75 năm - ngành Tài chính luôn sáng tạo, đổi mới để hoàn thành nhiệm vụ Tài chính - Ngân sách
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng |
Thưa Bộ trưởng, nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống, xin Bộ trưởng đánh giá khái quát về những kết quả chủ yếu mà ngành Tài chính đã đạt được đóng góp vào thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đặc biệt là các thành tích nổi bật trong 5 năm gần đây?
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng:
Trong giai đoạn 2016-2020, toàn ngành Tài chính đã tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN), quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, cùng các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ cụ thể hóa các chủ trương của Đảng trong phát triển kinh tế - xã hội và NSNN. Với quyết tâm phấn đấu cao, nỗ lực lớn trong 5 năm qua, toàn ngành Tài chính đã đạt những kết quả chủ yếu sau:
Một là, đã tập trung hoàn thiện hệ thống thể chế tài chính – NSNN, đảm bảo đồng bộ, phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế và kinh nghiệm tốt của quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất – kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế; đồng thời, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính – NSNN.
Trong 5 năm qua, Bộ Tài chính đã trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thông qua 6 Luật, 7 Nghị quyết của Quốc hội, 7 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 138 Nghị định của Chính phủ và 36 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các lĩnh vực được giao phụ trách (thuế, NSNN, tài chính doanh nghiệp, công sản, quản lý giá, chứng khoán....) và đã ban hành theo thẩm quyền 740 thông tư, quyết định, chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Tài chính để hướng dẫn triển khai thực hiện.
Hai là, công tác cơ cấu lại NSNN và nợ công đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra theo các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội, đóng góp quan trọng trong việc củng cố ổn định vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế đất nước trong hợp tác khu vực, quốc tế.
Quy mô thu NSNN được cải thiện, cơ cấu thu NSNN bền vững hơn. Quy mô thu ngân sách 5 năm 2016-2020 tăng khoảng 1,6 lần so với giai đoạn 2011-2015; thu nội địa chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu NSNN, đến năm 2020 ước đạt 83-84%, đạt mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, đã có 16 địa phương tự cân đối được thu – chi và có điều tiết về NSTW, tăng 3 địa phương so với giai đoạn 2011-2015.
Chi NSNN được quản lý chặt chẽ, ưu tiên thực hiện các chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước. Thực hiện cơ cấu lại chi NSNN, đã ưu tiên dành nguồn lực cho đầu tư phát triển ngay từ khâu dự toán. Nhờ vậy, trong bối cảnh quy mô chi NSNN so với GDP giảm (do bội chi NSNN giảm), nhưng tỷ trọng dự toán chi đầu tư phát triển đã được bố trí tăng từ mức 25,7% năm 2017 lên 26,9% năm 2020, giảm tỷ trọng dự toán chi thường xuyên trong khi hằng năm thực hiện điều chỉnh tăng lương, lương hưu, trợ cấp người có công bình quân 7% và đảm bảo tăng chi quốc phòng, an ninh, đảm bảo an sinh xã hội,... Đã có nhiều đổi mới trong quản lý chi ngân sách, triển khai kế hoạch tài chính trung hạn; đẩy mạnh khoán chi, đấu thầu, đặt hàng; tăng cường phân cấp, trao quyền tự chủ; thực hiện cơ chế tài chính đặc thù đối với các thành phố lớn; siết chặt kỷ luật tài chính – ngân sách...
Cho đến trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, bội chi NSNN được kiểm soát chặt chẽ, theo nguyên tắc giảm dần; bình quân 4 năm 2016-2019 là 3,5% GDP. Qua đó, đã giảm mạnh tỷ lệ nợ công từ mức 63,7% GDP cuối năm 2016 xuống 54,7%GDP cuối năm 2019. Cơ cấu nợ công được cải thiện thông qua các biện pháp tích cực, như: hoán đổi các khoản nợ cũ có kỳ hạn ngắn, lãi suất cao sang các khoản nợ có kỳ hạn dài hơn, lãi suất thấp hơn; tập trung phát hành mới trái phiếu Chính phủ với thời hạn 5 năm, 10 năm và dài hơn, giảm dần lãi suất phát hành... từ đó cải thiện dư địa, tăng tính bền vững của NSNN.
