e magazine
20:34 | 04/09/2024
Định vị cảng biển Quảng Ninh trên bản đồ hàng hải quốc tế

20:34 | 04/09/2024

(HQ Online) - Quảng Ninh nằm ở Đông Bắc của Tổ quốc, là một trong số 28 tỉnh thành phố ven biển của cả nước, có 2 khu kinh tế ven biển là Vân Đồn và Quảng Yên. Quảng Ninh cũng là địa phương duy nhất trong cả nước có cả đường biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc.

Định vị cảng biển Quảng Ninh trên bản đồ hàng hải quốc tế

Với 250km chiều dài bờ biển và 2.077 hòn đảo (chiếm 2/3 số đảo của cả nước), trên 40.000 ha bãi triều và hơn 20.000 ha diện tích eo biển và vịnh, ngư trường rộng lớn trên 6.100 km2, vùng biển Quảng Ninh là nơi sinh sống của nhiều loài có giá trị, tạo ra cơ hội lớn cho phát triển nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, đặc biệt phục vụ xuất khẩu, công nghiệp chế biến thực phẩm giá trị cao.

Ven biển Quảng Ninh cũng có nhiều khu vực nước sâu và kín gió, thuận lợi cho việc xây dựng, phát triển hệ thống cảng biển, đặc biệt là cảng nước sâu tiếp nhận được tàu có trọng tải lớn và cảng thuỷ nội địa đáp ứng cho việc giao lưu hàng hóa với các tỉnh trong vùng.

Định vị cảng biển Quảng Ninh trên bản đồ hàng hải quốc tế

Quảng Ninh cũng là nơi giao thoa, kết nối giữa vùng Trung du và miền núi phía Bắc và vùng Đồng bằng sông Hồng. Đây là những điều kiện thuận lợi và tạo ra cơ hội để Quảng Ninh đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực kinh tế biển. Vị thế của Quảng Ninh trong liên kết vùng và quốc tế ngày càng được khẳng định sau khi hệ thống hạ tầng giao thông kết nối hoàn thiện đồng bộ, tiếp tục đóng vai trò quan trọng là cửa ngõ giao thương và nằm trong khu vực hợp tác “hành lang-con đường” giữa Việt Nam và Trung Quốc, là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước.

Quảng Ninh hiện có 8 khu bến cảng và 2 khu neo đậu, chuyển tải, đi kèm với sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng, dịch vụ sau cảng, được Chính phủ xác định là một trong 5 khu vực cảng biển lớn của cả nước, đảm nhận trên 50% tổng lượng hàng hóa, hành khách khu vực phía Bắc, có vai trò phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, liên vùng, cửa ngõ hoặc cảng trung chuyển quốc tế...

Khu bến cảng Hòn Gai - Cái Lân nằm trong vùng vịnh kín, luồng vào cảng ít bị sa bồi, với 25 cầu bến, được xác định là cảng tổng hợp quốc gia đầu mối khu vực, bao gồm khu bến tổng hợp container Cái Lân và các bến chuyên dùng vệ tinh. Từ năm 2004 đến nay, Cảng container quốc tế Cái Lân mở rộng 2 lần, đầu tư đồng bộ với trang thiết bị hiện đại, như cẩu bờ STS loại Panamax với 17 hàng container; cẩu ERTG, độ rộng 7 hàng container; dịch vụ xếp dỡ hàng siêu trọng đến 100 tấn tại móc cẩu; xe khung nâng, xe chở container trong bãi…, năng lực tiếp nhận tàu lên đến 80.000 tấn vào làm hàng.

Định vị cảng biển Quảng Ninh trên bản đồ hàng hải quốc tế

Tại khu vực Cẩm Phả hiện có 7 cầu bến, chủ yếu là cảng chuyên dùng của ngành Than và các bến tổng hợp, phục vụ công nghiệp khai thác than và một số cơ sở công nghiệp tập trung khác. Trong đó bến Cửa Ông có diện tích 20ha với 2 cầu bến liền bờ dài 550m, độ sâu trước bến 10,5m; hệ thống bến phao neo Con Ong - Hòn Nét độ sâu trên 20m có khả năng tiếp nhận tàu đến 120.000 tấn.

