Xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập
Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2021 với chủ đề “Chiến lược Tài chính giai đoạn 2021 - 2030 và các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế Việt Nam” do Bộ Tài chính tổ chức |
Tăng cường tiềm lực tài chính nhà nước
Tại Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2021 với chủ đề “Chiến lược Tài chính giai đoạn 2021 - 2030 và các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế Việt Nam” do Bộ Tài chính tổ chức ngày 16/11, điểm lại 5 kết quả nổi bật trong triển khai Chiến lược Tài chính thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, những kết quả tích cực đã góp phần quan trọng vào việc củng cố các cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả huy động và phân bổ các nguồn lực tài chính, củng cố tiềm lực tài chính nhà nước, cải thiện dư địa chính sách tài khóa. Thành quả đầu tiên phải kể đến là thể chế tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) được hoàn thiện, cơ bản đồng bộ với cải cách thể chế trong các lĩnh vực có liên quan, góp phần huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực hiệu quả. Cùng với đó, đã huy động tổng hợp các nguồn lực trong và ngoài nước đảm bảo đầu tư phát triển KT-XH với tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2016-2020 bằng 33,7% GDP, đạt mục tiêu (32-34% GDP) và cao hơn giai đoạn 2011-2025 (31,7% GDP).
Chính sách thuế, phí đã được rà soát, hoàn thiện cùng với việc đẩy mạnh và hiện đại hóa công tác quản lý thu NSNN. Nhờ đó, tiềm lực tài chính nhà nước ngày càng được tăng cường, thu NSNN hàng năm vượt dự toán, quy mô thu NSNN ngày càng tăng”, Thứ trưởng Võ Thành Hưng nói.
Bên cạnh đó, hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn lực tài chính công được cải thiện nhờ việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nguồn vốn từ NSNN kết hợp với thu hút các nguồn vốn khác đã phát triển mạnh mẽ kết cấu hạ tầng KT-XH. Bội chi NSNN đã được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo mục tiêu đề ra về an ninh, an toàn tài chính quốc gia.
Về những tồn tại trong quá trình thực hiện Chiến lược tài chính đến năm 2020, TS. Nguyễn Như Quỳnh, Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, hệ thống chính sách động viên còn phức tạp, cần được tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện; xử lý những bất cập về ưu đãi thuế; chuyển giá, trốn thuế, nợ thuế. Hiệu quả, hiệu lực chi NSNN còn thấp; cơ cấu đầu tư công bất cập, phân bổ vốn còn dàn trải, giải ngân chậm…
“Đa phần các khoản chi NSNN hiện được kiểm soát theo các yếu tố đầu vào (tiêu chuẩn, chế độ, định mức), chưa có cơ sở pháp lý hoàn chỉnh cho việc kiểm soát chi tiêu NSNN theo kết quả thực hiện nhiệm vụ tại từng bộ, ngành, đơn vị sử dụng ngân sách nên việc đánh giá hiệu quả chi tiêu còn hạn chế”, ông Nguyễn Như Quỳnh cho biết.
Cùng với đó, nghĩa vụ trả nợ công hàng năm ở mức cao và có xu hướng tăng trong khi khả năng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi giảm; quản lý tài sản công và các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách còn nhiều bất cập; công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) còn chậm và không đạt tiến độ đề ra; thị trường tài chính chưa thực sự cân đối; phát triển chưa ổn định; chi phí vốn cho nền kinh tế cao; thị trường vốn quy mô còn nhỏ so với tiềm năng và quy mô thị trường của các nước trong khu vực…
Chính sách tài chính quốc gia phải đóng vai trò tiên phong
Chiến lược Tài chính giai đoạn 2021 – 2030 được xây dựng trong bối cảnh diễn biến tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới và khu vực còn phức tạp, khó lường, đặc biệt là tác động của đại dịch Covid-19, nền kinh tế trong nước vẫn còn tồn tại, hạn chế và tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ tụt hậu còn lớn.
TS. Nguyễn Như Quỳnh cho biết, quan điểm chính của Chiến lược Tài chính giai đoạn 2021 – 2030 là chính sách tài chính quốc gia phải đóng vai trò tiên phong trong việc huy động, giải phóng, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng trên cơ sở phát triển nguồn nhân lực, KH&CN, đổi mới sáng tạo gắn với chuyển đổi số góp phần định hướng, dẫn dắt các nguồn lực xã hội vào các mục tiêu ưu tiên phát triển.
