Tiến về Sài Gòn - Chuyện chưa kể về con đường bí mật mở cửa Tây Nguyên
Trong chiến dịch mang mật danh 275 ấy, vấn đề then chốt là phải mở và giữ bằng được được các tuyến đường vận chuyển, từ đó tạo thành thế gọng kìm “chạm ngõ” vào vùng đất đỏ bazan Tây Nguyên.
45 năm sau, Thiếu tướng Võ Sở, nguyên Chính ủy Binh đoàn 12, hiện là Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam - nhân chứng sống của những ngày băng núi, mở đường vẫn rưng rưng khi nhớ lại quãng thời gian đỏ lửa ấy.
Thiếu tướng Võ Sở. |
Những Sư đoàn ôtô đặc biệt
Thiếu tướng Võ Sở năm nay đã 91 tuổi. Ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng ông vẫn tráng kiện và minh mẫn. Đặc biệt, mỗi khi nhắc nhớ về tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, vị tướng già ấy lại sôi nổi lạ thường.
Trong những ngày cuối tháng Tư lịch sử, như bao người lính chiến khác, ông lại lật giở những tấm ảnh đã cũ nhòe, kể lại cho con cháu nghe về những năm tháng không thể nào quên của mình.
45 năm về trước, chiến dịch Tây Nguyên chính thức được mở màn, nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng các tỉnh Đắk Lắk, Phú Bổn, Quảng Đức, thực hiện chia cắt và tạo thế chiến lược mới trên chiến trường toàn miền Nam.
Thiếu tướng Võ Sở khi ấy được giao nhiệm vụ làm Phó Chủ nhiệm Chính trị, Đảng ủy viên Bộ Tư lệnh Trường Sơn và là phái viên trên chiến trường với cấp bậc Thượng tá. Để trực tiếp phục vụ chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, một Bộ Tư lệnh tiền phương đã được thành lập.
“Bên cạnh nhiệm vụ tác chiến, Bộ Tư lệnh tiền phương còn có một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và độc đáo là phụ trách công tác hậu cần, kỹ thuật, đảm bảo tuyến đường Trường Sơn luôn được thông suốt,” Thiếu tướng Võ Sở cho hay.
Chính vì vậy, đây cũng là Bộ Tư lệnh đặc biệt khi bao gồm 3 Sư đoàn: Sư đoàn công binh 479, Sư đoàn bộ binh 968 và Sư đoàn ôtô 471. Trong đó, Sư đoàn ôtô 471 nhận trọng trách vận chuyển chi viện phục vụ toàn bộ chiến dịch.
Ngoài ra, hai trung đoàn công binh 574 và 575 cũng được thành lập để “chuyên trách” việc mở đường, đảm bảo thông suốt toàn tuyến theo yêu cầu của Bộ Tư lệnh chiến dịch. Trước đó, sư đoàn khu vực 471 và Sư đoàn khu vực hậu cứ 571 cũng đã được chuyển thành hai sư đoàn vận tải ôtô.
Theo Thiếu tướng Võ Sở, việc thành lập các sư đoàn vận tải ôtô trong Chiến dịch Tây Nguyên là một sự kiện quan trọng và chưa có tiền lệ trong lịch sử tổ chức quân đội nhân dân Việt Nam.
Việc thành lập các sư đoàn vận tải ôtô trong Chiến dịch Tây Nguyên là một sự kiện quan trọng và chưa có tiền lệ trong lịch sử tổ chức quân đội nhân dân Việt Nam. |
Cũng chính từ những chuyến xe của những sư đoàn đặc biệt này, từng đoàn lính cùng toàn bộ binh khí kỹ thuật đã nối đuôi nhau vào Tây Nguyên trong an toàn và bí mật.
Ngừng lại một chút, vị tướng già thoáng nhìn ra xa xăm. Trước mắt ông lúc này, dường như hình ảnh của những cánh rừng Trường Sơn mùa khô năm nào đang hiển hiện rõ nét. Đường gập ghềnh chạy dưới tán rừng thưa. Bụi theo gió hồng hộc cuốn vào cabin trống khiến mặt mũi anh em lái xe đen nhẻm. Tiếng bom rền xa xa... Tất cả bỗng sống dậy, khiến khóe mắt tướng Sở đỏ hoe...