Các khu vực cảng khác như Hải Hà, Vạn Gia, Cô Tô… là cảng tổng hợp có chức năng giao lưu bằng đường biển không chỉ cho riêng khu vực, mà còn là cửa ngõ giao thương với Trung Quốc.

Qua thống kê của tỉnh Quảng Ninh, trong giai đoạn 2019-2023, tổng công suất khai thác hệ thống cảng biển Quảng Ninh khoảng 170 triệu tấn/năm, chủ yếu sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống khu vực hàng hải Hòn Gai (công suất khai thác tối đa 50 triệu tấn/năm), công suất khai thác bình quân đạt 77,5%. Năm 2021 công suất khai thác đạt khoảng 82%, tăng 31,7% so với năm 2018; năm 2022 công suất khai thác đạt khoảng 98,5%, tăng 58,2% so với năm 2018. Còn khu vực Cẩm Phả (công suất khai thác tối đa 120 triệu tấn/năm), công suất khai thác bình quân đạt 64,3%, năm 2021 công suất khai thác đạt khoảng 68,3% tăng 63,1% so với năm 2018; năm 2022 công suất khai thác đạt khoảng 69,7%, tăng 66% so với năm 2018.

Nhìn chung, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng biển Quảng Ninh đạt 38,6 tỷ USD, bình quân mỗi năm đạt 7,72 tỷ USD.

Tính chung, tổng doanh thu qua dịch vụ cảng biển Quảng Ninh đạt 14.840,8 tỷ đồng, đạt 59,36% kế hoạch, tăng bình quân đạt 17,4%/năm. Tỷ trọng đóng góp của dịch vụ cảng biển đạt khoảng 0,49% trong GRDP của tỉnh, tăng 0,07% so với năm 2018. Tổng sản lượng hàng hoá thông qua cảng đạt 627,70 triệu tấn, tức là bình quân đạt 124,1 triệu tấn/năm, cao hơn so với mục tiêu đặt ra đến 2025 (124,1/122,5 triệu tấn/năm).

Mặc dù nắm giữ nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển, tỉnh Quảng Ninh cũng thẳng thắn nhìn nhận, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực cảng biển và hậu cần cảng biển chưa thực sự lớn mạnh, chưa mạnh dạn trong việc xây dựng chính sách lâu dài để thu hút các hãng tàu nước ngoài đến cảng. Công việc liên quan đến hạ tầng cảng biển, dịch vụ cảng biển phải thực hiện qua nhiều khâu, công đoạn khác nhau do nhiều bộ, ngành thực hiện, do đó khi triển khai tại các địa phương gặp nhiều khó khăn trong công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ, cần phải xin ý kiến của cấp có thẩm quyền. Việc triển khai một số dự án liên quan đến hạ tầng cảng biển như nạo vét, mở tuyến luồng hàng hải mới có lúc bị chậm trễ.

Trên thực tế hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cảng biển kể từ khi triển khai đã có sự tăng trưởng hàng năm, nhưng vẫn chưa phản ánh và phát huy hết tiềm năng và lợi thế của các cảng biển, nhất là các cảng nước sâu trên địa bàn, chưa có các hãng tàu lớn, chủ đạo, dẫn dắt, thu hút nguồn hàng về các cảng biển, chưa có trung tâm logistic, hệ thống logistic đáp ứng yêu cầu phát triển hoạt động của các cảng biển lớn trên địa bàn.

Định vị cảng biển Quảng Ninh trên bản đồ hàng hải quốc tế

Định vị cảng biển Quảng Ninh trên bản đồ hàng hải quốc tế

Nhận diện rõ những tiềm năng, lợi thế mang lại cho tỉnh từ hệ thống cảng biển, dịch vụ cảng biển trong cơ cấu kinh tế, ngày 23/4/2019, Ban Chấp hành Đảng bộ Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU nhằm hiện thực hóa phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, mục tiêu đặt ra là: “Xây dựng tỉnh Quảng Ninh phát triển trở thành một trong các trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước, là cửa ngõ, động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gắn với hệ thống cảng biển nước sâu; trọng tâm là các địa phương Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Quảng Yên, Vân Đồn, Cô Tô, Hải Hà gắn với các ngành kinh tế biển; trở thành trung tâm du lịch quốc gia kết nối với các trung tâm du lịch quốc tế lớn của khu vực và thế giới thông qua đường biển”.

