08:18 | 28/12/2020

Xuất khẩu nông sản nhắm đích trên 42 tỷ USD năm 2021

(HQ Online) - Khép lại một năm 2020 tương đối thắng lợi đặt trong bối cảnh khó khăn chất chồng, toàn ngành nông, lâm, thủy sản “lên dây cót” lấy đà XK nông, lâm, thủy sản năm 2021 hướng tới con số trên 42 tỷ USD.

Vượt “sóng to gió lớn”, nông sản Việt thu ngoại tệ hơn 41 tỷ USD
Nông sản xuất sang Trung Quốc -chính ngạch để vững bền
Dư địa còn rất lớn cho nông sản hữu cơ xuất khẩu
Đảm bảo nông sản có tiêu chuẩn ổn định để “tận hưởng" EVFTA
Đẩy mạnh chế biến sâu, khơi thông thị trường là những yếu tố quan trọng thúc đẩy XK nông sản, thủy sản thời gian tới. 	Ảnh: N. Thanh
Đẩy mạnh chế biến sâu, khơi thông thị trường là những yếu tố quan trọng thúc đẩy XK nông sản, thủy sản thời gian tới. Ảnh: N. Thanh

Ấn tượng xuất khẩu 2020

Theo thông tin mới nhất từ Bộ NN&PTNT, cả năm 2020 tổng kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản đạt 41,2 tỷ USD, tăng 2,5% so với năm 2019. Thặng dư thương mại toàn ngành đạt 10,4 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019.

Năm 2020, XK các mặt hàng nông sản chính ước 18,54 tỷ USD, giảm 0,5%; thuỷ sản 8,47 tỷ USD, giảm 0,8%; lâm sản và đồ gỗ ước đạt trên 12,8 tỷ USD, tăng 13,4%. Toàn ngành nông nghiệp tiếp tục duy trì 9 nhóm mặt hàng có kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên; tôm; rau quả; hạt điều và gạo).

Nhìn vào những con số nêu trên, ông Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cảm thấy tương đối bất ngờ, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam thậm chí còn nhấn mạnh, 41,2 tỷ USD là 1 con số đầy ấn tượng. Năm 2020 đầy khó khăn thách thức, nhưng ngành nông nghiệp của Việt Nam có 2 điểm nhấn đặc biệt là vươn mình sản xuất trong gian khó và bứt phá trong XK.

Ông Hoàng Văn Tú, Đại diện Tổ chức Nông lương của Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam phân tích, Việt Nam tăng kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản trong khi nhiều nước khác giảm, thậm chí có nước giảm tới 30%, là do Việt Nam kiểm soát tốt dịch Covid-19, ổn định được sản xuất, đồng thời có cơ hội chiếm khoảng trống về thị trường mà các nước khác để lại. “Việt Nam đã biết tận dụng và hoàn toàn có thể chiếm lĩnh, mở rộng XK nông, lâm, thủy sản ra thị trường thế giới. Theo đánh giá của FAO, trong khi cả thế giới bị khủng hoảng, chuỗi cung ứng bị vỡ vụn thì Việt Nam vẫn duy trì XK các mặt hàng nông sản thiết yếu ra thế giới, nhất là đến châu Phi, Trung Quốc, Philippines và các nước nghèo”, ông Tú nói.

Trả lời cho câu hỏi tại sao nông nghiệp Việt có thể thu về kết quả XK ấn tượng như trên, theo ông Sơn, Chính phủ, các bộ, ngành, nhất là Bộ NN&VPTNT đã có chỉ đạo kịp thời về cơ cấu mùa vụ, đặc biệt là đẩy mạnh chế biến sâu. Bên cạnh đó, Việt Nam đã làm tốt chỉ đạo tháo gỡ khó khăn về mặt thị trường. Ví dụ điển hình là trong năm 2020, mật ong XK gần 58,2 triệu USD, đây là con số ấn tượng, mặc dù kim ngạch XK của ngành chăn nuôi giảm hơn 48%. “Một yếu tố quan trọng nữa, năm 2020 Việt Nam ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), lần đầu tiên chúng ta đã có nhưng lô hàng XK sang thị trường EU khó tính hưởng ưu đãi trong EVFTA. EVFTA đã mở ra nhiều cơ hội XK cho nông, lâm, thuỷ sản Việt Nam”, ông Sơn nói.

Lấy đà xuất khẩu hơn 42 tỷ USD

Năm 2021, XK nông, lâm, thủy sản Việt có nhiều cơ hội, đặc biệt khi Việt Nam ngày càng tham gia nhiều FTA. Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức đan xen không hề nhỏ. Đó là tác động của dịch bệnh trên người, cây trồng, vật nuôi, nhất là đại dịch Covid-19, Dịch tả lợn châu Phi cần thời gian dài để xử lý và ảnh hưởng đến sản xuất, XK cũng như tiêu thụ trong nước; biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, cực đoan hơn, thiên tai khó lường, hạn hán và xâm nhập mặn được dự báo tiếp tục tác động tiêu cực đến sản xuất... Tất cả những yếu tố này đòi hỏi toàn ngành vừa có những ứng phó kịp thời, vừa có chiến lược lâu dài để phát triển sản xuất, hạn chế tối đa thiệt hại.

Bộ NN&PTNT xác định chỉ tiêu năm 2021 tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 2,7 - 3%; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản là 2,8 - 3,1%; tổng kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản trên 42 tỷ USD... Toàn ngành sẽ nỗ lực tận dụng tốt các FTA, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), EVFTA để đẩy mạnh XK các hàng nông sản chủ lực; đàm phán mở cửa thị trường chính ngạch cho các sản phẩm hoa quả tươi, rau, thủy sản sang các thị trường có yêu cầu chất lượng cao.

“Duy trì và phát triển bền vững thị trường Trung Quốc; mở rộng thị trường nông sản sang những nền kinh tế có cơ cấu bổ sung với Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, EU, Trung Đông, Argentina; lựa chọn đưa các sản phẩm phù hợp vào các thị trường tiềm năng như: Nga, Trung Đông, châu Phi, ASEAN... cũng là giải pháp quan trọng về mặt thị trường XK trong năm tới”, đại diện Bộ NN&PTNT cho hay.

Để có thể hướng tới sự phát triển bền vững cho XK nông, lâm, thủy sản, theo ông Hoàng Văn Tú, một trong những điểm mấu chốt là đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường. Khi đã có thị trường không bao giờ lo ngại việc sản xuất nhiều mà không tiêu thụ được. “Về lâu dài phải xây dựng hình ảnh và thương hiệu cho nông nghiệp Việt Nam theo hướng bền vững, giá trị và có trách nhiệm. Nếu tất cả sản phẩm nông nghiệp đều đi theo định hướng này thì sẽ ngày càng nâng cao hình ảnh, thương hiệu trên thị trường thế giới”, ông Tú nhấn mạnh.

Thanh Nguyễn

Đường dẫn bài viết: https://haiquanonline.com.vn/xuat-khau-nong-san-nham-dich-tren-42-ty-usd-nam-2021-139180-139180.html

In bài viết

Bản quyền thuộc về Hải quan Online