10 sự kiện nổi bật của ngành Hải quan năm 2020
1. Tăng cường triển khai có hiệu quả công tác kiểm soát hải quan nhằm quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt, tổ chức triệt phá thành công nhiều chuyên án lớn liên quan đến vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới.
Với quyết tâm "tích cực, chủ động trong phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả", Tổng cục Hải quan đã bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Ban chỉ đạo 138 của Chính phủ, Bộ Tài chính tổ chức thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ được giao từ công tác tham mưu đến công tác đấu tranh trực tiếp, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Kết quả đạt được, trong 11 tháng đầu năm 2020, ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 14.100 vụ vi phạm pháp luật hải quan với trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 4.231 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan khởi tố 37 vụ án hình sự, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 130 vụ, số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 463 tỷ 191 triệu đồng.
Nổi bật, tổ chức đấu tranh triệt phá thành công chuyên án buôn lậu thuốc lá điếu trên biển lớn nhất từ trước tới nay, thu giữ khoảng 8.549 kiện, tương đương 4.274.500 bao thuốc lá điếu các loại bao gồm thuốc lá ba số 555, ESSI, YUXI, DOUBLE… Kết quả kiểm tra các đối tượng trên tàu đã sang mạn chót lọt xuống 5 xuồng cao tốc khoảng 2.000 kiện thuốc lá, tương đương 1.000.000 bao, số lượng thuốc lá còn lại trên tàu khoảng 6.549 kiện, tương đương 3.274.500 bao thuốc lá điếu các loại.
Thuốc lá ngoại tang vật do Hải đội 1 bắt giữ. |
Tập trung đấu tranh trọng điểm, có hiệu quả đối với hoạt động buôn lậu mặt hàng dược liệu. Cụ thể, ngày 22/6/2020, Cục Điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan đã phối hợp với Cục Hải quan Đà Nẵng, cơ quan kiểm nghiệm thuốc thuộc Bộ Y tế và các cơ quan chức năng khác trên địa bàn tiến hành khám xét 5 container, phát hiện hàng hóa chứa trong 5 container trên không phải chỉ là táo ta, củ cải, cà rốt như doanh nghiệp khai báo mà phần lớn là thảo dược, khối lượng khoảng 103 tấn.
Năm 2020, ngành Hải quan với vai trò một trong những lực lượng nòng cốt trong công tác đấu tranh phòng, chống vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới, toàn Ngành đã vào cuộc quyết liệt và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tính đến tháng 11/2020, lực lượng Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức triệt phá thành công nhiều chuyên án lớn liên quan đến vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới, phát hiện 205 vụ, bắt giữ 184 đối tượng; thu giữ hơn 82 kg và 219 bánh heroin; 16,02kg cần sa; 15,7 kg thuốc phiện; 23,01 kg và 412.464 viên ma túy tổng hợp; 646,6 kg ma túy đá... Việc triệt phá thành công nhiều vụ buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới đã khẳng định sự mưu trí, chính xác trong công tác phá án, đồng thời cũng thể sự phối hợp nhuần nhuyễn, đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả giữa các lực lượng, góp phần chặt đứt được một trong những đường dây ma túy lớn, góp phần đảm bảo an ninh trong nước và an toàn cộng đồng.
Vụ việc điển hình:
Thứ nhất: Ngày 8/9/2020, trong quá trình kiểm tra, giám sát hàng hóa bằng máy soi hành lý tại khu vực cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Cầu Treo chủ trì, phối hợp với Đội Kiểm soát phòng chống ma túy, Trạm Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và Phòng PC04 Công an tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện 5 pho tượng gỗ trong đó có chứa 93.000 gram methamphetamine và 5.000 gram ketamine. Số ma túy này được các đối tượng ngụy trang rất tinh vi trong 5 pho tượng gỗ, có cài định vị.
Thứ hai: Lực lượng Hải quan đã phối hợp với các lực lượng chức năng Công an, Biên phòng xác lập và đấu tranh 2 chuyên án ma túy, triệt phá hai đường dây vận chuyển trái phép ma túy lớn từ TP Hồ Chí Minh đi Hàn Quốc và đường dây vận chuyển ma túy từ Campuchia về TP Hồ Chí Minh qua các cửa khẩu thuộc các tỉnh miền Tây, Cục Điều tra chống buôn lậu và lực lượng chức năng đã bắt giữ quả tang 19 đối tượng và thu giữ trên 160 kg ma túy thuốc lắc, ketamine, methamphetamine các loại và 19 bánh heroin cùng nhiều tang vật và tài liệu có liên quan. Kết quả của Chuyên án trên đã thể hiện sự quyết tâm cao độ, sự mưu trí, sự tin cậy và thống nhất cao trong áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ và công tác hiệp đồng tác chiến chặt chẽ của lực lượng Hải quan cùng với các lực lượng Công an nhân dân. Nhờ có sự mưu trí, dũng cảm, sáng tạo, không quản ngại khó khăn gian khổ hy sinh của các lực lượng phá án, kết quả chuyên án thành công, đảm bảo đúng pháp luật, tuyệt đối an toàn cho người và phương tiện tham gia đấu tranh chuyên án; cắt đứt được đường dây vận chuyển ma túy từ Campuchia về TP Hồ Chí Minh với số lượng rất lớn.