Từ những định hướng, mục tiêu nêu trên, kể từ năm 2019 đến 2024, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều cuộc làm việc với Bộ Giao thông vận tải để đề xuất bổ sung các địa điểm có tiềm năng, lợi thế của tỉnh vào Danh mục bên cảng thuộc các cảng biển Việt Nam và đã được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận.

Theo Quyết định số 508/QĐ-BGTVT ngày 2/4/2021 của Bộ Giao thông vận tải, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 13 bến cảng.

Đến nay, toàn bộ các bến cảng này đều được cập nhật, bổ sung vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 và cập nhật vào Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/2/2023.

Nổi bật trong số đó, có 5 bến cảng (Mũi Chùa, Vân Đồn, Vạn Hoa, Vạn Ninh, Vạn Gia và bến cảng huyện đảo Cô Tô), 4 khu bến (Cái Lân, Cẩm Phả, Yên Hưng, Hải Hà), cảng cạn ICD Móng Cái và nhiều các bến phao, khu neo đậu chuyển tải, khu neo đậu, tránh trú bão tại TP Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Hải Hà, Cô Tô…

Trên quan điểm xã hội hóa nguồn lực đầu tư các cảng, tỉnh Quảng Ninh đã huy động được nhiều nhà đầu tư đến đầu tư xây dựng, phát triển dịch vụ sau cảng. Cảng khách quốc tế Hòn Gai, cảng khách quốc tế Tuần Châu, bến cảng cao cấp quốc tế Ao Tiên… là những điển hình trong số đó. Tuy nhiên, đây chỉ là những cảng hành khách, hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đang xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư tham gia thực hiện nghiên cứu dự án cảng Con Ong - Hòn Nét (TP Cẩm Phả) và 8 dự án dịch vụ cảng biển, sản xuất chế biến, chế tạo tại khu vực khu kinh tế ven biển Quảng Yên, với tổng diện tích có thể nghiên cứu bố trí khu vực hậu cần sau cảng và logistics gần 7.000ha.

Định vị cảng biển Quảng Ninh trên bản đồ hàng hải quốc tế

Hiện tại ở khu kinh tế ven biển Quảng Yên đã có 4 dự án của nhà đầu tư đang triển khai. Nổi bật trong số đó có 2 bến cảng thuộc dự án phát triển Tổ hợp cảng biển và khu công nghiệp (KCN) do Công ty CP KCN Bắc Tiền Phong làm chủ đầu tư và dự án đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN, cảng tổng hợp và dịch vụ kho bãi Bạch Đằng do Công ty TNHH MTV Sửa chữa ô tô Hải Phòng làm chủ đầu tư. Ở Tổ hợp cảng biển do Công ty CP KCN Bắc Tiền Phong làm chủ đầu tư, hạng mục cảng biển có diện tích sử dụng đất gần 170ha, tổng chiều dài bến cảng 2.500m, đáp ứng tiếp nhận tàu đến 50.000DWT. Hiện dự án này đang trong quá trình giải phóng mặt bằng và hoàn thiện các thủ tục đầu tư cần thiết để triển khai xây dựng.

Định vị cảng biển Quảng Ninh trên bản đồ hàng hải quốc tế

Cùng với việc hoạch định đầu tư các cảng biển, tỉnh Quảng Ninh đã huy động nguồn lực từ ngân sách nhà nước và ngoài xã hội đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối, gắn kết phát triển các trung tâm kinh tế, thương mại gần hơn với các cảng biển. Ngoài dự án cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái đã được đầu tư hoàn thành, kết nối các khu vực cảng biển gần hơn với nhau, hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đang dành nguồn lực đầu tư tuyến đường ven sông kết nối một loạt cảng biển tại khu kinh tế ven biển Quảng Yên với các trung tâm phát triển trong tỉnh và các tỉnh, thành lân cận; đầu tư mở các nút giao trên tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng với các KCN, cảng biển tại Quảng Yên; đầu tư tuyến đường giao thông kết nối cảng Vạn Ninh với cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.

Định vị cảng biển Quảng Ninh trên bản đồ hàng hải quốc tế

Định vị cảng biển Quảng Ninh trên bản đồ hàng hải quốc tế

Những năm qua, Cục Hải quan Quảng Ninh luôn quan tâm, tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh trong việc phát triển kinh tế biển, nhất là tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại và thu hút doanh nghiệp về tham gia hoạt động xuất nhập khẩu qua cảng biển tỉnh Quảng Ninh.

