Hải quan Việt Nam chủ động trước thời cơ và thách thức của xu thế toàn cầu hóa
Chủ động thích ứng xu thế hội nhập
Trải qua 74 năm xây dựng và phát triển, chức năng, nhiệm vụ của Hải quan Việt Nam ngày càng được mở rộng, đặc biệt là vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Xin Tổng cục trưởng phân tích rõ hơn về thời cơ và thách thức của Hải quan Việt Nam trong xu thế toàn cầu hóa?
Trải qua 74 năm xây dựng và phát triển, Hải quan Việt Nam luôn gắn bó, đồng hành cùng quá trình đấu tranh, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Đặc biệt, trong tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước những năm qua, vai trò của Hải quan Việt Nam ngày càng được nâng cao, nhưng yêu cầu, nhiệm vụ và thách thức đặt ra cũng hết sức nặng nề.
Về thời cơ, xu thế toàn cầu hóa giúp Hải quan Việt Nam có cơ hội lớn để đẩy mạnh tiến trình cải cách, hiện đại hóa theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế được đặt ra trong Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 448/QĐ-TTg năm 2011). Nhờ nắm bắt được thời cơ, cùng với sự chỉ đạo, tạo điều kiện của Chính phủ, Bộ Tài chính và nỗ lực của toàn Ngành, có thể nói, đến nay Hải quan Việt Nam đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu quan trọng trong Chiến lược.
Tuy nhiên, cùng với đó là hàng loạt thách thức đối với ngành Hải quan. Đó chính là phải tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp tạo thuận lợi, giảm thời gian thông quan hàng hóa trong bối cảnh khối lượng công việc tăng cao trong khi số lượng biên chế không được tăng thêm, thậm chí có xu hướng giảm.
Mặt khác, những năm gần đây, nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Những tháng đầu năm 2019, hoạt động thương mại toàn cầu có sự phục hồi song còn đối mặt với nhiều thách thức do xu hướng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch của các nước lớn, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, diễn biến phức tạp của thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán thế giới… Trong khi Việt Nam đã và đang tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (như CPTPP, EVFTA…) với yêu cầu cao hơn và phải thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, cả về thuế quan, mở cửa thị trường, sở hữu trí tuệ... Chính vì vậy, nguy cơ về buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, nhất là việc vận chuyển hàng cấm như vũ khí, ma túy, động vật hoang dã, hàng hóa giả mạo xuất xứ, vi phạm sở hữu trí tuệ… trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.
Trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu bức thiết đặt ra cho ngành Hải quan là phải thực hiện quyết liệt, hiệu quả đồng thời cả hai nhiệm vụ: vừa tạo thuận lợi thương mại vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan. Đây cũng được xem là hai nội dung cốt lõi để xây dựng các chiến lược, kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa Hải quan Việt Nam từ năm 2021 và các năm tiếp sau.
Trong tình hình thuận lợi, thách thức đan xen, Hải quan Việt Nam đã kịp thời nắm bắt thời cơ, nỗ lực vượt khó để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tổng cục trưởng có thể chia sẻ cụ thể hơn về những kết quả nổi bật mà Ngành đạt được thời gian qua, đặc biệt là trong công tác cải cách, hiện đại hóa, tạo thuận lợi hoạt động thương mại?
Như đã nói ở trên, xu thế toàn cầu hóa mang đến cả thời cơ và thách thức với Hải quan Việt Nam. Để hoàn thành trọng trách được giao, ngành Hải quan đã bám sát phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, bứt phá, sáng tạo, phát triển” và các Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Bộ Tài chính. Theo đó, ngành Hải quan biến thách thức thành cơ hội, kiên định với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra; phát huy sáng tạo, chung sức, đồng lòng nỗ lực vượt qua khó khăn; quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch, và đến nay đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Trước hết, những tháng đầu năm 2019 ghi nhận kết quả ấn tượng về thu ngân sách. Ngay từ đầu năm, Tổng cục Hải quan đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tạo thuận thương mại để nuôi dưỡng nguồn thu, song song với các giải pháp chống thất thu và tăng cường thu hồi nợ thuế. Nhờ đó, số thu những tháng đầu năm 2019 đạt cao nhất trong nhiều năm gần đây. Những tháng còn lại của năm 2019 được dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn tác động đến tình hình thu ngân sách, tuy nhiên, toàn Ngành quyết tâm thu đạt và vượt các chỉ tiêu được giao.
