Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Ngành Tài chính đang thu hoạch nhiều “trái ngọt”
Công bố 10 sự kiện nổi bật ngành Tài chính năm 2019 | |
Bộ trưởng Bộ Tài chính: Ngành Tài chính cơ bản hoàn thành mục tiêu 5 năm 2016-2020 | |
Ra mắt quỹ ETF mô phỏng chỉ số cổ phiếu ngành tài chính |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. |
Thưa Bộ trưởng, trong bối cảnh kinh tế - xã hội có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít thách thức đan xen, kết quả thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) vẫn thu được kết quả toàn diện. Xin Bộ trưởng chia sẻ những kết quả đó của Ngành trong năm 2019 vừa qua?
Như tôi đã chia sẻ từ những ngày đầu năm 2019, đây là thời điểm nước rút có tính quyết định cho việc thực hiện Kế hoạch 5 năm 2016-2020 cũng như Kế hoạch Tài chính 5 năm giai đoạn 2016-2020. Thực tế, những dự báo đầy khởi sắc khi đó đã trở thành hiện thực. Kết thúc năm 2019, tình hình kinh tế - xã hội đạt được kết quả khá toàn diện. Tăng trưởng khá cao, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện, an sinh xã hội được bảo đảm, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên. Đặc biệt, năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu Quốc hội giao. Đó là những yếu tố rất quan trọng tạo thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ tài chính – NSNN của ngành Tài chính.
Tuy vậy, thách thức cũng không ít. Tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng giảm; cạnh tranh chiến lược, xung đột lợi ích giữa các quốc gia gia tăng, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong nước, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu,...
Nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, của Quốc hội và Chính phủ, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cũng như của người dân, doanh nghiệp (DN), toàn ngành Tài chính đã chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp tài chính - NSNN đã đề ra; điều hành quyết liệt thu, chi, đảm bảo giữ bội chi NSNN và nợ công trong phạm vi Quốc hội cho phép; góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Kết thúc năm 2019, tổng thu cân đối NSNN vượt 9,8% so với dự toán. Trong đó cả thu nội địa, thu dầu thô và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đều vượt dự toán. Điều có ý nghĩa quan trọng là cơ cấu thu ngân sách ngày càng bền vững. Năm 2019, thu từ 3 khu vực kinh tế là DN nhà nước, DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN ngoài quốc doanh đã tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2018, cao hơn dự kiến tăng trưởng kinh tế và lạm phát. Ngược lại, các khoản thu từ tài sản, tài nguyên, thu từ đất, khai thác khoáng sản,… có tăng so với dự toán nhưng xét về mặt tổng thể thì những khoản thu này chiếm tỷ trọng nhỏ và giảm dần. Như vậy, thu từ sản xuất, kinh doanh vẫn là khoản thu quan trọng, cốt lõi.
Chi NSNN năm 2019 bám sát dự toán Quốc hội giao, điều hành phù hợp với tiến độ thực hiện và đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục phát huy kết quả của năm 2018, việc cơ cấu lại chi NSNN cũng được triển khai tích cực trong năm 2019 và cuối năm đã đạt mục tiêu.
Tỷ trọng chi thường xuyên giảm dần. Chi thường xuyên thực tế năm 2017 là 65,1%, đến năm 2019 dự toán là 61,2%. Con số này vượt qua cả mục tiêu kế hoạch là dưới 64% trong khi vẫn đảm bảo nguồn thực hiện cải cách tiền lương (tăng khoảng 7%/năm) theo Nghị quyết của Quốc hội và các nhiệm vụ chi cho quốc phòng, an ninh, chính sách an sinh xã hội cấp thiết khác. Tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng dần, thực hiện giai đoạn 2016-2019 ước đạt 27 đến 28% tổng chi NSNN trong khi mục tiêu đề ra của chúng ta là 25-26%.
Bội chi NSNN năm 2019 tiếp tục được kiểm soát cả số tuyệt đối và số tương đối, còn khoảng 3,4% GDP. Nhờ kiểm soát tốt bội chi, các khoản vay bảo lãnh của Chính phủ nên tốc độ tăng nợ công đã giảm hơn một nửa. Tỷ lệ nợ công đến cuối năm 2019 khoảng 55% GDP; dư nợ Chính phủ khoảng 48,5% GDP.
Năm 2019 cũng là năm ngành Tài chính đạt được nhiều kết quả trong công tác xây dựng thể chế, cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Các chính sách, chế độ được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới kịp thời, phù hợp tình hình thực tế và cam kết hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính - NSNN, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính.
