08:00 | 26/06/2025

Gần 90% doanh nghiệp Việt Nam chọn bứt phá để vươn ra thế giới

Gần 90% doanh nghiệp Việt Nam đang đẩy mạnh chiến lược vươn ra thị trường quốc tế, bất chấp nhiều thách thức về chi phí, thuế quan. Khảo sát của Ngân hàng UOB cho thấy, động lực mở rộng, tận dụng cơ hội trong ASEAN cùng xu thế số hóa và phát triển xanh ngày càng rõ nét trong mục tiêu tăng trưởng dài hạn.

Xuất khẩu cao su tuy giảm lượng nhưng tăng trị giá Xuất khẩu tăng, nhưng còn nhiều nỗi lo Mục tiêu xuất khẩu 18 tỷ USD trong năm 2025 của ngành gỗ Việt đang bị đe dọa
Gần 90% doanh nghiệp Việt Nam chọn bứt phá để vươn ra thế giới
Bất chấp áp lực chi phí sản xuất tăng cao, 60% doanh nghiệp vẫn giữ niềm tin tích cực về triển vọng trong năm tới.

Theo kết quả Nghiên cứu Triển vọng Doanh nghiệp 2025 của Ngân hàng UOB, gần 90% doanh nghiệp Việt Nam có mong muốn mạnh mẽ mở rộng ra thị trường nước ngoài, với mục tiêu chính là gia tăng doanh thu và lợi nhuận. Khao khát vươn ra toàn cầu càng rõ nét hơn khi Hoa Kỳ công bố mức thuế đối ứng vào đầu tháng 4/2025. Trước diễn biến đó, 46% doanh nghiệp cho biết sẽ đẩy nhanh kế hoạch thâm nhập thị trường mới, trong khi khoảng 80% doanh nghiệp Việt Nam đã có phương án ứng phó, tận dụng khoảng ân hạn 90 ngày được phía Hoa Kỳ ban hành để chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.

Dù còn đối mặt nhiều thách thức như chi phí nguyên vật liệu, sản xuất tăng cao (52%) hay lo ngại về lạm phát (30%), 60% doanh nghiệp vẫn duy trì niềm tin tích cực về triển vọng trong năm tới. Theo ông Lim Dyi Chang, Giám đốc Khối khách hàng Doanh nghiệp của Ngân hàng UOB Việt Nam, sự lạc quan này phản ánh những yếu tố nền tảng vững chắc của kinh tế Việt Nam cùng hiệu quả của các chính sách cải cách gần đây.

Để hiện thực hóa mục tiêu vươn ra thế giới, nhiều doanh nghiệp Việt đang tích cực triển khai hàng loạt chiến lược, từ đa dạng hóa nguồn cung, đẩy mạnh thương mại nội khối ASEAN, ưu tiên số hóa, phát triển bền vững, cho đến tận dụng các hiệp định thương mại song phương. Gần 70% trong số đó kỳ vọng ASEAN sẽ là động lực chính thúc đẩy thương mại trong khu vực, trong khi thị trường Thái Lan, Singapore, cùng châu Âu ngày càng được ưu tiên trong kế hoạch mở rộng.

Bên cạnh đó, nhu cầu về hỗ trợ từ phía Chính phủ và các tổ chức tài chính vẫn rất rõ nét. 73% doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ tài chính ngắn hạn để giảm thiểu tác động từ hàng rào thuế quan, 65% kỳ vọng có chính sách trợ cấp hoặc miễn, giảm thuế đối với ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp.

Về dài hạn, 62% mong đợi được hỗ trợ trong đàm phán, ký kết hiệp định thương mại song phương cùng ưu tiên kết nối với các tập đoàn lớn để hình thành mạng lưới khách hàng chiến lược.

Đáng chú ý, Việt Nam đang dẫn đầu khu vực về thế hệ lãnh đạo kế nghiệp, chiếm gần 75% tổng số, cao hơn mức trung bình 60% của toàn khu vực. Đây là thế hệ có tư duy đổi mới, nhạy bén trong việc ứng dụng công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo sinh (generative AI), điện toán đám mây, thực tế tăng cường (AR) và blockchain. Hơn 95% trong số đó ưu tiên phát triển bền vững, tận dụng nguồn tài chính xanh để thu hút nhà đầu tư, nâng cao khả năng thích ứng trước mọi biến động trong tương lai.

HOA BÙI

Đường dẫn bài viết: https://haiquanonline.com.vn/gan-90-doanh-nghiep-viet-nam-chon-but-pha-de-vuon-ra-the-gioi-197157.html

In bài viết

Bản quyền thuộc về Hải quan Online