Kỳ hạn trái phiếu Chính phủ bình quân đã tăng từ mức 3,9 năm (năm 2011) lên 6,96 năm (năm 2015) và đến năm 2019 là 13,44 năm; kỳ hạn còn lại bình quân danh mục trái phiếu Chính phủ cuối năm 2011 là 1,84 năm, đến năm 2019 là 7,42 năm; lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ bình quân đã giảm từ 12% năm 2011 xuống còn 6% năm 2015 và 4,51% năm 2019.
Ba là, công tác quản lý giá cả thị trường có những thay đổi cơ bản; hoàn thiện thể chế quản lý giá, chuyển một số dịch vụ sự nghiệp công sang cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước, từng bước tính đúng, tính đủ và công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá hàng hoá, dịch vụ công thiết yếu;... thúc đẩy xã hội hóa, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, dịch vụ sự nghiệp công; phát triển các loại thị trường; đồng thời từng bước thực hiện phân bổ, sử dụng nguồn lực theo các tín hiệu giá cả.
Trong điều hành hàng năm, đã phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, chức năng quản lý, điều tiết giá cả các mặt hàng thiết yếu (phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu trong nước sát với diễn biến giá thế giới; phối hợp với Bộ Y tế, các địa phương xác định lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh có bảo hiểm y tế và không có bảo hiểm y tế; tổ chức các đoàn kiểm tra về việc chấp hành pháp luật về giá và công tác bình ổn giá nhân dịp các ngày lễ tết; kịp thời áp dụng các biện pháp điều tiết cung cầu, bình ổn thị trường) qua đó góp phần hoàn thành mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) các năm 2016-2019 giảm mạnh so với mức bình quân giai đoạn 2011-2015 (7,65%), trong phạm vi mục tiêu đề ra (dưới 4%).
Bốn là, thị trường vốn phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, trở thành kênh huy động vốn dài hạn quan trọng của các doanh nghiệp và nền kinh tế. Cả 3 cấu phần của thị trường vốn (thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh) đều có sự tăng trưởng và phát triển mạnh so với giai đoạn trước, hướng tới sự phát triển cân bằng với thị trường tín dụng ngân hàng. Tính đến cuối năm 2019, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 79,2% GDP, thị trường trái phiếu đạt 40,14% GDP, vượt mục tiêu đề ra vào năm 2020. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu biến động mạnh do tác động của đại dịch Covid-19, thị trường chứng khoán Việt Nam tương đối ổn định và phục hồi ngay khi dịch bệnh trong nước được kiểm soát, chứng tỏ niềm tin của các nhà đầu tư vào triển vọng phát triển lâu dài của nền kinh tế Việt Nam.
Thị trường bảo hiểm cũng tăng trưởng tốt, giai đoạn 2016-2020, quy mô tài sản tăng bình quân 19%, tiền đầu tư trở lại nền kinh tế tăng bình quân 19,4%/năm, chi trả quyền lợi bảo hiểm kịp thời, đóng vai trò “bà đỡ” quan trọng của nền kinh tế.
Năm là, công tác quản lý tài sản công được coi trọng. Đặc biệt, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo lập cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ trong quản lý, sử dụng tài sản công theo hướng quản lý chặt chẽ, tiết kiệm; sử dụng, khai thác có hiệu quả nguồn lực tài chính từ tài sản công; phòng chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong quản lý, sử dụng tài sản công.
Sáu là, công tác cải cách hành chính được chú trọng thực hiện. Bám sát các mục tiêu, yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và đạt được kết quả ấn tượng.