Thị trường tài chính tiếp tục phát triển ổn định; tiếp tục tái cơ cấu, sắp xếp DNNN; tăng cường quản lý thị trường giá cả, kiểm soát lạm phát; nâng cao hiệu quả quản lý tài sản công,…
Với những kết quả nói trên, có thể nói, ngành Tài chính đã tiệm cận nhiều mục tiêu đặt ra đến hết năm 2020. Đó là một thành quả không nhỏ. Bộ Tài chính đã có những giải pháp trọng tâm gì để đạt được điều đó trong năm 2019, thưa Bộ trưởng?
Phải nói rằng đó là “trái ngọt” được kết tụ từ cả một quá trình nỗ lực trong nhiều năm liền thông qua việc cải cách thể chế và cải cách thủ tục hành chính (TTHC), gắn với hiện đại hóa ngành Tài chính, đã tháo gỡ khó khăn cho DN, góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế.
Thời gian qua, Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tài chính và cá nhân tôi rất chú trọng chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này trong nhiều năm với việc ưu tiên các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, DN; nhất là đơn giản hóa, cắt giảm TTHC, cắt giảm điều kiện kinh doanh,…
Có thể kể đến một vài con số đáng ghi nhận như: Trong năm 2019, Bộ Tài chính đã chủ trì xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 108 văn bản quy phạm pháp luật theo đúng kế hoạch đã đề ra. Bộ Tài chính cũng đã bãi bỏ 49 TTHC; sửa đổi, bổ sung 23 TTHC; cắt giảm, đơn giản hoá 129 điều kiện kinh doanh. Đặc biệt, năm qua, Bộ Tài chính đã chính thức thành lập và đưa vào hoạt động Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua cơ chế một cửa ngay tại trụ sở Bộ. 102 thủ tục hành chính thuộc 8 lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính được tiếp nhận và trả kết quả ngay tại Bộ phận Một cửa này với kết quả giải quyết đạt 100%.
Những giải pháp trên đã góp phần giảm chi phí hoạt động cho DN, nâng cao sức cạnh tranh và tạo ra sự bình đẳng, thuận lợi cho DN trong tiếp cận các nguồn lực và cơ hội kinh doanh.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế của Bộ Tài chính đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, tiến độ đề ra. Các chính sách, chế độ được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế và cam kết hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính – NSNN, tăng cường cải cách hành chính, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính.
Hàng loạt đánh giá được đưa ra trong năm 2019 đã ghi nhận những nỗ lực trên của ngành Tài chính. Đơn cử như, trên Bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) năm 2018 do Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ công bố vào tháng 5/2019 thì Bộ Tài chính xếp thứ 2/18 bộ, cơ quan ngang bộ, tăng 1 bậc so với năm 2017. Theo khảo sát của VCCI năm 2019, có đến 78% người nộp thuế được hỏi hài lòng với kết quả cải cách của cơ quan Thuế, tăng 3 điểm % so với cuộc khảo sát năm 2016, tăng 7 điểm % so với năm 2014. Theo Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2018 của Ngân hàng Thế giới, chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội của Việt Nam đã có sự cải cách mạnh mẽ và tăng bậc xếp hạng cao nhất trong 10 chỉ số được đánh giá (tăng 22 bậc từ 131 lên 109). Và trong Bảng chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT Index) năm 2019 do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hội Tin học Việt Nam công bố, năm 2019 là năm thứ 7 Bộ Tài chính tiếp tục xếp thứ nhất trong khối các bộ, ngành.
Thưa Bộ trưởng, bên cạnh cải cách thể chế và cải cách thủ tục hành chính như đã nêu trên, xin Bộ trưởng chia sẻ về kết quả của công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ngành Tài chính trong năm qua?
Đây thực sự là một nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Tài chính quyết liệt triển khai, không chỉ trong năm 2019 mà cả một quá trình. Ngay từ khi Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tài chính đã nghiên cứu, chỉ đạo các cấp tập trung rà soát, đánh giá, chuẩn bị các điều kiện để thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả. Đến nay, Bộ Tài chính thực hiện sắp xếp, cắt giảm được trên 5.368 đầu mối các đơn vị từ cấp Trung ương đến cấp tổ (đội), tại địa phương; giảm 4.542 lãnh đạo quản lý. Trong đó, thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW; theo đó, từ ngày 1/1/2018 đến nay, Bộ Tài chính đã thực hiện sắp xếp, cắt giảm được 2.719 đầu mối đơn vị hành chính, giảm được 2.044 lãnh đạo quản lý, trong khi vẫn đảm bảo điều hành hiệu quả, thông suốt các hoạt động nghiệp vụ của Ngành.
