Chùa Dạm, kho báu di sản
Dấu ấn Hoàng gia
Nguyên xưa, chùa Dạm là ngôi Quốc tự thời Lý do Nguyên Phi Ỷ Lan chọn địa điểm và khởi công xây dựng. Chùa được xây dựng từ năm 1086 đến 1094, được coi là “Trung tâm Phật giáo lớn nhất của nước Đại Việt”. Đây là một công trình quan trọng nên vua Lý Nhân Tông rất quan tâm chăm lo và khi chùa hoàn thành đã ban tên “Cảnh Long Đồng Khánh”. Trong quá trình xây dựng, đích thân nhà vua cũng nhiều lần về thăm, đề thơ, viết biển, tổ chức yến tiệc thết đãi triều thần, ngự qua đêm ở đây.
Để chứng minh tính chân thực về quy mô chùa Dạm đã được ghi chép trong các tài liệu lịch sử, từ năm 2011, tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo ngành chức năng phối hợp các cơ quan chuyên môn tiến hành khai quật khảo cổ học chùa Dạm. Kết quả sau đó khiến không ít người ngỡ ngàng về tầm vóc của ngôi Quốc tự xưa kia. Quần thể kiến trúc chùa Dạm xưa gồm bốn lớp xây cao dần theo độ cao sườn núi Lãm Sơn. Các kiến trúc tháp đá, cột đá nằm ở cấp nền 2 trong tổng thể chung của khu di tích. Ngoài ra, việc tìm thấy các trụ sỏi lớn có đường kính trên 1m chứng tỏ công trình rất đồ sộ. Hơn nữa, theo giới chuyên môn, số trụ sỏi tìm thấy còn khá nguyên vẹn, giống với những trụ sỏi đã tìm thấy ở Hoàng Thành Thăng Long. Bên cạnh đó, hàng loạt di vật xây dựng như: Gạch đất nung có hình hoa cúc, những đầu rồng nhỏ được tìm thấy ở đây cũng có sự tương đồng về nghệ thuật với một số vật liệu xây dựng ở Hoàng Thành Thăng Long.
Với những dấu tích mà khảo cổ học tìm thấy ở chùa Dạm, các nhà khoa học đã khẳng định chùa Dạm có kiến trúc đúng như những gì được ghi trong lịch sử. Đây là công trình mang đậm dấu ấn Hoàng gia thời Lý, có mặt bằng quy mô, cấu trúc khác lạ, kỹ thuật xây dựng cầu kỳ, công phu, trang trí tinh xảo vào bậc nhất so với tất cả các ngôi chùa cổ ở Việt Nam.
Linh thiêng huyền bí
Xung quanh chùa Dạm có nhiều điều bí ẩn cùng những câu chuyện kể truyền miệng trong dân gian đậm màu liêu trai, huyền thoại… Đó là giếng Bống trên núi nhưng lúc nào cũng đầy nước, tương truyền là nơi xuất phát của chuyện cổ tích Tấm Cám. Người dân sống dưới chân núi Dạm bảo rằng có mối liên hệ nhất định giữa cô Tấm trong truyện cổ tích với đức Thánh mẫu Nguyên Phi Ỷ Lan.
Sự bí ẩn chùa Dạm còn nằm ở cây cột đá-một kiệt tác kiến trúc bằng đá độc nhất vô nhị, vừa được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Tuy không còn trọn vẹn nhưng cột đá nghìn tuổi với đôi rồng dâng châu được chạm khắc tinh xảo đến ngỡ ngàng từ thế kỷ 11 là bảo vật duy nhất nhắc nhở người ta nhớ đến quy mô của một Đại danh lam thời nhà Lý. Thế nhưng, cây cột đá này có chức năng gì? Tại sao được đặt ở vị trí đó? Thông điệp quý giá mà tiền nhân gửi gắm là gì? Rồi làm thế nào để người xưa có thể di chuyển và dựng được cây cột đá khổng lồ trên độ cao dốc của sườn núi như vậy… Rất nhiều câu hỏi đặt ra mà chưa có câu trả lời. Ngay trong giới nghiên cứu khoa học cũng vẫn còn đang bỏ ngỏ nhiều tranh cãi. Chính những nghi vấn của cây cột đá trứ danh ấy càng khiến chùa Dạm đậm màu huyền bí.