Những đổi mới về chính sách tài khóa nói trên đã được các đại biểu Quốc hội, cử tri, chuyên gia và nhân dân cả nước ghi nhận trên nhiều diễn đàn. Song, bên cạnh cơ chế chính sách, điều mang lại “dấu ấn tiên phong” của ngành Tài chính lại thể hiện qua việc cải cách hành chính mạnh mẽ, nhất là trong các lĩnh vực thuế, hải quan... Xin Bộ trưởng chia sẻ đôi điều về dấu ấn này trong thời gian qua?
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng:
Có thể nói, trong công cuộc cải cách, hiện đại hóa, Bộ Tài chính luôn là một trong những bộ, ngành dẫn đầu về cải cách thể chế, thủ tục hành chính theo đúng tinh thần: Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động; hướng tới đáp ứng ngày càng toàn diện sự hài lòng của các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các DN và người dân. Điều đáng nói ở đây là ngành Tài chính không chỉ tiên phong mà còn liên tục duy trì được vị trí top các đơn vị dẫn đầu qua nhiều năm.
Từ năm 2016 đến nay (đến ngày 31/7/2020), đã thực hiện rà soát cắt giảm 304 thủ tục hành chính, sửa đổi, đơn giản và chuẩn hoá 1.159 thủ tục hành chính. Đến nay tổng số thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính còn lại 959 thủ tục hành chính (trong đó, lĩnh vực thuế còn 304 thủ tục hành chính, lĩnh vực hải quan còn 226 thủ tục hành chính, lĩnh vực chứng khoán còn 184 thủ tục hành chính, lĩnh vực Kho bạc Nhà nước còn 11 thủ tục hành chính, lĩnh vực dự trữ còn 7 thủ tục hành chính và lĩnh vực tài chính khác còn 227 thủ tục hành chính). Đồng thời, đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.
Trong lĩnh vực Hải quan, từ năm 2014 triển khai Hệ thống VNACCS/VCIS để tự động hóa trong khai báo, thông quan hàng hóa thì đến năm 2017, Tổng cục Hải quan tiếp tục triển khai Hệ thống quản lý giám sát hải quan tự động (VASSCM). Đây là hệ thống quản lý hiện đại, được triển khai trên toàn quốc tại cảng biển, cảng hàng không có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu. Hệ thống này giúp rút ngắn thời gian làm thủ tục giao nhận hàng từ 5 đến 7 lần so với trước đây.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan tiếp tục đẩy mạnh hình thức nộp thuế điện tử bằng việc ký kết thỏa thuận phối hợp thu và triển khai chương trình nộp thuế điện tử và thông quan 24/7 với các ngân hàng thương mại.
Từ tháng 11/2019, Tổng cục Hải quan đã chính thức triển khai chương trình nộp thuế điện tử DN nhờ thu trên cơ sở nâng cấp mở rộng hình thức nộp thuế điện tử và thông quan 24/7; tạo thuận lợi cho DN thường xuyên làm thủ tục xuất nhập khẩu có số lượng lớn tờ khai phải nộp tiền thuế, hoàn toàn chủ động không mất thời gian và chi phí để thanh toán thuế. Việc nộp thuế, thanh khoản trừ nợ và thông quan hàng hóa hoàn toàn tự động không có sự can thiệp của DN và công chức Hải quan. Điều này giúp DN rút ngắn thời gian xử lý so với nộp thuế điện tử và thông quan 24/7. Đến nay, số tiền thuế nộp bằng phương thức điện tử đã chiếm trên 97% tổng số thu NSNN trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Đặc biệt, việc xây dựng và vận hành chính thức Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN là bước tiến lớn trong việc hỗ trợ, tạo thuận lợi giúp cho DN. Từ năm 2014 đến hết tháng 7/2020, có 198 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành được chính thức triển khai trên Cơ chế một cửa quốc gia với xấp xỉ 3,2 triệu hồ sơ của hơn 39.900 DN. Đối với thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã kết nối chính thức để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử tất cả 9 nước ASEAN: Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Brunei, Campuchia, Myanmar, Lào và Philippines.
