Cần luật hóa vấn đề chống chuyển giá trong thu hút FDI
Luật Đầu tư sửa đổi đã đưa vào một điều khoản là trong trường hợp cần thiết, Nhà nước có thể có quyền thuê công ty giám định để giám định lại tài sản đã đầu tư, nhằm khắc phục tình trạng chuyển giá ở khâu đầu tư. Ảnh minh họa |
Chuyển giá chưa có dấu hiệu giảm
Thời gian qua, vấn đề chuyển giá nói chung, chuyển giá của khu vực FDI nói riêng nhận được sự quan tâm của dư luận. Dù các ngành chức năng đã có các giải pháp để phát hiện, ngăn chặn, xử lý tình trạng này song kết quả vẫn chưa như mong đợi.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, với 21.400 DN, DN FDI chiếm khoảng 3% tổng số DN. Tổng hợp báo cáo tài chính của DN FDI từ năm 2011 đến 2017 cho thấy quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh của khối DN này luôn duy trì mức tăng trưởng cao về doanh thu và lợi nhuận. Riêng năm 2017, doanh thu tăng 28% so với 2016, cao hơn tốc độ tăng tài sản (22%) và tốc độ tăng vốn chủ sở hữu (14%), cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của DN FDI rất thuận lợi.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, tỷ lệ DN FDI báo lỗ và lỗ mất vốn qua các năm tăng cao và chưa có dấu hiệu giảm. Theo đó, giai đoạn 2012 - 2017 số lượng DN FDI báo lỗ hàng năm là từ 44% đến 52%, đặc biệt năm 2017 lên cao nhất với 52% số lượng DN có báo cáo. Đồng thời, tốc độ tăng của quy mô đầu tư và hoạt động của các DN báo lỗ và DN lỗ lũy kế cao hơn tốc độ tăng về số lượng DN báo lỗ và DN lỗ lũy kế cho thấy tình trạng chuyển giá của khu vực DN FDI ngày càng gia tăng về số lượng và mức độ ngày càng tinh vi, phức tạp.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng từng nhấn mạnh, chuyển giá là một câu chuyện rất dài, không phải bây giờ mới có. Hiện tượng này xảy ra ở hai khâu là khâu đầu tư ban đầu và khâu sản xuất - kinh doanh. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, trước đây, pháp luật Việt Nam từng có điều khoản yêu cầu phải giám định lại tài sản đầu tư ngay sau khi đầu tư xong để xác định được tài sản chính thức để tính vào khấu hao nhằm hạch toán thu nhập chịu thuế. Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện điều khoản này cũng vướng rất nhiều khó khăn. Do đó, Luật Đầu tư đã bỏ điều khoản này theo hướng để DN tự giác. Tuy nhiên, tổng kết 30 năm thu hút FDI, những người làm công tác đầu tư cũng nhận ra đây chính là kẽ hở.
GS.Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT: Với Nghị quyết về định hướng thu hút FDI tới 2030, tôi nghĩ tinh thần của Bộ Chính trị là không chỉ thay đổi thể chế kinh tế mà thay đổi cả cách làm Luật. Ví dụ như với vấn đề chuyển giá, Bộ Chính trị đưa cảnh báo từ năm 2005, khi phát hiện dấu hiệu nghi vấn Coca Cola chuyển giá, nhưng đến tận bây giờ cũng không có Luật nào về chống chuyển giá cả. 14 năm rồi, cái gì tồn tại như thế này mà không giải quyết được thì phản ứng chính sách của chúng ta quá chậm. TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT: Tôi cho rằng cần xem xét việc thành lập một tổ công tác liên Bộ chuyên trách về vấn đề chống chuyển giá của các DN FDI để phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong công tác này. Với các dự án quy mô nhỏ thì giao hẳn cho địa phương chịu trách nhiệm chống chuyển giá. Đồng thời, sử dụng giám định độc lập quốc tế khi cần thiết. PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Cơ quan Thuế cũng cần phát huy vai trò trong khâu thẩm định, kiểm tra, giám sát lại, bởi đây là cơ quan quyết định cho phép tính khấu hao bao nhiêu, các chi phí được trừ hay không được trừ trong việc tính thuế. H.ANH (ghi) |
Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), trong thời gian qua chống chuyển giá và các vấn đề liên quan đến đầu tư thực chất của các nhà đầu tư nước ngoài luôn là vấn đề nóng. “Nhiều nhà đầu tư ngay từ đầu đã kê khai khống tài sản, vốn liếng họ đưa vào, thậm chí được biết có những dự án ‘tay không bắt giặc’ khi trị giá dự án chỉ vài trăm nghìn USD nhưng đã kê khai lên hàng chục triệu USD. Với việc khai khống lên hàng chục lần giá trị dự án như vậy thì biết bao nhiêu năm sau DN mới khấu hao xong để có lãi?”, PGS. Đinh Trọng Thịnh nói, đồng thời nhấn mạnh, đây là điều không thể chấp nhận thêm được nữa và không thể chần chừ hơn nữa trong chống chuyển giá.
