Thủ tướng nêu nhiều bài học quan trọng trong phòng, chống mưa lũ
Sau khi kiểm tra công tác khắc phục hậu quả lũ lụt, thăm hỏi người dân vùng lũ huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo 5 tỉnh miền Trung và một số bộ ngành về việc khắc phục hậu quả mưa lũ tại miền Trung. Nhấn mạnh các lực lượng quân đội, công an và lực lượng liên quan luôn sẵn sàng hỗ trợ nếu các địa phương có yêu cầu, Thủ tướng yêu cầu không được để người dân thiếu đói, dịch bệnh, “màn trời chiếu đất”.
Đánh giá cao các lực lượng chức năng thực hiện nghiêm túc từ đầu các chỉ đạo của Chính phủ trong cứu hộ, cứu nạn, Thủ tướng cho rằng, nếu không kịp thời thì hậu quả có thể lớn hơn và nêu ra nhiều bài học quan trọng trong công tác này.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, trong gần 1 tháng qua, tại 6 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam liên tiếp chịu ảnh hưởng của 3 cơn bão là số 5,6,7 và 2 đợt áp thấp nhiệt đới, gây ra hai đợt mưa lớn kéo dài, khiến tổng lượng mưa phổ biến lên đến trên 1.000mm và vượt lũ lịch sử năm 1999. Riêng tại Quảng Trị và Thừa Thiên Huế lượng mưa lên tới 2.500 mm. Một số trạm đo được lượng mưa rất lớn, như tại Hương Linh tỉnh Quảng Trị lên tới 3.337mm; Bạch Mã của tỉnh Thừa Thiên Huế cũng là trên 3.000mm.
Mưa lớn khiến lũ lớn và lũ đặc biệt lớn ở 16 tuyến sông chính tại khu vực và gây ngập lụt trên phạm vi rộng ở 427 xã của 6 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam. Quảng Bình là tỉnh ngập nặng nhất từ 2-3m ở các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh.
Cũng theo báo cáo, các địa phương có nhu cầu lớn về gạo, thuốc men và hóa chất lọc nước, giống cây trồng. Trong đó, các địa phương còn cần khoảng 7.500 tấn gạo, hơn 5.000 tấn lúa, ngô giống.
Theo báo cáo của Hội chữ thập đỏ Việt Nam, đến nay đã huy động được khoảng 40 tỷ đồng ủng hộ nhân dân miền Trung. Còn theo MTTQ Việt Nam, đến nay có 80 tổ chức và doanh nghiệp đã đăng ký qua tổ chức này để hỗ trợ 50 tỷ đồng và các địa phương đăng ký hỗ trợ khoảng 100 tỷ đồng.
Lên án những người đánh bóng hình ảnh
Sau khi các bộ, ngành, địa phương nêu ý kiến, kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, đây là trận lũ lịch sử, cao hơn mức lũ lịch sử 1999, nói lên quy mô và tác hại gây ra. Tuy vậy, Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo các biện pháp hết sức kiên quyết, kịp thời, huy động nhiều phương tiện và lực lượng tham gia phòng, chống, cứu hộ, cứu nạn.
Thủ tướng biểu dương các cơ quan, đơn vị đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, phát huy hiệu quả phương châm 4 tại chỗ, nếu không, thiệt hại có thể đã lớn hơn: "Ngay Quảng Bình này, tại đồn Cha Lo, nếu không di dời sớm thì có thể chết thêm 20 người nữa. Hay xe khách bị chìm ở đây, nếu không cứu trợ kịp thời của lực lượng công an và các lực lượng khác, của người dân thì người trên xe khách sẽ thiệt mạng. Qua lũ lụt, thiên tai, ngoài tinh thần trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị thì nhiều cá nhân, nhiều tổ chức với tấm lòng nhân ái đã hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân. Đấy là truyền thống văn hóa quý báu của dân tộc ta, của đất nước ta, của chế độ chúng ta. Chúng ta thấy trong COVID-19 người dân hỗ trợ giúp đỡ rất lớn cho các lực lượng thì lần này bão lũ, mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân từ hỗ trợ trực tiếp đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ Thập đỏ, tới các địa phương để chia sẻ với nhân dân. Một dân tộc như thế rất đáng trân trọng và tự hào."
Về nhiệm vụ trực tiếp trước mắt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, các bộ, ngành, Trung ương, cơ quan chức năng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm hỗ trợ người dân, nhanh chóng đảm bảo cuộc sống bình thường của nhân dân các tỉnh miền Trung trong vùng lũ lụt. Đảm bảo sinh kế cho người dân, nhất là thời vụ cận kề, các loại giống phải được cấp sớm.
Kết luận của Thủ tướng là các cấp ủy phải vận động hệ thống chính trị và người dân, cán bộ công nhân viên, với tinh thần tự cường, tự cứu, huy động các đơn vị có chức năng, bao gồm lực lượng công an, quân đội hỗ trợ người dân. "Đoàn thanh niên, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… phải xắn tay áo cùng với người dân địa phương. Các lực lượng quân đội, công an cũng phải xắn tay áo cùng người dân. Bây giờ các đồng chí ở các địa phương trong vùng lũ này cần bao nhiêu lực lượng để hỗ trợ cho người dân thì cho biết. Cảnh sát cơ động của Bộ Công an sẵn sàng điều động đi ngay vài trung đoàn cùng lực lượng quân đội để hỗ trợ các địa phương. Các đồng chí nêu nhu cầu, Quân khu 4, Quân khu 5, Bộ Công an sẵn sàng điều động các lực lượng để hỗ trợ người dân. Tinh thần là không được để người dân thiếu đói, dịch bệnh; không được để người dân “màn trời chiếu đất”; trẻ em sớm đến trường học". Tinh thần ấy của Thủ tướng phải được khẳng định đối với các tỉnh ủy, UBND.
