Thủ tướng: "Ngành Tài chính phải đổi mới tư duy xây dựng chính sách"
Ngày 29/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Tài chính về chức năng, nhiệm vụ, những vấn đề tồn đọng, những khó khăn, vướng mắc, nội dung cấp bách cần giải quyết của Bộ và ngành Tài chính.
Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn.
Tại cuộc họp, Bộ Tài chính đã báo cáo về tình hình, kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao; một số vướng mắc, hạn chế, khó khăn, thách thức; trên cơ sở đó kiến nghị những nhiệm vụ cần triển khai ngay và những giải pháp trọng tâm trong trung, dài hạn; trong đó tập trung vào việc hoàn thiện thể chế, sửa đổi, ban hành các cơ chế, chính sách thúc đẩy, khơi thông nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội; điều hành dự toán ngân sách nhà nước 2021, xây dựng dự toán năm 2022 và kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024; xây dựng kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 5 năm 2021-2025; kế hoạch bố trí nguồn cho cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết số 27 của Trung ương; xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng và tăng cường phối hợp công tác với các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2021, theo phân công, Bộ phải trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 40 đề án (1 Luật, 15 Nghị định, 8 Quyết định, 16 đề án khác). Đến cuối tháng 4/2021, Bộ đã trình 9 đề án (3 Nghị định, 1 Quyết định và 5 đề án khác).
Nhiều văn bản mới ban hành đã tập trung tháo gỡ một số điểm nghẽn của nền kinh tế, hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần giúp nhân dân giảm bớt khó khăn do đại dịch Covid-19 và thiên tai, dịch bệnh. Bộ sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung một số quy định pháp luật, trong đó có cơ chế quản lý giá một số hàng hóa, dịch vụ cụ thể.
Bộ Tài chính cũng đang tập trung xây dựng một số đề án lớn về tài chính-ngân sách nhà nước để góp phần khơi thông, huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển để trình Thủ tướng Chính phủ, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định, trong đó có Đề án Đổi mới cơ chế phân cấp ngân sách nhà nước để bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương và chủ động của ngân sách địa phương.
Trên cơ sở gợi ý, định hướng của Thủ tướng Chính phủ, các ý kiến tại cuộc họp đã tập trung thảo luận những vấn đề trọng tâm với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, nêu rõ quan điểm, mạnh dạn trình bày những khó khăn, vướng mắc và giải pháp tháo gỡ, khắc phục để phát huy hơn nữa vai trò của tài chính-ngân sách nhà nước trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước.
Trong đó, cần tăng cường công tác xây dựng Đảng, sắp xếp tổ chức bộ máy, quản lý cán bộ để phục vụ tốt hơn việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao; đổi mới cơ chế phân cấp, tiết kiệm chi, bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước và dành nguồn lực với trình tự ưu tiên hợp lý cho đầu tư phát triển, cho con người, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển văn hóa, xã hội, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, củng cố quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách khác; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cải cách thuế, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến thể chế, quy định pháp luật về tài chính - ngân sách nhà nước và có những cơ chế, chính sách, giải pháp hiệu quả, mang tính căn cơ cả trước mắt và lâu dài, góp phần thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cơ bản đồng ý nội dung báo cáo, kiến nghị của Bộ Tài chính và ý kiến của các đại biểu dự họp; đánh giá cao những kết quả, thành tích của Bộ Tài chính và ngành Tài chính trong thời gian qua, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước và củng cố, nâng cao tiềm lực, uy tín, vị thế của đất nước sau hơn 35 năm đổi mới, hội nhập và phát triển.
Thủ tướng Chính phủ nêu một số định hướng chủ đạo và những vấn đề trọng tâm mang tính gợi mở về tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận và thực tiễn đổi mới cơ chế, chính sách về tài chính-ngân sách Nhà nước.
Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ Tài chính và ngành Tài chính phải kế thừa truyền thống tốt đẹp hơn 75 năm xây dựng, trưởng thành và phát huy hơn nữa thành tích đã đạt được của những nhiệm kỳ trước với tinh thần năm nay phát triển tốt hơn năm trước, nhiệm kỳ này tốt hơn nhiệm kỳ trước, lấy khí thế đó để thúc đẩy, động viên toàn ngành nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra.