Ông khẽ vân vê đôi tay gầy guộc, nhấp một ngụm trà rồi tiếp mạch kể: Yêu cầu dành cho các sư đoàn ôtô lúc bấy giờ rất cao, khi Bộ Tư lệnh xác định phải dồn toàn lực, đảm bảo hàng và người phải được vận chuyển không ngừng nghỉ. Lúc này, Thượng tá Võ Sở cùng các đồng chí trong Bộ Tư lệnh Sư đoàn 471 quyết định phải cho xe chạy lấn giờ mới đảm bảo kịp thời yêu cầu thực tế.
Tuyến đường Trường Sơn lịch sử. (Ảnh tư liệu) . |
“Tôi vẫn nhớ rõ, từ ngày 4/3/1975, Sư đoàn 471 nhận được nhiệm vụ phải tổ chức lực lượng, bí mật cơ động vào các vị trí tập kết, chuẩn bị tiến công Đức Lập. Toàn Sư đoàn sẽ chuyển hơn 100 tấn đạn pháo lớn vào trận địa pháo để kịp mở màn cho toàn chiến dịch,” tướng Võ Sở nhớ lại.
Thời gian ngày một rút ngắn dần. Các đoàn xe được ngụy trang kín ầm ì lên đường, leo dọc sống Trường Sơn hướng về Đức Lập. Để đảm bảo an toàn và bí mật cũng như thời gian, các “chuyến hàng” được phép chạy lấn thêm vào đầu giờ sáng cũng như cuối các giờ chiều.
Khi tiếp cận giao hàng tại những điểm gần địch, anh em lái xe sẽ buộc phải tắt hết đèn, đi mò mẫm trong đêm. Lúc này, những tài xế dày dặn kinh nghiệm, vốn đã thuộc lòng từng khúc cua của Trường Sơn huyền thoại được huy động.
Vất vả là thế, nhưng theo Thiếu tướng Võ Sở, tất cả những người lính trong các Sư đoàn đặc biệt suốt dọc những cung đường Trường Sơn đều không ca thán một lời. Với họ, an toàn của những chuyến hàng còn được đặt cao hơn chính tính mạng của bản thân. Bằng mọi giá phải để đưa xe tới điểm đã định luôn là lời thề son sắt của tất cả mọi người.
Đội làm đường thần tốc
Bên cạnh việc duy trì các sư đoàn ôtô, một nhiệm vụ sống còn được đặt ra với bộ đội Trường Sơn trong chiến dịch Tây Nguyên ngày ấy là phải mở và giữ những tuyến đường huyết mạch nối vào Tây Nguyên.
Thực hiện yêu cầu này, các trung đoàn 574, 575 được lệnh mở đường từ nam Đức Cơ (Gia Lai) xuống Chư M’nga (Đắc Lắk), đồng thời phải khôi phục các trục đường đã bị hư hỏng khác. Từ tháng 2/1975, Trung đoàn 575 tiếp tục mở trục dọc gồm các đường 50B và hai nhánh là đường 50C, 50D gần Buôn Mê Thuột với tổng chiều dài gần 60km.
Quân giải phóng tiến vào đánh chiếm sân bay Hoà Bình ở thị xã Buôn Ma Thuột. (Ảnh: TTXVN). |
Khi vào đến gần thị xã Buôn Ma Thuột (cũ), bộ đội Trường Sơn vấp phải một bài toán khó khi đây là khu vực trống trải, có nhiều người đi lại.
“Lúc này, tính bí mật phải được đặt lên hàng đầu. Đoạn mở vào Buôn Ma Thuột lại dài tới 20km. Nếu làm theo cách thông thường sẽ không ổn,” vị tướng 91 tuổi nhớ lại.
Bộ Tư lệnh tiền phương yêu cầu bộ đội dừng thi công, chờ phương án cụ thể. Mặt khác, một quyết định vô cùng táo bạo được đưa ra: Phải mở bằng được tuyến đường còn lại chỉ trong 1 đêm. Nhận được “mật lệnh” này, tướng Sở cũng giật mình vì... độ khó của bài toán cần phải giải.
Nhưng, thời gian không cho phép có bất cứ sự đắn đo nào. Lính công binh ngay lập tức được chia thành từng nhóm nhỏ, mang theo cưa, cuốc và xẻng. Những tấm lưng bộ đội còn gùi cõng thêm thuốc nổ rồi vạch màn đêm lên đường.