Đặc biệt, công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động giao lưu thương mại được ngành Hải quan triển khai đồng bộ, xuyên suốt, hiệu quả ở tất cả các khâu: Xây dựng quy trình thủ tục, giải quyết thủ tục hành chính theo hướng tạo thuận lợi; tăng cường ứng dụng CNTT vào công tác quản lý... qua đó góp phần rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu, thương mại.
Nổi bật là việc Tổng cục Hải quan tiếp tục thực hiện hiệu quả vai trò Cơ quan Thường trực của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban chỉ đạo 1899).
Cùng với đó, Tổng cục Hải quan tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương triển khai ASW để trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) điện tử mẫu D với 5 nước ASEAN. Chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật để sẵn sàng trao đổi thông tin tờ khai hải quan ASEAN và chứng nhận kiểm dịch thực vật. Phối hợp với các bộ, ngành đàm phán, hoàn thiện các Nghị định thư, thống nhất yêu cầu kỹ thuật và xây dựng hệ thống trao đổi thông tin tờ khai hải quan, chứng nhận xuất xứ với Liên minh kinh tế Á Âu, đàm phán trao đổi C/O điện tử với Hàn Quốc…
Ngoài ra, ngành Hải quan chủ động phối hợp với các bộ, ngành triển khai Quyết định số 2026/QĐ-TTg và Quyết định số 1254/QĐ-TTg về kiểm tra chuyên ngành. Trong đó tập trung rà soát các quy định của pháp luật, tổng hợp vướng mắc và kiến nghị các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; điện tử hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành; giảm tỷ lệ kiểm tra, thay đổi phương thức kiểm tra chuyên ngành…
Tổng cục Hải quan đã ban hành Kế hoạch triển khai các giải pháp nhằm nâng hạng chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới; phối hợp với các bộ, ngành chuẩn hóa các danh mục hàng hóa quản lý chuyên ngành; rà soát tổng thể và xây dựng tiêu chí về thành lập địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung…
Bên cạnh đó, công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh. Thời gian qua, lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã tham dự nhiều sự kiện hợp tác song phương, đa phương nhằm nâng cao vai trò, vị thế của Hải quan Việt Nam như: Tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 133/134 của Hội đồng hợp tác Hải quan năm 2019 của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) tại Brussels, Bỉ; Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 28, tại Viêng Chăn, Lào; tổ chức các cuộc làm việc song phương với hải quan các nước như: Vương quốc Anh, Hoa Kỳ…
Được biết, để chủ động, bắt nhịp với xu thế hội nhập, toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ, ngành Hải quan đang xây dựng Đề án tái thiết kế tổng thể Hệ thống CNTT. Xin Tổng cục trưởng cho biết Hệ thống này có ý nghĩa như thế nào trong tạo sự chuyển biến trong công tác quản lý hải quan những năm tới?
Thực hiện chủ trương chung của Chính phủ, Bộ Tài chính và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan.
Đến nay, Tổng cục Hải quan đã xây dựng được một hệ thống CNTT lớn với trên 20 phân hệ hoạt động tương đối ổn định, thông suốt, bao phủ và hỗ trợ hầu hết các lĩnh vực trọng yếu về quản lý hải quan như: Thực hiện thủ tục hải quan, nộp thuế, quản lý hàng hóa tại cảng biển, quản lý rủi ro, kiểm tra sau thông quan, xử lý vi phạm, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, quản lý nội ngành…
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, hệ thống CNTT của ngành Hải quan còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Trước tình hình đó, lãnh đạo Tổng cục Hải quan chỉ đạo các đơn vị chức năng tập trung nguồn lực triển khai Đề án tái thiết kế tổng thể Hệ thống CNTT ngành Hải quan.