Bên canh đó, trong năm qua ngành Hải quan cũng tích cực, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức mít tinh tuyên truyền phòng, chống ma túy; phát hành áp phích tuyên truyền về phòng, chống ma túy tại mốt số tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Kiên Giang, Long An và chủ động tuyên truyền trên các đơn vị truyền thông như xây dựng phim phóng sự “Hải Quan với công tác phòng chống ma túy qua biên giới” phát trên VTV2 và “Lực lượng Hải quan đấu tranh với tội phạm ma túy qua biên giới Việt - Lào” phát sóng trên VTV5 - Đài Truyền hình Việt Nam...
Với kết quả trên, các đơn vị trong toàn ngành Hải quan đã thể hiện sự đoàn kết một lòng, phát huy sức mạnh tập thể vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tích cực, chủ động xây dựng các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh chống buôn lậu, tổ chức lực lượng kiên quyết ngăn chặn, triệt phá nhiều chuyên án, vụ việc lớn, phức tạp, bóc gỡ thành công nhiều ổ nhóm, tụ điểm buôn lậu, lập nên những chiến công, thành tích xuất sắc được Đảng, Chính phủ, Bộ Tài chính và cộng đồng ghi nhận.
2. Nỗ lực vượt qua khó khăn, phấn đấu thu NSNN đạt mức cao nhất các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra trong bối cảnh dịch Covid-19.
Năm 2020, Tổng cục Hải quan được Quốc hội và Bộ Tài chính giao dự toán thu là 338.000 tỷ đồng. Để hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2020, Tổng cục Hải quan đã ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2020, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2020, ban hành Chỉ thị số 1040/CT-TCHQ về việc thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu NSNN năm 2020 và giao chỉ tiêu thu NSNN cho các đơn vị.
Tuy nhiên trước tình hình dịch bệnh bùng phát và lan rộng, như Kết luận số 77-KL/TW của Bộ Chính trị đã đánh giá: Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả quốc gia trên thế giới, hiện nay đang tiếp tục diễn biến rất phức tạp. Nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng đã và đang chịu nhiều tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; đã tác động trực tiếp đến các ngành xuất nhập khẩu, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, y tế, giáo dục, lao động, việc làm; nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể, tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô.
Ngành Hải quan phấn đấu tăng thu NSNN đạt mức cao nhất. Ảnh: Q.H |
Ngành Hải quan, trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã rà soát và triển khai nhiều giải pháp nhằm phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, cụ thể: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tăng cường công tác kiểm soát hải quan, các kế hoạch, chuyên đề chống buôn lậu lớn, liên quan đến các mặt hàng trọng điểm để tổ chức thực hiện trong toàn Ngành; đẩy mạnh thu thập phân tích thông tin và ứng dụng công nghệ kiểm tra, giám sát hiện đại; siết chặt kỷ cương kỷ luật trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát hải quan. Tạm dừng hoạt động kiểm tra đánh giá tuân thủ pháp luật của người khai hải quan trong năm 2020. Đối với trường hợp thanh tra chuyên ngành, kiểm tra sau thông quan theo dấu hiệu vi phạm và thanh tra, kiểm tra mà tập trung đẩy mạnh công tác thu thập, phân tích thông tin làm tiền đề cho việc đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra sau thông quan sau khi dịch bệnh Covid 19 kết thúc. Rà soát, đánh giá phân tích mức độ rủi ro, dấu hiệu vi phạm đối với các doanh nghiệp chưa thực hiện thanh tra chuyên ngành. Phân tích số liệu, xác định các mặt hàng có rủi ro cao gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp; tập trung rà soát, nắm chắc tình hình nợ thuế; phân loại các nhóm nợ, tình trạng nợ thuế của doanh nghiệp; rà soát, thu thập tài liệu, hoàn thiện hồ sơ đối với các trường hợp đủ điều kiện khoanh nợ, xóa nợ. Rà soát, thực hiện kiểm tra tên hàng, mã số, mức thuế tại khâu thông quan, khâu sau thông quan để phát hiện và xử lý các trường hợp khai sai mã số, khai ngụy trang tên hàng hoặc khai tên hàng không rõ ràng, đầy đủ để được áp dụng mức thuế suất thấp hoặc được hưởng các mức thuế ưu đãi đặc biệt trong đó tập trung kiểm tra những mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu rủi ro về phân loại và áp dụng mức thuế; rà soát trên hệ thống GTT02, Hệ thống trực ban trực tuyến và các hệ thống công nghệ thông tin có liên quan để chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố thực hiện kiểm tra trị giá đối với những mặt hàng và doanh nghiệp có khả năng rủi ro cao về trị giá tránh trường hợp bỏ sót, bỏ lọt các lô hàng có mức giá khai báo thấp, bất hợp lý nhưng không được tham vấn hoặc xử lý kịp thời trong đó tập trung chỉ đạo theo chuyên đề đối với những nhóm hàng, mặt hàng xuất khẩu có thuế suất cao.
Với sự nỗ lực của toàn Ngành, dự kiến đến hết ngày 31/12/2020, số thu NSNN đạt khoảng 315.000 tỷ đồng, bằng 93,2% dự toán (338.000 tỷ đồng), đạt 105% số đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 khóa XIV (300.000 tỷ đồng).
3. Tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ cơ quan Tổng cục Hải quan lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Đại hội đại biểu Đảng bộ cơ quan Tổng cục Hải quan lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 được tổ chức tại trụ sở cơ quan Tổng cục Hải quan trong 2 ngày 15-16/7/2020. Đây là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng của Đảng bộ, biểu thị sức mạnh đoàn kết, trí tuệ, năng động, sáng tạo, tinh thần thi đua thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ cơ quan Tổng cục Hải quan, góp phần vào thành tích chung của ngành Tài chính và công cuộc đổi mới đất nước.
Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các văn bản hướng dẫn về một số nội dung đại hội đảng bộ các cấp trong Đảng bộ Bộ Tài chính tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cho toàn thể cán bộ đảng viên của Đảng bộ. Tiến hành xây dựng kế hoạch, chuẩn bị nội dung và chuẩn bị nhân sự đại hội chu đáo.
Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan Tổng cục Hải quan nhiệm kỳ 2020-2025 ra mắt Đại hội. Ảnh: Q.Hùng |
Quá trình diễn ra đại hội từ cấp chi bộ trực thuộc đển đảng bộ bộ phận, đảng bộ cơ sở, Đảng bộ cơ quan Tổng cục Hải quan đều đảm bảo đúng thủ tục, trình tự và nghi lễ quy định. Đại hội được tiến hành một cách trang trọng trong không khí vui tươi phẩn khởi của các đại biểu tham dự đại hội. Tại đại hội, các đại biểu tham dự đại hội đã phát huy dân chủ, tinh thần trách nhiệm tích cực thảo luận, tham luận, tham gia nhiều ý kiến chất lượng, có chiều sâu vào báo cáo chính trị đại hội, báo cáo kiểm điểm cấp ủy cũng như tham gia ý kiến vào dự thảo văn kiện đại hội XIII của Đảng và Văn kiện đại hội Đảng bộ cấp trên. 100% các tổ chức đảng trong Đảng bộ cơ quan Tổng cục Hải quan đều hoàn thành các nội dung của Đại hội theo đúng quy định.
Đại hội các đảng bộ, chi bộ trực thuộc và Đại hội đại biểu Đảng bộ cơ quan Tổng cục Hải quan lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã thành công tốt đẹp, không phát sinh những vấn đề phức tạp, nổi cộm. Quá trình diễn ra đại hội, các đơn vị trong cơ quan Tổng cục luôn đảm bảo duy trì tốt các hoạt động bình thường, không làm ảnh hưởng tới chuyên môn nghiệp vụ.
Kết quả, 100% các đảng bộ, chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ quan Tổng cục Hải quan đã bầu cấp ủy đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng theo phương án đã xây dựng được phê duyệt.
Đảng bộ cơ quan Tổng cục Hải quan đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 18 đồng chí; Bầu Đoàn đại biểu tham dự Đại hội Đảng bộ Bộ Tài chính lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 64 đại biểu chính thức và 6 đại biểu dự bị.
Đại hội đã ra Nghị quyết quyết nghị phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho nhiệm kỳ 2020-2025, với phương châm “Đoàn kết - Đổi mới - Kỷ cương - Đột phá - Sáng tạo”. Tập trung sức mạnh đoàn kết, trí tuệ, năng động, sáng tạo, tinh thần thi đua thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ cơ quan Tổng cục Hải quan, góp phần vào thành tích chung của ngành Tài chính và công cuộc đổi mới đất nước.
4. Tổ chức thành công Hội nghị đại biểu điển hình tiên tiến ngành Hải quan lần thứ VI nhân kỷ niệm 75 năm thành lập Ngành (10/9/1945 – 10/9/2020)
Sáng ngày 20/8/2020, Tổng cục Hải quan đã long trong tổ chức Hội nghị Đại biểu điển hình tiên tiến Tổng cục Hải quan lần thứ VI bằng hình thức trực tuyến. Hội nghị đã vinh dự được đón tiếp đồng chí Đinh Tiến Dũng - Bí thư Ban cán sự, Bộ trưởng Bộ Tài chính, đại diện Ban Thi đua khen thưởng Trung ương, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tài chính và hơn 300 đại biểu tại 36 điểm cầu đại diện cho hơn 11.000 công chức, người lao động thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan.
Để đánh giá toàn diện những thành quả đạt được, Tổng cục Hải quan đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế cũng như những khó khăn vướng mắc trong phong trào thi đua, khen thưởng trong giai đoạn 2016-2020 qua đó, đề ra phương hướng nhiệm vụ của công tác này giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, là dịp để Tổng cục Hải quan tôn vinh, học tập, nhân rộng những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước được lựa chọn từ các đơn vị trong Ngành.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho tập thể lãnh đạo Tổng cục Hải quan tại Hội nghị Đại biểu điển hình tiên tiến ngành Hải quan (8/2020). |
Kết quả: Từ tháng 7/2015 - 6/2020, ngành Hải quan đã có 28 tập thể được tặng Cờ thi đua của Chính phủ, 1 tập thể được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, 1 tập thể được tặng Huân chương Độc lập hạng Ba, 7 tập thể được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, 29 tập thể và 44 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, 16 tập thể và 70 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Nhiều tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân chương Chiến công các hạng, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Giấy khen của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.
Việc tổ chức hội nghị là dấu mốc quan trọng khẳng định bước phát triển mới của phong trào thi đua và công tác khen thưởng; thể hiện sự tiếp nối, phát huy những truyền thống tốt đẹp và những thành tích, kết quả đã đạt được trong những năm qua. Đặc biệt, tại hội nghị đồng chí Đinh Tiến Dũng - Bí thư Ban cán sự, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã trao tặng, gắn Huân chương Lao động hạng Nhất cho Tổng cục Hải quan và đồng chí Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho 4 tập thể thuộc Tổng cục Hải quan.