Để không làm lộ dấu vết, các chiến sỹ cưa sát từng gốc cây to trên trục đường sẽ mở nhưng vẫn để lại một phần để cây không ngã xuống. Một mũi khác nhận nhiệm vụ “ôm thuốc nổ” chôn, gài vào các khu vực gò đống chắn đường... Bài học từ Điện Biên Phủ năm nào lại được lính công binh Trường Sơn mang về Buôn Ma Thuột. Chỉ sau 1 đêm, tất cả đã được bố trí sẵn, chỉ đợi lệnh thông tuyến.
Bài học từ Điện Biên Phủ năm nào lại được lính công binh Trường Sơn mang về Buôn Ma Thuột. Chỉ sau 1 đêm, tất cả đã được bố trí sẵn, chỉ đợi lệnh thông tuyến. |
Bằng cách thức đặc biệt “có một không hai” ấy, đến ngày 4/3/1975, trục đường do Trung đoàn 575 từ hướng Bắc đã vào đến bản Sở Hia, Chữ M’nga cách thị xã Buôn Ma Thuột chừng 20km mà kẻ địch không hay biết gì. Tiếp đó, đúng 23 giờ ngày 9/3, Trung đoàn đã khai thông toàn trục đường 50B, hai nhánh 50C, 50D và tổ chức xong lực lượng hộ tống xe cùng binh khí kỹ thuật.
“Nhìn từ phía ngoài, tất cả vẫn xanh rì cây... Nhưng dưới những tán rừng lặng lẽ là cả một chiến dịch ra quân của mấy chục nghìn quân, mấy nghìn xe ô tô, pháo lớn. Núi rừng Trường Sơn đang ẩn chứa sức mạnh tiềm tàng, to lớn mà đối phương không thể nào hình dung nổi,” vị tướng già nhớ lại.
Theo Thiếu tướng Võ Sở, tính tới trước khi chiến dịch Tây Nguyên chính thức mở màn, bộ đội Trường Sơn đã hoàn thành vượt mức kế hoạch 30% và trước 3 ngày so với thời gian quy định.
Dân quân địa phương tham gia chống lầy, mở đường cho xe tăng quân giải phóng xuất kích trong chiến dịch Tây Nguyên năm 1975. (Ảnh: TTXVN). |
Đêm trước ngày chiến dịch diễn ra, tướng Sở không sao ngủ được. Ông bảo: Sau khi báo cáo kết quả công tác chuẩn bị với Bộ Tư lệnh, tất cả anh em đều bồn chồn. Chỉ sáng mai thôi, những con đường thần tốc họ đã cùng nhau đánh đổi bằng mồ hôi, xương máu của mình sẽ cùng bộ đội tiền phương ra trận lớn.
Cánh cửa vào giải phóng Tây Nguyên thân yêu, mở đường cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã ở ngay phía trước rồi...
Tấm bản đồ của má Sáu Ngẫu...và đường vào giải phóng Thành đô
Những chuyến xe không ngừng nghỉ của các sư đoàn ô tô đặc biệt, cùng với cung đường bí mật dẫn về Buôn Mê Thuật được coi là những chiếc chìa khóa then chốt để mở cánh cửa vào Tây Nguyên. Đến 11 giờ trưa 11/3, cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng đã được kéo lên trên cột cờ của Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy, quân ta làm chủ hoàn toàn thị xã Buôn Ma Thuột, hoàn thành trận đánh then chốt mở đầu thắng lợi chiến dịch Tây Nguyên. |
Mặc dù đã qua 45 năm, nhưng Thượng tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Huy Hiệu vẫn không thể quên được tấm bản đồ của má Sáu Ngẫu những ngày giải phóng Sài Gòn. Với ông, đó là chiếc chìa khóa góp phần mở toang cánh cửa cho quân đội tiến vào đô thành; và cũng là bằng chứng cho tình quân-dân son sắt, không thể tách rời.
Cuộc hành quân 12 ngày đêm vào “tuyến lửa
Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu không thể nhớ hết được đã trải qua bao nhiêu trận đánh. Bốn chiến dịch lớn là chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào 1971, Chiến dịch Quảng Trị 1972, Chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4/1975 đều có dấu của vị tướng này. Nhưng có lẽ, điều khiến ông vẫn luôn tự hào nhất là đã được đứng trong năm cánh quân chủ lực tiến vào giải phóng Sài Gòn.
