Tập trung hoàn thiện quy định hướng tới đẩy mạnh cải cách kiểm tra chuyên ngành
(HQ Online) - Đó là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đưa ra tại cuộc họp trực tuyến về hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa NK (gọi tắt là dự thảo Nghị định KTCN).
![]() | Vẫn còn nhiều dư địa để cải cách môi trường kinh doanh |
![]() | Cải cách kiểm tra chuyên ngành: Cuộc cách mạng trong hoạt động xuất nhập khẩu |
Tham dự cuộc họp có đại diện các bộ, ngành, Văn phòng Chính phủ, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính và cục hải quan các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Ninh, Quảng Trị, Đà Nẵng, Lạng Sơn.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, thời gian qua, công tác kiểm tra chất lượng, kiểm tra ATTP đối với hàng hoá NK đã được cải cách đáng kể, được cộng đồng DN ghi nhận. Tuy nhiên, công tác KTCN hiện vẫn còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho DN như phạm vi quản lý và kiểm tra rộng, chưa có đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn để thực hiện việc kiểm tra; thực hiện không thống nhất giữa các bộ, ngành hoặc giữa văn bản hướng dẫn và văn bản pháp lý cao hơn…
Với những bất cập, vướng mắc trên, tại Quyết định 38/QĐ-TTg ngày 12/1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng mô hình mới về kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hoá NK, đồng thời trình Chính phủ ban hành Nghị định KTCN để làm cơ sở triển khai mô hình mới này.
![]() |
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai chủ trì cuộc họp. Ảnh: H.Nụ |
Theo đó, Bộ Tài chính đã giao Tổng cục Hải quan làm đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định KTCN nằm tạo thuận lợi cho DN; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng. Đồng thời, cải cách toàn diện các quy định về hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra ATTP đối với hàng hoá NK theo hướng đẩy mạnh ứng dụng CNTT, áp dụng quản lý rủi ro, đơn giản hoá quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hoá NK, giảm đầu mối tiếp xúc giữa DN với các cơ quan, tổ chức.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định KTCN cũng hướng tới mục tiêu cắt giảm chi phí, thời gian thông quan hàng hoá NK; tạo môi trường, điều kiện cần thiết thực hiện xã hội hoá hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm… Đặc biệt, quy định cũng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hoá NK nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ, đúng quy định, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia…
Tham gia đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Nghị định KTCN, hầu hết đại diện các bộ, ngành đều ủng hộ chủ trương cải cách KTCN theo hướng đẩy mạnh cải cách theo phương thức điện tử. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, ban soạn thảo cần chú ý tránh chồng chéo với các quy định hiện hành, phạm vi điều chỉnh cũng như quy định cụ thể về các đối tượng, nhóm, mặt hàng…
Kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Vũ Thị Mai đánh giá cao sự tham gia ý kiến tích cực của đại diện các bộ, ngành để cơ quan chủ trì soạn thảo hoàn thiện dự thảo Nghị định KTCN bước đầu.
Để thúc đẩy nhanh quá trình xây dựng, hoàn thiện trước khi trình Chính phủ, Thứ trưởng Vũ Thị Mai đề nghị Tổng cục Hải quan (cơ quan chủ trì soạn thảo) cần phối hợp chặt chẽ với đại diện đầu mối tại các bộ, ngành tổ chức rà soát, cập nhật các quy định; triển khai các hội nghị, hội thảo lấy ý kiến đóng góp rộng rãi. Các đầu mối của bộ, ngành tham gia vào ban soạn thảo cần thường xuyên trao đổi, thảo luận, gấp rút hoàn chỉnh dự thảo một cách thống nhất trước khi trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.