Tại hội nghị này, Tổng cục Hải quan đã phát động phong trào thi đua giai đoạn 2021-2025 của Tổng cục Hải quan với Chủ đề “Đoàn kết - Kỷ cương - Đổi mới - Sáng tạo, thi đua xây dựng Hải quan Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị giai đoạn 5 năm 2021-2025” với mục tiêu: Công chức, viên chức, người lao động Tổng cục Hải quan chung sức, đồng lòng, phát huy sáng tạo, quyết tâm xây dựng Hải quan Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trên cơ sở tuân thủ pháp luật, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đảm bảo an ninh, an toàn xã hội và bảo vệ lợi ích của quốc gia; phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị năm 2020 và cả giai đoạn 2021-2025.
5. Chính thức vận hành Hệ thống một cửa quốc gia và quản lý giám sát Hải quan tự động tại Sân bay Nội Bài.
Ngày 28/9/2020, Bộ Tài chính đã ban hành quyết định chính thức triển khai Hệ thống một cửa quốc gia đối với tàu bay nhập cảnh và Hệ thống quản lý giám sát tự động hàng hóa nhập khẩu đường hàng không tại Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài.
Trước đó, từ cuối năm 2017, Cục Hải quan Hà Nội đã thực hiện thí điểm Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) tại Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, theo Quyết định số 43/QĐ-TTg (ngày 26/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ) và áp dụng thí điểm quản lý, giám sát hải quan tự động đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài, theo Quyết định số 2061/QĐ-BTC (ngày 13/10/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính). Đến nay, việc triển khai Hệ thống một cửa quốc gia (NSW – National Single Window) và thí điểm quản lý, giám sát hải quan tự động đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã đáp ứng được các mục tiêu đã đề ra trong việc nâng cao hiệu quả quản lý hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, giảm thời gian thông quan hàng hóa (giảm từ 3 giờ - 6 giờ xuống chỉ còn dưới 10 phút), tỷ lệ xử lý tự động đối với thông tin hàng hóa, hành khách, hành lý, phương tiện, danh sách tổ bay… đạt ổn định ở mức trên 99.57%, tỷ lệ hãng hàng không quốc tế tham gia kết nối và khai báo thông tin điện tử tới Hệ thống 1 cửa quốc gia đạt 100%.
Lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan và các đơn vị có liên quan bấm nút khai trương hệ thống. Ảnh: N.Linh |
Với việc triển khai Cơ chế một cửa đường hàng không thông qua Hệ thống một cửa quốc gia, các hãng hàng không, kho hàng và doanh nghiệp xuất nhập khẩu cung cấp thông tin bằng phương thức điện tử cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý phương tiện vận tải hàng không thay cho phương thức khai báo thủ công bằng hồ sơ giấy trước đây. Toàn bộ các thông tin liên quan đến các hoạt động khai thác hàng hóa trong chuỗi logistics hàng không đều được khai báo bằng phương thức điện tử và được liên kết với tất cả hệ thống quản lý của các cơ quan nhà nước tại cảng hàng không… Do đó, doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều chi phí và thời gian làm thủ tục, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Thông qua thu thập thông tin trước về chuyến bay để phân tích và kiểm tra, các cơ quan quản lý nhà nước nâng cao được hiệu quả quản lý, giảm thời gian và nhân lực liên quan đến việc tiếp nhận các hồ sơ giấy thủ công; đồng thời, áp dụng quản lý rủi ro, đảm bảo an ninh, an toàn hàng không, ngăn chặn buôn lậu, khủng bố.
Hệ thống một cửa quốc gia và Hệ thống quản lý, giám sát tự động được triển khai đồng bộ, giúp cơ quan quản lý nhà nước nâng cao năng lực cán bộ công chức, từng bước thực hiện chuyển đổi số, góp phần triển khai Chính phủ số tại Việt Nam.
6. Tổng cục Hải quan triển khai mở rộng chuyên đề chống gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ, Liên minh Châu Âu, Ấn Độ… để phòng ngừa và kịp thời ngăn chặn các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Trong xu hướng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại ưu đãi thuế quan (FTA) với các nước trên thế giới. Lợi dụng ưu đãi thuế quan của Việt Nam được hưởng đối với các nước ký kết hiệp định, thời gian qua đã nổi lên vấn đề lợi dụng xuất xứ Việt Nam để được hưởng ưu đãi đối với các hàng hóa xuất khẩu. Để giải quyết vấn đề cấp bách, có nguy cơ ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Việt Nam, có thể gây hậu quả xấu đến sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, thương hiệu hàng Việt Nam cũng như hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, Tổng cục Hải quan được Bộ Tài chính giao nhiệm vụ là đơn vị tiên phong triển khai chuyên đề chống gian lận, giả mạo xuất xứ.
* Vai trò, ý nghĩa của Chuyên đề
Ở tầm quốc gia, đối với quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ: Những giải pháp triển khai quyết liệt của Việt Nam đã góp phần thay đổi quan niệm của Chính quyền Tổng thống Donald Trump trong việc thực hiện các chính sách phòng vệ thương mại đối với một số nhóm mặt hàng có nguy cơ gây bất lợi cho kinh tế Việt Nam và quan hệ ngoại giao 2 nước. Đây cũng là lời khẳng định của Chính phủ Việt Nam về việc kiên quyết xử lý, không bao che đối với các doanh nghiệp thực hiện các hành vi giả mạo xuất xứ hàng hóa Việt Nam để trục lợi.