Giữa tháng 3/1975, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu khi ấy vẫn còn là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27, Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1. Ông đang chỉ huy Trung đoàn đắp đê ở Ninh Bình thì nhận được lệnh hành quân vào chi viện khẩn cho chiến trường miền Nam.
Thượng tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Huy Hiệu. . |
“Lúc này, Trung đoàn chúng tôi đang tiến hành nghi binh địch. Nhìn bề ngoài, cả đơn vị vẫn đang tiến hành sản xuất ở miền Bắc nhưng thật ra, tất cả đã chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc hành quân thần tốc hướng về miền Nam ruột thịt,” tướng Hiệu nhớ lại.
Chỉ hai ngày sau, cả đoàn quân rùng rùng lên đường, mang theo quyết tâm cháy bỏng giải phóng miền Nam thân yêu, thống nhất non sông một dải. Diễn biến khẩn trương của chiến dịch buộc Trung đoàn 27 phải tận dụng mọi phương tiện, từ ôtô tới tàu hỏa để tiếp cận Đông Hà – Quảng Trị làm lực lượng dự bị cho các đơn vị bạn chuẩn bị đánh vào Huế và Đà Nẵng.
“Ngày 26/3, các cứ điểm của địch tại Huế tan rã. Lúc này, chúng tôi tiếp tục di chuyển theo hướng Bắc đèo Hải Vân, vượt vào Đà Nẵng để đánh bán đảo Sơn Trà. Nhưng chỉ 3 ngày sau, các đơn vị bạn tiếp tục giải phóng thành công Sơn Trà,” tướng Hiệu nhớ lại.
Trước những diễn biến mới này, Trung đoàn 27 nhận được lệnh khẩn từ Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam Phùng Thế Tài là phải đưa gấp rút tập kết tại Đồng Xoài (Đông Nam Bộ) theo xe của đoàn 559, chuẩn bị cho trận đánh lớn sau cùng,” tướng Hiệu khẽ nheo trán, lục lại trong ký ức của mình.
Ngồi trên cabin xe, lòng Nguyễn Huy Hiệu nóng như lửa đốt. Nhìn ra phía ngoài, những trảng rừng Trường Sơn mùa khô bạc phếch và mù mịt bụi đang vun vút trôi lại phía sau. Lính Trung đoàn, ai nấy đều... đỏ quạch vì đất bazan cuộn lên, “bén” vào người.
Sau này, qua nhiều năm, hình ảnh đoàn quân “đỏ” xẻ dọc sống lưng Trường Sơn ngày ấy vẫn như những thước phim quay chậm, hiện lên rõ nét trong tướng Hiệu. Ông tự trào, gọi đó là đoàn quân của những đôi mắt khi bụi chỉ để lộ ra ánh nhìn sáng quắc của những người lính giữa rừng xa...
Qua nhiều năm, hình ảnh đoàn quân “đỏ” xẻ dọc sống lưng Trường Sơn ngày ấy vẫn như những thước phim quay chậm, hiện lên rõ nét trong tướng Hiệu. Ông tự trào, gọi đó là đoàn quân của những đôi mắt khi bụi chỉ để lộ ra |
Thời gian mỗi ngày một gấp gáp. Những chuyến xe 559 ì ầm hướng về Đông Nam Bộ không ngừng. Phía trước, các đội công binh cũng được huy động tối đa, mở các đường vòng tránh cho đoàn quân “đỏ” âm thầm chạy về phía đồng bằng.
Khi cả đoàn tới đèo Ăng-Bun (trên đường Trường Sơn -PV), Trung đoàn nhận được bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đài 15 oát với nội dung: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!” Bức điện như một lời hiệu triệu thiêng liêng, thổi bùng tinh thần những người lính trẻ khiến tất cả quên đi mệt mỏi, bừng bừng khí thế để tiến về tiền tuyến.
Ngừng lại một lát, tướng Hiệu khẽ nhăn trán rồi lẩm nhẩm tự tính. 1.700km – có lẽ đó là chuyến hành quân dài nhất nhưng cũng nhanh nhất trong suốt cuộc đời binh nghiệp của ông. Ngày 29/3/1975, cả Trung đoàn 27 đã có mặt tại Đồng Xoài. Tính chi ly, họ chỉ mất đúng 12 ngày để hoàn tất cuộc hành quân thần tốc, chuẩn bị cho trận tổng tiến công cuối cùng ít giờ sau đó.
