Thực thi thuế tối thiểu toàn cầu: Cơ hội để Việt Nam hút nguồn vốn FDI chất lượng cao
Nâng cao tính liên kết giữa DN Việt Nam và DN FDI là mục tiêu quan trọng để hút được nhiều nguồn vốn chất lượng cao hơn khi Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Ảnh minh họa |
Chấm dứt cuộc đua xuống đáy về ưu đãi thuế
Theo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập DN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024, DN thuộc tập đoàn đa quốc gia có doanh thu trong báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ ít nhất 2 năm trong 4 năm liền kề trước năm tài chính tương đương 750 triệu euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên là đối tượng phải nộp thuế này. Mức thuế suất tối thiểu được quy định tại Nghị quyết là 15%. Hiện Tổng cục Thuế đang triển khai xây dựng Nghị định quy định chi tiết các nội dung được giao trong Nghị quyết. |
Đánh giá về tình hình thu hút nguồn vốn FDI trong thời gian tới, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, việc Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tác động đến hơn 100 DN FDI đang hoạt động ở Việt Nam và trong tương lai nhiều DN FDI khác cũng sẽ chịu ảnh hưởng bởi Nghị quyết này.
"Có thể khẳng định, khả năng cạnh tranh trong thu hút vốn FDI của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trong ngắn hạn khi khung thuế ưu đãi thay đổi. Các quốc gia trong đó có Việt Nam sẽ phải chấm dứt cuộc đua xuống đáy về thuế và các ưu đãi dạng thuế với các nước trong khu vực. Các động lực thu hút dòng vốn FDI chất lượng, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao, dịch vụ giá trị gia tăng, năng lượng tái tạo hướng tới kinh tế xanh, kinh tế số sẽ gặp không ít thách thức. Việt Nam cần sớm nghiên cứu vấn đề này để thiết kế các chính sách ưu đãi FDI phù hợp hơn trong bối cảnh mới”, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Quốc Việt, đây cũng là cơ hội cho Việt Nam trong sàng lọc và thu hút nguồn vốn chất lượng cao, nhất là khi vừa qua một số tập đoàn của Mỹ đã cân nhắc đầu tư dự án mới vào Việt Nam. Đặc biệt, đây là thời điểm “vàng” để Việt Nam nâng cao vị thế, thay đổi mối liên kết giữa DN Việt Nam và DN FDI, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Viện trưởng Viện Quản trị chính sách và chiến lược phát triển Việt Nam Nguyễn Thy Nga: Để thu hút FDI, đồng thời bảo đảm quyền đánh thuế, tăng thu ngân sách nhà nước, trước mắt, Chính phủ phải đàm phán riêng với từng DN sẽ bị áp thuế tối thiểu trong năm tới để tìm ra giải pháp hài hòa “hai bên cùng thắng”. Đồng thời phải tập trung đào tạo nguồn nhân lực, giảm chi phí về thời gian và tiền bạc cho DN, tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch... Toàn bộ cơ chế, chính sách này tất cả DN đều được hưởng bình đẳng và vẫn tuân thủ tuyệt đối yêu cầu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế. PGS.TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân: Trong thời gian tới, Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI do các lợi thế về nguồn nhân lực giá rẻ, vị trí địa lý thuận lợi, các FTA trong môi trường kinh tế tăng trưởng nhanh và hệ thống chính trị, pháp luật ổn định, ôn hòa. Sau khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam cần triển khai các chính sách hỗ trợ đa dạng, không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ bằng tiền cho các nhà đầu tư bị ảnh hưởng, bởi điều này sẽ gặp khó khăn trong quá trình xây dựng chính sách và không phù hợp với công ước quốc tế. Điều quan trọng nhất là phải hỗ trợ các nhà đầu tư lớn được đón nhận những điều kiện sản xuất, kinh doanh thuận lợi, chi phí đầu tư thấp nhất… giúp nhà đầu tư tiết kiệm đầu tư đầu vào, tiết kiệm chi phí cơ hội mà DN phải bỏ ra và chính yếu tố đó không chỉ thu hút các nhà đầu tư, mà còn thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn, vừa mang lại lợi ích cho nhà đầu tư, vừa thúc đẩy sự phát triển... Xuân Thảo (ghi) |
Theo các chuyên gia, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu chính thức từ 1/1/2024, sẽ chấm dứt cuộc đua xuống đáy về ưu đãi thuế giữa các nước trong khu vực. Việc thay đổi các biện pháp hấp dẫn thu hút vốn đầu tư nói chung, FDI nói riêng bằng cách hoàn thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cao năng lực của DN, thúc đẩy DN tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu là vấn đề cấp thiết.
