Doanh nghiệp vận tải "gánh nặng" chi phí kiểm soát dịch
(HQ Online) - Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, khó khăn nhất hiện nay của doanh nghiệp là test Covid-19, khi không chỉ các tỉnh mà các cũng nhà máy đều yêu cầu test PCR phức tạp và tốn kém. Các doanh nghiệp kiến nghị được tự mua bộ xét nghiệm để thực hiện test cho lao động của mình, điều này vừa giúp dành nguồn lực cho hoạt động chống dịch khác, vừa giúp doanh nghiệp giảm chi phí.
![]() |
Doanh nghiệp đang đối mặt với rất nhiều khó khăn do dịch bệnh. Ảnh: Internet. |
Doanh thu giảm, chi phí tăng
Đề cập về những khó khăn mà các doanh nghiệp logistics đang phải đối mặt, ông Trần Đức Nghĩa, Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, trong thời gian vừa qua, khi các địa phương áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh đã gây ảnh hưởng rất nhiều. Chúng tôi đang ở trong tình trạng kiệt quệ, hơn 1 năm chịu tác động dịch bệnh, doanh thu suy giảm, chi phí tăng lên.
“Chẳng hạn một công ty có 150 lái xe, hiện hàng tháng phải chi trả hơn 300 triệu đồng phí xét nghiệm các loại. Đây là một chi phí khủng khiếp. Tôi lấy ví dụ, trên địa bàn Quảng Ninh, tôi không hiểu lý do vì sao khi vào khu vực cửa khẩu phải test Covid-19, trong khi bắt đầu vào tỉnh lái xe đã phải test PCR. Sự thiếu nhất quán còn thể hiện ở việc các địa phương áp dụng các quy định vận tải trên đường quốc lộ.
Mới đây nhất, cũng có thể thấy sự khác biệt giữa TPHCM và Hà Nội. Trong khi quốc lộ 1A qua địa bàn TPHCM không bị đóng cửa khi áp dụng Chỉ thị 16, nhưng tại Hà Nội đã đóng cửa quốc lộ 1A để phong toả địa bàn. Tôi cho rằng trong trường hợp này chúng ta hoàn toàn có lựa chọn khác để đảm bảo quá trình lưu thông hàng hoá trên quốc lộ khi đi qua địa phận của mình.
Ngoài ra vấn đề khác biệt trong quy định phòng chống dịch bệnh còn liên quan tới thời hạn và cách thức test với lái xe. Cụ thể, tại Hải Phòng từ ngày 18 đến 20/7, 3 cửa ngõ đi vào Hải Phòng bị ách tắc nghiêm trọng bởi áp dụng dán tem cho các phương tiện và xét nghiệm lái xe trong khi các tỉnh khác chưa áp dụng, các doanh nghiệp chưa thể cập nhật thông tin. Điều này gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Hiệp hội chúng tôi ước tính tình trạng trên đã gây thiệt hại ít nhất 100 tỷ đồng/ngày”, ông Trần Đức Nghĩa nhấn mạnh.
Bên cạnh các khó khăn khác trong lưu thông hàng hoá, nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, khó khăn nhất của doanh nghiệp hiện nay là test Covid-19 bởi không chỉ các tỉnh mà các nhà máy cũng đều yêu cầu test PCR rất phức tạp và tốn kém.
Chia sẻ thêm về vấn đề này ông Trần Văn Hào, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Thái Việt Trung cho biết, từ ngày bùng phát dịch tới nay các chính sách, quy định gây vướng rất nhiều cho doanh nghiệp khi quy định của Chính phủ và quy định của địa phương không thống nhất. Đó là chưa kể khi xuống tới các cơ sở nhà máy, mỗi nơi lại có thêm quy định khác. Trong khi đó, các quy định này có hiệu lực nhanh, doanh nghiệp không sao xoay xở kịp, thiệt hại cho cả đơn vị vận tải và chủ hàng là vô cùng lớn.
“Đơn cử quy định về xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp nào, thời hạn ra sao, mỗi địa phương lại áp dụng cách thức khác nhau. Một số tỉnh như Hải Dương không cho lái xe Bắc Ninh, Bắc Giang đi vào; hay tại Quảng Ninh, khi vào tỉnh, lái xe đã test PCR rồi khi vào bến bãi tại cửa khẩu lại phải test thêm lần nữa…”, ông Trần Văn Hào cho biết rõ hơn.
Cần có cả “luồng Xanh” cho con người
Cũng theo ông Trần Văn Hào, đi vào nhà máy LG Hải Phòng khi cho xe vào đã phải test, khi quay trở lại nhà máy đã hết hạn, 1 chuyến hàng phải test 2 lần, chi phí tăng lên rất lớn. Vấn đề là làm sao có giải pháp thống nhất việc xét nghiệm Covid bằng việc thống nhất thời hạn, quy trình test và hoạt động của lái xe, không chỉ cấp "luồng Xanh" cho phương tiện mà còn có cả "luồng Xanh" cho con người. Có như vậy mới đảm bảo nguồn lực lao động, chứ nếu chỉ có phương tiện mà không có con người thì cũng khó có thể hoạt động.
Trước thực trạng trên, ông Trần Đức Nghĩa, Uỷ viên BCH VLA đề nghị cho doanh nghiệp tự mua bộ xét nghiệm để doanh nghiệp tự thực hiện cho lái xe của mình. Làm được điều này vừa giúp dành nguồn lực cho hoạt động chống dịch khác, vừa giúp doanh nghiệp vận tải giảm chi phí.
Nói rõ hơn về đề xuất này, ông Trần Đức Nghĩa cho biết, trước đó tại Bắc Giang đã thực hiện hướng dẫn cho người dân tự thực hiện bộ kit để tự xét nghiệm cho mình và kinh nghiệm này cần được triển khai diện rộng trên toàn quốc. Còn tại châu Âu và Bắc Mỹ cũng đều bán bộ kit ra thị trường, chi phí mỗi bộ kit chỉ vài chục nghìn, trong khi tại Việt Nam khi thực hiện xét nghiệm nhanh ít nhất doanh nghiệp phải chi 200 nghìn/lần.