Trong lĩnh vực Thuế, thời gian qua, cơ quan Thuế các cấp đã triển khai mạnh mẽ hệ thống kê khai thuế, nộp thuế điện tử. Từ cuối năm 2018, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc. Đến nay, đã có 99,93% số DN đang hoạt động sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, có khoảng 99% DN đăng ký dịch vụ nộp thuế điện tử thông qua ngân hàng thương mại. Đặc biệt, cũng trong năm này, cơ quan Thuế các cấp đã triển khai dịch vụ hoàn thuế điện tử với 93,61% DN được hoàn thuế điện tử; 97,3% tổng số hồ sơ được hoàn thuế điện tử. Hai hệ thống khai thuế điện tử và nộp thuế điện tử đang cung cấp cho các DN được tích hợp thành một hệ thống duy nhất để hỗ trợ tốt hơn cho người nộp thuế.
Về thủ tục hành chính, từ đầu năm 2016 đến giữa năm 2020, Bộ Tài chính đã bãi bỏ cũng như sửa đổi, bổ sung hàng trăm thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thuế, hải quan, chứng khoán, công sản, ngân hàng và bảo hiểm để tạo thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho DN. Bộ Tài chính cũng đã hoàn thành việc kết nối liên thông gửi, nhận văn bản với các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương; triển khai trực tuyến 951 thủ tục hành chính tại Bộ Tài chính, trong đó thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của ngành Tài chính là 560 dịch vụ (đạt tỷ lệ 58,9%).
Có thể thấy, những kết quả trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa ngành Tài chính, thay đổi phương thức quản lý đã bước đầu góp phần mang lại hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của ngành Tài chính, đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao.
Những nỗ lực này đã được ghi nhận thông qua việc Bộ Tài chính giữ vị trí trong top 3 về cải cách hành chính kể từ khi bắt đầu thực hiện chấm điểm xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) từ năm 2012 đến nay; 7 năm liên tiếp xếp thứ nhất trong khối các bộ, ngành trên Bảng xếp hạng chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT Index).
Nhờ đó, đã giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế, hải quan xuống 3 nhóm tốt nhất trên tổng số 8 nhóm thủ tục hành chính; cải thiện 22 bậc về chỉ số thuế trong bảng xếp hạng Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2019 (từ vị trí thứ 131 lên thứ 109/190)...
Không chỉ cải cách hành chính, việc sắp xếp, xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả cũng là một phương thức “cải cách” rất tích cực của ngành Tài chính. Kết quả của công tác này hiện nay như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng:
Thời gian qua, ngành Tài chính đã tích cực triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) để tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế và đổi mới khu vực sự nghiệp công lập.
Theo đó, từ năm 2018 đến nay, toàn Ngành đã rà soát, sắp xếp bộ máy, cắt giảm được 2.985 đầu mối hành chính, giảm 2.044 công chức giữ chức vụ lãnh đạo từ cấp tổ/đội trở lên; giảm 9 đơn vị sự nghiệp công lập.
Nhờ sự chỉ đạo, quán triệt từ trên xuống, sự chuẩn bị chu đáo cả về thể chế, tổ chức, con người, kỹ thuật, phương tiện, điều kiện làm việc... nên quá trình sắp xếp bộ máy, cắt giảm đầu mối cơ bản diễn ra suôn sẻ, các nhiệm vụ chính trị được thực hiện thông suốt, không gây ách tắc, cản trở.
Bên cạnh đó, điều quan trọng hơn hết trong công tác cán bộ chính là việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính đối với công chức, viên chức; tăng cường kiểm soát quyền lực, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong công tác quản lý cán bộ và thực thi công vụ bởi ngành Tài chính quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó có nhiều ngành, lĩnh vực tiếp xúc trực tiếp với người dân, DN.
Để cụ thể hóa điều này, ngành Tài chính đã tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và DN trong giải quyết công việc; kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về chế độ trách nhiệm, kỷ luật công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ; có biện pháp chấn chỉnh ngay tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, thái độ và văn hóa ứng xử chưa đúng mực của cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý; chủ động tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nội bộ.