Xác định nhiệm vụ quan trọng nêu trên, Cục Hải quan Quảng Ninh đã xây dựng triển triển bài bản nhiều kế hoạch, chương trình cụ thể. Trong đó, công tác phối hợp với các sở, ban ngành luôn được đơn vị đặt lên hàng đầu, chiếm vị trí quan trọng, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao.

Đó là, Cục Hải quan Quảng Ninh đã phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Cảng vụ hàng hải, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Ninh nhiều nội dung thiết thực. Cụ thể, rà soát quy trình thủ tục hải quan, hướng tới quản lý, kiểm soát tốt, thực hiện tốt chức năng quản lý trên địa bàn cảng biển.

Định vị cảng biển Quảng Ninh trên bản đồ hàng hải quốc tế

Điển hình là hàng năm, Cục Hải quan Quảng Ninh đã ký kết quy chế phối hợp với Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh… Định kỳ, đơn vị phối hợp tổ chức đánh giá, ghi nhận hiệu quả tích cực qua công tác phối hợp với các ngành đã hỗ trợ trong việc quản lý, giám sát phương tiện, hành khách xuất nhập cảnh và hàng hóa xuất nhập khẩu.

Không chỉ có cấp Cục, các chi cục hải quan cũng chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành để tiếp cận hỗ trợ ngay từ khi doanh nghiệp còn chưa phát sinh hoạt động xuất nhập khẩu.

Định vị cảng biển Quảng Ninh trên bản đồ hàng hải quốc tế

Theo ông Nguyễn Thế Việt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hòn Gai (Cục Hải quan Quảng Ninh), Chi cục thường xuyên phối hợp với Ban Quản lý khu kinh tế, các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng tại các KCN để tiếp xúc với doanh nghiệp ngay từ khi doanh nghiệp chuẩn bị đầu tư tại các KCN, chuẩn bị khởi công dự án, để nắm bắt kịp thời các vướng mắc, kịp thời hướng dẫn các thủ tục liên quan khi bắt đầu vào sản xuất kinh doanh.

“Chi cục cử, công chức xuống tận trụ sở doanh nghiệp để hỗ trợ, giải đáp ngay cho doanh nghiệp mà không chờ doanh nghiệp hỏi”, ông Nguyễn Thế Việt chia sẻ.

Để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, Cục Hải quan Quảng Ninh cũng tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Ninh về việc không thu phí hạ tầng cảng biển, giúp giảm chi phí trong hoạt động xuất nhập khẩu, qua đó được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao.

Kết quả, lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua khu vực cảng biển năm sau cao hơn năm trước từ 30-35%/năm.

Bên cạnh việc đảm bảo thông suốt thông quan hàng hóa cho các doanh nghiệp, Cục Hải quan Quảng Ninh cũng tích cực tham mưu cho tỉnh về phát triển dịch vụ logistics, vận tải đa phương thức.

Phó Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Ninh Trịnh Văn Nhuận chia sẻ: Đơn vị đã đề xuất với tỉnh Quảng Ninh hướng kinh doanh vận tải đa phương thức và được một số doanh nghiệp tiếp cận triển khai thành công, đây được xem là loại hình cần tập trung phát triển trong tương lai, qua đó thu hút nhiều hơn doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn.

Định vị cảng biển Quảng Ninh trên bản đồ hàng hải quốc tế

Định vị cảng biển Quảng Ninh trên bản đồ hàng hải quốc tế

Hiện hệ thống cảng biển đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội được coi là một trong những nhân tố quyết định tương lai đất nước theo xu hướng tiến ra biển của Việt Nam, là cửa ngõ giao thương của Việt Nam với thế giới. Ông có thể cho biết công tác quản lý và quá trình phát triển của hệ thống cảng biển trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh?

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021, hệ thống cảng biển Quảng Ninh thuộc nhóm cảng biển số 1, phân loại thuộc cảng biển loại I gồm: Khu bến Cái Lân; Khu bến Cẩm Phả; Khu bến Yên Hưng (sông Chanh, sông Bạch Đằng, sông Rút); Khu bến Hải Hà; Khu bến khác; Các bến phao, khu neo đậu chuyển tải; Các khu neo tránh, trú bão.