Trở lại thăm chùa Dạm mới đây, chúng tôi còn được biết có người hiếm con sau khi dâng lễ cầu tự ở chùa Dạm về đã sinh sôi nảy nở con cháu đề huề. Các cụ bà trông nom đèn nhang ở đây kể: Một dòng họ Nguyễn Đình bên Thuận Thành, mấy trăm năm trước, có người tưởng đã tuyệt tự thế mà sau khi đến làm lễ dâng cầu Lý Thánh Mẫu, uống nước giếng Bống đã sinh hạ được hai con trai và phát triển đến nay đã có mấy trăm suất đinh. Bây giờ, năm nào con cháu của dòng họ ấy cũng tề tựu về chùa Dạm tạ lễ cảm ơn đức Thánh Mẫu. Xác thực câu chuyện này, chúng tôi về làng Đại Mão, xã Hoài Thượng (Thuận Thành) để tìm hiểu thực hư. Ông Nguyễn Đình Thô, đời thứ 8 của dòng họ Nguyễn Đình làng Đại Mão xác nhận: “Chúng tôi lớn lên được truyền lại rằng: Cụ tổ của chi cành nhà tôi năm xưa hiếm con, cụ bà hễ mang thai lại bị sảy. Một đêm cụ ông nằm ngủ thấy như có người nâng đầu lên bảo phải đến làm lễ ở chùa Dạm mới mong có con. Giấc mơ đó lặp lại lần thứ hai thì cụ tôi tin rồi sửa lễ mang đến chùa Dạm cầu Lý Thánh Mẫu. Như phép màu, sau đó cụ tôi sinh được hai người con trai mặt đỏ như Đức ông. Cũng từ ấy, gia đình làm ăn phát đạt, có của ăn của để. Cụ tôi còn mua gỗ lim dựng cho mỗi người con trai một căn nhà gỗ. Hiện hai căn nhà gỗ có niên đại gần 200 năm là kỷ vật của cụ tổ vẫn được chúng tôi gìn giữ làm nhà thờ. Hàng năm, con cháu dòng họ Nguyễn Đình tổ chức lên chùa Dạm tạ lễ và đi lại trên đó như người nhà”.
Không biết những câu chuyện truyền miệng ấy có bao nhiêu phần trăm là sự thật nhưng chắc chắn thể hiện niềm tự hào đối với truyền thống văn hoá của ông cha. Đó còn là lòng thành kính của các thế hệ người dân đất Việt đối với các bậc tiền nhân được thần thánh hoá để sống mãi trong tâm thức hậu thế.
Phục dựng xứng tầm Quốc tự
Chùa Dạm xưa được sử sách ghi chép là ngôi chùa hàng đầu thời Lý với quy mô lớn được xây dựng vô cùng nguy nga gồm 100 gian, dài 120m, rộng 70m, tổng cộng diện tích ngôi chùa lên đến 8.400m2. Bốn lớp nền được bó ghép bằng đá tảng, mỗi viên có kích thước 50x60cm được đặt choãi chân, chếch khoảng 70 độ và cao 5-6m. Dân gian lưu truyền, ngôi chùa lớn đến mức triều đình phải cắt cử bảy gia đình chuyên trông coi, đóng mở cửa chùa. Sau ngày Rằm hàng tháng, việc đóng cửa chùa bắt đầu từ tối đến lúc trăng lên cao mới đóng hết tất cả các cửa. Tuy vậy, chùa đã bị phá hủy hoàn toàn trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chỉ còn lại dấu vết 4 cấp nền với diện tích 0,87ha. Năm 1964, chùa Dạm đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
Bằng trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với mai sau, tỉnh Bắc Ninh đã kêu gọi sự hằng tâm hằng sản của các chư Tăng phật tử cùng nhân dân trong và ngoài tỉnh đóng góp để phục dựng chùa Dạm tương xứng với tầm vóc, giá trị của một ngôi Quốc tự trong lịch sử, đồng thời đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của nhân dân.
Sau một thời gian chuẩn bị các điều kiện, thủ tục pháp lý liên quan và trải qua nhiều lần nghiên cứu, họp bàn, tham vấn ý kiến giới chuyên môn, phương án thiết kế kiến trúc xây mới chùa Dạm được lựa chọn đảm bảo dung hòa giữa yếu tố cũ và mới, phù hợp với truyền thống văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của người Việt. Theo đó, Dự án xây dựng mới chùa Dạm được thực hiện từ năm 2015 đến năm 2018 do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư với tổng diện tích là 4,7 ha được xây mới theo phong cách truyền thống gồm 12 hạng mục chính: Tam quan; hành lang; nhà thờ tổ; đền thờ mẫu; tam bảo; nhà khách-nhà tăng; nhà ăn; nhà bếp-vệ sinh; cổng phụ; khu vệ sinh công cộng; sân vườn, đường dạo, cây xanh; hạ tầng kỹ thuật ngoài nhà. Kinh phí xây dựng công trình ngoài một phần ngân sách của tỉnh, còn lại chủ yếu được thực hiện bằng các nguồn vốn huy động theo hình thức xã hội hóa.