Cùng với đó, cải cách, nâng cao chất lượng thể chế tài chính theo hướng đồng bộ, minh bạch và hội nhập là điều kiện tiên quyết thúc đẩy nền tài chính quốc gia phát triển lành mạnh; đồng thời, coi trọng việc phát triển đồng bộ, hài hòa các loại thị trường, các khu vực kinh tế và các loại hình doanh nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Đồng thời, việc cơ cấu lại NSNN và quản lý nợ công phải đặt trong tổng thể cơ cấu lại nền kinh tế, đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương (NST.Ư) và tính chủ động của ngân sách địa phương (NSĐP); phát huy tối đa lợi thế của các vùng, miền; cân đối nguồn lực phát triển hài hòa giữa KT-XH và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu...
Theo T.S Nguyễn Như Quỳnh mục tiêu của Chiến lược Tài chính giai đoạn 2021 – 2030 là hướng đến xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia. Thực hiện chính sách động viên hợp lý, cải thiện dư địa chính sách tài khóa, tạo điều kiện thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, giải quyết hài hòa các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, đảm bảo an ninh, quốc phòng và an sinh xã hội gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021 - 2030.
Để đạt được các mục tiêu đó, một loạt nhóm giải pháp quan trọng đã được đề ra. Trong đó, giải pháp đầu tiên là hoàn thiện chính sách huy động các nguồn lực tài chính quốc gia nhằm huy động có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thu NSNN, hướng tới một hệ thống thu NSNN đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bền vững, đảm bảo nguồn thu NSNN thực hiện chức năng, nhiệm vụ của nhà nước và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường huy động các nguồn lực tài chính ngoài NSNN. Cùng với đó, nâng cao hiệu quả phân bổ, quản lý và sử dụng các nguồn lực tài chính gắn với việc thúc đẩy quá trình tái cơ cấu kinh tế và phát triển bền vững; nâng cao vai trò định hướng của nguồn lực tài chính nhà nước trong đầu tư phát triển KT-XH; đổi mới cơ chế phân cấp, phân bổ và cơ cấu lại chi NSNN. Đồng thời, quản lý chặt chẽ, hiệu quả bội chi NSNN, nợ công, từng bước cải thiện dư địa tài khóa, nâng cao khả năng chống chịu của nền tài chính quốc gia.
Các giải pháp khác cũng được đề cập tới là đẩy mạnh việc cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN; đổi mới quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN; phát triển thị trường tài chính và dịch vụ tài chính hiện đại, minh bạch và bền vững; tăng cường hiệu quả hợp tác tài chính và chủ động hội nhập quốc tế về tài chính; tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý, giám sát tài chính; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…
Ông Vũ Nhữ Thăng, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia: Bắt kịp những xu hướng vận động mới của thị trường tài chính quốc tế Việc xây dựng, phát triển thị trường tài chính trong giai đoạn 2021 - 2030 cần dựa trên sự kế thừa những kết quả đạt được trong giai đoạn trước, tiếp tục giải quyết những vấn đề còn tồn tại để bắt kịp những xu hướng vận động mới của thị trường tài chính quốc tế. Theo đó, phải phát triển thị trường tiền tệ và thị trường vốn với quy mô ngày càng lớn, có tính ổn định, minh bạch, cơ cấu thị trường tài chính phù hợp để hỗ trợ vốn phát triển kinh tế. Xây dựng thị trường vốn mạnh với cơ cấu hợp lý giữa thị trường cổ phiếu và trái phiếu, trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp; hỗ trợ tích cực quá trình cơ cấu lại DNNN, thúc đẩy phát triển kinh tế. Chú trọng phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp để trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế. Phấn đấu hoàn thành mục tiêu mức vốn hóa thị trường/GDP đạt 120% vào năm 2025, trái phiếu/GDP đạt 55% vào năm 2025 theo Quyết định số 242/2019/QĐ-TTg. Đến năm 2025, nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trên danh sách các thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn của MSCT và FTSE Russell. Song song với đó là tăng cường sự tham gia sâu hơn của khu vực bảo hiểm vào thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường vốn để cung ứng vốn trung và dài hạn một cách bền vững. Định hướng phát triển thị trường tài chính trong giai đoạn 2021 - 2030 là phát triển các dịch vụ tài chính hiện đại theo xu hướng của quốc tế, đảm bảo đáp ứng các nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng ngày càng gia tăng, tiến tới tài chính toàn diện vào năm 2030, bảo đảm mọi người dân và doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận đầy đủ, thuận tiện các dịch vụ tài chính, ngân hàng có chất lượng, đóng góp tích cực cho phát triển bền vững như “tín dụng xanh”, “ngân hàng xanh” để góp phần chuyển đổi nền kinh tế sang hướng tăng trưởng xanh.