Cụ thể: Tổng cục Thuế giảm được 2.216 đầu mối (27 phòng thuộc Tổng cục; 63 Phòng của Cục thuế tỉnh, thành phố; giảm 211 Chi cục thuế tại các Cục thuế tỉnh, thành phố; 1.915 Đội Thuế thuộc Chi cục Thuế). Kho bạc Nhà nước giảm được 234 đầu mối (186 phòng và tương đương thuộc Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh, 48 phòng giao dịch thuộc Kho bạc Nhà nước quận, huyện tương đương cấp chi cục). Tổng cục Hải quan giảm được 253 đầu mối (14 chi cục; 239 tổ/đội). Tổng cục Dự trữ Nhà nước giảm được 13 đầu mối (4 chi cục; 9 bộ phận tương đương cấp tổ/đội).
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, đã giảm 9 đơn vị (từ 36 đơn vị xuống còn 27 đơn vị) do sáp nhập, giải thể để giảm 2 đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ; giải thể 6 đơn vị sự nghiệp thuộc Cục thuộc Bộ; giải thể 1 đơn vị sự nghiệp thuộc Cục thuộc Tổng cục thuộc Bộ.
Cùng với việc tinh gọn bộ máy, cải cách và hiện đại hóa ngành, công tác quản lý biên chế và tinh gọn đội ngũ công chức của Bộ Tài chính cũng được rà soát và tổ chức thực hiện đồng bộ; trong đó, để đảm bảo đến năm 2021 giảm 10% biên chế được giao so với năm 2015, năm 2019, biên chế công chức tại các tổ chức hành chính của Bộ Tài chính là 69.288 biên chế (giảm 4.974 chỉ tiêu tương đương 6,7% so với số đã được giao năm 2015 là 74.262 biên chế), năm 2020, Bộ Tài chính đã thực hiện giao 67.802 chỉ tiêu (giảm 1.486 chỉ tiêu tương đương 2,14% so với năm 2019 và giảm 6.460 chỉ tiêu tương đương 8,7% so với năm 2015), đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Trên cương vị người đứng đầu ngành Tài chính, chúng tôi thường thấy Bộ trưởng nhấn mạnh rằng “Thu hút đầu tư là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”. Có lẽ vì vậy mà Bộ trưởng luôn quan tâm đến việc thu hút đầu tư, đặc biệt là từ các đối tác nước ngoài. Sau Nhật Bản, Hàn Quốc, năm 2019, Bộ trưởng đã dẫn đầu đoàn công tác Bộ Tài chính có chuỗi hoạt động xúc tiến thương mại thành công tại Vương Quốc Anh. Sự kiện này có ý nghĩa như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Kinh tế Việt Nam ngày càng khởi sắc, môi trường đầu tư ngày càng hấp dẫn là những điều kiện tốt để thu hút đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là DN nước ngoài. Chúng ta biết điều đó nhưng chưa chắc những nhà đầu tư ngoại đã biết, bởi vậy, những sự kiện xúc tiến thương mại sẽ là cơ hội tốt để quảng bá chính mình, thu hút thêm nguồn lực.
Giữ trọng trách huy động nguồn lực cho cả đất nước, ngành Tài chính cần phải thấu hiểu điều đó hơn ai hết. Vì vậy cần thường xuyên tổ chức các cuộc xúc tiến đầu tư gián tiếp tại các nước có tiềm năng đầu tư vào Việt Nam. Sự kiện tại Vương quốc Anh trong năm 2019 cũng vậy. Ở đây, chúng tôi đã quảng bá về triển vọng của nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường vốn Việt Nam nói riêng; đối thoại chính sách trực tiếp với những nhà đầu tư nước ngoài để họ có thể tiếp cận, hiểu rõ hơn về các chính sách của Việt Nam, sự mở cửa của Chính phủ và bày tỏ cam kết của Bộ Tài chính sẽ đồng hành và tạo thuận lợi cho các DN hai nước trong quá trình hợp tác, đầu tư. Tôi tin tưởng rằng, sau các chuỗi hoạt động này, DN hai nước sẽ có thêm nhiều ý tưởng và dự án hợp tác mới, qua đó góp phần cho sự phát triển chung của kinh tế - xã hội.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, chắc hẳn, Bộ trưởng vẫn còn nhiều băn khoăn, trăn trở. Xin Bộ trưởng chia sẻ đôi điều?