Năm 2020 là năm cuối thực hiện Kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19 khiến nền kinh tế đối diện nhiều thách thức. Ngành Tài chính đã có giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn cho DN và hỗ trợ tài chính cho DN và người dân, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng:
Để hỗ trợ DN, người dân ứng phó với đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng, đề xuất, trình các cấp có thẩm quyền ban hành và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có gói gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất giá trị khoảng 61.000 tỷ đồng; các giải pháp, đề xuất về miễn, giảm thuế, phí và lệ phí có giá trị hơn 50.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã chủ động, chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản miễn, giảm thuế, phí, lệ phí trên nhiều lĩnh vực (dự kiến giảm thu 1.000 tỷ đồng mỗi năm).
Ngoài ra, trong điều hành, trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp cùng một số bộ, cơ quan có liên quan ban hành một số chế độ đặc thù đối với những người trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch và những người phải cách ly tập trung; phối hợp xây dựng chính sách hỗ trợ cho DN và người dân chịu tác động lớn bởi đại dịch Covid-19; xây dựng cơ chế đảm bảo kinh phí và thu xếp bố trí nguồn ngân sách Trung ương để thực hiện. Đến nay, NSNN đã chi khoảng 15,3 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó, 4,1 nghìn tỷ đồng chi cho công tác phòng chống dịch; 11,3 nghìn tỷ đồng chi hỗ trợ cho khoảng 11 triệu đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo Nghị quyết của Chính phủ.
Trong bối cảnh còn nhiều thách thức, xin Bộ trưởng cho biết ngành Tài chính đã đặt ra những giải pháp nào để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ tài chính – NSNN trong thời gian tới?
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng:
Phát huy truyền thống 75 năm xây dựng và phát triển của ngành Tài chính, để tiếp tục xây dựng nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, có khả năng chống chịu tốt hơn trước sự biến đổi nhanh, mạnh, khó lường của tình hình chính trị, kinh tế, tài chính thế giới và khu vực, ngành Tài chính sẽ tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục chủ động trong chỉ đạo, xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, tài chính – NSNN cũng như trong quản lý điều hành các nhiệm vụ tài chính – NSNN hàng năm.
Hai là, theo dõi sát diễn biến dịch bệnh Covid-19, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp báo cáo cấp có thẩm quyền kịp thời và triển khai các giải pháp đã ban hành nhằm hỗ trợ giảm bớt khó khăn cho DN và người dân; tiếp tục triển khai các giải pháp khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đảm bảo an sinh xã hội.
Ba là, điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, tiết kiệm, kết hợp hài hòa với chính sách tiền tệ và các chính sách khác; dự báo, tính toán tác động ảnh hưởng của dịch bệnh và các yếu tố tới kinh tế và thu chi NSNN cũng như tới việc thực hiện các nhiệm vụ của Ngành để từ đó chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp xử lý kịp thời, giảm thiểu các tác động bất lợi đến tình hình kinh tế, xã hội và tài chính – NSNN.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường thu hút hiệu quả các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước bao gồm cả nguồn vốn gián tiếp cũng như trực tiếp.
Năm là, tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công, đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững; đẩy mạnh quản lý tài chính – NSNN trung hạn.
Sáu là, đẩy mạnh các giải pháp phát triển đồng bộ, cân bằng thị trường tài chính, hoàn thiện thể chế và khung khổ pháp lý về tài chính và hoạt động của DNNN; tăng cường đổi mới cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, giá dịch vụ công. Quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ tài sản công, tài nguyên đất đai.
Bảy là, xây dựng cơ chế chính sách, tạo động lực mới cho khu vực kinh tế tư nhân tham gia cung ứng các loại hình dịch vụ công, tham gia phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội.
Tám là, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trên cơ sở 3 trụ cột cơ bản là cải cách quy trình nghiệp vụ, tăng cường quản lý rủi ro và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển tài chính điện tử hiện đại và hướng đến xây dựng nền tài chính số.
Cuối cùng là tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh công tác đào tạo, nghiên cứu, đánh giá, hoạch định và thực thi công vụ trong ngành Tài chính.