Mục tiêu đặt ra là: đảm bảo đáp ứng yêu cầu quản trị thông minh; quản lý doanh nghiệp và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh toàn diện từ khâu đầu đến khâu cuối; có khả năng tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, doanh nghiệp và sẵn sàng trao đổi dữ liệu với cơ quan Hải quan các nước trong khu vực và trên thế giới…
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, việc tái thiết kế hệ thống CNTT của ngành Hải quan sẽ giúp tăng cường trao đổi thông tin với doanh nghiệp. Qua đó, cơ quan Hải quan tạo ra các kênh tạo thuận lợi nhiều hơn, giảm kiểm tra trực tiếp doanh nghiệp, đồng thời giúp cộng đồng doanh nghiệp có nhiều khả năng tiếp cận thông tin từ phía cơ quan Hải quan, qua đó tiết kiệm thời gian, chi phí khi làm thủ tục xuất nhập khẩu. Ngoài ra, việc tái thiết kế sẽ giúp tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ để phục vụ việc tự động hóa cao hơn, hiệu quả hơn, vì vậy, thời gian thực hiện thủ tục của cả doanh nghiệp và cơ quan Hải quan sẽ nhanh hơn…
Việc tái thiết kế hệ thống CNTT cũng nhằm giúp ngành Hải quan chủ động, bắt nhịp với xu thế hội nhập, toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ.
Tàu cao tốc chống buôn lậu của Hải quan làm nhiệm vụ trên vùng biển Đông Bắc Ảnh tư liệu. |
Vững vàng vai trò “gác cửa nền kinh tế”
Cùng với việc tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của Hải quan Việt Nam là phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Tổng cục trưởng đánh giá thế nào về công tác trọng tâm này trong thời gian qua?
Như đề cập ở trên, một trong những dấu ấn nổi bật của ngành Hải quan thời gian qua là kết quả trên mặt trận chống buôn lậu.
Công tác phòng, chống buôn lậu là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của Hải quan Việt Nam. Với vai trò “gác cửa nền kinh tế” và là Cơ quan Thường trực 389 Bộ Tài chính, thời gian qua, lãnh đạo Tổng cục Hải quan tiếp tục chỉ đạo toàn Ngành nắm vững diễn biến, tình hình, địa bàn; tăng cường phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan xây dựng, triển khai các kế hoạch, chuyên đề đấu tranh, bắt giữ, xử lý đối với các đối tượng có hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời chủ động phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng tham mưu cho Bộ Tài chính (Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia) trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp tổng thể, sâu sát, phù hợp với tình hình thực tế.
Thông qua việc chủ động nắm bắt tình hình, tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trên các tuyến đường bộ, đường biển, đường hàng không, ngành Hải quan đã tập trung đấu tranh đối với các mặt hàng cấm, hiện tượng nổi cộm; kiểm soát đối với mặt hàng khoáng sản; hàng giả, hàng hóa giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp; hàng phế liệu, phế thải...
Nhờ đó, những tháng đã qua, toàn Ngành đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, xử lý hàng nghìn vụ vi phạm. Đặc biệt cơ quan Hải quan khởi tố nhiều vụ án hình sự, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố hàng chục vụ.
Đặc biệt, là một trong những lực lượng chủ công trên mặt trận đấu tranh với tội phạm ma túy, thời gian qua, lực lượng Hải quan đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm và hiệu quả đấu tranh với loại tội phạm đầy nguy hiểm này. Những tháng đầu năm 2019, cơ quan Hải quan đã chủ trì và phối hợp đấu tranh, triệt phá nhiều vụ việc vận chuyển trái phép ma túy xuyên quốc gia, với tang vật lên đến hàng trăm kg ma túy mỗi vụ, như tham gia triệt phá vụ vận chuyển hơn 500 kg ketamine tại TPHCM tháng 5/2019; vụ bắt giữ gần 300 kg ma túy đá tại TPHCM tháng 3/2019…
Những tháng đầu năm 2019 nổi lên tình trạng phức tạp về hàng hóa nước ngoài gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam, ngành Hải quan đã có sự chủ động đấu tranh, xử lý như thế nào, thưa Tổng cục trưởng?
Trước diễn biến khó lường của cuộc chiến tranh thương mại giữa các nước lớn, để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước ngoài trung chuyển qua Việt Nam gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu hoặc tiêu thụ tại thị trường nội địa gây thiệt hại cho người tiêu dùng, Tổng cục Hải quan đã xây dựng văn bản chỉ đạo chung cho các cục hải quan địa phương và các đơn vị có liên quan nhằm tăng cường chống gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, ghi nhãn hàng hóa.
