Thúc đẩy kinh tế nông nghiệp

09:50 | 06/02/2023

(HQ Online) - Ngay trong tháng đầu tiên của năm 2023, xuất khẩu nông sản đã có những tín hiệu khởi sắc khi có nhiều mặt hàng nông sản mới được xuất khẩu chính ngạch sang những thị trường khó tính.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Xuất khẩu nông sản tự tin đạt 42,5 tỷ USD
Chuyển sang tư duy kinh tế nông nghiệp, lấy giá trị làm thước đo
“Chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp”
Hà Nội kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp

Nhiều loại nông sản như gạo, trái cây, cà phê… đã được xuất khẩu đi nhiều thị trường tại châu Á, châu Âu, châu Mỹ. Theo các doanh nghiệp, áp lực lạm phát giảm bớt nên sức mua và nhu cầu tại các thị trường quốc tế đã phục hồi nhanh hơn so với dự báo. Hơn nữa, việc Trung Quốc mở cửa biên giới, gỡ bỏ chính sách “Zero-Covid” cũng đang tạo điều kiện rất lớn để nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Hiện thị trường 1,4 tỷ dân này đang chiếm hơn 17% kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp nước ta.

Bước sang năm 2023, xuất khẩu được kỳ vọng sẽ có nhiều thuận lợi, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng lợi thế về địa lý, chi phí vận chuyển thấp, nhu cầu cao… để đẩy mạnh xuất khẩu hơn. Hiện ngành nông nghiệp có 7 sản phẩm/nhóm sản phẩm kim ngạch trên 3 tỷ USD trong năm 2022 là gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, cà phê, gạo, cao su, rau quả hạt điều. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản năm 2023 đạt từ 3-3,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản từ 54-55 tỷ USD.

Mặc dù ngành nông nghiệp Việt Nam đã tận dụng được nhiều lợi thế trong xuất khẩu nhưng vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn đang đón chờ. Trong đó, đáng lưu ý nhất là việc các thị trường nhập khẩu đều đã và đang ngày càng nâng cao tiêu chuẩn với hàng hóa. Chẳng hạn ngoài các tiêu chuẩn về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, hiện thị trường châu Âu (EU) đang thảo luận về một "thỏa thuận xanh" nhằm giảm sự rò rỉ carbon do việc nhập khẩu nông sản từ các quốc gia có hệ thống sản xuất sử dụng nhiều carbon.

Chính vì vậy, nếu muốn đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang nhiều thị trường hơn, ngành nông nghiệp Việt Nam cần quan tâm hơn nữa về các chỉ số tăng trưởng xanh; đồng thời phải hình thành liên kết vùng trồng, đảm bảo mã số vùng trồng đủ lớn và sản phẩm cung cấp ổn định cho thị trường cả về chất lượng và sản lượng. Ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đồng thời đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp và nông thôn; chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp...

Bình Nam