Thực hiện Luật Hải quan 2014: Ghi nhận việc triển khai quy định về chống buôn lậu ở Hải quan Hà Tĩnh
(HQ Online) - Theo Cục Hải quan Hà Tĩnh, những nội dung của Luật Hải quan 2014 liên quan đến công tác chống buôn lậu là nền tảng quan trọng để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ quan trọng này tại đơn vị trong thời gian vừa qua.
![]() |
Hoạt động nghiệp vụ của công chức Hải quan Hà Tĩnh tại cửa khẩu Cầu Treo. Ảnh: H.Nụ |
Rõ địa bàn
Theo Cục Hải quan Hà Tĩnh, địa phương là một tỉnh nhỏ nhưng có tuyến biên giới đất liền dài 145 km, tiếp giáp với 2 tỉnh Bôlykhămxay và tỉnh Khăm Muộn của Lào.
Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo nằm trên quốc lộ 8A nối liền các tỉnh Bắc miền Trung Việt Nam sang Lào đến các tỉnh vùng Đông bắc Thái Lan, có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh Hà Tĩnh.
Khu Kinh tế Vũng Áng với nhiều dự án quy mô lớn và quan trọng đang từng bước hoàn thành và cho ra những sản phẩm đầu tiên.
Hàng năm, lưu lượng hành khách, hàng hóa và phương tiện vận tải khá lớn qua lại tại các cửa khẩu, cảng biển trên địa bàn đã góp phần phát triển kinh tế cho tỉnh Hà Tĩnh nói riêng và cho cả nước nói chung.
Tuy nhiên, đây cũng là địa bàn thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập cảnh trái phép, buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển các chất ma túy, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ...
Những năm gần đây, các đối tượng ở khu vực hai bên biên giới giữa huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) và các huyện: Khăm Cợt, Xay Chăm Phon (tỉnh Bôlykhămxay, Lào) và các đối tượng ở địa bàn nội địa của Lào đã cấu kết, móc nối, hình thành nhiều đường dây, ổ nhóm tội phạm.
Phương thức thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu và gian lận thương mại ngày càng tinh vi: tại các địa bàn trọng điểm, các đối tượng buôn lậu thường vận chuyển hàng hóa tập kết tại các kho chứa hàng hóa, nhà dân nằm trong khu vực biên giới, lợi dụng sơ hở của các lực lượng chống buôn lậu để vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Các đối tượng buôn lậu hoạt động có tổ chức chặt chẽ, thường xuyên thay đổi địa bàn hoạt động, chủ động theo dõi các lực lượng chức năng làm công tác chống buôn lậu; sử dụng các phương thức: xé lẻ hàng hóa để vận chuyển, thuê khoán cho cư dân ven biên giới, sử dụng xe thô sơ... vận chuyển hàng lậu qua biên giới.
Kể từ khi có Luật Hải quan 2014 và các văn bản hướng dẫn (Nghị định 01/2015/NĐ-CP; Nghị định 12/2018/NĐ-CP; Quyết định số 19/2016/QĐ-TTg), đã quy định chi tiết, cụ thể về địa bàn, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Hải quan, giúp đơn vị có nhiều thuận lợi trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu.
Đơn cử như ở khu vực cửa khẩu Cầu Treo, địa bàn hoạt động hải quan được tính từ cột mốc giới số 476 với bên phải 650m, bên trái 650m, chiều sâu vào nội địa là 6 km theo trục đường quốc lộ 8A. Đồng thời, Luật Hải quan 2014 quy định rõ: cơ quan Hải quan chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan đối với hàng hóa, phương tiện vận tải để chủ động phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Cùng với đó, cơ quan Hải quan chủ trì trong phạm vi địa bàn hoạt động hải quan đối với các đối tượng hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Tăng cường công tác phối hợp
Về thẩm quyền của cơ quan Hải quan trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, theo Cục Hải quan Hà Tĩnh, Luật Hải quan 2014 đã quy định cụ thể, chi tiết như: thẩm quyền truy đuổi, dừng phương tiện vận tải, xử lý hành vi vi phạm trong công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Việc trang bị và sử dụng trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện phục vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, Cục Hải quan Hà Tĩnh đã được trang cấp cơ bản các loại trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện phục vụ công tác. Đó là: máy phát hiện ma túy, va ly thử ma túy, các loại công cụ hỗ trợ như còng số 8, dùi cui điện, áo giáp chống đạn, xe ô tô, chó nghiệp vụ, súng bắn đạn cao su, vũ khí quân dụng... Việc trang bị đầy đủ các loại thiết bị, phương tiện này giúp lực lượng Hải quan tạo nên sức mạnh trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, tạo tâm lý yên tâm để cán bộ, công chức khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra địa bàn, ngăn chặn, bắt giữ các đối tượng vi phạm.
Đối với công tác phối hợp, căn cứ quy định của Luật Hải quan 2014, các văn bản hướng dẫn và quy chế phối hợp, Cục Hải quan Hà Tĩnh đã tích cực, chủ động, thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng (Bộ đội Biên phòng, Công an, Cảnh sát biển) trong hoạt động bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội tại khu vực biên giới, cửa khẩu; kiểm tra, kiểm soát, quản lý hàng hoá xuất nhập khẩu, hành khách phương tiện xuất nhập cảnh; thực hiện nhiệm vụ phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới; đấu tranh phòng chống tội phạm…
Trung bình mỗi năm, Cục Hải quan Hà Tĩnh phối hợp với các lực lượng thực hiện tuần tra trong, ngoài địa bàn 400 cuộc/năm; bắt giữ, xử lý 15 vụ/năm...