Trong đó quy định cụ thể trách nhiệm, sự phối hợp của các đơn vị nghiệp vụ thuộc Tổng cục Hải quan trong việc thu thập, phân tích thông tin, xác định mặt hàng, doanh nghiệp có rủi ro cao nghi vấn gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp để áp dụng các biện pháp kiểm soát phù hợp; trách nhiệm của các cục hải quan địa phương trong việc kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa khi làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Qua đó, ngành Hải quan đã kịp thời phát hiện, cảnh báo nhiều thủ đoạn, hành vi vi phạm về ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; về xuất xứ hàng hóa.
Ngoài việc phát hiện, cảnh báo các thủ đoạn, hành vi gian lận, cơ quan Hải quan đã quyết liệt đấu tranh, xử lý nghiêm nhiều vụ việc vi phạm về xuất xứ hàng hóa.
Tiếp tục coi trọng công tác xây dựng lực lượng
Cùng với việc tập trung nguồn lực thực hiện các công tác chuyên môn, nghiệp vụ, ngành Hải quan cũng hết sức chú trọng công tác sắp xếp tổ chức bộ máy theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Xin Tổng cục trưởng cho biết rõ hơn về nội dung quan trọng này?
Tổng cục Hải quan xác định việc kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự của các đơn vị phải được thực hiện đồng bộ, điều hành thông suốt từ Tổng cục đến cấp chi cục hải quan, đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính và hiện đại hóa hải quan.
Thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã tích cực triển khai Nghị quyết 18/NQ-TƯ ngày 25/10/2017 về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Việc kiện toàn bộ máy tổ chức cấp tổ (đội), cấp chi cục và tương đương đã và đang được thực hiện theo hướng tinh gọn, đáp ứng nhu cầu của hiện đại hóa hải quan.
Cùng với đó, Tổng cục Hải quan xây dựng kế hoạch và triển khai luân chuyển, luân phiên, điều động cán bộ lãnh đạo cấp vụ, cục và tương đương năm 2019.
Ngoài ra, công tác đào tạo cũng được Tổng cục Hải quan chú trọng về chất lượng, góp phần nâng cao về trình độ nghiệp vụ cho cán bộ công chức hải quan; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính khi thi hành công vụ, xử lý kỷ luật nghiêm đối với trường hợp vi phạm.
Kết quả đạt được thời gian qua là rất tích cực, rõ nét, nhưng yêu cầu công việc đặt ra cho toàn Ngành luôn sức nặng nề, thời gian tới toàn lực lượng cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa Tổng cục trưởng?
Thời gian tới, công việc đặt ra cho toàn Ngành là rất lớn, nhất là chúng ta chuẩn bị hướng tới kỷ niệm 75 năm thành lập Hải quan Việt Nam (10/9/1945-10/9/2020) và xây dựng các chiến lược, kế hoạch cải cách, phát triển, hiện đại hóa của toàn Ngành từ năm 2021 đến các năm tiếp sau. Chính vì vậy, cùng với thực hiện hiệu quả các công việc thường xuyên được lãnh đạo Bộ Tài chính, lãnh đạo Tổng cục Hải quan chỉ đạo, từ nay đến cuối năm 2019, tôi đề nghị các đơn vị nỗ lực thực hiện tốt các vấn đề trọng tâm, gắn với những mục tiêu có tính chất dài hơi cho các năm tiếp sau.
Thứ nhất, tiếp tục tham mưu xây dựng chính sách đáp ứng mục tiêu vừa tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật, vừa đảm bảo quản lý chặt chẽ và có chế tài xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp vi phạm...
Thứ hai, tiếp tục triển khai đầy đủ, hiệu quả các nội dung liên quan đến công tác cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan, đặc biệt là tập trung thực hiện Đề án tái thiết kế Hệ thống CNTT.
Thứ ba, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2019.
Thứ tư, tăng cường hơn nữa vai trò Thường trực của Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Ban chỉ đạo 389 Bộ Tài chính nhằm nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Chú trọng đấu tranh với các hành vi gian lận xuất xứ; chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu dịp cao điểm trước, trong và sau tết Nguyên đán Canh Tý 2020…
Thứ năm, tiếp tục thực hiện tốt vai trò của Cơ quan thường trực của Ủy ban chỉ đạo 1899 trong triển khai thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và tạo thuận lợi thương mại.