Khẳng định chống chuyển giá ngay từ khâu đầu tư là quan trọng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, tại Luật Đầu tư sửa đổi, cơ quan soạn thảo đã đưa vào một điều khoản là trong trường hợp cần thiết, Nhà nước có thể có quyền thuê công ty giám định để giám định lại tài sản đã đầu tư, nhằm khắc phục được một bước tình trạng chuyển giá ở khâu đầu tư. Điều 44 của dự thảo Luật Đầu tư quy định: "Trong trường hợp cần thiết để đảm bảo thực hiện quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ hoặc để xác định căn cứ tính thuế, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu thực hiện giám định độc lập giá trị vốn đầu tư, chất lượng và giá trị của máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ".
Chưa có bộ luật đủ sức chống chuyển giá
Việc giám định giá trị vốn đầu tư, chất lượng và giá trị của máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ không phải là việc dễ dàng. Trong một văn bản gửi Chính phủ trước đó, đại diện Bộ KH&ĐT khẳng định cần thiết phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám định chất lượng, giá trị máy móc, thiết bị, công nghệ được sử dụng trong quá trình hoạt động của dự án FDI. Tuy nhiên, việc hoàn thiện quy định của pháp luật để yêu cầu thẩm định giá trị máy móc, thiết bị, công nghệ NK trước khi phê duyệt dự án cần được cân nhắc tính khả thi bởi tại thời điểm đề xuất dự án, nhà đầu tư mới chỉ dự tính các chi phí đầu tư mà chưa tổ chức mua sắm, lắp đặt máy móc, thiết bị, công nghệ. Trong quá trình thực hiện dự án, chi phí này có thể khác với dự tính ban đầu do biến động của thị trường hoặc do phải thay đổi chủng loại, công suất, nguồn gốc để đáp ứng yêu cầu hoạt động. Do vậy, việc xác định đúng giá trị máy móc, thiết bị, công nghệ tại thời điểm quyết định của chủ đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là chưa hợp lý và khả thi. Thực tế cho thấy, các cơ quan quản lý khó có đủ điều kiện và nguồn lực để thẩm định giá trị máy móc, thiết bị, dây chuyển công nghệ của tất cả các dự án có vốn FDI.
Thừa nhận việc giám sát ở khâu đầu tư là khó, ông Hoàng Quang Hàm, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cho rằng, một là chúng ta đang muốn thu hút đầu tư nên muốn nới lỏng các rào cản, giảm bớt các thủ tục; hai là những máy móc, thiết bị mà DN FDI mang vào thường là những công nghệ mà Việt Nam chưa có, nên việc so sánh, đối chiếu mặt bằng giá là rất phức tạp. Ông Hoàng Quang Hàm cho rằng, khó không có nghĩa là không làm: “Để chống chuyển giá hiệu quả hơn, Luật Đầu tư tới đây cần làm rõ, đơn cử như quy định trường hợp nào phải kiểm tra, thanh tra, trường hợp nào phải giám định lại tài sản, phải có cơ chế kiểm soát, đánh giá rủi ro. Tất nhiên không phải tất cả trường hợp đều kiểm tra vì như vậy sẽ gây ách tắc, nhưng phải xác định nguyên tắc để kiểm tra, có thể kiểm tra sau hoặc trong quá trình đầu tư”.
Về vấn đề này, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, có nhiều khó khăn nhưng chúng ta hoàn toàn có khả năng để chống chuyển giá, vấn đề là người thực thi có thực sự muốn làm hay không.“Bên cạnh đó, một vấn đề cần lưu tâm là đòi hỏi phải có được ngân hàng dữ liệu liên quan đến hoạt động đầu tư, khoa học công nghệ, trình độ của thiết bị công nghệ, đây là cái khó, nhưng nếu quyết tâm thì vẫn có khả năng và hoàn toàn có thể làm được”, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nói. PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh, điều đáng tiếc là đến thời điểm này chúng ta vẫn chưa có một bộ luật đủ sức để chống chuyển giá, vì thế chống chuyển giá chưa đạt được những điều chúng ta mong muốn. “Đã đến lúc phải xem xét lại, phải có những quy định mang tính pháp lý cao hơn, hiệu quả lớn hơn để chống hiện tượng chuyển giá là vấn đề gây bức xúc, gây tổn hại cho các hoạt động kinh tế của chúng ta”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nói.