Phân tích rõ hơn về liên kết giữa DN FDI và DN Việt Nam trong thời gian qua, TS. Trần Thị Mai Thành (Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, cho tới thời điểm hiện tại, khả năng tham gia chuỗi cung ứng đầu vào cho DN FDI của các DN nội địa Việt Nam còn hạn chế, đặc biệt là cung ứng cho các tập đoàn lớn. Trong khi 90% DN FDI tại các nước Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan sử dụng nguồn đầu vào trong nước thì tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 60%. Sau nhiều năm đẩy mạnh thu hút FDI, DN Việt chủ yếu tham gia vào những mắt xích có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu, đa phần thâm dụng lao động và yêu cầu kỹ thuật thấp. Nhiều DN trong nước vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu để thành nhà cung cấp cho các DN FDI nên khó khăn trong việc tham gia liên kết.
Bên cạnh đó, DN Việt cũng chưa tham gia được vào hệ sinh thái và chuỗi giá trị của các DN đầu chuỗi và DN FDI. Các DN FDI hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao thường có xu hướng nhập hàng hóa đầu vào từ nước xuất xứ của mình hơn là các DN FDI hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thấp và có xu hướng sử dụng nhà cung cấp tư nhân trong nước ít hơn. Ví dụ như các DN Nhật Bản - một trong các nhà đầu tư FDI lớn nhất tại Việt Nam, mua sắm khoảng 32,6% dịch vụ và sản phẩm đầu vào từ nhà cung cấp địa phương. Con số này thấp hơn nhiều so với các DN FDI của Nhật tại các nước láng giềng như Trung Quốc (67,8%), Thái Lan (57,1%), Indonesia (40,5%).
Cơ hội để hút vốn FDI bằng phi thuế
Cùng chung quan điểm trên, ông Simon Kreye, Phó Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam cho biết thêm, Đức là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong số các quốc gia EU, với tổng giá trị đầu tư là khoảng 2,4 tỷ Euro với khoảng 450 dự án đang triển khai, tạo khoảng trên dưới 50.000 việc làm. Xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng vào Việt Nam đã diễn ra kể từ khi Việt Nam ký các Hiệp định thương mại tự do, song phương với các quốc gia EU và càng tăng cường kể từ khi các quốc gia này áp dụng chiến lược Trung Quốc+1. Các DN Đức đã và đang hưởng lợi nhiều từ chính sách thu hút FDI của Việt Nam nhưng tính liên kết của DN hai bên chưa được thể hiện nhiều. Các DN Việt Nam mới chỉ tham gia vào những thang bậc thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu và vẫn chưa được kết nối đầy đủ với DN FDI.
“Nâng cao tính liên kết giữa DN Việt Nam và DN FDI là mục tiêu quan trọng để các DN của Việt Nam tăng cường năng lực sản xuất cũng như hội nhập sâu chuỗi cung ứng toàn cầu, thu hút được nhiều nguồn vốn chất lượng cao hơn khi Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu”, ông Simon Kreye nhấn mạnh.