Đối với việc giữ gìn, khẳng định thương hiệu, uy tín hàng Việt Nam trong quan hệ kinh tế quốc tế: Việc triển khai Chuyên đề không chỉ là trách nhiệm của ngành Hải quan mà còn là hành động tích cực của Chính phủ Việt Nam đối với việc thực hiện nghiêm túc các cam kết FTA, khẳng định uy tín và chất lượng của hàng Việt Nam xuất khẩu, giúp Việt Nam tận dụng được tối đa ưu thế của Việt Nam trong việc tham gia các FTA, tạo điều kiện phát triển kinh tế.
Cơ quan Hải quan kiểm soát chặt chẽ hàng XNK để phòng chống gian lận xuất xứ. Ảnh: T.A. |
Đối với việc ngăn chặn, phòng ngừa sai phạm, khuyến khích doanh nghiệp trong nước, tạo môi trường bình đẳng trong cạnh tranh phát triển: Việc kiểm tra xử lý các sai phạm đã lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp, nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của cộng đồng doanh nghiệp; cộng đồng doanh nghiệp được cảnh báo về các nguy cơ vi phạm dễ mắc phải để chủ động phòng tránh, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của Việt Nam thể hiện qua việc sau khi phát hiện sai phạm, doanh nghiệp đã chủ động khắc phục, đầu tư thêm máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất để đáp ứng hàm lượng xuất xứ Việt Nam. Các doanh nghiệp làm ăn chân chính yên tâm và tin tưởng về môi trường bình đẳng trong nước để đầu tư, phát triển hàng Việt Nam xuất khẩu.
Đối với việc hoàn thiện hành lang pháp lý trong quản lý hàng xuất khẩu, vừa đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước, vừa tận dụng được tối đa ưu thế của Việt Nam trong việc thực hiện các FTA: Qua quá trình kiểm tra, Tổng cục Hải quan đã phát hiện và kiến nghị bổ sung, sửa đổi nhiều văn bản pháp luật về xuất xứ liên quan đến nhiều bộ, ngành. Nếu không có quá trình kiểm tra, xử lý kết quả kiểm tra thực tế, những lỗ hổng, bất cập trong các văn bản pháp luật về lĩnh vực này rất khó được đánh giá, tổng kết để bổ sung, sửa đổi cho kịp thời, phù hợp với tình hình mới. Đây là sự chủ động của ngành Hải quan trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý trong quản lý hàng xuất khẩu, vừa đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước, vừa tận dụng được tối đa ưu thế của Việt Nam trong việc thực hiện các FTA.
7. Tổng cục Hải quan dẫn đầu xếp hạng Chỉ số theo dõi, đánh giá kết quả cải cách hành chính khối Tổng cục và tương đương trực thuộc Bộ Tài chính.
Ngày 10/9/2020, Bộ Tài chính có Quyết định số 1302/QĐ-BTC công bố Chỉ số theo dõi, đánh giá kết quả cải cách hành chính đối với các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ. Theo đó, Tổng cục Hải quan xếp hạng 1/5 về Chỉ số theo dõi, đánh giá kết quả cải cách hành chính trong khối Tổng cục và đơn vị tương đương thuộc Bộ Tài chính gồm các đơn vị: Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Kho bạc Nhà nước. Đây là năm thứ tư liên tiếp kể từ năm 2017, Tổng cục Hải quan dẫn đầu Chỉ số theo dõi, đánh giá kết quả cải cách hành chính. Cụ thể, năm nay Tổng cục Hải quan đạt 97/100 điểm, cao hơn năm trước 0,5 điểm.
Chỉ số theo dõi, đánh giá kết quả cải cách hành chính của Bộ Tài chính được ban hành kèm theo Quyết định số 280/QĐ-BTC ngày 6/3/2018. Đối với khối Tổng cục và tương đương, Chỉ số được đánh giá trên 7 lĩnh vực, 35 tiêu chí, 92 tiêu chí thành phần theo thang điểm 100. Các lĩnh vực được đánh giá gồm: cong tác chỉ đạo, điều hành; xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế thuộc phạm vi, chức năng quản lý nhà nước của đơn vị; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính của đơn vị; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp thuộc đơn vị; hiện đại hóa hành chính.
Tăng cường năng lực đội ngũ công chức chuyên trách cải cách hành chính. Ảnh: Thu Trang |
Theo đánh giá của Hội đồng Thẩm định của Bộ Tài chính, trong năm xếp hạng, Tổng cục Hải quan đã hoàn thành xuất sắc và đạt điểm thẩm định tối đa hầu hết các tiêu chí thành phần trên tất cả các lĩnh vực cải cách hành chính. Theo đó, Tổng cục Hải quan đã trình ban hành và triển khai thực hiện Nghị định 85/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; hoàn thành các đề án xây dựng văn bản quy phạm pháp luật góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý để giải quyết các vướng mắc phát sinh, nội luật hóa các cam kết quốc tế và bổ sung các quy định đáp ứng yêu cầu quản lý; hoàn thành đơn giản hóa 2 thủ tục hành chính tại Thông tư só 22/2019/TT-BTC; đề xuất đơn giản hóa 7 thủ tục hành chính, cắt giảm 5 điều kiện kinh doanh và đơn giản hóa 14 điều kiện kinh doanh quy định tại Nghị định số 68/2016/NĐ-CP; sắp xếp, tổ chức lại chi cục hải quan qua đó giảm được 12 chi cục; thu NSNN đạt 116,45% dự toán chỉ tiêu pháp lệnh; tập trung kinh phí mua sắm tàu thuyền phục vụ công tác đấu tranh, chống buôn lậu; tập trung xây dựng đề án tái thiết kế tổng thể hệ thống công nghệ thông tin, khung kiến trúc Chính phủ điện tử ngành Hải quan, đề án đầu tư hệ thống seal định vị điện tử phục vụ giám sát hải quan đối với hàng hóa vận chuyển bằng container; tiếp tục triển khai Hệ thống quản lý hàng hóa tự động (VASSCM) tại cảng biển; thực hiện thu thuế, phí bằng phương thức điện tử chiếm tỷ lệ 95% số thu ngân sách của ngành Hải quan; triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 đối với 89% thủ tục hành chính hải quan; phối hợp với 13 bộ, ngành triển khai 188 thủ tục hành chính trên cơ chế một cửa quốc gia với trên 2,7 triệu hồ sơ của gần 35 nghìn doanh nghiệp; trao đổi giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D bản điện tử với 9 nước trong khối ASEAN thông qua cơ chế một cửa ASEAN.