Ông Vũ Xuân Bách, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế: Hoàn thiện hệ thống chính sách thuế gắn với cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước Nền kinh tế thế giới giai đoạn 2021-2030 sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, khả năng hồi phục chưa rõ ràng. Trong bối cảnh này, để hướng tới cơ cấu thu NSNN bền vững, ngành Thuế đã đưa ra định hướng phải cải cách đồng bộ hệ thống thuế cả về chính sách và quản lý. Trong chiến lược cải cách thuế giai đoạn tới, ngành Thuế đặt ra mục tiêu tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách gắn với cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới. Song song với đó, phải bảo đảm tỷ trọng thu nội địa, tỷ trọng giữa thuế gián thu và thuế trực thu ở mức hợp lý, khai thác tốt thuế, phí và lệ phí thu từ tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường. Cùng với đó, ngành Thuế sẽ hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong pháp luật thuế và chính sách miễn, giảm, bảo đảm tính trung lập của thuế, hướng tới một hệ thống thuế đồng bộ, có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho NSNN, đồng thời, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy cạnh tranh, điều tiết thu nhập hợp lý, phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển của nền kinh tế. Ngoài ra, để đảm bảo cơ cấu thu NSNN bền vững, ngành Thuế đã đặt ra mục tiêu cải cách công tác quản lý thuế theo hướng “hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; công tác quản lý thuế, phí và lệ phí thống nhất, minh bạch, chuyên sâu, chuyên nghiệp theo phương pháp quản lý rủi ro, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ của người dân và doanh nghiệp”. Trọng tâm công tác quản lý thuế giai đoạn 2021-2030 dựa trên nền tảng thuế điện tử và ba trụ cột cơ bản: thể chế quản lý đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập; nguồn nhân lực chuyên nghiệp, liêm chính, đổi mới; công nghệ thông tin hiện đại, tích hợp, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong bối cảnh nền kinh tế số.
PGS.TS. Bùi Tất Thắng, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Cần định hướng Chiến lược tài chính phù hợp về quy mô nguồn vốn lẫn thể chế tài chính Với định hướng phát triển KT-XH hướng đến một nền kinh tế cơ bản có công nghiệp hiện đại, có mức thu nhập trung bình cao, rõ ràng cần một định hướng Chiến lược tài chính phù hợp cả về quy mô nguồn vốn cần huy động lẫn thể chế tài chính mang tính hỗ trợ, thúc đẩy phát triển mọi mặt KT-XH của đất nước. Từ nhiều năm qua, quy mô vốn đầu tư thường chiếm khoảng 31-34% GDP/năm. Mức độ huy động như trên đối với một nước đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa như Việt Nam là thuộc nhóm trung bình khá. Vì thế, cần cố gắng duy trì ở mức này. Trong cơ cấu vốn đầu tư, nguồn vốn từ NSNN có xu hướng giảm nhẹ, nguồn vốn FDI có yêu cầu chọn lọc cao hơn, vậy nguồn “bù đắp” chính phải là huy động từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước ở trong nước. Về thể chế tài chính hỗ trợ phát triển, đối với vốn đầu tư công, nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ NSNN có xu hướng giảm tỷ trọng, nhưng trên thực tế vẫn là nguồn vốn hết sức quan trọng, có vài trò dẫn dắt và định hướng. Trong 2-3 năm trước mắt, có thể do tác động của đại dịch Covid-19, một số nhà đầu tư tư nhân sẽ cân nhắc thận trọng, e dè hơn trong đầu tư, nên đầu tư công lại càng có ý nghĩa quan trọng. Vì vậy, đây là dịp để rà soát lại tất cả điểm nghẽn chính sách gây cản trở, ách tắc sự lưu thông của nguồn vốn này. Đối với nguồn vốn FDI, hiện nay cũng như thời kỳ chiến lược tới, nguồn vốn này vẫn sẽ chiếm tỷ trọng lớn (trung bình khoảng 25% tổng vốn đầu tư xã hội). Đối với nguồn vốn từ khu vực ngoài nhà nước ở trong nước, cần có chính sách huy động thật tốt bởi về lâu dài, đây là nguồn vốn có nghĩa quyết định nhất đến sự phát triển bền vững của đất nước. Có lẽ nội dung này cũng phải là một trong những nội dung chủ yếu của Chiến lược Tài chính trong thời gian tới.