13:15 | 10/07/2024

Luật đã thi hành nhưng cần làm rõ về hợp tác bảo hiểm - ngân hàng

(HQ Online) - Các ngân hàng, doanh nghiệp bảo hiểm đang có cách hiểu khác nhau về quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2024.

Cơ hội hợp tác và kết nối cho thị trường bảo hiểm ASEAN phát triển bền vững, toàn diện Quốc hội thông qua Luật Đất Đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) Sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm
6 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt gần 109,1 nghìn tỷ đồng, giảm 3,81% so với cùng kỳ năm 2023.
6 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt gần 109,1 nghìn tỷ đồng, giảm 3,81% so với cùng kỳ năm 2023.

Không có bảo hiểm, lo ngại hàng nghìn tỷ đồng rơi vào nợ xấu

Luật Các TCTD (sửa đổi) đã có hiệu lực thi hành từ đầu tháng 7/2024. Vấn đề được các ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm quan tâm là các quy định còn gây “hoang mang”.

Điều 113 của Luật có quy định, ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Trong khi đó, theo Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, hoạt động đại lý bảo hiểm bao gồm: tư vấn, giới thiệu, chào bán sản phẩm bảo hiểm; thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm; thu phí bảo hiểm; thu thập hồ sơ để phục vụ việc giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về thị trường bảo hiểm, 6 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt gần 109,1 nghìn tỷ đồng, giảm 3,81% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, doanh thu phí lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt hơn 38,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,23%; lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt gần 70,3 nghìn tỷ đồng, giảm 9,8% so với cùng kỳ năm trước.

Chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 41,3 nghìn tỷ đồng, tăng 6,81% so với cùng kỳ năm 2023; tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt khoảng 795,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,29%; tổng tài sản thị trường bảo hiểm ước đạt 951,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,11%; tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt khoảng 635,1 nghìn tỷ đồng, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước.

Theo bà Bùi Thị Thanh Xuân, Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Công ty Bảo hiểm VietinBank (VBI), quy định như trên có nghĩa các ngân hàng thương mại vẫn được triển khai các hoạt động tư vấn, giới thiệu, chào bán sản phẩm bảo hiểm… Phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm của các ngân hàng thương mại sẽ do Thống đốc NHNN quy định để phù hợp với tính chất và hoạt động của lĩnh vực ngân hàng.

Tuy nhiên, khoản 5 Điều 15 Luật Các TCTD năm 2024 quy định về một trong các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm: “TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức”.

Theo các doanh nghiệp bảo hiểm, quy định nêu trên chưa rõ ràng, gây ra cách hiểu không thống nhất. Ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm Agribank (ABIC) đánh giá, quy định này khiến mỗi TCTD và cả khách hàng có cách hiểu khác nhau nên hoạt động bảo hiểm qua kênh ngân hàng bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng. Theo ông Phong, có ngân hàng hiểu chỉ những dịch vụ bảo hiểm có giá trị gia tăng như bảo hiểm nhân thọ thì ngân hàng không được phép bán kèm theo hợp đồng tín dụng, còn các loại bảo hiểm bảo đảm an toàn vốn cho ngân hàng và người vay thì vẫn triển khai bình thường; nhưng lại có lãnh đạo ngân hàng hiểu là Luật cấm toàn bộ hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng.

Chẳng hạn, ABIC hiện cung cấp sản phẩm bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính. Sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ này bảo đảm cho những khoản vay tại ngân hàng khi không may gặp rủi ro bất ngờ mà không trả được nợ. ABIC cung cấp sản phẩm này cho gần 3 triệu khách hàng là cá nhân và tổ chức sử dụng dịch vụ của Agribank, riêng sản phẩm Bảo an tín dụng có gần 2 triệu khách hàng tham gia. Năm 2023, hơn 11 nghìn khách hàng đã được ABIC chi trả quyền lợi bảo hiểm với số tiền bồi thường tương ứng là 509 tỷ đồng. Lũy kết từ năm 2007-2023 số tiền bồi thường lên đến gần 6 nghìn tỷ đồng.

Trong 10 năm qua, 3 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ là Bảo hiểm Agribank (ABIC), Bảo hiểm VietinBank (VBI), Bảo hiểm BIDV (BIC) đã chi trả hơn 20 nghìn tỷ đồng bảo hiểm cho những khách hàng có khoản vay tại 3 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước khi gặp bất trắc. Theo các doanh nghiệp, nếu không có bảo hiểm thì hàng chục nghìn tỷ đồng tín dụng có nguy cơ rơi vào nợ xấu, tiềm ẩn rủi ro cho hệ thống ngân hàng.

Cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn

Đại diện một số công ty bảo hiểm cho biết doanh số bán bảo hiểm qua ngân hàng sụt giảm tới một nửa chỉ trong những ngày đầu tháng 7 chỉ vì các quy định chưa rõ ràng này trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng bình quân của thị trường bảo hiểm đang dần phục hồi nhưng vẫn giảm sút hơn thời gian trước sau “cú sốc” hồi năm 2023.

Do đó, các doanh nghiệp bảo hiểm đề nghị NHNN và các cơ quan liên quan sớm ban hành các văn bản hướng dẫn về hoạt động đại lý bảo hiểm của ngân hàng; đồng thời, làm rõ hành vi bị cấm nêu trên để các doanh nghiệp và ngân hàng triển khai, thực hiện đồng bộ. Các doanh nghiệp còn lo ngại, nếu tiến độ chậm trễ sẽ không chỉ ảnh hưởng đến thị trường bảo hiểm mà còn ảnh hưởng tới quyền lợi khách hàng.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, bảo hiểm có vai trò và ý nghĩa nhất định trong việc đảm bảo quyền lợi của khách hàng nên việc sử dụng sản phẩm bảo hiểm là quyết định của người dân. Các TCTD cũng cần thực hiện tốt vai trò của mình trong các nhiệm vụ liên quan. Các ngân hàng không được bắt người dân phải mua một sản phẩm bảo hiểm liên kết với sản phẩm và dịch vụ ngân hàng, hoặc gắn việc bắt buộc mua bảo hiểm với những ưu đãi trong sử dụng dịch vụ ngân hàng.

Hương Dịu

Đường dẫn bài viết: https://haiquanonline.com.vn/luat-da-thi-hanh-nhung-can-lam-ro-ve-hop-tac-bao-hiem-ngan-hang-187786-187786.html

In bài viết

Bản quyền thuộc về Hải quan Online