Liên quan đến vấn đề này, Nghị quyết của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 vừa ban hành khẳng định, hiện tượng chuyển giá ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng, do đó, tới đây cần hoàn thiện pháp luật về chống chuyển giá theo hướng nâng lên thành luật, hoàn thiện, bổ sung các quy định chặt chẽ trong pháp luật về thuế, ngoại hối, hải quan, đầu tư, khoa học và công nghệ, về xây dựng cơ sở dữ liệu, công bố thông tin... để kiểm soát, quản lý, ngăn chặn chuyển giá ngay từ khi thành lập và trong quá trình hoạt động của DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng riêng một dự luật về chống chuyển giá kỳ vọng sẽ là bước tiến mới trong việc đối phó hiệu quả với tình trạng chuyển giá nhằm lập lại trật tự, công bằng trong thu hút FDI ngay từ những bước ban đầu.
Tin liên quan
Doanh nghiệp FDI chiếm hơn 67% kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước
09:20 | 15/12/2024 Doanh nghiệp - Doanh nhân
Gần 31,4 tỷ USD đã “đổ” vào Việt Nam trong 11 tháng
14:42 | 10/12/2024 Kinh tế
Vĩnh Phúc xanh hoá các khu công nghiệp, sẵn sàng đón làn sóng đầu tư mới
17:24 | 09/12/2024 Kinh tế
Kim ngạch xuất nhập khẩu tiến tới mốc lịch sử khoảng 800 tỷ USD
15:45 | 23/12/2024 Xuất nhập khẩu
Xuất khẩu 2024 có thể lập đỉnh mới hơn 400 tỷ USD
09:38 | 23/12/2024 Xuất nhập khẩu
Đánh thức tiềm năng dược liệu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
08:38 | 23/12/2024 Kinh tế
Trung Đông- thị trường tiềm năng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam
15:28 | 22/12/2024 Kinh tế
(INFOGRAPHICS) Xuất nhập khẩu nửa đầu tháng 12 có chiều hướng giảm
10:54 | 22/12/2024 Infographics
Xuất khẩu dừa bước vào chu kỳ tăng tốc
09:52 | 22/12/2024 Kinh tế
Xuất nhập khẩu chính thức đạt gần 750 tỷ USD
18:24 | 20/12/2024 Xuất nhập khẩu
Cơ hội bền vững để hàng Việt Nam thâm nhập thị trường toàn cầu
08:00 | 20/12/2024 Kinh tế
Nắm bắt xu thế chuyển đổi xanh - Cơ hội sống còn của doanh nghiệp Việt Nam
07:53 | 20/12/2024 Kinh tế
Diễn biến nào của lãi suất cho vay trong năm 2025?
21:39 | 19/12/2024 Kinh tế
Nhập khẩu từ Trung Quốc cao kỷ lục đạt hơn 130 tỷ USD
14:40 | 19/12/2024 Xuất nhập khẩu
TP Hồ Chí Minh: Đa dạng hình thức hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa
07:46 | 19/12/2024 Kinh tế
Phòng vệ thương mại bảo vệ các ngành sản xuất trong nước
16:40 | 18/12/2024 Kinh tế
Vấn đề Bạn quan tâm
Tin mới
Chìa khóa để TPHCM tiến vào kỷ nguyên mới, vươn lên cùng khát vọng dân tộc
Kim ngạch xuất nhập khẩu tiến tới mốc lịch sử khoảng 800 tỷ USD
Thu giữ khoảng 11 tấn pháo trong các thùng hàng có hình quả táo
Thêm cẩu giàn được bố trí tại bến số 3, 4 cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng
Bridgestone thực hiện chính sách bảo vệ môi trường tại Việt Nam
(Infographics) Tổng thu từ xuất nhập khẩu các tỉnh, thành vùng Tây Nguyên
10:50 | 15/12/2024 Hải quan
(INFOGRAPHICS) Kim ngạch hơn 67 tỷ USD, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam
11:29 | 04/12/2024 Infographics
(INFOGRAPHICS): Tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp tham gia chương trình tự nguyện tuân thủ
16:30 | 06/12/2024 Infographics
(INFOGRAPHICS) Tổng thu từ XNK các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ
16:33 | 06/12/2024 Xuất nhập khẩu
(INFOGRAPHICS) 66 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 11
14:29 | 12/12/2024 Infographics