Nhân dân Tây Nguyên cùng bộ đội kéo pháo để đánh chiếm các đỉnh cao ở Pleiku trong chiến dịch Tây Nguyên, mở màn cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. (Ảnh: TTXVN). |
“Trong lịch sử chưa có cuộc hành quân nào dài như thế và đánh hợp đồng Bộ binh – Cơ giới như thế. Đây là nghệ thuật chỉ đạo hành quân nghi binh chiến lược của Bộ Chính trị và Bộ Tham mưu chiến lược là quân ủy Trung ương. Cuộc hành quân thần tốc này được coi là có một không hai để tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.
Nếu theo đúng kế hoạch ban đầu thì đến năm 1976 chúng ta mới giải phóng miền Nam, tuy nhiên, khi mặt trận Tây Nguyên bùng nổ làm rung chuyển quân địch, tạo thế và lực mới cho ta, Bộ Chính trị và quân ủy Trung ương đã sáng suốt và quyết đoán lãnh đạo trận đánh, thừa thắng xông lên, đưa tổng lực vào giải phóng miền Nam một cách nhanh chóng, thống nhất đất nước. Đây chính là tài thao lược của Đảng và Trung ương,” Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu chia sẻ.
Tấm “bản đồ má Sáu” mở đường vào Thành đô
Cuối tháng Tư, đội hình của Trung đoàn 27 đã vào tới địa phận Thủ Dầu Một. Nhiệm vụ của cả trung đoàn lúc này là bằng mọi cách phải thọc sâu, tiến công vào Lái Thiêu, vượt qua tuyến tử thủ cửa ngõ để vào Sài Gòn.
Ngồi thừ trên bãi cỏ ven lộ, Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu cau mày lo lắng. Anh và đồng đội chỉ còn một đêm nay để quyết định trận chiến lớn nhất trong đời này. Nhưng nan giải nhất là chưa ai trong Trung đoàn nắm chắc được tình hình khu vực cũng như bố trí lực lượng của địch bấy giờ ra sao.
“Chỉ còn một cách là phải phối hợp với lực lượng tại chỗ ở địa phương, dựa vào nhân dân để đánh giặc. Do đó, chúng tôi quyết định trực tiếp cùng trinh sát vào tìm sự giúp đỡ của người địa phương,” tướng Hiệu kể lại.
Từ trái sang phải: Em Phước, Chính ủy Trịnh Văn Thư, má Sáu Ngẫu, Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu và em Đức (Ảnh: Tư liệu). |
Trong lúc chưa biết bắt đầu từ đâu thì tin từ quân đoàn cho biết: Ở chợ Búng gần đó có gia đình má Sáu Ngẫu là cơ sở của cách mạng. Nhà má Sáu nằm ngay cạnh quốc lộ 13 là tuyến địch đã rút quân về tử thủ. Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu ngay lập tức lên đường.
Đêm đó, trời Thủ Dầu Một bất ngờ đổ mưa. Cả con đường dẫn vào Búng ngập trong bóng tối và sũng nước. Đến trước cửa một ngôi nhà sát lộ vẫn le lói đèn, đoàn trinh sát gõ cửa và phát tín hiệu: “Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh.” Từ bên trong, giọng một bà má miền Nam gần như ngay lập tức đối ứng: “Muôn năm. Muôn năm.” Nhận đúng “mật khẩu,” má Sáu Ngẫu mừng quýnh, vội vã mở cửa, kéo những người con Bắc Việt vào nhà.
“Tôi tự giới thiệu và xin má Sáu cung cấp thêm thông tin tình hình địch mà má biết quanh khu vực Lái Thiêu. Nhìn rất lâu vào tấm bản đồ mà chúng tôi đã chuẩn bị, má bảo: Bản đồ này má không quen, để má dô lấy bản đồ của má!,” Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27 nhớ lại.
Nói đoạn, bà má miền Nam lụm cụm vào trong, mang ra một tấm bản đồ chi tiết với những dòng ghi chú hết sức nắn nót.
“Má bảo, đây là bản đồ do tự tay má ghi chép lại trong suốt những năm tháng hoạt động trong vùng địch và rất gần với thực địa. Má cũng chỉ cho chúng tôi các trục đường, vị trí đóng quân, lực lượng cũng như vũ khí của địch,” tướng Hiệu kể.