Nhân dịp 75 năm ngày truyền thống ngành Tài chính (28/8/1945-28/8/2020), Bộ trưởng gửi gắm thông điệp gì tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tài chính?
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng:
Nhân kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống ngành Tài chính, thay mặt Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tài chính, tôi trân trọng gửi tới các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tài chính qua các thời kỳ những tình cảm và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Trong suốt 75 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tài chính không ngừng phấn đấu, đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao để tô thắm thêm những nét son vào truyền thống, lịch sử vẻ vang của Ngành.
Nhiệm vụ năm 2020 cũng như giai đoạn sắp tới của ngành Tài chính còn nhiều khó khăn, thách thức. Tôi tin tưởng dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương và với quyết tâm của toàn thể cán bộ, công chức, ngành Tài chính sẽ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần cùng cả nước hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020 và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Tin liên quan
Nguồn thu tiền sử dụng đất chưa đạt, chưa đủ chi cho đầu tư công
11:16 | 22/11/2024 Tài chính
Sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, không ưu đãi cho các ngành nghề trùng lắp, dàn trải
12:52 | 22/11/2024 Tài chính
Ngành Thuế phấn đấu tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên tăng thêm dự toán 2025
16:20 | 20/11/2024 Thuế - Kho bạc
Số liệu chính xác giúp quản lý hiệu quả tài sản công
16:42 | 22/11/2024 Tài chính
Quốc hội xem xét bổ sung, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá, bia rượu
12:59 | 22/11/2024 Tài chính
Ra mắt sản phẩm trợ lý ảo hỗ trợ người nộp thuế
16:27 | 21/11/2024 Thuế - Kho bạc
Các công ty chứng khoán sẵn sàng cho “sân chơi Non-Prefunding”
13:15 | 20/11/2024 Tài chính
Quản lý chặt chẽ nợ công, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia năm 2025
08:39 | 20/11/2024 Tài chính
Học viện Tài chính tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo
19:43 | 19/11/2024 Tài chính
Sửa tên gọi dự thảo 1 luật sửa 7 luật thuộc lĩnh vực tài chính
16:24 | 19/11/2024 Tài chính
Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ
14:50 | 17/11/2024 Tài chính
Minh bạch thông tin giúp nâng cao vị thế của doanh nghiệp niêm yết
10:40 | 16/11/2024 Tài chính
Triệt để cắt giảm các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách để dành chi đầu tư phát triển
20:39 | 15/11/2024 Tài chính
Thúc đẩy kinh tế tư nhân nhờ nghiên cứu và hợp tác tài chính - kế toán
20:28 | 15/11/2024 Tài chính
TP Hồ Chí Minh triển khai các giải pháp thu thuế thương mại điện tử
20:21 | 15/11/2024 Tài chính
Cách nào ngăn đà bán ròng của khối ngoại?
10:45 | 15/11/2024 Tài chính
Vấn đề Bạn quan tâm
Tin mới
Ra mắt Bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Sẽ có nhiều điểm mới quản lý loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu
Chú trọng hỗ trợ thuế cho các lĩnh vực mang tính động lực tăng trưởng
TP Hồ Chí Minh: Phổ biến pháp luật cho người Việt Nam ở nước ngoài
Giúp người tiêu dùng “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Chương trình Chuyển động Hải quan kỳ 2 tháng 11/2024
14:31 | 21/11/2024 Hải quan
(LONGFORM) Sứ mệnh phát triển quan hệ đối tác Hải quan- Doanh nghiệp
10:58 | 11/11/2024 Hải quan
Podcast Hải quan Online tổng hợp tuần 2 tháng 11/2024 (từ ngày 4/10 đến 10/11/2024)
08:52 | 11/11/2024 Multimedia
(INFOGRAPHICS): Thu ngân sách tại 10 đơn vị hải quan tăng 11,86%
14:03 | 04/11/2024 Infographics
(INFOGRAPHICS) 32 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu nửa đầu tháng 10
09:14 | 29/10/2024 Infographics