Chia sẻ về các gợi ý chính sách cho việc thúc đẩy mối liên kết giữa các DN Việt với DN FDI, TS. Nguyễn Quốc Việt cho rằng, cần chú ý tới bài toán nâng cao năng lực cạnh tranh, tự chủ và năng suất lao động cho các DN trong nước; đồng thời, nhấn mạnh việc thiết lập liên kết vùng. Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, tạo ra sự kết nối giữa các vùng đang trở thành một biện pháp tối quan trọng để thúc đẩy phát triển cụm công nghiệp, mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Tiếp đó là đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến. Trong đó, Chính phủ cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách liên quan đến đầu tư, chuyển giao công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững. Về phía DN Việt, cần chủ động hơn trong việc tìm kiếm các cơ hội chuyển giao công nghệ từ các DN FDI, bao gồm các thỏa thuận mua bản quyền, phát minh hoặc thương quyền… Đồng thời, cũng cần tập trung hoàn thiện các chính sách phát triển ngành công nghiệp phụ trợ theo các chuỗi liên kết gắn với chuỗi giá trị toàn cầu…
Còn theo PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng (Đại học Kinh tế quốc dân), việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu là cơ hội cho Việt Nam hút nguồn vốn FDI bằng phi thuế. Để phát huy triệt để công cụ và biện pháp phi thuế, Việt Nam cần triển khai chiến lược thu hút FDI mới, tái đầu tư bằng biện pháp phi thuế đa dạng, thực chất, hiệu quả và lâu dài. Khía cạnh này cần gắn với quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, ổn định, bền vững. Song song với đó là hoàn thiện hệ thống pháp lý về FDI rõ ràng, minh bạch, thống nhất giữa các địa phương phù hợp xu hướng thế giới, cam kết và thông lệ quốc tế gắn với cam kết thuế tối thiểu toàn cầu 15%. Đánh giá tác động cụ thể cam kết này đến dòng FDI từng ngành, đối tác, địa phương để thích ứng tương xứng.
Làm gì để giữ dòng vốn FDI vào Việt Nam không “đổi chiều”? Làm thế nào để “giữ chân” được các "đại bàng", đồng thời thu hút các nguồn vốn mới đổ vào Việt Nam? phóng viên Tạp chí Hải quan đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Toàn (ảnh), Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE). Có ý kiến cho rằng, sau khi Việt Nam tham gia và áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, lợi thế của Việt Nam trong thu hút vốn FDI sẽ mất. Ông đánh giá như thế nào về ý kiến này? Tôi xin khẳng định lợi thế về các chính sách thuế (giảm, hoãn, miễn thuế) chỉ là lợi thế về trước mắt, hay còn gọi là “cuộc cạnh tranh xuống đáy” và cần được thay đổi. Đây là cơ hội thoát khỏi cuộc cạnh tranh về đáy và cũng tạo lợi thế trong dài hạn cho chúng ta. Thứ nhất, áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu là cơ hội để Việt Nam hội nhập sâu với thế giới. Thứ hai, cần lưu ý số liệu từ báo cáo năm 2021 của Bộ Tài chính là khoảng 50% DN nước ngoài tại Việt Nam báo lỗ dù vẫn liên tục mở rộng sản xuất. Trong 50% đó, liệu có bao nhiêu DN thực hiện hoạt động chuyển giá - xóa lợi nhuận ở Việt Nam đẩy ra nước ngoài? Rõ ràng có thực trạng lãi thật và lỗ giả bởi DN chuyển lợi nhuận ra những "thiên đường thuế". Các DN này vào Việt Nam nhưng không đầu tư thẳng mà đầu tư ở một nước thứ 3 - nơi có thuế suất DN thấp hoặc bằng 0 để họ chuyển lợi nhuận sang đó đóng thuế. Như vậy, thuế tối thiểu toàn cầu sẽ giúp chống chuyển giá - trốn thuế. Thứ ba, khi tham gia thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam sẽ có động lực và cơ hội để thay đổi cách thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng căn cơ, đúng với khả năng của chúng ta hơn. Trên thực tế đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội, buộc Việt Nam phải cân bằng lại các chính sách hiện có với các DN FDI, đặc biệt là chính sách thuế. Và muốn thay đổi thì trước mắt cần giữ chân được các nhà đầu tư nước ngoài, tiếp theo cần cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng cao thay thế cho lợi thế về các chính sách thuế để lôi kéo, “mời gọi” được các nhà đầu tư mới vào Việt Nam. Quốc hội đồng ý cho phép Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị định quy định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác. Theo ông quỹ hỗ trợ này cần tập trung vào những nội dung nào? Theo quan điểm của tôi, thứ nhất chúng ta có thể hỗ trợ trở lại cho các DN FDI để họ có thể tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Theo đó có thể hỗ trợ bằng tiền để các DN này có thể xây dựng và triển khai các trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D) tại Việt Nam, hoặc đào tạo nguồn nhân lực, ưu đãi về đất đai. Thứ hai, có thể dùng quỹ này để hỗ trợ các DN hỗ trợ, phụ trợ Việt Nam có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ví dụ như Samsung, hiện nay họ đã hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm Nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Hà Nội và rất tâm huyết trong việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam. Tuy nhiên đây cũng chỉ là hoạt động riêng lẻ của một DN nên vẫn còn nhiều giới hạn, vì vậy rất cần có một nguồn vốn hỗ trợ, chính sách khuyến khích các DN hỗ trợ của Việt Nam trưởng thành, nâng tầm DN để có thể bắt tay bình đẳng với các DN nước ngoài. Ngoài ra, hiện nay đang có tồn tại một suy nghĩ là DN làm các sản phẩm phụ trợ, hỗ trợ cho các DN FDI là các DN nhỏ và vừa, theo tôi DN nhỏ và vừa chỉ là một phần, các DN, tập đoàn lớn hoàn toàn có thể bắt tay và tham gia vào phân khúc này. Như vậy Chính phủ có thể trích từ Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác để vừa hỗ trợ các DN FDI vừa có các chính sách hỗ trợ DN trong nước để nâng cao được vị thế, gia tăng liên kết và tham gia được sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thứ ba, cũng là giải pháp quan trọng nhất và căn cơ nhất đó là Chính phủ có thể dùng tiền thu được từ quỹ này để thay đổi các chính sách, tư duy tạo môi trường đầu tư tốt hơn để giữ chân được các DN FDI đang đầu tư vào Việt Nam và tiếp tục thu hút các DN FDI mới đặc biệt là các DN FDI công nghệ cao đầu tư vào Việt Nam. Bởi từ những số liệu về thu hút vốn đầu tư FDI trong thời gian qua có thể nhận thấy, hiện các nước ở khu vực Đông Nam Á, châu Á như là Nhật Bản, Hàn Quốc đang đầu tư khá nhiều vào Việt Nam. Nhưng các nước có trình độ phát triển rất cao như EU, Mỹ lại đầu tư vào Việt Nam rất hạn chế. Chúng ta có thể tận dụng được nhiều cơ hội từ chính sách Trung Quốc +1 từ những các quốc gia trên thế giới, nhưng để làm được điều này thì Việt Nam cần cải thiện lại môi trường đầu tư một cách cơ bản, chứ không thể mãi phụ thuộc vào các chính sách ưu đãi về thuế. Vậy theo ông đâu sẽ là yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới? Có 3 điều hấp dẫn nhất ở Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài. Thứ nhất, Việt Nam là một quốc gia có lợi thế chính trị ổn định. Thứ hai, những năm gần đây Việt Nam đã đẩy mạnh việc đàm phán, ký kết các FTAs với rất nhiều đối tác quan trọng và tiềm năng. Chính việc thực thi các cam kết FTA đòi hỏi Chính phủ Việt Nam phải tăng cường hơn nữa việc rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng các chính sách cơ chế mới để tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiêp trong và ngoài nước, qua đó tăng cường và đẩy mạnh việc thu hút FDI vào Việt Nam. Đồng thời, các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa thông qua việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan và dành cho nhau những ưu đãi về quy tắc xuất xứ trong các FTA mà Việt Nam đã ký kết hoặc đang đàm phàn không chỉ mở ra những cơ hội đầu tư, kinh doanh mới cho các DN Việt Nam, mà cho cả các nhà đầu tư nước ngoài đang và sẽ đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Với những cam kết đó, cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa có xuất xử Việt Nam ngày càng tăng lên, do vậy, các nhà ĐTNN đang và sẽ đổ dồn về Việt Nam để tận dụng cơ hội này. Từ đó, có thể khẳng định, việc đàm phán, ký kết và thực thi các FTA đã và sẽ tạo điều kiện cũng như mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc thu hút FDI không chỉ từ các nước đối tác FTA mà còn từ nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Thứ ba, cũng là lợi thế cuối cùng, đó là tiềm năng phát triển của Việt Nam còn rất lớn, bởi chính sách Trung Quốc+1 của nhiều quốc gia cũng như Việt Nam không bị chịu ảnh hưởng nhiều từ các xung đột địa chính trị trên thế giới. Xin cảm ơn ông! Xuân Thảo (thực hiện) |
Tin liên quan
Bất động sản vẫn “hút” nguồn vốn ngoại
16:56 | 21/10/2024 Kinh tế
Đảm bảo chính sách ưu đãi đầu tư trước tác động của thuế tối thiểu toàn cầu
17:28 | 18/08/2024 Tài chính
Để hưởng ưu đãi thuế, DN cần xác nhận máy, thiết bị chuyên dùng theo nguyên tắc nào?
