi mặt để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập của đất nước.
Ngoài những nhiệm vụ thường xuyên đã được quy định cụ thể trong Luật Hải quan, hiện nay, Tổng cục Hải quan được Chính phủ tin tưởng giao làm Cơ quan Thường trực của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và Tạo thuận lợi thương mại; Thường trực Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban 389 quốc gia); chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành thực hiện Đề án giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Hải quan là một trong 4 lực lượng theo quy định của pháp luật (cùng với Quân đội, Công an, Kiểm lâm) được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ để phục vụ yêu cầu nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo vệ chủ quyền an ninh kinh tế đất nước.
Điều này khẳng định vị thế, vai trò của Hải quan Việt Nam ngày càng được Đảng, Nhà nước ghi nhận trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, nhất là Việt Nam đang hội nhập quốc tế sâu, rộng và toàn diện, trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động khó lường.
Các kết quả, thành tích và đóng góp của toàn Ngành thể hiện trên nhiều lĩnh vực công tác, nhưng nổi bật phải kể đến sự đóng góp trong nhiệm vụ thu NSNN. Đây là nhiệm vụ xuyên suốt của Hải quan Việt Nam ngay từ khi mới thành lập và từng năm chúng ta luôn nỗ lực, quyết tâm cao độ để hoàn thành nhiệm vụ, góp phần đảm bảo tiềm lực, an ninh tài chính quốc gia.
Đóng góp quan trọng nữa là trên mặt trận đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Toàn Ngành đã tập trung đấu tranh quyết liệt vào các đường dây, ổ nhóm và phòng ngừa, ngăn chặn, triệt phá nhiều vụ buôn lậu, vận chuyển hàng cấm như ngà voi, tê tê, ma túy…; đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý các vụ việc gian lận, trốn thuế… góp phần chống thất thu ngân sách, kiến tạo môi trường sản xuất kinh doanh công bằng, minh bạch, góp phần bảo vệ an ninh, an toàn cộng đồng.
Đặc biệt, những năm gần đây công tác hiện đại hóa hải quan đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện hiệu quả chủ trương của Chính phủ trong quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thu hút đầu tư nước ngoài. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng để xây dựng Hải quan Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp theo mục tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Công tác cải cách, hiện đại hóa là một đòi hỏi tất yếu, một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của Hải quan Việt Nam. Trong thời gian tới, toàn Ngành cần tập trung vào những mục tiêu, giải pháp quan trọng nào, thưa Tổng cục trưởng?
Cải cách, hiện đại hóa trong công tác hải quan đã đạt những kết quả quan trọng, được sự đánh giá cao của Chính phủ, các bộ, ngành, nhất là cộng đồng DN. Song kết quả đó mới là bước đầu, bởi đây là thời kỳ chúng ta tập trung vào việc hiện đại hóa, giảm thời gian ở khâu thông quan như xây dựng cơ sở pháp lý, thực hiện Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS; giảm bớt giấy tờ, thủ tục hành chính; thực hiện thanh toán thuế điện tử… Trong bối cảnh hiện nay và hướng tới tiếp tục xây dựng cơ quan Hải quan hiện đại, chuyên nghiệp, thì bài toán đặt ra đối với ngành Hải quan là phải thực hiện song hành, đồng bộ cả 2 nhiệm vụ là tạo thuận lợi thương mại và quản lý nhà nước về hải quan theo hướng thực chất, hiệu quả. Việc nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan Hải quan cũng sẽ tạo thuận lợi cho cộng đồng DN làm ăn chân chính.
Vì vậy, giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo, tiến trình hiện đại hóa hải quan cần hướng tới những mục tiêu cao hơn, đảm bảo thực hiện đúng tinh thần đổi mới, cải cách của Luật Hải quan, đồng thời chú trọng nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát hải quan theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp. Đặc biệt là nhiệm vụ kiểm tra, giám sát hải quan phải được thực hiện trên cơ sở hệ thống thông tin quản lý tập trung trước, trong và sau thông quan, kết nối đồng bộ với ứng dụng trang thiết bị hiện đại.