Bằng mọi phương tiện thô sơ và cơ giới, các chiến sỹ vận tải Tây Nguyên vận chuyển hàng ngàn tấn hàng hoá phục vụ chiến dịch. (Ảnh: TTXVN). |
Thậm chí, bà má Nam Bộ còn chỉ cho tướng Hiệu ngày ấy cả cách đánh: Với trung tâm Huỳnh Văn Lương có gần 2.000 địch và một lượng nhỏ tàn quân với tinh thần đã rệu rã, bộ đội không nên tấn công mà chỉ cần dùng loa kêu gọi chúng đầu hàng. Rồi địch gài mìn, dựng chướng ngại vật ở cây cầu bắc qua sông ra sao...
Nhìn tấm bản đồ quý giá, cả đoàn trinh sát mừng như bắt được vàng. Chìa khóa mở cửa vào Sài thành là đây rồi! Dưới nét vẽ bổ sung của má, toàn tuyến phòng thủ từ chi khu Lái Thiêu đến Sài Gòn đều hiện lên rõ nét. Những địa danh xa lạ như trung tâm huấn luyện Huỳnh Văn Lương, ngã ba Lái Thiêu, cầu Vĩnh Bình... trong phút chốc đều được “giải mã.”
Nhìn tấm bản đồ quý giá, cả đoàn trinh sát mừng như bắt được vàng. Chìa khóa mở cửa vào Sài thành là đây rồi! |
Nhờ nghiên cứu kỹ lưỡng “tấm bản đồ má Sáu Ngẫu,” ngay trong đêm 29/4, phương án tác chiến được thông qua và phổ biến tới từng tổ chiến đấu. 3 giờ sáng ngày 30/4, các đơn vị đã vào đúng vị trí quy định. Hiệu lệnh tấn công được phát động. Từ phía các lộ, hỏa lực nhắm thẳng vào từng mục tiêu cố thủ đã được “bạch hóa.” Tiếng súng nổ, tiếng pháo cối rít đì đùng báo hiệu cho thời khắc mở toang cánh cửa vào Sài Gòn đã đến rất gần.
Những chi khu của địch dần được ta đánh chiếm và gỡ bỏ. Sau 2 giờ chiến đấu, toàn bộ quận lỵ Lái Thiêu đã nằm trong tầm kiểm soát của quân đội nhân dân Việt Nam. Tuyến “tử thủ” Ngụy quân Sài Gòn đặt nhiều hy vọng sẽ chặn được các mũi tiến công của quân ta bị đập tan, cánh cửa phía Bắc Sài Gòn đã rộng mở. Hoàn thành nhiệm vụ mở đường, Trung đoàn 27 tiếp tục liên lạc với lực lượng địa phương rồi Sài Gòn đánh chiếm 13 mục tiêu của địch ở Gò Vấp.
Nhớ lại khoảng khắc ấy, tướng Hiệu bảo: Lồng ngực ông gần như nghẹn lại khi chứng kiến cờ Giải phóng phấp phới bay. Nếu không có tấm bản đồ cùng những lời dặn dò má trao gửi, chắc chắn đoàn quân sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn. Với tướng Hiệu, đó chắc chắn là tấm bản đồ kỳ lạ và có giá trị nhất trong suốt cuộc đời binh nghiệp của ông.
Nhân dân thành phố Sài Gòn mít tinh chào mừng Ủy ban Quân quản thành phố ra mắt, ngày 7/5/1975. (Ảnh: Minh Lộc – TTXVN). |
Một ngày sau chiến thắng, Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu cùng một số anh em trong Trung đoàn đã quay trở lại Lái Thiêu thăm và cảm ơn má Sáu Ngẫu. Riêng tấm bản đồ ngày ấy được ông gìn giữ cẩn thận và sau này đã trao lại cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam lưu giữ.