09:47 | 14/07/2024 Chính sách và Cuộc sống
Doanh nghiệp cần gì cho công cuộc chuyển đổi số?
19:31 | 02/11/2024 Kinh tế
Mỗi ngày dệt may xuất khẩu mang về hơn 100 triệu USD
12:40 | 02/11/2024 Xuất nhập khẩu
Tối ưu hóa chuỗi cung ứng, thúc đẩy giao thương Việt Nam - Trung Quốc
12:39 | 02/11/2024 Kinh tế
Cơ hội bứt tốc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc
08:35 | 02/11/2024 Kinh tế
Xuất khẩu thủy sản tháng 10 trở lại mức 1 tỷ USD sau 27 tháng
20:26 | 01/11/2024 Xuất nhập khẩu
Đâu là tác nhân đẩy giá, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản?
20:20 | 01/11/2024 Kinh tế
Dữ liệu cá nhân có thể bị “đánh cắp” khi mua sắm trên nền tảng xuyên biên giới chưa đăng ký
20:12 | 01/11/2024 Kinh tế
Doanh nghiệp Việt trước làn sóng sàn thương mại điện tử quốc tế: Lợi ích và thách thức
17:59 | 01/11/2024 Kinh tế
Nắm bắt cơ hội để "chen chân" thay thế nhà cung cấp hàng hoá cho EU
17:49 | 01/11/2024 Kinh tế
Ngành sản xuất đang hồi phục sau bão Yagi
15:20 | 01/11/2024 Kinh tế
Đổi mới sáng tạo - chìa khóa giải quyết rác thải nhựa
14:29 | 01/11/2024 Kinh tế
Nhiều nền tảng và động lực cho kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ
14:19 | 01/11/2024 Kinh tế
Vi mạch bán dẫn là ngành ưu tiên thu hút đầu tư của TP Hồ Chí Minh
11:14 | 01/11/2024 Kinh tế
Vấn đề Bạn quan tâm
Tin mới
Khởi tố Công ty Biomass buôn lậu “khí cười”
Doanh nghiệp cần gì cho công cuộc chuyển đổi số?
Mua bán thuốc online
TP Hồ Chí Minh ra quân phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
Thủ tướng: Phát triển giáo dục, đào tạo phục vụ kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Tuyên bố chung giữa Việt Nam và UAE về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện
08:35 | 29/10/2024 Sự kiện - Vấn đề
(INFOGRAPHICS) 32 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu nửa đầu tháng 10
09:14 | 29/10/2024 Infographics
Phiên họp Ủy ban Kỹ thuật thường trực WCO tại Bỉ: Dấu ấn điều hành của đại diện Hải quan Việt Nam
09:25 | 29/10/2024 Hải quan
Hành vi buôn lậu “khí cười” tại Công ty Hoa Việt diễn ra thế nào?
10:18 | 29/10/2024 An ninh XNK