Vướng mắc chậm tháo gỡ, doanh nghiệp khó càng thêm khó
(HQ Online) - Trong pháp luật kinh doanh, không ít trường hợp doanh nghiệp đã chỉ rõ những bất cập của quy định và kiến nghị tháo gỡ vướng mắc, nhưng cơ quan quản lý chậm sửa đổi, gây khó khăn thậm chí là thiệt hại cho hoạt động của các doanh nghiệp.
![]() |
Pháp luật kinh doanh cần được cơ quan chức năng tiếp thu, sửa đổi kịp thời để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. |
Phản hồi 3 năm mới sửa
Tại một hội thảo về pháp luật kinh doanh mới đây, nhiều doanh nghiệp ý kiến về quy định kiểm tra an toàn chất lượng của mặt hàng thang máy, thang cuốn trước khi thông quan của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Theo đó, từ năm 2018, doanh nghiệp đã nhận diện những bất cập về việc phải kiểm tra an toàn lao động của thang máy, thang cuốn trước khi thông quan, trong khi những mặt hàng này phải đưa vào sử dụng mới có thể kiểm tra được. Nhưng phải đến tháng 4/2021, nghĩa là hơn 3 năm sau thì Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội mới chịu sửa đổi cho doanh nghiệp, chuyển thành kiểm tra sau thông quan.
Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, vào đầu tháng 4/2019, tại cuộc họp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như VASEP để xây dựng một quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) riêng cho nước thải ao nuôi cá tra và ao nuôi tôm thâm canh nhằm đáp ứng các đặc thù của các ngành hàng sản xuất này. Bởi hiện nay, các doanh nghiệp vẫn đang phải áp dụng theo QCVN nước thải công nghiệp hoặc QCVN nước thải chăn nuôi tuỳ từng địa phương, gây khó cho doanh nghiệp trong quản lý.
Tuy nhiên đến nay, ông Nam cho hay, QCVN riêng mà Bộ Tài nguyên và Môi trường cam kết vẫn chưa được ban hành, mà lại đang dự kiến đưa nước thải ao nuôi tôm - cá vào Dự thảo QCVN nước thải công nghiệp, không phải QCVN nước thải chăn nuôi. Doanh nghiệp thủy sản khó lại càng thêm khó.
Hay mới đây, không ít doanh nghiệp phản ánh, các doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố khác đang phải gửi mẫu lốp xe mô tô, xe gắn máy ra Cục Đăng kiểm tại Hà Nội. Bởi đây là đầu mối duy nhất kiểm nghiệm mẫu theo quy chuẩn khi doanh nghiệp muốn nhập khẩu các mặt hàng này về Việt Nam. Vì thế, các doanh nghiệp đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải công nhận bổ sung các đơn vị thực hiện chức năng này tại các khu vực khác để giảm thiểu chi phí. Nhưng đến nay, các kiến nghị này vẫn chưa được hồi âm.
Quyết liệt và gắn trách nhiệm cá nhân
Có thể thấy, những quy định bất cập đã được nhận diện nhưng chưa được các cơ quan chức năng hồi âm, xử lý… đều gây khó cho doanh nghiệp, khiến các doanh nghiệp tốn thêm nhiều chi phí để giải quyết.
Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật cuối tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho hay, thể chế, cơ chế, chính sách vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân chủ quan là lãnh đạo, chỉ đạo của một số bộ, ngành chưa quyết liệt, sát sao, việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật trong soạn thảo pháp luật có lúc, có nơi chưa nghiêm. Vì thế, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phối hợp với các cơ quan liên quan, các địa phương rà soát kỹ để xác định thứ tự ưu tiên, khẩn trương đề xuất sửa đổi, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập, bổ sung các quy định mà thực tiễn đang đòi hỏi. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, các bộ, ngành chủ động, tích cực, phối hợp với các cơ quan liên quan, các địa phương rà soát, căn cứ tình hình thực tiễn để điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các thông tư, quy định thuộc thẩm quyền.
Báo cáo Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2020 vừa công bố mới đây đã kiến nghị, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các quy định về hoạt động kinh doanh theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ. Vì thế, các doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng, Bộ Nội vụ cần trừ điểm khi đánh giá mức độ cải cách hành chính hàng năm của các bộ, ngành, địa phương với những vướng mắc, kiến nghị lâu phản hồi, chỉnh sửa.
Đồng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, các cơ quan pháp luật cần tăng cường tham vấn cơ chế thực tế của doanh nghiệp để đưa ra quy định sát thực hơn. Đặc biệt, trong quá trình ban hành và thi hành quy định pháp luật, cần có đánh giá tác động, thu thập kịp thời vướng mắc. Đặc biệt, đại diện VCCI còn cho rằng, cần gắn trách nhiệm cá nhân với những văn bản pháp luật có vấn đề, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, kinh tế; thậm chí là khuyến khích cơ chế khởi kiện hành chính nếu gây thiệt hại, chậm sửa đổi.