Trong những năm qua, Quảng Ninh đã tập trung đầu tư huy động nhiều nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể, trong đó, hạ tầng cảng biển đã được quan tâm thu hút đầu tư. Giai đoạn 2019 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã thu hút được 10 dự án đầu tư hệ thống cảng biển, với nhiều công trình tầm cỡ quốc tế như Cảng khách quốc tế Hòn Gai theo tiêu chuẩn cảng khách du lịch quốc tế đón được các tàu khách lớn nhất thế giới đến với kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, Cảng khách quốc tế Tuần Châu, Cảng khách cao cấp Ao Tiên, Cụm Cảng KCN Cái Lân, Hải Hà... đã hoàn thành đưa vào khai thác và hiện đang được triển khai đầu tư Dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh; Dự án nhà máy điện khí LNG tại khu bến Cẩm Phả; Dự án cảng hàng lỏng Yên Hưng, dự án Xây dựng hệ thống cảng gắn với nạo vét luồng hàng hải sông Chanh 3 (tại khu bến Yên Hưng)…

Để khai thác hiệu quả hệ thống cảng biển kết nối đồng bộ các phương thức vận tải, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, đến nay toàn bộ các cảng bến trên địa bàn đã được đầu tư kết nối đến cao tốc, hàng không để tạo thành hệ thống hạ tầng giao thông tỉnh Quảng Ninh hiện đại, liên thông tổng thể với đa dạng phương thức vận tải đảm bảo kết nối nhanh với khu vực và quốc tế giúp tỉnh Quảng Ninh phá được rào cản bất lợi trong phát triển, nâng cao vị thế trong khu vực và cả nước, tạo điều kiện cho giao thương, vận tải hàng hóa, phát triển du lịch, thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm cho người dân... Đồng thời, rút ngắn khoảng cách giao thông, góp phần giảm cước phí vận tải và chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Định vị cảng biển Quảng Ninh trên bản đồ hàng hải quốc tế

Hệ thống cảng biển trên địa bàn tỉnh có đóng góp gì cho phát triển kinh tế-xã hội của Quảng Ninh thời gian qua?

Hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại của tỉnh, trong đó có hệ thống cảng biển là động lực quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh với những kết quả nổi bật.

Giữ vững đà tăng trưởng kinh tế (GRDP) cao, ổn định trên hai con số trong 9 năm liên tiếp (2015-2023), đặc biệt là trong năm 2021, 2022 do ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh Covid-19 song tăng trưởng lần lượt đạt 10,12%, 10,26%; quy mô nền kinh tế tăng nhanh, hết năm 2023 đạt 315.839 tỷ đồng, tăng bình quân 14,5%/năm. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 3 năm (2021, 2022, 2023) đạt trên 163.113 tỷ đồng (trong đó thu nội địa đạt 119.300 tỷ đồng, chiếm 73%), tốc độ tăng bình quân 4%/năm.

Môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện, nằm trong nhóm đứng đầu cả nước; cải cách hành chính có bước đột phá; giữ vững chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI đứng đầu cả nước 7 năm liên tiếp (2017 - 2023) và 10 năm liên tiếp (từ năm 2013 - 2022) trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước. Trong đó chỉ số về hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đứng đầu toàn quốc.

Tổng thu hút vốn ngoài ngân sách trong 3 năm (2021-2023) đạt 538.511 tỷ đồng, bằng 66,3% so với GRDP, trong đó thu hút FDI đạt 6,76 tỷ USD, gấp 6,12 lần cùng kỳ. Riêng năm 2023, Quảng Ninh thu hút được 3,1 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thế hệ mới là các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao.

Lượng khách du lịch đến Quảng Ninh ngày càng tăng cao sau đại dịch Covid-19: Năm 2021, ngành Du lịch Quảng Ninh tiếp tục chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tổng khách du lịch năm 2021 đạt 4,38 triệu lượt. Năm 2022, ngành Du lịch Quảng Ninh đã có bước phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, tổng khách du lịch đạt 11,6 triệu lượt khách (tăng 164,6% so với cùng kỳ). Năm 2023 tổng khách du lịch đạt 15,56 triệu lượt (tăng 34,14% so với cùng kỳ).