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia tài chính: Tăng cường hiệu quả phối hợp chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác Một là, để tăng cường hiệu quả các chính sách tài khóa và các gói hỗ trợ góp phần sớm phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, nuôi dưỡng nguồn thu và tạo động lực tăng trưởng mới trong dài hạn, trước hết, Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm của quốc tế trong việc thiết kế và triển khai chính sách, gói hỗ trợ tài khóa. Cần chấp nhận nợ công tăng, thâm hụt ngân sách tăng và tăng khả năng tiếp cận vốn cho DN trong tầm kiểm soát. Với tiềm lực, dư địa tài khóa và tiền tệ - tín dụng hiện nay, Việt Nam hoàn toàn có thể tăng chi ngân sách ở mức độ hợp lý và từ năm 2024 có thể quay lại quỹ đạo, kiểm soát những cán cân này lành mạnh hơn khi kinh tế phục hồi vững chắc. Hai là, xác định rõ mục tiêu và tăng cường hiệu quả phối hợp chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác. Cần xác định mục tiêu rõ ràng và thống nhất trong quá trình phối hợp chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ là đẩy nhanh phục hồi, tăng trưởng ổn định và lạm phát vừa phải, theo đó chính sách tiền tệ phải linh hoạt nhưng không hoàn toàn nới lỏng, ưu tiên hỗ trợ phục hồi song vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát, chính sách tài khóa theo hướng mở rộng thận trọng, vừa hỗ trợ tăng trưởng vừa đảm bảo kiểm soát lạm phát; Phối hợp chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ trong việc thiết kế và thực thi gói hỗ trợ lãi suất và trong kiểm soát rủi ro hệ thống tài chính. Ba là, nghiên cứu triển khai hỗ trợ tài khóa và hỗ trợ khác như là một cấu phần quan trọng trong Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, chú trọng hiệu quả, kịp thời ở khâu thực thi". Thùy Linh - Thu Hiền (lược ghi)
|
Tin liên quan
Số liệu chính xác giúp quản lý hiệu quả tài sản công
16:42 | 22/11/2024 Tài chính
Nguồn thu tiền sử dụng đất chưa đạt, chưa đủ chi cho đầu tư công
11:16 | 22/11/2024 Tài chính
Học viện Tài chính tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo
19:43 | 19/11/2024 Tài chính
Quốc hội xem xét bổ sung, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá, bia rượu
12:59 | 22/11/2024 Tài chính
Sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, không ưu đãi cho các ngành nghề trùng lắp, dàn trải
12:52 | 22/11/2024 Tài chính
Ra mắt sản phẩm trợ lý ảo hỗ trợ người nộp thuế
16:27 | 21/11/2024 Thuế - Kho bạc
Ngành Thuế phấn đấu tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên tăng thêm dự toán 2025
16:20 | 20/11/2024 Thuế - Kho bạc
Các công ty chứng khoán sẵn sàng cho “sân chơi Non-Prefunding”
13:15 | 20/11/2024 Tài chính
Quản lý chặt chẽ nợ công, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia năm 2025
08:39 | 20/11/2024 Tài chính
Sửa tên gọi dự thảo 1 luật sửa 7 luật thuộc lĩnh vực tài chính
16:24 | 19/11/2024 Tài chính
Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ
14:50 | 17/11/2024 Tài chính
Minh bạch thông tin giúp nâng cao vị thế của doanh nghiệp niêm yết
10:40 | 16/11/2024 Tài chính
Triệt để cắt giảm các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách để dành chi đầu tư phát triển
20:39 | 15/11/2024 Tài chính
Thúc đẩy kinh tế tư nhân nhờ nghiên cứu và hợp tác tài chính - kế toán
20:28 | 15/11/2024 Tài chính
TP Hồ Chí Minh triển khai các giải pháp thu thuế thương mại điện tử
20:21 | 15/11/2024 Tài chính
Cách nào ngăn đà bán ròng của khối ngoại?
10:45 | 15/11/2024 Tài chính
Vấn đề Bạn quan tâm
Tin mới
Thách thức chuyển đổi số trong chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Xuất khẩu dệt may lạc quan nhờ cơ hội thị trường
Cơ hội để 500 triệu người thoát nghèo
Ra mắt Bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Sẽ có nhiều điểm mới quản lý loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu
Chương trình Chuyển động Hải quan kỳ 2 tháng 11/2024
14:31 | 21/11/2024 Hải quan
(LONGFORM) Sứ mệnh phát triển quan hệ đối tác Hải quan- Doanh nghiệp
10:58 | 11/11/2024 Hải quan
Podcast Hải quan Online tổng hợp tuần 2 tháng 11/2024 (từ ngày 4/10 đến 10/11/2024)
08:52 | 11/11/2024 Multimedia
(INFOGRAPHICS): Thu ngân sách tại 10 đơn vị hải quan tăng 11,86%
14:03 | 04/11/2024 Infographics
(INFOGRAPHICS) 32 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu nửa đầu tháng 10
09:14 | 29/10/2024 Infographics