Sau gần 2 năm tích cực thi công đến nay, dự án xây dựng mới chùa Dạm đang hoàn thiện. Một số hạng mục cơ bản như: Tam bảo, Nhà tổ, Nhà mẫu, Tam quan, nhà Khách-nhà Tăng, nhà bếp, nhà vệ sinh, hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống điện, nước, các hạng mục kè, đường lên Tam bảo, bãi đỗ xe… cơ bản hoàn thành, đảm bảo đúng tiến độ đề ra. Dự kiến các hạng mục còn lại sẽ tiếp tục được hoàn thiện trong năm 2018. Điều quan trọng nhất trong quá trình phục dựng mới chùa Dạm, tỉnh luôn tham vấn ý kiến của giới chuyên gia, các nhà khoa học liên ngành như khảo cổ học, văn hóa, lịch sử, tôn giáo, mỹ thuật, kiến trúc, thiết kế, xây dựng… Công trình hoàn thiện sẽ trở thành một trung tâm tín ngưỡng quy mô, bề thế của Phật tử trong và ngoài nước, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch về miền Quan họ.
Chùa Dạm là một kho báu di sản vật thể và phi vật thể chứa đựng giá trị nhiều mặt về lịch sử, khảo cổ, kiến trúc, văn hoá, mỹ thuật, tín ngưỡng tâm linh… Dự án bảo tồn và xây dựng mới chùa Dạm không chỉ góp phần phát huy giá trị di tích trong giai đoạn hiện nay mà còn đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh và hoạt động tham quan du lịch của nhân dân, góp phần vào sự phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh trong những năm tiếp theo.
Tin liên quan
Trải nghiệm các món ẩm thực đặc sắc tại miền đất nắng gió Ninh Thuận
10:43 | 31/12/2020 Ẩm thực
Vẻ đẹp kiến trúc di tích lịch sử quốc gia thành cổ Diên Khánh
09:57 | 30/12/2020 Điểm đến
Bánh thắng dền – Món ăn dung dị nơi cao nguyên đá
13:15 | 29/12/2020 Ẩm thực
5.000 suất du lịch khám phá TPHCM dành cho thiếu nhi, hộ nghèo
16:08 | 26/12/2020 Du lịch
Núi Fajing - Chiêm ngưỡng vẻ đẹp của "Thành phố Bầu Trời"
13:20 | 24/12/2020 Điểm đến
Giòn, thơm củ cải khô Đầm Hà
09:00 | 23/12/2020 Ẩm thực
Nét đặc trưng kiến trúc cổ nhà thờ Domain de Marie
11:59 | 21/12/2020 Điểm đến
Canh thưng mồng tơi
09:07 | 18/12/2020 Ẩm thực
Chinh phục Tà Chì Nhù - thiên đường mây và hoa tím
07:41 | 16/12/2020 Điểm đến
Đặc sản vùng đất Hậu Giang
14:13 | 11/12/2020 Ẩm thực
Ra mắt chuỗi khách sạn SOJO Hotels
14:07 | 11/12/2020 Tour - KS
Khám phá 13 thành phố rực rỡ sắc màu nhất trên thế giới
07:44 | 11/12/2020 Điểm đến
Google ra mắt công cụ hỗ trợ phục hồi ngành du lịch Việt Nam
13:21 | 09/12/2020 Du lịch
Tin mới
Honda Việt Nam: Lựa chọn hybrid cho ô tô
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm khả năng cán đích 16 tỷ USD
HSG 7 lần liên tiếp được vinh danh Thương hiệu quốc gia Việt Nam
Quảng Ninh: Khởi tố 44 vụ/66 đối tượng về buôn lậu
Hải quan Nghệ An: Thu ngân sách vượt thách thức sớm về đích
Tuyên bố chung giữa Việt Nam và UAE về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện
08:35 | 29/10/2024 Sự kiện - Vấn đề
(INFOGRAPHICS) 32 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu nửa đầu tháng 10
09:14 | 29/10/2024 Infographics
Phiên họp Ủy ban Kỹ thuật thường trực WCO tại Bỉ: Dấu ấn điều hành của đại diện Hải quan Việt Nam
09:25 | 29/10/2024 Hải quan
Hành vi buôn lậu “khí cười” tại Công ty Hoa Việt diễn ra thế nào?
10:18 | 29/10/2024 An ninh XNK