Việc Tổng cục Hải quan tiếp tục dẫn đầu xếp hạng Chỉ số theo dõi, đánh giá kết quả cải cách hành chính khối Tổng cục và tương đương thuộc Bộ Tài chính thể hiện sự ghi nhận của Bộ Tài chính về những nỗ lực trong thực hiện công tác cải cách hành chính của Tổng cục Hải quan trong năm xếp hạng. Qua đó khẳng định Chỉ số theo dõi, đánh giá kết quả cải cách hành chính của Bộ Tài chính là công cụ hữu hiệu thúc đẩy nỗ lực cải cách hành chính của các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính.
8. Ngành Hải quan góp phần cùng cả nước kiểm soát dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, khơi thông dòng chảy xuất nhập khẩu hàng hóa, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu và nỗ lực vượt qua khó khăn, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra trong bối cảnh dịch Covid-19.
Năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát phức tạp, ngành Hải quan đã bám sát tình hình của dịch bệnh, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính để kịp thời triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, biện pháp nhằm góp phần cùng cả nước kiểm soát dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, khơi thông dòng chảy xuất nhập khẩu hàng hóa, tạo thuận lợi thương mại, bảo vệ sức khỏe nhân dân, đảm bảo an toàn cho cán bộ trong toàn ngành nhưng vẫn đảm bảo chống buôn lậu và gian lận thương mại, hoàn thành mục tiêu nhiệm vụ được giao. Cụ thể:
Thứ nhất: Kịp thời nắm bắt, chỉ đạo, xử lý các vướng mắc phát sinh liên quan đến XNK hàng hóa, cũng như kịp thời báo cáo tình hình hàng ngày đến Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của Bộ Tài chính và Chính phủ.
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hòn Gai, đơn vị có số thu cao nhất tại Cục Hải quan Quảng Ninh. Ảnh: Q.H |
Thứ hai: Xác định việc đảm bảo hoạt động giao thương, tạo thuận lợi thương mại trong tình hình dịch bệnh bùng phát ở trong nước và các nước trên thế giới là nhiệm vụ quan trọng. Theo đó, ngành hải quan tập trung rút ngắn thời gian thông quan, giải phóng hàng hóa thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào thông quan, giải phóng hàng hóa, tránh tối đa việc tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ hải quan với người làm thủ tục liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa. Kịp thời chỉ đạo giải quyết các vướng mắc phát sinh, đưa ra các giải pháp, biện nhằm thông quan, giải phóng nhanh hàng hóa, (như: chỉ đạo triển khai thông quan nhanh hàng hóa, đặc biệt là hàng viện trợ trong phòng, chống dịch; chỉ đạo việc giảm các trường hợp phải lấy mẫu để phân tích, giám định, phân loại hàng hóa, rút ngắn thời gian trả mẫu, nâng tỷ lệ thông báo kết quả phân tích, phân loại trước hạn và đúng hạn; đẩy mạnh áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan...).
Bên cạnh đó, ngành Hải quan đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong ứng phó với tình hình dịch bệnh, thông qua rà soát một số hoạt động nghiệp vụ; kịp thời tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật hải quan nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong xuất nhập khẩu hàng hóa trong tình hình Covid-19.
Cụ thể: Tổng cục Hải quan đã trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 47/2020/TT-BTC ngày 27/5/2020 quy định về chứng từ chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu áp dụng trong giai đoạn dịch Covid-19. Nội dung thông tư đã giải quyết được vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp trong vấn đề nộp bản gốc Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xem xét cho hưởng ưu đãi đặc biệt khi doanh nghiệp chưa có bản chứng nhận xuất xứ hàng hóa bản gốc, cũng như kéo dài thời gian chậm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho cơ quan Hải quan để doanh nghiệp hưởng ưu đãi đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh tại một số quốc gia vẫn đang diễn biến phức tạp…
Trong bối cảnh tình hình nguy cơ dịch bệnh vẫn luôn thường trực bùng phát bất cứ lúc nào, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 1616/QĐ-TCHQ ngày 19/6/2020 về Kế hoạch hành động đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trong và sau dịch bệnh Covid-19 triển khai trong toàn Ngành để có những giải pháp kịp thời hỗ trợ cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Thứ ba: Trong tình hình đại dịch bùng phát, nhận thấy hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại có chiều hướng gia tăng, Hải quan Việt Nam đã xác định nhiệm vụ chống buôn lậu và gian lận thương mại, bảo vệ sức khỏe và an toàn cho người tiêu dùng, bảo đảm an ninh quốc gia là một trong những nhiệm vụ cấp bách và quan trọng, vì vậy cơ quan Hải quan đã phối hợp, đôn đốc các cơ quan quản lý chuyên ngành trong việc cải thiện chất lượng kiểm soát hàng hoá thông qua việc rà soát, đưa ra các yêu cầu kỹ thuật cũng như xác định trọng điểm, ngăn chặn, bắt giữ những hàng hoá độc hại, hàng giả đi kèm chứng từ giả mạo hoặc hàng buôn lậu qua biên giới, đấu tranh với các đối tượng lại càng ngày tinh vi.
