Những “ông lớn” doanh nghiệp nhà nước sẽ được sắp xếp như thế nào vào 2022-2025?
(HQ Online) - Quyết định 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022-2025 vừa được Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký ban hành đã nêu rõ phương án cổ phần hóa, tỷ lệ cổ phần nắm giữ của Nhà nước đối với các doanh nghiệp nhà nước.
![]() | Thoái vốn nhà nước tại 141 doanh nghiệp giai đoạn 2022-2025 |
![]() | Tháo gỡ vướng mắc cổ phần hóa doanh nghiệp |
![]() | Có gì đáng chú ý trong bức tranh tài chính của doanh nghiệp nhà nước? |
![]() |
Bộ Tài chính tiếp tục nắm giữ 100% vốn điều lệ tại Vietlott. |
Theo đó, Quyết định duy trì 195 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên giai đoạn 2022-2025 (danh mục doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ giai đoạn 2022-2025).
Trong đó, Công ty TNHH xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) do Bộ Tài chính là cơ quan chủ sở hữu nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục nắm giữ 100% vốn điều lệ của: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1).
Ngoài ra, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) thuộc sở hữu của Bộ Thông tin và Truyền thông; Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) thuộc Bộ Xây dựng; Nhà máy In tiền Quốc gia, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Công ty TNHH một thành viên Phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ...
Cũng theo Quyết định, 19 doanh nghiệp sẽ thực hiện cổ phần hóa, 5 doanh nghiệp được sắp xếp lại; thực hiện thoái vốn tại 141 doanh nghiệp giai đoạn 2022-2025.
Trong đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) nằm trong danh sách thực hiện cổ phần hóa, với tỷ lệ vốn Nhà nước dự kiến nắm giữ sau cổ phần hóa là từ 65% trở lên. Nhà nước sẽ giải thể Công ty TNHH một thành viên-Tổng công ty Đầu tư và Xuất nhập khẩu Cao Bằng.
Quyết định cũng đặt mục tiêu thực hiện thoái hoàn toàn vốn nhà nước tại 116 doanh nghiệp với thời gian hoàn thành chia theo 2 giai đoạn 2022-2023 và 2023-2024 tùy từng doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp được thoái vốn tiêu biểu như: Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Phát triển rau hoa quả, Tổng công ty Cơ khí xây dựng - Công ty cổ phần (COMA), Tổng Công ty cổ phần Sông Hồng, Tổng công ty Viglacera - Công ty cổ phần, Công ty cổ phần Giầy Thượng Đình, Công ty TNHH Tập đoàn sản xuất hàng dệt may (Vinatex)…
Quyết định cũng giữ nguyên phần vốn nhà nước tại 126 doanh nghiệp như: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) - 75,87%, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - 95,40%, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) – 51%... Đối với Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank), Nhà nước tiếp tục duy trì tỷ lệ cổ phần nắm giữ là 64,46%.
21 doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện sắp xếp theo phương án riêng giai đoạn 2022-2025.
Chẳng hạn, 2 ngân hàng là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Chính phủ sẽ thực hiện theo Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” nêu tại Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/06/2022 của Thủ tướng Chính phủ và “Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến 2025, định hướng đến 2030" nêu tại Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/08/2018 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó nêu rõ kế hoạch sắp xếp và tỷ lệ vốn dự kiến Nhà nước nắm giữ tại 02 ngân hàng.
Tính đến thời điểm hiện tại, Nhà nước đang nắm giữ 80,9% vốn tại BIDV và 74,8% vốn tại Vietcombank.
Ngoài ra, các doanh nghiệp được sắp xếp theo phương án riêng còn có: Tập đoàn Bảo Việt – CTCP, hiện Bộ Tài chính đang nắm giữ 65% vốn. Các doanh nghiệp do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là đại diện chủ sở hữu gồm: Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (VINACHEM), Tổng công ty Cà phê Việt Nam (VINACAFE), Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) đều đang có 100% vốn nhà nước, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) – 86,19% vốn nhà nước, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) – 51.43% vốn.