Mục tiêu tham vọng về lợi nhuận của các ngân hàng
(HQ Online) - Với nền lợi nhuận thấp, cùng kỳ vọng kinh tế khởi sắc hơn, các ngân hàng đều “mạnh dạn” trình Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) mục tiêu lợi nhuận với mức tăng trưởng cao.
Nhiều kỳ vọng giúp các ngân hàng đưa ra trình ĐHĐCĐ mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng cao. Ảnh: ST |
Kỳ vọng tăng trưởng cao sau tăng trưởng âm
Đặt mục tiêu tăng mạnh về lợi nhuận nhất phải kể đến VPBank. Theo dự thảo trình ĐHĐCĐ 2024, VPBank đưa mục tiêu lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm 2024 tăng 114% so với năm 2023, tương đương 23.165 tỷ đồng. Trong đó, riêng ngân hàng mẹ dự kiến đóng góp 20.709 tỷ đồng, Công ty Chứng khoán VPBankS góp 1.902 tỷ đồng và Công ty Bảo hiểm OPES đóng góp 873 tỷ đồng vào tổng lợi nhuận. Công ty Tài chính tiêu dùng FE CREDIT cũng được kỳ vọng sẽ có sự trở lại mạnh mẽ sau hai năm liền thua lỗ với mức lợi nhuận hợp nhất trước thuế dự kiến là 1.200 tỷ đồng trong năm 2024.
Để đạt được kế hoạch trên, VPBank dự kiến tăng trưởng tín dụng và huy động lần lượt ở mức 25% và 22% so với năm trước. Đây có thể nói là mục tiêu lợi nhuận đầy “tham vọng”, bởi năm 2023, lợi nhuận trước thuế của VPBank đạt khoảng 10.804 tỷ đồng, giảm mạnh 49,1% so với năm 2022.
Tương tự, ABBank dự kiến trình cổ đông thông qua phương án lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 1.000 tỷ đồng, tăng tới 94,5% so với kết quả thực hiện của năm 2023. Nhưng mức tăng mạnh này cũng phải kể đến nền lợi nhuận thấp của ABBank trong năm 2023, khi lợi nhuận trước thuế chỉ đạt khoảng 513 tỷ đồng, giảm gần 70% so với năm 2022.
Về các chỉ tiêu khác, ABBank đặt mục tiêu tổng tài sản đến cuối năm nay dự kiến ở mức 170.000 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2023. Tín dụng và huy động tăng trưởng 13%, tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức dưới 3%. Tuy nhiên, ABBank đề xuất để lại toàn bộ số lợi nhuận chưa phân phối là 298,7 tỷ đồng nhằm bổ sung nguồn vốn, thực hiện kế hoạch chiến lược, tạo tích lũy nội tại để tăng vốn điều lệ trong tương lai.
Cũng đặt mục tiêu lợi nhuận tăng cao trong năm 2024 là TPBank khi dự kiến trình ĐHĐCĐ thông qua mục tiêu lợi nhuận trước thuế là 7.500 tỷ đồng, tăng 34% so với năm trước. Tuy vậy, ĐHĐCĐ năm 2023 của TPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt mức 8.700 tỷ đồng nhưng đã không hoàn thành khi chỉ đạt lợi nhuận gần 5.589 tỷ đồng, giảm 28,6% so với kết quả đạt được năm 2022.
Theo tài liệu ĐHĐCĐ 2024, trong năm nay, SeABank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 5.888 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 4.710 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2023. Tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu bình quân ROE theo kế hoạch đạt 13,93% năm 2024. Cùng với đó, tổng tài sản dự kiến tăng 10%, huy động vốn tăng 16%, tăng trưởng tín dụng dự kiến 16,1% và phù hợp với quy định.