9. Phê duyệt Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ về hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan.
Hiệp định hỗ trợ lẫn nhau giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ đã được ký kết vào tháng 12/2019 và được Chính phủ phê duyệt, chính thức có hiệu lực từ ngày 20/5/2020.
Nhằm đảm bảo việc triển khai Hiệp định khẩn trương, hiệu quả với sự tham gia phối hợp của các Bộ, ngành có liên quan cũng như đảm bảo thực hiện đúng theo quy định của Luật Điều ước quốc tế, Tổng cục Hải quan đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Hiệp định này và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Việc ký kết, phê duyệt và triển khai Hiệp định phù hợp với chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong việc tích cực, chủ động mở rộng quan hệ hợp tác song phương với các nước, trong đó có Hoa Kỳ, nước có quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam và hiện đang là đối tác rất quan trọng, có tầm ảnh hưởng và không thể thay thế đối với Việt Nam.
Dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai và Đại biện Đại sứ quán Hợp chúng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam, bà Caryn McClelland đã ký Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ về hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan. Ảnh: H.Nụ |
Năm 2020 là năm kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ. Trong bối cảnh quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ đang được hai bên hết sức coi trọng, Hiệp định này góp phần mở rộng các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước, hình thành những cơ chế hợp tác thực chất, dài hạn, theo chiều sâu trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước, hướng tới việc xây dựng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước trong thời gian tới.
Hiệp định khi có hiệu lực sẽ tạo cơ sở pháp lý thiết lập quan hệ hợp tác chính thức giữa cơ quan hải quan của Việt Nam và Hoa Kỳ. Hải quan là một trong các lực lượng thực thi pháp luật tại biên giới, đảm bảo an toàn, an ninh xã hội thông qua quản lý và kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu các mặt hàng gây tổn hại cho xã hội như rác thải nguy hại, động thực vật quý hiếm, các loại ma túy và tiền chất, vũ khí – đạn dược, các tác phẩm nghệ thuật có giá trị lịch sử - văn hóa, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Do đó, việc triển khai thực hiện các nội dung của Hiệp định như phối hợp cung cấp, chia sẻ thông tin đảm bảo thực hiện pháp luật hải quan của mỗi Bên, trao đổi yêu cầu hỗ trợ song phương, hiện diện của cán bộ ở lãnh thổ của mỗi Bên để hỗ trợ điều tra vi phạm pháp luật hải quan sẽ mang lại những kết quả thiết thực, góp phần đảm bảo an ninh công cộng và an ninh quốc gia.
Với kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước ngày càng gia tăng, việc triển khai thực hiện Hiệp định hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ góp phần tạo thuận lợi cho hàng hóa nhập khẩu của mỗi bên, qua đó thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế thương mại song phương giữa hai nước. Mặt khác, cơ chế trao đổi thông tin thường xuyên và kịp thời được thiết lập khi Hiệp định có hiệu lực sẽ góp phần tích cực vào công tác đấu tranh phòng chống các vi phạm hải quan, gian lận thương mại và chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa, qua đó tạo môi trường thuận lợi, an ninh, an toàn cho hoạt động thương mại đầu tư kinh doanh giữa hai nước, đóng góp vào việc phát triển kinh tế xã hội tại mỗi nước.
10. Xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA).
Hiệp định EVFTA là Hiệp định được khởi động và kết thúc đàm phán trong bối cảnh quan hệ song phương Việt Nam-EU ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế - thương mại. EU hiện đang là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch hai chiều năm 2019 đạt 56,45 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 41,5 tỷ USD, nhập khẩu từ EU đạt 14,9 tỷ USD. EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU.
Hiệp định có hai tài liệu quy định về hợp tác trong lĩnh vực hải quan là Chương 4 về Hải quan và Tạo thuận lợi thương mại và Nghị định thư 2 về Hợp tác và hỗ trợ hành chính lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan.
Với việc Hiệp định chính thức có hiệu lực, Kế hoạch thực hiện Hiệp định của Tổng cục Hải quan đã được xây dựng và hoàn thiện trên cở sở rà soát các cam kết về hải quan và có liên quan đến trách nhiệm thực thi của Tổng cục Hải quan trong toàn bộ Hiệp định EVFTA từ đó phân công trách nhiệm chủ trì và phối hợp tổ chức thực hiện từng cam kết cho các đơn vị theo chức năng nhiệm vụ và quy chế làm việc của Tổng cục Hải quan.