Thủ tướng yêu cầu ngành Tài chính phải tiếp tục đổi mới tư duy xây dựng chính sách trên tinh thần khơi thông, huy động và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả mọi nguồn lực, cả nội lực và ngoại lực, thúc đẩy giải phóng mọi năng lực sản xuất, phát huy hơn nữa những tiềm năng, thế mạnh, tạo động lực mạnh mẽ phát triển đất nước cả trước mắt và trong trung, dài hạn; Công tác tham mưu thiết kế chính sách phải xuất phát từ thực tiễn, phải công khai, minh bạch, hài hòa, hợp lý, ổn định và đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết; Phải bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, phải xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn để điều chỉnh, hoàn thiện cơ chế, chính sách; Việc thiết kế, xây dựng cơ chế, chính sách phải tham khảo ý kiến các đối tượng bị tác động và dự báo, đánh giá đầy đủ những tác động, ảnh hưởng... Chỉ có làm được như vậy thì “chính sách mới đi vào cuộc sống, mới sống được lâu dài.”
Thủ tướng yêu cầu ngành Tài chính cần tập trung đầu tư hiện đại hóa, số hóa công tác quản lý thu chi ngân sách nhà nước bằng công nghệ số và xây dựng cơ sở dữ liệu lớn quốc gia, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, hiệu quả, ổn định hệ thống, nhất là trong công tác quản lý thuế, hải quan, kho bạc nhà nước; Tập trung hơn cho công tác quản lý nhà nước, nhất là xây dựng chiến lược, kế hoạch, thể chế, cơ chế, chính sách, phân cấp quản lý, thiết kế công cụ kiểm tra, giám sát và việc cơ cấu lại, đổi mới tổ chức bộ máy.
Thủ tướng yêu cầu thời gian tới, ngành Tài chính tập trung cho công tác rà soát, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp, phát huy hơn nữa vai trò của tài chính-ngân sách nhà nước phục vụ phát triển đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý Bộ Tài chính phải cương quyết chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “chống lobby chính sách,” chống lợi ích nhóm; Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh; Xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gắn với cơ cấu, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết 18, 19 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và Kết luận 39, 74 của Bộ Chính trị; Phát huy tối đa yếu tố con người, coi đây là yếu tố mang tính quyết định, yếu tố quan trọng nhất; Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo vệ người dám nghĩ, biết làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì lợi ích chung.
Về các vấn đề cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính phải nghiên cứu, thiết kế chính sách để thu hút mạnh mẽ các nguồn lực trên tinh thần phát huy tối đa sự sáng tạo, tự lực, tự cường của các cấp, các ngành; Dứt khoát xóa bỏ cơ chế quan liêu, bao cấp, xóa bỏ cơ chế xin-cho để mọi cơ quan, đơn vị, địa phương phải tự lực, tự cường phấn đấu với tinh thần cao nhất, “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể, biến cái không quan trọng thành cái quan trọng mới là quan trọng,” bảo đảm công bằng, hợp lý, hài hòa lợi ích các bên và cá thể hóa trách nhiệm cá nhân; Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước và tiếp tục tăng cường phân cấp, phân quyền.
Thủ tướng Chính phủ lưu ý Bộ Tài chính phải thiết kế công cụ, cơ chế phù hợp, hiệu quả trong kiểm tra, giám sát công tác quản lý thu, chi ngân sách nhà nước theo tinh thần đề cao trách nhiệm của các địa phương, cơ quan, đơn vị và nhất là người đứng đầu; Tiếp tục đổi mới cách làm, rà soát và điều chỉnh lại việc thu thuế hiệu quả hơn, chi ngân sách phải tiết kiệm, hiệu quả, đúng hướng và đẩy mạnh xã hội hóa một cách phù hợp đối với cả các lĩnh vực chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển. Trong đó cần tổng kết mô hình một số nơi đã làm tốt về xã hội hóa, giảm gánh nặng chi thường xuyên để nhân rộng.
Bộ Tài chính cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí ưu tiên nguồn lực đầu tư, sớm hoàn thành các công trình trọng điểm, có sức lan tỏa, dẫn dắt, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; Sớm rà soát, hoàn thiện các chính sách thuế phù hợp với tình hình thực tế của đất nước và kinh nghiệm quốc tế, bảo đảm lợi ích quốc gia, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu việc xây dựng luật về đăng ký và quản lý tài sản; đẩy nhanh chuyển đổi số, số hóa công tác quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; thiết kế công cụ quản lý, kiểm soát nợ công một cách phù hợp, hiệu quả, đồng thời phải bảo đảm sự hài hòa giữa mục tiêu kiểm soát lạm phát với thúc đẩy tăng trưởng, phù hợp với hoàn cảnh đất nước trong bối cảnh hiện nay.
Về bố trí kinh phí cho các chương trình mục tiêu quốc gia, Thủ tướng nhấn mạnh, phải làm sao có hiệu quả, rõ ràng, minh bạch, theo hướng khuyến khích tự lực, vươn lên thoát nghèo.