Một trong những mục tiêu đặt ra đối với toàn Ngành trong cải cách, hiện đại hóa là phải kết nối đồng bộ trong tất cả các khâu nghiệp vụ và kết nối hệ thống thông tin tập trung thông suốt với các bộ, ngành và các bên liên quan. Xin Tổng cục trưởng cho biết rõ hơn định hướng này?
Đúng như vậy. Bám sát mục tiêu của “Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành Hải quan giai đoạn 2016-2020” (theo Quyết định số 1614/QĐ-BTC ngày 19/7/2016 của Bộ Tài chính), Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020, trong khoảng 1 năm trở lại đây, ngành Hải quan đã bắt tay vào triển khai công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại một cách quyết liệt ở tất cả các khâu từ xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật; giải quyết thủ tục hành chính; đến ứng dụng CNTT...
Tổng cục Hải quan đã và đang tập trung tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, nhất là các văn bản có tính chất “xương sống” có tác động lớn đến cộng đồng DN như: Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 15/2017/QĐ-TTg về danh mục hàng hóa phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập; tập trung xây dựng Thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư số 38/2015/TT-BTC; Nghị định sửa đổi Nghị định 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan..., trong đó tập trung theo hướng vừa tạo thuận lợi thương mại, vừa đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan; dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định thủ tục điện tử đối với tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thông qua Cơ chế một cửa quốc gia...
Về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Tổng cục Hải quan đã chính thức vận hành Hệ thống dịch vụ công trực tuyến từ ngày 1/3/2017, với hầu hết thủ tục cốt lõi trong lĩnh vực hải quan được cung cấp ở mức độ 3 và 4.
Liên quan đến công tác quản lý, giám sát hải quan, chúng ta đã chính thức triển khai Đề án giám sát hàng hóa tại cảng biển Hải Phòng từ 15/8 và dự kiến triển khai tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài vào tháng 10/2017. Đồng thời xây dựng kế hoạch hướng dẫn các cục hải quan địa phương triển khai mở rộng. Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đang nghiên cứu xây dựng Hệ thống quản lý hàng gia công, sản xuất xuất khẩu theo phương thức mới và hoàn thiện dự thảo chuẩn trao đổi dữ liệu giữa cơ quan Hải quan và doanh nghiệp…
Có thể nói, việc đẩy mạnh công tác giám sát, quản lý hàng hóa tại cảng biển, hàng không, hàng hóa vận chuyển độc lập; quản lý hàng gia công, sản xuất, xuất khẩu; hàng hóa trung chuyển... đang được tiếp tục áp dụng các công cụ giám sát hiện đại (thông qua ứng dụng CNTT, máy soi container, camera giám sát…) góp phần tăng cường hiệu quả công tác giám sát hải quan, giảm nhân lực và kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm. Việc triển khai giám sát hàng hóa XNK tại cảng biển, cảng hàng không sẽ góp phần quan trọng đơn giản hóa, hài hòa thủ tục hải quan với thủ tục của doanh nghiệp; kịp thời trao đổi, cập nhật thông tin giữa cơ quan Hải quan với các bên liên quan. Đồng thời giúp cơ quan Hải quan theo dõi chặt chẽ quá trình di chuyển, biến động, tình trạng hàng hóa từ khi vào đến khi ra khỏi cảng.
Những nhiệm vụ đặt ra trong tiến trình hiện đại hóa hải quan như đề cập ở trên đòi hỏi toàn Ngành phải tiếp tục tập trung nỗ lực thực hiện quyết liệt trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo để tạo ra sự chuyển biến căn bản trong công tác quản lý nhà nước về hải quan theo hướng hiệu lực, hiệu quả dựa vào việc ứng dụng CNTT toàn diện và đồng bộ.
Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Cái Mép bắt giữ hàng lậu đã qua sử dụng. Ảnh: Đăng NGUYÊN. |
Thưa Tổng cục trưởng, song song với tiến trình cải cách, hiện đại hóa nội ngành, Tổng cục Hải quan đang được Chính phủ, Bộ Tài chính tin tưởng giao trọng trách là Cơ quan Thường trực Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và Tạo thuận lợi thương mại, nhiệm vụ này đã được ngành Hải quan triển khai như thế nào?
Sau khi được Chính phủ, Bộ Tài chính giao nhiệm vụ, với vai trò là Cơ quan Thường trực, Tổng cục Hải quan đã chủ động làm việc với các bộ, ngành xây dựng nội dung, kiến nghị Ủy ban chỉ đạo tổ chức các cuộc họp của Ủy ban dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ- Trưởng ban Ủy ban chỉ đạo quốc gia. Tiếp đó, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng, thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã tham mưu, báo cáo lãnh đạo Bộ Tài chính tổ chức nhiều buổi làm việc trực tiếp với lãnh đạo các bộ, ngành để thúc đẩy việc thực hiện NSW và các giải pháp khác trong tạo thuận lợi thương mại, nhất là cải cách, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Nhờ đó, NSW đã có sự tham gia của nhiều thủ tục hành chính mới, mở rộng về phạm vi, số lượng doanh nghiệp.
Về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK theo Quyết định 2026/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Hải quan đã chủ trì cùng các bộ, ngành rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý và kiểm tra chuyên ngành cần sửa đổi, bổ sung; trình Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thực trạng và kết quả công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ quản lý chuyên ngành thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK, giảm thời gian thông quan hàng hóa.
Có thể nói, với trọng trách được giao, ngành Hải quan đã rất nỗ lực, nhưng để có sự cải thiện rõ nét, thực chất trong thực hiện NSW, kiểm tra chuyên ngành và tổng thể hơn là cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi thương mại theo chủ trương của Chính phủ, thì rất cần sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của hơn nữa từ các bộ, ngành liên quan.
Trong lịch sử xây dựng, phát triển của Hải quan Việt Nam, công tác phòng, chống buôn lậu luôn là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Trong từng giai đoạn phát triển của đất nước, vấn nạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cũng luôn có những diễn biến hết sức phức tạp, biến đổi “muôn hình vạn trạng” với chiêu thức, thủ đoạn tinh vi khôn lường. Để đấu tranh có hiệu quả đòi hỏi ngành Hải quan phải không ngừng đổi mới. Xin Tổng cục trưởng phân tích rõ hơn về những chuyển biến trong công tác chống buôn lậu thời gian qua?
Công tác phòng, chống buôn lậu chưa bao giờ là nhiệm vụ dễ dàng. Trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, ngành Hải quan đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức mới. Hoạt động XNK, giao lưu hàng hóa quốc tế đa dạng, nhộn nhịp rộng khắp trên phạm vi cả nước cũng dẫn đến nguy cơ vi phạm có thể xảy ra ở rất nhiều địa bàn, thông qua nhiều loại hình XNK; hàng hóa vi phạm không chỉ là gian lận, trốn thuế mà xuất hiện ngày càng nhiều hàng cấm gây nguy hại đến an ninh quốc gia, an toàn cộng đồng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ…
Trước thực trạng đó, ngành Hải quan hết sức chú trọng và triển khai nhiều biện pháp để tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thông qua áp dụng và kết hợp đồng bộ giữa công tác kiểm soát hải quan với các phương thức quản lý hải quan hiện đại như quản lý rủi ro, kiểm tra sau thông quan, gắn với ứng dụng CNTT và hệ thống trang thiết bị hiện đại như máy soi container, hệ thống camera giám sát... Lãnh đạo Tổng cục Hải quan cũng chỉ đạo lực lượng Kiểm soát Hải quan và các đơn vị chức năng bám sát diễn biến tình hình tội phạm để nắm bắt, phân tích thông tin, kịp thời ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả. Trong đó, tập trung đánh mạnh vào các đường dây, ổ nhóm và phòng ngừa, ngăn chặn, triệt phá nhiều vụ buôn lậu, vận chuyển hàng cấm như ngà voi, tê tê, ma túy… Đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý, khởi tố hoặc chuyển cơ quan chức năng khởi tố nhiều vụ việc buôn lậu, gian lận, trốn thuế, nhất là buôn lậu mặt hàng cấm, gian lận về trị giá, thuế suất lớn…
Đồng thời, Tổng cục Hải quan đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Tài chính thực hiện tốt vai trò Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia; tăng cường quản lý rủi ro, kiểm tra sau thông quan góp phần bảo vệ an ninh, an toàn cộng đồng.