Mặc dù kết quả lợi nhuận của SeABank năm 2023 giảm nhẹ 9% nhưng ngân hàng này có cơ sở để thực hiện mức tăng trưởng như kỳ vọng. Là ngân hàng đầu tiên công bố, SeABank cho biết lợi nhuận trong quý đầu năm khả quan khi đạt hơn 1.500 tỷ đồng, tăng gần 41% so với cùng kỳ. Tổng thu nhập hoạt động quý 1 của ngân hàng này đạt 2.706 tỷ đồng, tăng 19,54%; tổng doanh thu đạt 6.438 tỷ đồng, tăng 4,6%.
Với Techcombank, ngân hàng đề ra mục tiêu năm 2024 đạt 27.100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng hơn 18% so với kết quả 2023. Đây có thể xem là mức tăng cao khi năm 2023, lợi nhuận của Techcombank đã sụt giảm 10% so với năm 2022 – đứt chuỗi tăng trưởng dương 10 năm của ngân hàng này do chịu nhiều ảnh hưởng khiến thu nhập sụt giảm cùng áp lực nợ xấu nên phải đẩy mạnh dự phòng rủi ro. Tuy vậy, cổ đông của Techcombank năm nay cũng “mừng” hơn khi dự kiến được trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 15%. HĐQT Techcombank cũng trình phương án tăng vốn điều lệ từ hơn 35.225 tỷ đồng lên trên 70.450 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Tại MSB, lợi nhuận năm 2023 chỉ tăng rất nhẹ 0,7% so với năm trước nên năm 2024, MSB sẽ trình ĐHĐCĐ thông qua mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 17% so với năm 2023, đạt 6.800 tỷ đồng.
Thận trọng trước biến động
Riêng với Nam A Bank, dù năm 2023 ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận cao gần 50%, nhưng ĐHĐCĐ ngân hàng này đã thông qua mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2024 là 4.000 tỷ đồng, tăng 21% so với năm trước. Ngân hàng này hiện đang nhận nhiều “tín hiệu vui” khi đã được chấp thuận niêm yết và chính thức chào sàn HoSE vào ngày 8/3/2024, tạo điều kiện thuận lợi thu hút vốn đầu tư và mở rộng hoạt động kinh doanh.
Với nhiều ngân hàng khác, mục tiêu lợi nhuận có phần khiêm tốn hơn, một phần đã đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2023, một phần do vẫn lo ngại những tác động còn nhiều khó lường từ nền kinh tế.
Chẳng hạn, tại ĐHĐCĐ vừa diễn ra, lãnh đạo VIB cho biết, trong quý 1/2024, VIB đạt 2.600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng ở mức thấp khi chỉ đạt 1% nên ĐHĐCĐ của VIB đã thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế 12.045 tỷ đồng năm 2024, tăng 13% so với năm trước; các chỉ tiêu về tín dụng, huy động vốn, tổng tài sản đều được đặt mục tiêu tăng từ 20-21% so với năm 2023.
Tương tự, tại ĐHĐCĐ thường niên, Tổng giám đốc ACB cho hay, kết thúc quý 1/2024, ngân hàng này đạt 4.900 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế - giảm nhẹ so với cùng kỳ do tín dụng tăng 3,7% so với cuối năm 2023 nhưng ACB phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu. Năm 2024, ACB đặt mục tiêu lợi nhuận ở mức 22.000 tỷ đồng trước thuế, tăng 10% so với năm 2023. Tăng trưởng cho vay khách hàng là 14%, duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 2%...
Tại MB, sau khi ghi nhận mức lợi nhuận tăng trưởng gần 16% trong năm 2023, sang năm 2024, HĐQT ngân hàng này dự kiến trình ĐHĐCĐ thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng trưởng từ 6-8%, bằng một nửa so với mức thực hiện của năm ngoái. Trong giai đoạn 2024-2029, MB kỳ vọng mức tăng trưởng lợi nhuận tích cực hơn, trung bình khoảng 12%/năm. Về chỉ tiêu tổng tài sản, ngân hàng đặt mục tiêu tăng 13%, tức đạt gần 1,23 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2024.