Chia nhỏ gói thầu để các doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào dự án đầu tư công
(HQ Online) - Phỏng vấn ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam về khôi phục nền kinh tế sau tác động của đại dịch Covid-19.
![]() |
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam |
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp vừa được tổ chức cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ chỉ ra 5 mũi giáp công để khôi phục nền kinh tế. Ông có đánh giá như thế nào về 5 đột phá này?
- Trước hết phải khẳng định đến nay chúng ta đã có thắng lợi lớn trong phòng chống dịch Covid-19 nhờ có kịch bản đúng theo từng thời kỳ, qua đó tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng dành cho chống dịch, tạo niềm tin cho người dân, cộng đồng doanh nghiệp và kiều bào ở nước ngoài.
Về khôi phục nền kinh tế, 5 mũi giáp công để khôi phục nền kinh tế được Thủ tướng nhắc tới gồm: Thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước, trước hết là đầu tư tư nhân; Thu hút FDI; Đẩy mạnh xuất khẩu; Thúc đẩy đầu tư công; Khuyến khích tiêu dùng nội địa.
Việc lựa chọn 5 đột phá trên, theo tôi là hoàn toàn chính xác, vai trò của 5 lĩnh vực này thể hiện rõ hơn trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động lớn bởi dịch Covid. Trong các mũi giáp công này, tôi cho rằng nổi bật lên vai trò của tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, để phát triển hàng nội địa, phải có lượng tài chính cho doanh nghiệp. Hiện nay ngân hàng đã cam kết bố trí các gói hỗ trợ tín dụng để cho vay, cùng với 62 nghìn tỷ hỗ trợ an sinh xã hội và gói hỗ trợ tài khóa của Bộ Tài chính. Các bộ đã vào cuộc rất nhanh, nhưng vì đây là các giải pháp để cứu DN, nuôi dưỡng nguồn thu, do đó tới đây đề nghị triển khai nhanh hơn và sau đó thực hiện hậu kiểm, về cơ bản phải đảm bảo không trục lợi, tham nhũng.
Đầu tư công là giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy GDP trong bối cảnh hiện nay. Theo ông, cần làm gì để các doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào các dự án đầu tư công lớn?
- Giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ rất khó, liên quan đến nhiều luật và các bộ, ngành. Tỷ lệ giải ngân đến nay đã đạt cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Đề nghị Chính phủ sớm tháo gỡ những khó khăn để khẩn trương giải ngân hết số vốn đầu tư công 700.000 tỷ đồng của năm 2020, nhằm vừa sớm hoàn thành mục tiêu đề ra, vừa tạo công ăn việc làm cho doanh nghiệp và người lao động. Các dự án nên có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, trong đó có DNNVV để tăng tính hiệu quả và linh hoạt trong quá trình triển khai dự án. Để doanh nghiệp bình thường cũng có thể tham gia vào các dự án chứ không chỉ các doanh nghiệp lớn, theo tôi nên chia nhỏ các gói thầu. Bên cạnh đó, nên hạ tỷ lệ tiền đối ứng của doanh nghiệp xuống còn khoảng 10-20% thay vì 40% như hiện nay. Các bộ, ngành nên tham mưu cho Thủ tướng để triển khai bởi nếu giải quyết hai vấn đề này sẽ giải ngân được rất nhiều nguồn vốn đầu tư công. Ngoài ra, cần cải cách thủ tục hành chính để khi doanh nghiệp triển khai xong dự án thì phải thanh toán ngay, tránh kéo dài thời gian gây khó khăn tài chính cho doanh nghiệp, vì doanh nghiệp cũng phải vay vốn ngân hàng để triển khai.
Ông đánh giá như thế nào về khả năng huy động vốn từ khu vực kinh tế tư nhân?
- Người Việt vốn có thói quen tích lũy, vì thế, đề nghị Chính phủ đưa ra các giải pháp hữu hiệu để thu hút nguồn lực nhàn rỗi ngắn hạn và dài hạn trong dân và doanh nghiệp.
Một là, Chính phủ nên thông qua hình thức phát hành trái phiếu nhiều hơn nữa liên quan tới các dự án đầu tư công để huy động ngoại tệ và các tài sản quý như vàng bạc, đá quý. Cần lưu ý là, huy động nguồn vốn trong dân số lượng sẽ lớn gấp nhiều lần huy động tiền từ ngân hàng, ngân sách.
Hai là, sớm ban hành cơ chế thí điểm có giám sát cho các hoạt động fintech, trong đó có hoạt động cho vay ngang hàng. Thực hiện được hình thức này sẽ huy động được lượng lớn nguồn lực dài hạn và ngắn hạn trong dân. Muốn vậy, điều hành của Chính phủ phải uyển chuyển, linh hoạt.
Trân trọng cảm ơn ông!