Đình Chi Hồ
Từ bao đời nay, người Chi Hồ không những giỏi nghề nông cấy lúa trồng màu, mà còn năng động làm thêm nhiều nghề phụ như: dệt vải, hàng mã, thợ nề, buôn bán… dân làng luôn có đời sống kinh tế khá giả, đời sống tinh thần phong phú, văn hiến.
Trong lịch sử, nhân dân Chi Hồ đã xây dựng những công trình văn hóa tâm linh to đẹp thâm nghiêm như: đình, chùa, nghè, miếu… Chùa làng có tên chữ là “Hiển Tường tự” được xây dựng từ lâu đời là trung tâm thờ Phật của dân làng. Phía trước chùa xưa còn có nghè thờ Thần tạo thành lối kiến trúc “tiền Thần hậu Phật”. Ở phía Bắc của làng xưa còn có ngôi miếu gồm 3 gian gỗ lim, mái ngói đao cong. Chi Hồ còn nổi tiếng là đất hiếu học khoa bảng với tên tuổi của các Tiến sĩ Phạm Lương, Phạm Trân… Tiến sĩ Phạm Lương sinh năm Canh Thân (1440), mất năm Tân Dậu (1501); đỗ Đệ tam giáp tiến sĩ xuất thân khoa Quý Mùi niên hiệu Quang Thuận 4 (1463) đời Lê Thánh Tông, làm quan đến chức Thừa chính sứ. Tiến sĩ Phạm Trân sinh năm Đinh Mão (1567), mất năm Giáp Tuất (1634); đỗ Tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Thìn niên hiệu Hồng Ninh 2 (1592) đời Mạc Mậu Hợp, làm quan cho nhà Lê đến chức Hình khoa đô cấp sự trung. Tên tuổi của hai vị Tiến sĩ đã được lưu danh trong văn bia tại Văn miếu Quốc Tử Giám Hà Nội, văn bia Văn Miếu Bắc Ninh.
Bề dầy lịch sử, văn hiến của thôn Chi Hồ đã được hội tụ, kết tinh và tỏa sáng ở ngôi đình làng to đẹp, cổ kính, linh thiêng. Theo văn vật của địa phương cho biết: Đình làng Chi Hồ được khởi dựng từ lâu đời, đến thời Nguyễn ngôi đình có quy mô lớn gồm: tòa Đại đình 5 gian 2 chái và Hậu cung 3 gian, mái ngói đao cong, bộ khung được làm bằng gỗ lim vững chãi, có ván sàn. Phía trước đình là sân rồng, hai bên là hai tòa (tả vu, hữu vu). Bên ngoài là lũy tre bao bọc dày đặc như bức tường rào kín đáo. Thời kỳ Tiền khởi nghĩa và trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nơi đây là địa điểm hoạt động, tuyên truyền cách mạng của cán bộ, du kích, bộ đội. Để giúp đỡ cán bộ, du kích, bộ đội, dân làng đã đào nhiều hầm bí mật, địa đạo, đắp nhiều lũy để hoạt động và trú ẩn. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, thực hiện lệnh tiêu thổ kháng chiến, ngôi đình cổ buộc phải phá dỡ. Đến năm 2015, dân làng cùng nhau công đức tiền của và với sự hảo tâm của quý khách thập phương, ngôi đình làng được phục dựng lại trên nền xưa đất cũ theo truyền thống. Hiện đình Chi Hồ có quy mô to đẹp: Đó là tòa Đại đình có kết cấu kiểu chữ Công gồm: Tiền tế 5 gian 2 chái mái ngói đao cong, Ống muống 2 gian, Hậu cung 3 gian chồng diêm 2 tầng 8 mái đao cong. Bộ khung gỗ chạm khắc “tứ linh, tứ quý” lộng lẫy, tinh xảo, nghệ thuật.
Điều quý giá, Thần tích sắc phong của đình Chi Hồ được kê khai năm 1938 cho biết khá rõ về sự kiện lịch sử - văn hóa ở vùng đất này vào thời Lý: Khi vua Lý Nhân Tông qua đây về núi Lãm Sơn để hưng công xây dựng Đại danh lam chùa Dạm, đào ngòi con tên... được vị Thần (Bản cảnh Thành Hoàng) của làng Cổ Chi là “Đại Đạo Thiên Tôn” đã âm phù cho vua hoàn tất công việc. Biết là thần linh thiêng hiển ứng phù nước giúp dân, vua Lý Nhân Tông bèn lệnh cho nhân dân Cổ Chi lập đền thờ cúng nghiêm cẩn, muôn đời hương hỏa tôn kính thần. Trải lịch sử, thần đã được nhân dân nơi đây hương khói phụng thờ. Các triều đại đã nhiều lần ban tặng sắc phong cho thần. Bản “Thần tích, Thần sắc” kê khai năm 1938 đã chép được nội dung 19 đạo sắc phong, trong đó 10 sắc phong ban cho vị Thần “Đại Đạo Thiên Tôn”. Sắc sớm nhất được triều đình phong tặng ngày 8 tháng 8 niên hiệu Cảnh Hưng 28 (1767), nội dung ghi rõ, thần đã được ban tặng mỹ tự “Đại đạo thiên tôn, khuông quốc an dân, hoằng hưu diễn khánh, khôi đồ phi liệt, tá tích tuy du, bảo hoà địch triết, thông duệ trung chính, tuý tinh tướng công đại vương”. Sắc phong muộn nhất có niên đại Khải Định 9 (1924), tiếp tục ban mỹ tự và ca ngợi công đức của Thần.