Về phân cấp quản lý ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính cần nghiên cứu, có cơ chế phù hợp, hiệu quả để phát huy vai trò chủ đạo của Trung ương nhưng tạo sự linh hoạt, sáng tạo, có trách nhiệm của địa phương, cân đối được thu chi ngân sách; cần tập trung cho chi đầu tư phát triển nhiều hơn và giảm chi thường xuyên; cần đặt mục tiêu tiết kiệm chi cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trong xây dựng và thực hiện dự toán ngân sách nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng, ban hành chương trình hành động triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước; chuẩn bị phương án bố trí nguồn để thực hiện kế hoạch cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27 của Trung ương; tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển thị trường chứng khoán, bảo hiểm, dịch vụ tài chính và các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quản lý của Bộ.
Đối với các kiến nghị của Bộ Tài chính, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tập trung chỉ đạo, xử lý, giải quyết từng vấn đề theo lộ trình cụ thể gắn với trách nhiệm của các bộ, cơ quan, địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
Tin liên quan
Thủ tướng chỉ đạo phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP năm 2025 đạt trên 8%
15:53 | 21/12/2024 Sự kiện - Vấn đề
Thủ tướng: Nghiên cứu, đề xuất chính sách ưu đãi tài chính cho công nghiệp bán dẫn
15:47 | 14/12/2024 Kinh tế
Thủ tướng Chính phủ: Tăng nguồn thu, cần "cởi trói" để mở rộng sản xuất kinh doanh
19:23 | 07/12/2024 Sự kiện - Vấn đề
Chính sách thuế tạo động lực mạnh mẽ cho phục hồi và phát triển
08:36 | 23/12/2024 Tài chính
Phát hành trái phiếu chính phủ đã đáp ứng vốn ngân sách với chi phí hợp lý
10:50 | 22/12/2024 Thuế - Kho bạc
KBNN đảm bảo thu - chi ngân sách kịp thời, điều hành ngân quỹ tập trung
20:30 | 20/12/2024 Thuế - Kho bạc
Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu KBNN khẩn trương sắp xếp, đảm bảo bộ máy mới hoạt động ngay
20:22 | 20/12/2024 Thuế - Kho bạc
Cục Thuế TP Hồ Chí Minh tuyên dương 136 doanh nghiệp nộp thuế tiêu biểu
18:26 | 20/12/2024 Thuế - Kho bạc
Nhiều nỗ lực để bình ổn giá trong cao điểm lễ, tết 2025
07:51 | 20/12/2024 Tài chính
Chính thức kích hoạt Cổng thông tin dành cho hộ cá nhân kinh doanh thương mại điện tử
21:23 | 19/12/2024 Thuế - Kho bạc
Ngành Thuế cần hướng tới tinh giản bộ máy theo mô hình quốc tế đảm bảo hiệu lực, hiệu quả
21:19 | 19/12/2024 Thuế - Kho bạc
Ngành Thuế về đích thu ngân sách với tổng số thu ước đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng
16:27 | 19/12/2024 Thuế - Kho bạc
Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, bền vững
21:18 | 18/12/2024 Chứng khoán
Tổng kiểm kê tài sản công giúp quản lý, sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực của đất nước
21:13 | 18/12/2024 Tài chính
Thị trường vốn sẽ chuyển biến tích cực
10:00 | 17/12/2024 Tài chính
Đảm bảo hiệu quả và minh bạch trong quản lý, xử lý nhà đất tại doanh nghiệp nhà nước
08:24 | 16/12/2024 Tài chính
Vấn đề Bạn quan tâm
Tin mới
6 nhóm hàng xuất khẩu tăng trưởng tỷ đô
Hơn 100 ca mổ não, tủy sống bằng Robot AI thành công tại Việt Nam
Thương mại điện tử dự báo vượt mốc 25 tỷ USD
Tuân thủ quy định của từng thị trường để xuất khẩu rau quả thuận lợi
Hiện đại hóa hải quan: Từ VNACCS đến Hải quan số. Bài 3: Chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực Hải quan
(Infographics) Tổng thu từ xuất nhập khẩu các tỉnh, thành vùng Tây Nguyên
10:50 | 15/12/2024 Hải quan
(INFOGRAPHICS) Kim ngạch hơn 67 tỷ USD, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam
11:29 | 04/12/2024 Infographics
(INFOGRAPHICS): Tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp tham gia chương trình tự nguyện tuân thủ
16:30 | 06/12/2024 Infographics
(INFOGRAPHICS) Tổng thu từ XNK các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ
16:33 | 06/12/2024 Xuất nhập khẩu
(INFOGRAPHICS) 66 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 11
14:29 | 12/12/2024 Infographics