Chuẩn hóa nghiệp vụ, không còn cho vay để thanh toán L/C
(HQ Online) - Hiện nghiệp vụ thư tín dụng (L/C) được cơ quan quản lý cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện theo thông lệ quốc tế, nhưng chưa có văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cụ thể. Vì thế, việc hoàn thiện văn bản pháp lý cho hoạt động này là cần thiết, qua đó góp sức cho các hoạt động xuất nhập khẩu.
Thanh toán không dùng tiền mặt thúc đẩy số hóa dịch vụ công Lợi ích của toàn cầu hóa không chia đều, doanh nghiệp Việt Nam phải mạnh hơn Thành lập 280 công ty để xuất khống hóa đơn |
![]() |
Phương thức L/C giúp các doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro thanh toán với đối tác nước ngoài. Ảnh: ST |
Tất cả ngân hàng đang hoạt động tại Việt Nam đều cung cấp dịch vụ thanh toán L/C cho các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu. Bởi hiện nay, phương thức L/C giúp các doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro thanh toán trong giao dịch với đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, nghiệp vụ của hình thức thanh toán này có tính chất phức tạp hơn, các doanh nghiệp có thể không đáp ứng được về yêu cầu chứng từ... Do đó, quy chuẩn về nghiệp vụ thực hiện thanh toán L/C cần được đưa ra.
Ngoài ra, theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Luật Các TCTD số 32/2024/QH15 có hiệu lực thi hành từ 1/7/2024 đã quy định, nghiệp vụ L/C không còn là dịch vụ thanh toán như quy định tại khoản 15 Điều 4 Luật Các TCTD năm 2010, mà được quy định là hình thức cấp tín dụng thông qua 4 nghiệp vụ: phát hành, xác nhận, thương lượng thanh toán và hoàn trả thư tín dụng. Ngoài các nghiệp vụ cấp tín dụng này, các TCTD còn được thực hiện các dịch vụ khác liên quan đến L/C theo quy định của Thống đốc NHNN.
Vì thế, trước những yêu cầu như trên, NHNN đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định về nghiệp vụ thư tín dụng và các hoạt động kinh doanh khác liên quan đến thư tín dụng. Dự thảo nêu rõ, quan điểm xây dựng Thông tư là hướng dẫn toàn bộ hoạt động liên quan đến nghiệp vụ L/C được quy định tại Luật Các TCTD 2024 và theo thông lệ quốc tế, đảm bảo các TCTD vẫn tiếp tục cung ứng đầy đủ các nghiệp vụ và dịch vụ liên quan đến L/C trên cơ sở tuân thủ quy định liên quan tại Luật Các TCTD năm 2024 về L/C và hoạt động cấp tín dụng.
Về nguyên tắc thực hiện, theo Dự thảo, hoạt động nghiệp vụ L/C của ngân hàng đối với khách hàng được thực hiện theo thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng, phù hợp với quy định tại Thông tư này, các quy định của pháp luật có liên quan về cấp tín dụng và tập quán quốc tế về L/C. Theo đó, tại dự thảo Thông tư sẽ quy định các nội dung về quản lý hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng đối với khách hàng; việc kiểm tra bộ chứng từ, quy trình thanh toán thư tín dụng được thực hiện theo thỏa thuận giữa các bên, phù hợp với tập quán quốc tế về L/C.
Dự thảo quy định, ngân hàng và khách hàng thỏa thuận về mức lãi suất áp dụng đối với nghiệp vụ L/C. Đối với các L/C phát hành để thanh toán cho các hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ thuộc nhu cầu vốn thuộc các lĩnh vực ưu tiên theo quy định tại Khoản 2 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN về hoạt động cho vay của các TCTD. Trong nghiệp vụ phát hành L/C, ngân hàng sẽ cấp tín dụng cho các doanh nghiệp nên về nguyên tắc nếu khách hàng thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên trên cũng được áp dụng trần lãi suất cho vay ngắn hạn theo quy định của Thống đốc NHNN.
Tuy nhiên, trên thực tế, nghiệp vụ L/C chủ yếu phục vụ khách hàng xuất nhập khẩu hàng hóa. Nên các chuyên gia cho rằng, nếu quy định nội dung ưu tiên lãi suất đối với 5 lĩnh vực ưu tiên này tại dự thảo Thông tư có thể sẽ gây bất lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam khi bị chính phủ các nước, các đối tác thương mại thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam với lý do được hỗ trợ của Nhà nước về lãi suất. Vì vậy, theo NHNN, dự thảo Thông tư dự kiến không quy định nội dung ưu đãi về lãi suất đối với 5 lĩnh vực ưu tiên này.
Về đồng tiền phát hành L/C, thanh toán L/C, dự thảo quy định nguyên tắc, trên cơ sở hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ khách hàng đề nghị phát hành L/C bằng đồng tiền nào thì ngân hàng phát hành L/C bằng đồng tiền đó. Đối với hàng hóa nhập khẩu, các ngân hàng được phát hành L/C bằng ngoại tệ.
Về các dịch vụ liên quan đến L/C được cung ứng cho khách hàng, dự thảo đang quy định theo 2 phương án. Phương án 1, ngân hàng được cung cấp cho khách hàng các dịch vụ khác liên quan đến L/C theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 114 Luật Các TCTD phù hợp với tập quán quốc tế về L/C. Phương án 2, ngân hàng được cung cấp cho khách hàng các dịch vụ khác liên quan đến L/C, gồm thông báo L/C xuất khẩu; thông báo sửa đổi, kiểm tra, xử lý bộ chứng từ xuất khẩu; hủy L/C theo yêu cầu; chuyển nhượng L/C xuất khẩu; điện SWIFT; chuyển phát bộ chứng từ; xuất trình bộ chứng từ theo L/C xuất khẩu...
Đánh giá về tác động của dự thảo Thông tư về nghiệp vụ L/C, NHNN cho rằng, việc ban hành Thông tư nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động về nghiệp vụ L/C và các dịch vụ liên quan đến L/C của TCTD được thực hiện thống nhất, đầy đủ, phân định rõ ràng các nghiệp vụ L/C. Với những quy định, việc quản lý hoạt động L/C sẽ theo đúng bản chất nghiệp vụ, đảm bảo hoạt động nghiệp vụ L/C của các TCTD được thông suốt, an toàn.
Hơn nữa, trên cơ sở quy định tại Luật Các TCTD năm 2024, tập quán quốc tế về L/C, các quy định pháp luật liên quan thì không còn hoạt động cho vay để thanh toán L/C, mà khâu cho vay chỉ là quy trình giải ngân của khoản cấp tín dụng thông qua phát hành L/C. Như vậy, việc cấp tín dụng thông qua phát hành và thanh toán L/C là một quy trình cấp tín dụng thống nhất, các ngân hàng phải tuân thủ các quy định cấp tín dụng hiện hành.
Cùng với việc ban hành các quy định thống nhất, phù hợp về thanh toán L/C cho ngân hàng và doanh nghiệp xuất nhập khẩu, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp cần phối hợp tốt với ngân hàng trong hoạt động thanh toán. Ngoài việc thực hiện theo đúng quy định và quy trình thanh toán của ngân hàng, doanh nghiệp xuất nhập khẩu có thể sử dụng các dịch vụ tư vấn, bảo lãnh của ngân hàng để hạn chế rủi ro.