Xác định giá tính thuế trong giao dịch liên kết: Xây dựng quy định mới phù hợp với chuẩn mực quốc tế
(HQ Online) - Trong bối cảnh các giao dịch xuyên biên giới ngày càng tăng mạnh thì việc xây dựng các phương pháp xác định giá tính thuế đối với giao dịch liên kết là rất cần thiết để quản lý chặt nguồn thu từ các giao dịch này.
![]() |
Cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) bắt đầu được thực hiện tại Việt Nam từ năm 2014. Ảnh: Thùy Linh |
Quy định mới thống nhất với các quy định hiện hành
Cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) bắt đầu được thực hiện tại Việt Nam từ năm 2014 dựa trên quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia về thuế, việc thực hiện cơ chế APA là cần thiết vì đây là xu thế chung mà cơ quan Thuế các nước đều đang áp dụng hiệu quả để quản lý nguồn thu từ các giao dịch xuyên biên giới. Đồng thời, xét về nguyên tắc, cơ chế này cũng sẽ mang lại lợi ích cho cả người nộp thuế và là cầu nối để Việt Nam hòa nhập với xu thế chung về thuế quốc tế trên thế giới. Mặt khác, cơ chế APA được quy định là một cơ chế tự nguyện, được thực hiện trên cơ sở đề nghị của người nộp thuế, xác lập dựa trên các thông tin dự kiến, kế hoạch của người nộp thuế.
Cơ chế APA tại Việt Nam trước đây được thực hiện theo các hướng dẫn tại Thông tư số 201/2013/TT-BTC. Về cơ bản, Thông tư này đã được ban hành phù hợp với nguyên tắc của cơ chế này tại Luật Quản lý thuế sửa đổi số 21/2012/QH13, Nghị định số 83/2013/NĐ-CP và thông lệ quốc tế về việc giải quyết và áp dụng cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế. Tuy nhiên, theo Tổng cục Thuế, từ ngày 1/7/2016, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 có hiệu lực, theo đó, nghiêm cấm hành vi quy định thủ tục hành chính tại Thông tư (trừ trường hợp được Luật giao). Do đó, các nội dung tại Thông tư số 201/2013/TT-BTC trước đây có liên quan đến thủ tục hành chính đã được Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ đưa lên quy định tại Nghị định số 126/2020/NĐ-CP.
Vì vậy, việc Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 45/2021/TT-BTC hướng dẫn việc áp dụng cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) trong quản lý thuế đối với giao dịch liên kết sẽ kế thừa các nội dung tại Thông tư 201/2013/TT-BTC trước đây nhưng được xác định vẫn phù hợp với các quy định hiện hành. Đồng thời, Thông tư số 45 cũng sửa đổi, cập nhật một số nội dung cho phù hợp với thực tế triển khai cơ chế này tại Việt Nam trên cơ sở các quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP và Nghị định số 132/2020/NĐ-CP.
Không quy định thời hạn cụ thể giải quyết APA
Một trong những nội dung quan trọng tại Thông tư số 45/2021/TT-BTC là quy định về phạm vi thẩm định hồ sơ đề nghị áp dụng APA. Theo đó, Tổng cục Thuế tiến hành thẩm định hồ sơ đề nghị áp dụng APA của người nộp thuế nhằm kiểm tra, đối chiếu, xác định và đánh giá tính đầy đủ, chính xác, hợp pháp, hợp lý, hợp lệ của các thông tin, dữ liệu do người nộp thuế cung cấp để đưa ra bản đánh giá về phương pháp xác định giá giao dịch liên kết, đối tượng so sánh được lựa chọn phù hợp cho việc xác định mức giá, tỷ suất lợi nhuận hoặc tỷ lệ phân bố lợi nhuận đối với các giao dịch thuộc phạm vi đề nghị áp dụng APA. Trong quá trình thẩm định, Tổng cục Thuế có thể áp dụng các biện pháp sau: yêu cầu người nộp thuế và tổ chức, cá nhân khác có liên quan giải trình, làm rõ các thông tin trong hồ sơ đề nghị áp dụng APA; áp dụng các biện pháp quản lý thuế đối với người nộp thuế để xác minh tính đầy đủ, chính xác, hợp pháp, hợp lý, hợp lệ của các thông tin, tài liệu do người nộp thuế cung cấp.
Có thể thấy, tại Thông tư số 45/2021/TT-BTC, các nội dung liên quan đến thẩm định hồ sơ đề nghị áp dụng APA; trao đổi, đàm phán APA được xây dựng theo hướng làm rõ phạm vi của các nghiệp vụ này trong quá trình giải quyết đề nghị áp dụng APA, không đưa các nội dung liên quan đến thời hạn giải quyết cụ thể để tránh tạo thành các thủ tục hành chính tại cấp Thông tư nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Theo Tổng cục Thuế, qua nghiên cứu thông lệ các nước đã áp dụng cơ chế này cho thấy, do APA là một trong những biện pháp giải quyết tranh chấp, thường liên quan đến nhiều bên, trong trường hợp song, đa phương còn liên quan đến nhiều quốc gia nên việc xác định một thời hạn cụ thể là không phù hợp. Bên cạnh đó, số liệu thống kê cho thấy, ngay cả với các nước đã triển khai cơ chế này từ rất lâu nhưng đều có thời hạn giải quyết khá dài (từ khâu thẩm định đến đàm phán), do đó, ngay cả những quốc gia đã có nhiều kinh nghiệm giải quyết APA cũng không đưa vào luật quy định cụ thể hay cố định thời hạn của các khâu trong quy trình giải quyết APA. Thông tin về thời hạn giải quyết APA của từng quốc gia thường là các số liệu thống kê trên cơ sở các hồ sơ, trường hợp trên thực tế của từng quốc gia và được ghi nhận tại các báo cáo thường niên về cơ chế này của các nước hoặc số liệu thống kê của các tổ chức quốc tế.