"Cởi trói" cho ngân hàng mua lại trái phiếu doanh nghiệp
(HQ Online) - Theo các chuyên gia, việc sửa đổi quy định để cho phép tổ chức tín dụng (TCTD) được mua lại trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã bán trước đó sẽ hỗ trợ các nhà đầu tư cũng như các doanh nghiệp phát hành có dòng tiền để xử lý một phần lượng TPDN đáo hạn trong năm 2023.
![]() |
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ. Ảnh: ST |
Có hiệu lực từ 24/4/2023 đến hết 31/12/2023, Thông tư 03/2023/TT-NHNN quy định ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 quy định việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cho phép TCTD được mua lại TPDN đã bán trước đó, mà không cần chờ sau 1 năm như quy định cũ.
Đánh giá sơ bộ về tác động của Thông tư 03 này với thị trường, nghiên cứu của TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, điều khoản này sẽ hỗ trợ các nhà đầu tư cũng như các doanh nghiệp phát hành TPDN có dòng tiền để xử lý một phần lượng TPDN đáo hạn trong năm 2023, dự báo lượng đáo hạn sẽ tập trung vào quý 2 và quý 4/2023.
Qua đó, việc này sẽ giúp doanh nghiệp có thể dùng nguồn vốn đang có để duy trì sản xuất kinh doanh, đầu tư, tiêu dùng, vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi và phát triển KTXH.
Đồng quan điểm, báo cáo thị trường trái phiếu, tiền tệ của Công ty Chứng khoán SSI cũng nhận định khả quan về việc NHNN ban hành thông tư liên quan đến giao dịch của các TCTD. Theo SSI, nhìn chung, các biện pháp đều hướng đến việc cung cấp các điều kiện pháp lý thuận lợi và rõ ràng hơn, giải quyết những khó khăn về thanh khoản tạm thời trên thị trường, và giúp ổn định tâm lý trên thị trường.
Tuy vậy, điều kiện thực hiện theo Thông tư 03 là doanh nghiệp phải ở mức xếp hạng tín dụng nội bộ cao nhất của TCTD, tức là có tình hình tài chính và sản xuất kinh doanh khá lành mạnh; đồng thời tùy thuộc vào đánh giá, khẩu vị rủi ro và năng lực tài chính của các TCTD.
Do đó, nghiên cứu của nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, lượng TPDN được mua lại sẽ không nhiều Đối với doanh nghiệp phát hành kém hơn, ở các nhóm xếp hạng dưới, sẽ phải tiếp tục triển khai các giải pháp như đã nêu trong Nghị định 08/NĐ-CP ngày 5/3/2023 và Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/3/2023…
Đối với an toàn hệ thống tài chính – tín dụng, theo TS Cấn Văn Lực, đây là những quyết sách mạnh hỗ trợ thanh khoản của thị trường TPDN trong năm 2023 và đến giữa năm 2024, qua đó góp phần tháo gỡ khó khăn về dòng tiền, dòng vốn. Tuy nhiên, cần lưu ý hiệu lực của Thông tư 03 là đến hết năm 2023, nên sau đó sẽ tùy thuộc khá nhiều vào khả năng phục hồi, duy trì và phát triển của doanh nghiệp được mua lại TPDN, nếu không sẽ dẫn đến rủi ro nợ xấu.
Cũng về vấn đề này, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc, Lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn thuế, PwC Việt Nam đã từng nhận định, quy định tại Thông tư 03 sẽ giúp tạo thanh khoản tốt hơn, hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường TPDN. Bởi so với các nước, thị trường TPDN Việt Nam còn rất thấp, chưa sôi động, không phải là kênh chính thu hút vốn của doanh nghiệp. Vị chuyên gia này cũng cho rằng, TCTD mua TPDN sẽ được cân nhắc trên lợi nhuận mang lại, bản thân TCTD cũng là một định chế tài chính nên sẽ có công cụ tính toán để tránh rủi ro.
Trước những phân tích như trên, nhóm nghiên cứu của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đã đưa ra một số kiến nghị như cần chủ động phân tích, dự báo diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế để có kịch bản ứng phó phù hợp; tiếp tục bình ổn, lành mạnh hóa các thị trường, nhất là thị trường tài chính, bất động sản nhằm củng cố niềm tin nhà đầu tư và người dân.
Bên cạnh đó, NHNN và Bộ Tài chính cần theo dõi, đôn đốc, giám sát thực hiện và kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện. Đồng thời, các doanh nghiệp cần nắm rõ phạm vi, đối tượng và điều kiện TPDN được mua lại, thiện chí phối hợp với các TCTD, các doanh nghiệp phát hành để hoàn thiện hồ sơ theo quy định.
Đặc biệt, các chuyên gia kiến nghị, Bộ Tài chính cần sớm có điều chỉnh điều kiện phát hành TPDN ra công chúng phù hợp hơn, phê duyệt nhanh hơn, nhằm khuyến khích các DN phát hành ra kênh này nhiều hơn, cùng với việc hoàn thiện chính sách phát triển thị trường TPDN lành mạnh, an toàn, hiệu quả, giảm áp lực vốn trung dài hạn đối với hệ thống ngân hàng.