Thứ sáu, phát động trong toàn Ngành phong trào thi đua lập thành tích, xây dựng tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến hướng tới Đại hội thi đua yêu nước ngành Hải quan lần thứ VI (2020) và 75 năm thành lập Hải quan Việt Nam
Nhân dịp 74 năm thành lập Hải quan Việt Nam và ngày Truyền thống Hải quan Việt Nam, thay mặt lãnh đạo Tổng cục Hải quan, tôi trân trọng gửi tới CBCC, người lao động của ngành Hải quan qua các thời kỳ lời chúc Sức khỏe, Hạnh phúc và Thành công.
Xin trân trọng cảm ơn Tổng cục trưởng!
Tin liên quan
Công bố 15 tác phẩm đạt Giải Cuộc thi "Cover các bài hát về Hải quan Việt Nam năm 2024"
19:04 | 16/01/2025 Hải quan
Khó khăn, thách thức có thể trở thành “áp lực tích cực” để cải cách kinh tế
07:47 | 15/01/2025 Kinh tế
6 sự kiện nổi bật của Hải quan Việt Nam năm 2024
21:01 | 09/01/2025 Hải quan
Lãnh đạo Việt Nam gửi thư chúc mừng Tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ Donald Trump
10:24 | 21/01/2025 Sự kiện - Vấn đề
Giá xăng dầu tiếp tục tăng trong kỳ điều hành ngày 16/1/2025
15:51 | 16/01/2025 Sự kiện - Vấn đề
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Warsaw, bắt đầu thăm Ba Lan
15:12 | 16/01/2025 Sự kiện - Vấn đề
Cần có các giải pháp đột phá nhằm nâng cao giá trị thương mại hai chiều Việt-Nga
11:13 | 15/01/2025 Sự kiện - Vấn đề
Những thông điệp quan trọng trong chuyến công tác châu Âu của Thủ tướng
11:13 | 15/01/2025 Sự kiện - Vấn đề
Sớm nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Hải quan 2014 để đáp ứng yêu cầu đổi mới
09:45 | 15/01/2025 Hải quan
Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
09:04 | 14/01/2025 Sự kiện - Vấn đề
Chuyển thành Đại học Kinh tế Quốc dân: Hướng tới cơ cấu đa ngành hợp lý
21:09 | 12/01/2025 Sự kiện - Vấn đề
Du lịch Việt Nam đón tín hiệu lạc quan từ lượng lớn khách quốc tế đầu năm 2025
16:26 | 10/01/2025 Sự kiện - Vấn đề
Vingroup công bố chương trình hành động “Vì Thủ đô trong xanh”
14:53 | 10/01/2025 Sự kiện - Vấn đề
Giá xăng dầu tiếp tục tăng trong kỳ điều hành ngày 9/1
16:46 | 09/01/2025 Sự kiện - Vấn đề
Xây dựng và hoàn thiện thể chế để thực sự là "đột phá của đột phá" năm 2025
19:17 | 08/01/2025 Sự kiện - Vấn đề
Tổng Bí thư Tô Lâm: Cần khơi dậy tính năng động, sáng tạo và tinh thần dám nghĩ, dám làm
16:29 | 08/01/2025 Sự kiện - Vấn đề
Vấn đề Bạn quan tâm
Tin mới
SHB dành hơn 13 tỷ đồng ưu đãi cho khách hàng mở mới và sử dụng tài khoản
Chi 380 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa, Trung Quốc chiếm hơn 1/3
Xuất khẩu lập đỉnh hơn 400 tỷ USD, nhóm hàng nào đóng góp nhiều nhất?
Khách hàng cá nhân hưởng lãi vay ưu đãi từ BAC A BANK dịp đầu năm 2025
Cơ hội nào cho xuất khẩu cá tra sang EU năm 2025?
(Infographics) Tổng thu từ xuất nhập khẩu các tỉnh, thành vùng Tây Nguyên
10:50 | 15/12/2024 Hải quan
(INFOGRAPHICS) Kim ngạch hơn 67 tỷ USD, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam
11:29 | 04/12/2024 Infographics
(INFOGRAPHICS): Tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp tham gia chương trình tự nguyện tuân thủ
16:30 | 06/12/2024 Infographics
(INFOGRAPHICS) Tổng thu từ XNK các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ
16:33 | 06/12/2024 Xuất nhập khẩu
(INFOGRAPHICS) 66 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 11
14:29 | 12/12/2024 Infographics