Quả thực không thể phủ nhận một số hạn chế và khó khăn: Tỷ lệ huy động từ thuế, phí, lệ phí vẫn cần phải cố gắng để đạt yêu cầu; thu ở một số địa bàn trọng điểm còn khó khăn. Tỷ trọng chi thường xuyên đang giảm nhưng còn chậm; công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN nhà nước còn nhiều khó khăn, tiến độ thực hiện chậm; giải ngân vốn đầu tư công chưa mấy cải thiện, ảnh hưởng tới hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế; thiên tai, dịch bệnh phát sinh “tiêu tốn” không ít nguồn lực của ngân sách,…Đây là những rào cản lớn đòi hỏi sự nỗ lực tập trung của toàn ngành Tài chính và sự ủng hộ, phối hợp tích cực của các bộ, ngành, địa phương để từng bước khắc phục.
Vậy là thách thức trong năm cuối giai đoạn cũng không ít. Thời gian tới, Bộ trưởng sẽ ưu tiên quyết sách trọng tâm nào để ngành Tài chính hoàn thành nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2020 cũng như phấn đấu hoàn thành các mục tiêu cơ bản của Kế hoạch Tài chính 5 năm giai đoạn 2016 – 2020, thưa Bộ trưởng?
Để hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ và nhân dân giao phó, không chỉ năm 2020 mà cả giai đoạn 2016-2020, trên cơ sở bám sát Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững; nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch Tài chính 5 năm giai đoạn 2016-2020, Nghị quyết 01/NQ-CP 2020 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2020; Nghị quyết 02/NQ-CP 2020 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh 2020, Bộ Tài chính sẽ tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Tiếp tục điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ kết hợp với chính sách tiền tệ, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư thông qua việc cải cách TTHC, cắt giảm điều kiện kinh doanh, sửa đổi, bổ sung các chính sách phù hợp với thực tế, tạo điều kiện cho DN phát triển, qua đó tạo nguồn thu vững chắc cho NSNN. Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác quản lý thu; công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu, chuyển giá; bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu thuế, phí, lệ phí vào NSNN.
Cùng với đó, tiếp tục thực hiện triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, phù hợp khả năng cân đối nguồn lực ngay từ khâu xác định các nhiệm vụ cần thực hiện năm 2020 và kế hoạch tài chính – NSNN giai đoạn tiếp theo. Xây dựng và triển khai dự toán ngân sách gắn với chiến lược và định hướng phát triển trong từng thời kỳ, đảm bảo tính bền vững của NSNN. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, đẩy mạnh cải cách TTHC, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...
Xin cảm ơn Bộ trưởng! Chúc Bộ trưởng một năm mới với nhiều sức khỏe để cùng ngành Tài chính tiếp tục kiến tạo, vững vàng đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Là một trong những đơn vị hệ thống lớn của ngành Tài chính, xin Bộ trưởng cho biết một số định hướng, chỉ đạo với lực lượng Hải quan trong triển khai nhiệm vụ năm 2020? Có thể nói, năm 2019, Hải quan Việt Nam đã đạt được kết quả xuất sắc, toàn diện trên các mặt công tác. Nổi bật nhất là kết quả tổng thu NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu cao nhất từ trước đến nay, vượt khoảng 16% dự toán được giao. Công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được tăng cường với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, đặc biệt trong việc đấu tranh với tội phạm ma túy, chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp,... Một điểm nổi bật nữa là Tổng cục Hải quan tiếp tục thực hiện tốt vai trò của Cơ quan Thường trực Ủy ban 1899 để thúc đẩy các bộ, ngành trong triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành. Tiếp tục cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi hoạt động chuyên môn nghiệp vụ để vừa tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, vừa nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan. Những thành tích đó đã góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ chung của toàn ngành Tài chính trong năm 2019. Bước sang năm 2020, mục tiêu trước mắt của Hải quan Việt Nam là phải tiếp tục xây dựng lực lượng đạt trình độ chuyên nghiệp, chuyên sâu, có trang thiết bị, kỹ thuật hiện