Mặt khác, ngành Hải quan đã và đang mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế với Hải quan các nước trong khuôn khổ hợp tác của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) nhằm phòng, chống các loại tội phạm xuyên quốc gia như giả mạo xuất xứ để hưởng ưu đãi về thuế quan; gian lận về trị giá, số lượng, trọng lượng hàng hóa. Điều này rất cần thiết trong bối cảnh hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam đã và đang tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.
Chìa khóa cho mọi thành công cuối cùng vẫn là yếu tố con người, vậy công tác xây dựng lực lượng đặt ra trong bối cảnh hiện nay của ngành Hải quan như thế nào, thưa Tổng cục trưởng?
Thời gian tới, khối lượng công việc đặt ra cho toàn Ngành là vô cùng lớn và nặng nề, ngành Hải quan luôn xác định để đảm đương được yêu cầu nhiệm vụ, công tác xây dựng lực lượng, yếu tố con người là quyết định.
Vì vậy, Tổng cục Hải quan đang từng bước đổi mới cơ bản phương thức quản lý nguồn nhân lực theo năng lực dựa trên mô tả vị trí việc làm. Đồng thời, xây dựng và triển khai Quy chế kiểm tra, kiểm soát nội bộ về thủ tục hải quan. Quy chế giúp mỗi cấp quản lý nắm được bức tranh tổng quan chung và chi tiết về thực hiện nhiệm vụ quản lý theo thực tế phạm vi, lĩnh vực được giao để kịp thời phát hiện dấu hiệu thực hiện không đúng quy định, quy trình, biểu hiện chệch hướng của DN, công chức thừa hành để chấn chỉnh, xử lý kịp thời. Qua đó, cơ quan Hải quan các cấp đảm bảo việc thực hiện thủ tục hải quan trong khuôn khổ của pháp luật và thực hiện tốt các nhiệm vụ quy định tại Luật Hải quan.
Song song với công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, lãnh đạo Tổng cục Hải quan xác định, việc thực hiện nghiêm túc kỷ cương, kỷ luật, trong đó đề cao vai trò trách nhiệm của CBCC trong khi thi hành công vụ, đảm bảo các quy định của pháp luật, chỉ thị mệnh lệnh của cấp trên được tuân thủ nghiêm túc, chế độ báo cáo được duy trì kịp thời, chính xác sẽ nâng cao hiệu quả trong quản lý nhà nước về Hải quan góp phần phòng ngừa, đấu tranh, xử lý kiên quyết với các cá nhân có dấu hiệu, hành vi gây phiền hà, sách nhiễu, vi phạm pháp luật, tham nhũng trong khi thi hành công vụ.
Trong đó tập trung phát hiện và xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm, người đứng đầu đơn vị để xảy ra vi phạm. Đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm của CBCC.
Ngoài ra, với đặc thù công tác CBCC hải quan đóng chân tại nhiều địa bàn xa xôi heo hút, khó khăn vất vả, đối mặt với nhiều hiểm nguy nơi biên cương, cửa khẩu, cảng biển, bên cạnh chế độ đãi ngộ của Nhà nước, trang bị phương tiện phục vụ nhiệm vụ… lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã yêu cầu các đơn vị trong Ngành tăng cường tổ chức các hoạt động phong trào nhằm gắn kết với chính quyền, nhân dân các địa phương và lực lượng chức năng trên địa bàn để tạo sự đoàn kết, yên tâm công tác cho CBCC hải quan.