Định vị cảng biển Quảng Ninh trên bản đồ hàng hải quốc tế

Xin ông cho biết, thời gian tới, để tăng tốc phát triển cảng biển trên địa bàn, tỉnh Quảng Ninh sẽ triển khai những giải pháp gì?

Trong năm 2024 và những năm tiếp theo, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục bám sát chỉ đạo của Trung ương, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh.

Thứ nhất, tiếp tục triển khai hoàn thành cảng dự án cảng biển như: Bến cảng Vạn Ninh, Cảng hàng lỏng Yên Hưng...; đầu tư mới một số khu bến và bến cảng quan trọng: Cảng Con Ong - Hòn Nét, cảng Sông Chanh 3, bến cảng Mũi Chùa, bến cảng Vân Đồn, bến cảng khu vực Hải Hà, hệ thống cảng biển kho bãi dọc sông Bạch Đằng, sông Chanh (Quảng Yên),...

Thứ hai, tập trung hoàn thành đầu tư các dự án giao thông đường bộ trọng điểm, gồm: Đường tỉnh 342 là dự án hạ tầng động lực kết nối vùng thấp với vùng cao (trong đó có kết nối Ba Chẽ với Hạ Long); Đường ven sông kết nối đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long với thị xã Đông Triều; Nút giao Hạ Long Xanh; Đường nối từ nút giao Hạ Long Xanh đến đường tỉnh 338; Nút giao Đầm Nhà Mạc; Tuyến đường ven sông từ nút giao Đầm Nhà Mạc đến đường tỉnh 338; Đường từ nút giao Đầm Nhà Mạc đến KKCN Nam Tiền Phong; Cầu Bến Rừng và cầu Lại Xuân kết nối Quảng Ninh với thành phố Hải Phòng; Đường nối đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái với cảng Vạn Ninh; Cải tạo, nâng cấp QL.279 từ nút giao Quang Hanh đến nút giao đường dẫn vào cao tốc Hạ Long - Vân Đồn); Xây dựng mới Đường tỉnh 327; Cải tạo nâng cấp đoạn nối Đường tỉnh 345 nối Quảng Ninh với Bắc Giang; Đường kết nối từ Quốc lộ 279 sang đường tỉnh 291 tỉnh Bắc Giang; Cải tạo nâng cấp Đường tỉnh 333 kết nối cầu Lại Xuân sang thành phố Hải Phòng; Đầu tư xây dựng tiếp đoạn nối từ Đường đường ven sông tại thị xã Đông Triều sang Quốc lộ 37 tỉnh Hải Dương và kết nối với đường vành đai V thủ đô Hà Nội.

Thứ ba, tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng, phát triển, hoàn thiện hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển trọng tâm là: Con Ong - Hòn Nét, các bến số 8, số 9 thuộc khu bến Cái Lân. Quy hoạch, xây dựng các bến du thuyền tiêu chuẩn quốc tế tại vịnh Cửa Lục. Chú trọng phát triển cảng biển, cảng thủy nội địa, khu vực hậu cần sau cảng và logistics chất lượng cao.

Thứ tư, tiếp tục kiến nghị Bộ Giao thông vận tải triển khai cao tốc Nội Bài - Hạ Long, nâng cấp Quốc lộ 10, nâng cấp Quốc lộ 4B, nâng cấp Quốc lộ 279 và khởi động lại dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân.

Thứ năm, hình thành và phát triển kho bãi phục vụ hàng hóa tổng hợp, container tại khu vực Quảng Yên. Phát triển dịch vụ kho bãi phục vụ hàng tổng hợp, hàng ngoại quan, hàng biên mậu tại khu vực Móng Cái, Bình Liêu; phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng cao tại khu vực cảng khách quốc tế Hòn Gai, Tuần Châu; tập trung phát triển dịch vụ đại lý hàng hải đáp ứng được yêu cầu của các hãng tàu trong nước và quốc tế; thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp có kinh nghiệm, năng lực tài chính và ý tưởng đầu tư đồng bộ hệ thống cảng biển, hậu cần logistics, kinh doanh đa loại hình dịch vụ theo chuỗi đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Xin cảm ơn ông!

Định vị cảng biển Quảng Ninh trên bản đồ hàng hải quốc tế

Quang Hùng - Minh Hoàn - Thiên Ngân

Phiên bản di động