Nhà báo Vũ Thị Ánh Hồng, Tổng biên tập Báo Hải quan điều phối phiên 1 của tọa đàm với chủ đề: “Cơ hội và thách thức khi thực hiện EVFTA”. Các diễn giả tham dự từ trái qua: ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương); ông Hà Duy Tùng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính); Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham); Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PT) |
Về tổng thể, kế hoạch thực hiện Hiệp định của Tổng cục Hải quan tập trung vào các nhóm nội dung sau: Tuyên truyền, phổ biến các cam kết có liên quan đến lĩnh vực hải quan theo Hiệp định bao gồm việc tập huấn cho các cán bộ tại các đơn vị nghiệp vụ, cán bộ thực thi tại cửa khẩu về các cam kết cụ thể, đặc biệt là về thuế xuất nhập khẩu và xuất xứ, để đảm bảo việc thực hiện đúng, đầy đủ nội dung cam kết; triển khai các cam kết của Chương 4 Hải quan và Thuận lợi hóa thương mại về các qui định và thủ tục hải quan, đơn giản hóa thủ tục hải quan, đảm bảo minh bạch, áp dụng các biện pháp quản lý hiện đại, xây dựng quan hệ đối tác hải quan doanh nghiệp…; triển khai các cam kết của Nghị định thư 2 Hỗ trợ hành chính lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan, đặc biệt cần xây dựng kế hoạch hợp tác với các cơ quan hải quan thành viên EU, Các nội dung liên quan tới hải quan trong Hiệp định và chế độ báo cáo, theo dõi, giám sát việc thực hiện Kế hoạch.
Kế hoạch thực hiện của Tổng cục Hải quan đảm bảo việc triển khai Kế hoạch thực hiện tổng thể của Chính phủ và Kế hoạch thực hiện của Bộ Tài chính, bao gồm việc tham gia vào Cơ chế thực thi Hiệp định, cử đại diện Tham gia Ủy ban Thương mại (do Bộ Công Thương chủ trì) và Ủy ban Hải quan Điều (17.2 Các Ủy ban chuyên trách) và các Ủy ban/Tổ công tác khác khi có đề nghị từ các bộ/ngành.
Tin liên quan
6 sự kiện nổi bật của Hải quan Việt Nam năm 2024
21:01 | 09/01/2025 Hải quan
10 sự kiện nổi bật của ngành Thuế năm 2024
20:42 | 03/01/2025 Thuế - Kho bạc
10 sự kiện nổi bật của ngành Tài chính năm 2024
15:08 | 31/12/2024 Tài chính
Hải quan Hải Phòng đón Tết sớm cùng quân, dân huyện đảo Bạch Long Vĩ
10:57 | 20/01/2025 Hải quan
Công bố 15 tác phẩm đạt Giải Cuộc thi "Cover các bài hát về Hải quan Việt Nam năm 2024"
19:04 | 16/01/2025 Hải quan
Hải quan Chuyển phát nhanh: Chủ động giải pháp, quản lý chặt chẽ hàng hóa XNK
13:53 | 16/01/2025 Hải quan
Các cơ quan Trung ương trên địa bàn Thái Bình nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ
17:18 | 15/01/2025 Hải quan
Sớm nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Hải quan 2014 để đáp ứng yêu cầu đổi mới
09:45 | 15/01/2025 Hải quan
Hải quan Thái Bình bứt phá mạnh mẽ trong thực hiện chỉ số DDCI
07:51 | 15/01/2025 Hải quan
Dấu ấn Hải quan Quảng Trị: 35 năm xây dựng và trưởng thành
07:43 | 15/01/2025 Hải quan
Cục Hải quan Long An hoạt động tại trụ sở mới
16:02 | 14/01/2025 Hải quan
Hải quan phát động thi đua với mục tiêu "Đổi mới- Đột phá- Phát triển"
15:04 | 14/01/2025 Hải quan
Năm 2025, Hải quan Quảng Ninh đặt mục tiêu thu ngân sách trên 17.800 tỷ đồng
11:02 | 14/01/2025 Hải quan
Hải quan Hải Phòng nhiều giải pháp thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại
10:13 | 14/01/2025 Hải quan
Hải quan góp phần quan trọng vào kỷ lục xuất nhập khẩu 786,3 tỷ USD
10:39 | 13/01/2025 Hải quan
Trao Huân chương Chiến công cho các tập thể, cá nhân thuộc Cục Hải quan Hải Phòng
19:31 | 10/01/2025 Hải quan
Vấn đề Bạn quan tâm
Tin mới
Thủ tướng: ASEAN bước vào kỷ nguyên thông minh với tâm thế sẵn sàng “nghĩ sâu làm lớn”
Quan chức ngoại giao Nga thấy "cơ hội nhỏ" đàm phán với chính quyền mới ở Mỹ
Cuộc bứt phá trên thị trường châu Âu của thương hiệu ôtô Trung Quốc
SHB dành hơn 13 tỷ đồng ưu đãi cho khách hàng mở mới và sử dụng tài khoản
Chi 380 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa, Trung Quốc chiếm hơn 1/3
(Infographics) Tổng thu từ xuất nhập khẩu các tỉnh, thành vùng Tây Nguyên
10:50 | 15/12/2024 Hải quan
(INFOGRAPHICS) Kim ngạch hơn 67 tỷ USD, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam
11:29 | 04/12/2024 Infographics
(INFOGRAPHICS): Tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp tham gia chương trình tự nguyện tuân thủ
16:30 | 06/12/2024 Infographics
(INFOGRAPHICS) Tổng thu từ XNK các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ
16:33 | 06/12/2024 Xuất nhập khẩu
(INFOGRAPHICS) 66 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 11
14:29 | 12/12/2024 Infographics