Các giải pháp tăng cường xây dựng lực lượng giúp ngành Hải quan giữ vững truyền thống, xây dựng và giữ gìn hình ảnh người CBCC Hải quan chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, phát huy tối đa những thành tích đạt được trong 72 năm qua, tiếp tục đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập của đất nước.
Nhân dịp kỷ niệm 72 năm thành lập Hải quan Việt Nam, thay mặt cho tập thể lãnh đạo Tổng cục Hải quan và nhân danh cá nhân, qua Báo Hải quan, tôi xin gửi lời chúc Sức khỏe, Hạnh phúc, Thành công tới các thế hệ CBCC, người lao động ngành Hải quan trên mọi miền Tổ quốc!
Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Tổng cục trưởng!
Tin liên quan
Hải quan Móng Cái tiếp tục giữ vị trí quán quân chỉ số năng lực cạnh tranh
10:56 | 21/12/2024 Hải quan
Hải quan Bà Rịa – Vũng Tàu nỗ lực để sẵn sàng triển khai hiệu quả mô hình tổ chức mới
09:46 | 21/12/2024 Hải quan
Hải quan Tây Ninh: Hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao
21:48 | 20/12/2024 Hải quan
Đảng bộ Cục Hải quan Quảng Ninh thực hiện thắng lợi, toàn diện mọi mặt công tác
20:53 | 20/12/2024 Hải quan
Hải quan Đà Nẵng đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu
20:40 | 20/12/2024 Hải quan
Hải quan Nam Giang đưa máy soi hành lý vào hoạt động
18:25 | 20/12/2024 Hải quan
Hải quan Hà Tĩnh tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy theo chủ trương đề ra
16:20 | 20/12/2024 Hải quan
PHOTOS: Nhọc nhằn đường lên cửa khẩu quốc tế Nam Giang
16:05 | 20/12/2024 Hải quan
Cao Bằng: Hải quan Tà Lùng thu ngân sách hơn 770 tỷ đồng tăng 38%
14:50 | 20/12/2024 Hải quan
Hải quan Lạng Sơn bám sát thực tiễn để hoàn thành nhiệm vụ được giao
14:17 | 20/12/2024 Hải quan
Hiện đại hóa hải quan: Từ VNACCS đến Hải quan số. Bài 2: Đòi hỏi cấp thiết về hệ thống công nghệ thông tin mới
07:47 | 20/12/2024 Hiện đại hóa hải quan
Chủ động phương án đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan tại sân bay quốc tế Long Thành
14:24 | 19/12/2024 Hải quan
(Infographics) Kết quả thu của 10 đơn vị hải quan tỉnh, thành phố
08:11 | 19/12/2024 Hải quan
Vấn đề Bạn quan tâm
Tin mới
Trung Đông- thị trường tiềm năng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam
Báo động tai nạn tự chế pháo nổ
Đảm bảo năng lực tài chính của các tổ chức phát hành trái phiếu ra công chúng
Bấp bênh “núi nợ” của các nền kinh tế đang phát triển
(INFOGRAPHICS) Xuất nhập khẩu nửa đầu tháng 12 có chiều hướng giảm
(Infographics) Tổng thu từ xuất nhập khẩu các tỉnh, thành vùng Tây Nguyên
10:50 | 15/12/2024 Hải quan
(INFOGRAPHICS) Kim ngạch hơn 67 tỷ USD, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam
11:29 | 04/12/2024 Infographics
(INFOGRAPHICS): Tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp tham gia chương trình tự nguyện tuân thủ
16:30 | 06/12/2024 Infographics
(INFOGRAPHICS) Tổng thu từ XNK các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ
16:33 | 06/12/2024 Xuất nhập khẩu
(INFOGRAPHICS) 66 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 11
14:29 | 12/12/2024 Infographics