Vị tướng quân bên gốc bồ đề 45 năm sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã trở về cuộc sống bình lặng của riêng mình. Nhưng năm nào cũng thế, cứ vào dịp 30/4, ông và đồng đội lại sắp xếp về Lái Thiêu, thắp cho má Sáu một nén hương nghĩa tình. Tự tay ông đã đặt tấm bia trên ngôi mộ má với những lời rưng rưng: “Trung đoàn Triệu Hải, Đại đoàn Đồng Bằng, ghi công má đã dẫn đường cho trung đoàn tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.” Và người Lái Thiêu cũng quen dần với hình ảnh vị tướng già trong bộ quân phục xanh ngồi lặng im bên má Sáu mỗi năm một lần... “- Má ơi! Chúng con đã về đây. Đồng đội con ngày ấy, nhiều đồng chí đã đi theo các anh hùng liệt sĩ về thế giới bên kia. Những người còn sống, đến hôm nay lưng cũng đã còng, tóc đã bạc. Trước anh linh của má, chúng con một lần nữa thành kính nhớ ơn má, tưởng nhớ các đồng chí của mình. Quân đội nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam mãi mãi ghi ơn những bà má Việt Nam can trường, mưu lược, dũng cảm, đã hiến dâng trọn đời mình, hiến dâng cả chồng, con mình cho cách mạng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.” |
Tin liên quan
(Infographics) Tổng thu từ xuất nhập khẩu các tỉnh, thành vùng Tây Nguyên
10:50 | 15/12/2024 Hải quan
Tân cảng Sài Gòn tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa tại Tây Nguyên
08:56 | 06/12/2024 Doanh nghiệp - Doanh nhân
Khơi mở tiềm năng xuất khẩu nông sản vùng Tây Nguyên
20:27 | 26/04/2024 Kinh tế
Thủ tướng chỉ đạo phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP năm 2025 đạt trên 8%
15:53 | 21/12/2024 Sự kiện - Vấn đề
Chuyển đổi số - xu hướng tất yếu trong hoạt động giáo dục và đào tạo
10:41 | 21/12/2024 Sự kiện - Vấn đề
Ngân hàng Thế giới: Kinh tế toàn cầu ổn định, Việt Nam tăng trưởng vượt trội
09:06 | 20/12/2024 Sự kiện - Vấn đề
Thích ứng và đổi mới trong môi trường toàn cầu luôn biến động
07:45 | 20/12/2024 Sự kiện - Vấn đề
Tổ chức trưng bày các thành tựu xây dựng Lực lượng vũ trang nhân dân
16:31 | 19/12/2024 Sự kiện - Vấn đề
Giá xăng dầu đồng loạt tăng, xăng RON95-III ở mức hơn 21.000 đồng/lít
15:16 | 19/12/2024 Sự kiện - Vấn đề
“Cán bộ có ô tô thuê nhà ở xã hội”
09:15 | 19/12/2024 Người quan sát
Hợp tác kết nối thị trường
07:48 | 19/12/2024 Sự kiện - Vấn đề
Cafe Giảng
07:45 | 19/12/2024 Người quan sát
Tạp chí Hải quan đứng đầu về mức độ chuyển đổi số trong khối tạp chí Trung ương và địa phương
08:49 | 17/12/2024 Sự kiện - Vấn đề
Động lực từ xuất khẩu, đầu tư, công nghệ số... cho tăng trưởng kinh tế 2025
08:25 | 17/12/2024 Sự kiện - Vấn đề
Hỗ trợ tiếp cận tài chính
08:12 | 16/12/2024 Sự kiện - Vấn đề
Mỗi đối tượng lao động đều cần những chính sách hỗ trợ phù hợp
14:34 | 15/12/2024 Sự kiện - Vấn đề
Vấn đề Bạn quan tâm
Tin mới
Tăng doanh thu từ xây dựng chuỗi cung ứng bền vững
Ô tô nhập khẩu có chiều hướng giảm
Thủ tướng chỉ đạo phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP năm 2025 đạt trên 8%
Hải quan Móng Cái tiếp tục giữ vị trí quán quân chỉ số năng lực cạnh tranh
Chuyển đổi số - xu hướng tất yếu trong hoạt động giáo dục và đào tạo
(Infographics) Tổng thu từ xuất nhập khẩu các tỉnh, thành vùng Tây Nguyên
10:50 | 15/12/2024 Hải quan
(INFOGRAPHICS) Kim ngạch hơn 67 tỷ USD, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam
11:29 | 04/12/2024 Infographics
(INFOGRAPHICS): Tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp tham gia chương trình tự nguyện tuân thủ
16:30 | 06/12/2024 Infographics
(INFOGRAPHICS) Tổng thu từ XNK các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ
16:33 | 06/12/2024 Xuất nhập khẩu
(INFOGRAPHICS) 66 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 11
14:29 | 12/12/2024 Infographics