Đình Chi Hồ còn là nơi nổi tiếng với lễ hội vùng với câu ca “Đồn rằng hội Góng đã đông/Không bằng hội Nía rước thông ba làng”: Tục truyền, hàng năm cứ đến ngày 6 tháng 2 (âm lịch) đình làng Nía lại được mở hội. Để chuẩn bị cho lễ hội, ngay từ trong năm các giáp (Đông, Chính, Tây, Thịnh) được phân công nhận ruộng công nuôi lợn làm lễ vật tế Thánh. Vào đám, mồng 5 làm lễ mở cửa đình, bao sái đồ thờ tự, phong cờ quạt. Ngày 6 chính hội, các làng (Hồ, Trung, Đông và Ngọc Tân) cùng thờ chung 1 vị Thần là “Đại Đạo Thiên Tôn”, thay nhau giữ sắc, mỗi khi đình đám lại tổ chức rước sắc của Thần để giao lại cho nhau. Đám rước của các làng xuất phát từ đình của làng mình và tập trung tại ngã tư đê sông Đuống. Năm đó, làng giữ sắc sẽ rước sắc lên đến nơi quy định rồi trao sắc lại cho làng giữ sắc năm tiếp theo, sau đó làng nào rước về làng đó để tế lễ mở hội. Đám rước của các làng rợp trời cờ, quạt, tàn, lọng, kiệu, long đình, siêu đao, bát bửu, chiêng trống, quan viên tế… cùng dân làng và khách thập phương đông tới hàng ngàn người. Sau phần rước là phần tế lễ và phần hội của mỗi làng với nhiều tục trò chơi dân gian đặc sắc như: đu, vật, kéo co, đánh cờ… cùng với các hình thức diễn xướng dân gian như : ca trù, tuồng, chèo, quan họ… đã thu hút đông đảo nhân dân địa phương hướng về cội nguồn, đoàn kết cộng đồng làng xã, tham gia vào những sinh hoạt văn hóa văn nghệ vui tươi, lành mạnh, mang đậm bản sắc dân tộc.
Đình Chi Hồ là công trình văn hóa tín ngưỡng cộng đồng của nhân dân địa phương, với những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá còn bảo lưu được như (thư tịch tài liệu cổ, thần tích thần sắc, truyền thuyết, tín ngưỡng, lễ hội…) không những kết tinh và tỏa sáng bề dầy lịch sử, văn hóa, cách mạng của nhân dân làng xã nơi đây, mà còn góp phần làm nên bản sắc văn hiến của quê hương Kinh Bắc - Bắc Ninh.
Tin liên quan
Trải nghiệm các món ẩm thực đặc sắc tại miền đất nắng gió Ninh Thuận
10:43 | 31/12/2020 Ẩm thực
Vẻ đẹp kiến trúc di tích lịch sử quốc gia thành cổ Diên Khánh
09:57 | 30/12/2020 Điểm đến
Bánh thắng dền – Món ăn dung dị nơi cao nguyên đá
13:15 | 29/12/2020 Ẩm thực
5.000 suất du lịch khám phá TPHCM dành cho thiếu nhi, hộ nghèo
16:08 | 26/12/2020 Du lịch
Núi Fajing - Chiêm ngưỡng vẻ đẹp của "Thành phố Bầu Trời"
13:20 | 24/12/2020 Điểm đến
Giòn, thơm củ cải khô Đầm Hà
09:00 | 23/12/2020 Ẩm thực
Nét đặc trưng kiến trúc cổ nhà thờ Domain de Marie
11:59 | 21/12/2020 Điểm đến
Canh thưng mồng tơi
09:07 | 18/12/2020 Ẩm thực
Chinh phục Tà Chì Nhù - thiên đường mây và hoa tím
07:41 | 16/12/2020 Điểm đến
Đặc sản vùng đất Hậu Giang
14:13 | 11/12/2020 Ẩm thực
Ra mắt chuỗi khách sạn SOJO Hotels
14:07 | 11/12/2020 Tour - KS
Khám phá 13 thành phố rực rỡ sắc màu nhất trên thế giới
07:44 | 11/12/2020 Điểm đến
Google ra mắt công cụ hỗ trợ phục hồi ngành du lịch Việt Nam
13:21 | 09/12/2020 Du lịch
Tin mới
Ra mắt Bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Sẽ có nhiều điểm mới quản lý loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu
Chú trọng hỗ trợ thuế cho các lĩnh vực mang tính động lực tăng trưởng
TP Hồ Chí Minh: Phổ biến pháp luật cho người Việt Nam ở nước ngoài
Giúp người tiêu dùng “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Chương trình Chuyển động Hải quan kỳ 2 tháng 11/2024
14:31 | 21/11/2024 Hải quan
(LONGFORM) Sứ mệnh phát triển quan hệ đối tác Hải quan- Doanh nghiệp
10:58 | 11/11/2024 Hải quan
Podcast Hải quan Online tổng hợp tuần 2 tháng 11/2024 (từ ngày 4/10 đến 10/11/2024)
08:52 | 11/11/2024 Multimedia
(INFOGRAPHICS): Thu ngân sách tại 10 đơn vị hải quan tăng 11,86%
14:03 | 04/11/2024 Infographics
(INFOGRAPHICS) 32 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu nửa đầu tháng 10
09:14 | 29/10/2024 Infographics