Lấy ý kiến thẩm định dự thảo Nghị định về thủ tục hải quan kiểm tra, giám sát hải quan
(HQ Online) - Trên cơ sở các ý kiến tham gia, Bộ Tài chính đã tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu, giải trình cụ thể và hoàn thiện dự thảo hồ sơ thẩm định Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 và lấy ý kiến thẩm định Bộ Tư pháp.
![]() |
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Na Mèo . Ảnh: Phong Nhân |
Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan” nhằm thống nhất các nội dung trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Đặc biệt, sửa đổi, bổ sung quy định để tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dụng mô hình hải quan thông minh, hải quan số gắn với triển khai Đề án tái thiết kế hệ thống công nghệ thông tin tổng thể ngành Hải quan và khung Chiến lược phát triển hải quan trên cơ sở quản lý tập trung, ứng dụng thành tựu công nghệ mới, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, đáp ứng yêu cầu quản trị thông minh, tạo thuận lợi thương mại, khả năng tích hợp, kết nối, chia sẻ, trao đổi dữ liệu hải quan với các bên liên quan. Dự kiến đưa vào vận hành từ đầu năm 2023.
Nghị định cũng sửa đổi và đơn giản hóa thủ tục hành chính, đảm bảo tính minh bạch trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá, xuất nhập cảnh phương tiện vận tải và phù hợp với xu hướng tổ chức các sự kiện thể thao, văn hóa lớn mang tầm cỡ quốc tế tại Việt Nam, như: Giải đua xe Công thức 1 (Formula One World Championship); Khung tiêu chuẩn về an ninh an toàn SAFE của Tổ chức Hải quan thế giới; đồng thời, tạo nền tảng để tiến tới ký kết Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên với các quốc gia và vùng lãnh thổ.
Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2015/NĐ-CP cũng nhằm củng cố cơ sở pháp lý về thông tin hải quan, trị giá hải quan, thẩm quyền xử lý, thực thi công vụ của cơ quan Hải quan trong các hoạt động kiểm tra sau thông quan và điều tra chống buôn lậu; nâng cao tính tuân thủ pháp luật của người khai hải quan.
Đồng thời, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung và tương thích với các điều ước quốc tế liên quan đến lĩnh vực hải quan.
Các nhóm vấn đề được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Nghị định bao gồm: vấn đề về thủ tục hải quan; kiểm tra chuyên ngành, một cửa quốc gia; trị giá hải quan; phân loại hàng hóa; giải phóng hàng hóa, thông quan hàng hóa; quản lý hàng gia công, sản xuất xuất khẩu; hàng hóa quá cảnh; hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập; thủ tục đối với hành ký của người xuất cảnh, nhập cảnh; bổ sung quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hóa cung ứng lên tàu bay, tàu biển xuất cảnh; thủ tục hải quan đối với phương tiện vận tải xuất nhập cảnh đường hàng không, đường biển; công tác quản lý phương tiện vận tải đường bộ, đường thủy nội địa và các phương tiện vận tải khác; quản lý kho ngoại quan; chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp; kiểm tra sau thông quan; chống buôn lậu.