đại, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả góp phần tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại hợp pháp, phát triển du lịch, thu hút đầu tư nước ngoài, đảm bảo an ninh quốc gia, an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và nghĩa vụ hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Cùng với đó là quyết liệt triển khai các giải pháp, phấn đấu hoàn thành vượt nhiệm vụ thu ngân sách năm 2020 được giao, góp phần cùng ngành Tài chính hoàn thành Kế hoạch Tài chính 5 năm; tiếp tục áp dụng các chuẩn mực quốc tế, quy trình quản lý hải quan hiện đại nhằm tạo thuận lợi tối đa cho cộng đồng DN nhưng vẫn đảm bảo giám sát, quản lý chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật. Trong năm 2020, Tổng cục Hải quan cần tiếp tục cải cách, đơn giản hóa TTHC, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực hải quan theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch… nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Ngoài ra, các đơn vị hải quan phải tăng cường công tác kiểm soát chống buôn lậu và gian lận thương mại, công tác quản lý rủi ro, kiểm tra sau thông quan, công tác thanh tra, kiểm tra góp phần tăng thu ngân sách. Đặc biệt, tập trung xây dựng lực lượng Hải quan chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu cải cách hiện đại hóa hải quan; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ. Tôi tin rằng, với sự đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm cao vượt qua mọi khó khăn, thách thức của toàn ngành Tài chính, chúng ta sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Chính phủ giao trong năm 2020. Đây sẽ là bước chuyển quan trọng, vững chắc để thực hiện thắng lợi các mục tiêu tài chính – ngân sách nhiệm kỳ 2016 - 2020. |
Tin liên quan
Miễn, giảm, gia hạn thuế phí ước đạt gần 90 nghìn tỷ đồng
16:05 | 14/09/2024 Thuế - Kho bạc
Bộ trưởng Bộ Tài chính gửi Thư chúc mừng 79 năm Ngày Truyền thống ngành Tài chính
10:15 | 28/08/2024 Tài chính
Chất lượng thanh tra, kiểm tra ngành Tài chính được nâng cao
15:18 | 09/07/2024 Tài chính
Xây dựng dữ liệu lớn giúp quản lý thuế hiệu quả
14:15 | 26/11/2024 Tài chính
Lực đẩy cho nền kinh tế khi tiếp tục giảm thuế GTGT 2% trong 6 tháng đầu năm 2025
10:19 | 26/11/2024 Tài chính
Bổ nhiệm ông Lưu Đức Huy làm Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế phí và lệ phí
20:41 | 25/11/2024 Tài chính
Cơ sở pháp lý để nâng cao chất lượng thẩm định giá
15:47 | 25/11/2024 Tài chính
Cải cách lớn về cơ chế quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp
10:22 | 25/11/2024 Tài chính
Vắng bóng các thương vụ "khủng", thị trường IPO ảm đạm nhất trong 9 năm qua
09:17 | 24/11/2024 Tài chính
Thúc đẩy công khai ngân sách cấp huyện
08:13 | 24/11/2024 Tài chính
Nâng hiệu quả quản lý vốn, nhưng hoạt động doanh nghiệp phải theo kinh tế thị trường
16:14 | 23/11/2024 Tài chính
Trình dự án Luật thay thế "Luật 69", nâng cao tính tự chủ của doanh nghiệp nhà nước
15:13 | 23/11/2024 Tài chính
Số liệu chính xác giúp quản lý hiệu quả tài sản công
16:42 | 22/11/2024 Tài chính
Quốc hội xem xét bổ sung, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá, bia rượu
12:59 | 22/11/2024 Tài chính
Sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, không ưu đãi cho các ngành nghề trùng lắp, dàn trải
12:52 | 22/11/2024 Tài chính
Nguồn thu tiền sử dụng đất chưa đạt, chưa đủ chi cho đầu tư công
11:16 | 22/11/2024 Tài chính
Vấn đề Bạn quan tâm
Tin mới
Tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu tiếp tục diễn biến phức tạp
Xây dựng dữ liệu lớn giúp quản lý thuế hiệu quả
Quản chặt “khí cười”
“Cảnh giới” lực lượng chức năng để vận chuyển thuốc lá lậu
Bước tiến hay thụt lùi trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu?
(INFOGRAPHICS) Quá trình công tác của tân Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Trị Chu Quang Hải
18:39 | 25/11/2024 Infographics
Chương trình Chuyển động Hải quan kỳ 2 tháng 11/2024
14:31 | 21/11/2024 Hải quan
(LONGFORM) Sứ mệnh phát triển quan hệ đối tác Hải quan- Doanh nghiệp
10:58 | 11/11/2024 Hải quan
Podcast Hải quan Online tổng hợp tuần 2 tháng 11/2024 (từ ngày 4/10 đến 10/11/2024)
08:52 | 11/11/2024 Multimedia
(INFOGRAPHICS): Thu ngân sách tại 10 đơn vị hải quan tăng 11,86%
14:03 | 04/11/2024 Infographics