Các doanh nhân đề xuất, kiến nghị gì trước ngày Doanh nhân 13/10?
(HQ Online) - Đánh giá cao sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan Nhà nước cũng như những sáng kiến về phòng chống dịch, khôi phục kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cộng đồng doanh nhân đồng lòng tin tưởng, cam kết đồng hành cùng Chính phủ.
Chính phủ, bộ ngành đã truyền cảm hứng cho giới doanh nhân
Sáng 12/10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gặp mặt doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) để ghi nhận, biểu dương những đóng góp, lắng nghe những mong muốn, nguyện vọng của cộng đồng doanh nhân và khẳng định tiếp tục chia sẻ, đồng hành với đội ngũ doanh nhân Việt Nam.
Tại buổi gặp, các doanh nhân đều đánh giá cao sự vào cuộc hỗ trợ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Theo ông Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), Chính phủ đã tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, doanh nghiệp có cơ hội để thực hiện sứ mệnh của mình. Cộng đồng doanh nghiệp với tinh thần vượt khó, ý chí tự lực tự cường đã đóng góp vào chiến lược chống dịch, nỗ lực thích ứng tình hình mới, duy trì hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện thắng lợi mục tiêu kép.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Việt Quang, Tổng giám đốc Vingroup nhận định, trong thời gian vừa qua, cộng đồng doanh nghiệp dù chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng đều đồng lòng ủng hộ các chủ trương, chính sách, giải pháp phòng chống dịch và có nhiều đóng góp cho công cuộc phòng chống dịch.
Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG, Phó Chủ tịch thường trực Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) đánh giá việc chuyển hướng chiến lược sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh là đúng đắn, cần thiết. Đồng thời, bà Nga cũng đánh giá cao những chỉ đạo, quyết liệt sát sao của Chính phủ, Thủ tướng sẽ giúp các địa phương khôi phục và thúc đẩy sản xuất.
Bà Nga cho rằng, những lời hiệu triệu, kêu gọi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của Thủ tướng Chính phủ đã nhận được sự ủng hộ, tham gia tích cực của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhất là những sáng kiến lập Quỹ Vắc xin phòng chống Covid-19, sáng kiến Sóng và máy tính cho em…. Đây là những chương trình rất nhân văn, đi vào lòng người, được cộng đồng doanh nghiệp nỗ lực tham gia.
Trong khi đó, bà Thái Hương, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam lại chia sẻ: "Sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ ngành thực sự đã truyền cảm hứng cho giới doanh nhân. Đến giờ hình ảnh áo sơ mi Thủ tướng đẫm mồ hôi khi chỉ đạo phòng chống dịch ở Bình Dương hay hình ảnh những y bác sĩ, công an, bộ đội ăn bữa cơm vội vàng… đã đánh thức chúng tôi nỗ lực cống hiến, vượt khó khăn, thách thức, phát triển bền vững".
Bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam khẳng định cam kết cùng với Bộ Tài chính - cơ quan trực tiếp quản lý ngành nghề và các bộ, ngành đóng góp trí tuệ cho sự phát triển minh bạch của thị trường tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung.
![]() |
Thủ tướng Chính phủ gặp mặt doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10). Ảnh: VGP |
Thêm cơ chế, hỗ trợ để doanh nghiệp vượt qua khó khăn
Về những kiến nghị, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC cho rằng, nền kinh tế cần mở cửa trở lại an toàn nhanh nhất có thể để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; giao các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nước đầu tư các dự án hạ tầng số quy mô lớn…
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) nêu, ngành xây dựng có đóng góp rất lớn vào GDP Việt Nam, nhưng đang gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng lao động trở lại, nên cần cơ chế lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp trong ngành xây dựng.
Tương tự, ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà cũng cho rằng, Chính phủ cần thực hiện ngay giải pháp phù hợp trên quy mô lớn trong trung và dài hạn, đáp ứng 4 mục tiêu: tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi nhanh chóng; hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng mất thanh khoản, phá sản, giải thể; thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế phù hợp với những thay đổi trên thế giới sau đại dịch; kích thích tiêu dùng trong nước, đảm bảo an sinh xã hội.
Ngoài ra, theo ông Sơn, cơ quan quản lý cần ổn định chính sách tài khoá, hỗ trợ doanh nghiệp có đủ vốn vượt qua khó khăn; nới lỏng điều kiện để doanh nghiệp được hỗ trợ bằng tiền thông qua gói tín dụng. Vì thế, lãnh đạo Tập đoàn Sơn Hà đề nghị Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất linh hoạt, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cơ cấu lại thời hạn trả nợ, hoãn, giảm lãi suất đối với doanh nghiệp làm ăn thua lỗ; đề xuất chênh lệch giữa lãi suất huy động, lượng vốn và lãi suất cho vay không quá 2,5%.
“Những nỗ lực của tự thân doanh nghiệp là chưa đủ, rất cần những quyết sách của Chính phủ, tạo cơ chế môi trường để doanh nghiệp vượt qua”, ông Lê Vĩnh Sơn nêu rõ.
Về các giải pháp về pháp luật, bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch thường trực Tập đoàn FLC bày tỏ mong muốn tinh thần chỉ đạo, các chủ trương, quyết sách của Chính phủ, Thủ tướng sớm đi vào thực tiễn thông qua các văn bản pháp luật, hệ thống pháp luật. Thay mặt các doanh nghiệp bất động sản, bà Dung kiến nghị, các quy định pháp luật về đất đai và nhà ở có thể phát huy tiềm năng, lợi thế, tiếp tục có những cơ sở vững chắc, tạo đà cho sự phát triển.
Với các doanh nhân nữ, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam đề xuất, Chính phủ nên tiếp tục có những gói hỗ trợ đặc thù cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, lao động người khuyết tật.. Bà Tuyết Minh cũng mong muốn Chính phủ quan tâm đến khuyến nghị của UNDP về việc trích 5% GDP từ nay đến cuối năm để hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp tư nhân.