Trân trọng các nguồn lực xã hội đóng góp, chia sẻ với nhân dân miền Trung, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương, cơ quan chức năng có biện pháp hỗ trợ, quản lý công khai, minh bạch, hỗ trợ đúng đối tượng.
Thủ tướng cũng tiếp thu ý kiến của các cơ quan có liên quan, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất sửa Nghị định 64 và Nghị định 136 về một số điểm còn bất hợp lý để tạo thuận lợi cho các nhà tài trợ, trong những điều kiện cụ thể, nhưng phải quản lý các nguồn tài trợ công khai, minh bạch, nhân văn, tạo điều kiện cho công tác quản lý tốt hơn, kịp thời hơn.
"Trước mắt tôi yêu cầu các cấp, các ngành tạo điều kiện cho các nhà tài trợ trực tiếp đến trên cơ sở thảo luận với chính quyền địa phương. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp nhận các nguồn lực của các tổ chức, các nhà hảo tâm... để đưa đến nhân dân được nhanh nhất. Có tỉnh nói bố trí hỗ trợ các nhà tài trợ ngủ lại miễn phí một đêm để họ không bị hẫng hụt khi đến cứu trợ. Nhưng đồng thời lên án những người đánh bóng hình ảnh, lừa phỉnh trong quá trình vận động tài trợ. Mặt trái của vấn đề phải được nêu ra. Nhưng mặt tích cực, nhân văn của xã hội phải được nhân lên", Thủ tướng nhấn mạnh.
Trước bối cảnh bão số 8 đang diễn ra và sắp tới bão số 9 đe dọa nước ta, Thủ tướng lưu ý mưa lũ tiếp tục xảy ra. Do đó, các địa phương, các cấp, các ngành đều sẵn sàng các phương án để hỗ trợ người dân, trước hết là tính mạng và tài sản nhân dân, không để thiệt hại nhiều hơn nữa trong mùa mưa bão này.
“Chìa khóa” là hiểu biết của người dân
Cho rằng cần rút ra các bài học trong công tác phòng, chống mưa lũ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ, tăng cường nhận thức và sự hiểu biết của chính quyền, của doanh nghiệp và của người dân là chìa khóa then chốt trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh. Trong đó, nhận thức của cộng đồng và người dân về trách nhiệm, tác động trước biến đổi khí hậu là quan trọng nhất. Cùng với đó là cải thiện năng lực dự báo thiên tai và chủ động ứng phó, nhất là công nghệ dự báo trượt đất hiện nay còn yếu.
Và một kinh nghiệm nữa của Việt Nam là đã lồng ghép các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu, quy hoạch, kế hoạch phát triển, thực hiện nghiêm túc cam kết cắt giảm 80% lượng phát thải khí nhà kính đến năm 2030. Theo đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu cơ chế đánh thuế phát thải khí nhà kính để khuyến khích cắt giảm thải khí nhà kính, đồng thời qua đó giúp huy động nguồn lực hỗ trợ địa phương bị tác động bởi biến đổi khí hậu.
Thủ tướng cũng cho rằng, cần rút kinh nghiệm sau đợt lũ này, trong đó có việc phát triển thủy điện theo quy hoạch và an toàn, hạn chế hoặc không phát triển thêm thủy điện nhỏ; phải tính toán phù hợp đối với những vùng khó khăn về giao thông khi xảy ra thiên tai có thể ứng cứu kịp thời.
Cùng với đó là trồng rừng mạnh mẽ hơn với các loại cây có bộ rễ bám sâu, gỗ lớn, góp phần hạn chế thiên tai. Đặc biệt là ứng dụng công nghệ trong phòng chống thiên tai. Ngoài ứng dụng công nghệ đối phó với sạt lở đất thì điện thoại thông minh cần được sử dụng để thông tin đến người dân kịp thời hơn, cả về thời tiết, gió bão, lũ lụt...
Về dài hạn, kế hoạch 2021-2025, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các Bộ cần bố trí nguồn lực để hỗ trợ các tỉnh miền Trung nói chung và những vùng thiên tai hạn hán, biến đổi khí hậu nặng nề như đồng bằng sông Cửu Long, như Tây Bắc, bằng cả ngân sách nhà nước và ODA.
Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế xã hội trong bối cảnh COVID-19 và khắc phục hậu quả lũ lụt. Không vì lũ lụt mà đình trệ các nhiệm vụ. Theo đó phải làm tốt công tác dự báo kế hoạch 5 năm tới, trong đó có chiến lược phòng chống thiên tai.
Nhấn mạnh, biến đổi khí hậu có thể làm thay đổi mô thức sản xuất, ảnh hưởng đến kinh tế và sinh kế của hàng triệu người dân ở miền Trung cũng như Việt Nam và đối với tương lai con cháu chúng ta, nhưng Thủ tướng cho rằng, điều đó không nghiêm trọng bằng sự dao động ý chí, bản lĩnh và niềm tin trước những thử thách của tự nhiên và tạo hóa. Chính vì thế, Thủ tướng tin tưởng, nếu vẫn giữ được cội nguồn văn hóa của dân tộc, giữ được đất đai, rừng, biển thì chúng ta sẽ làm giàu được trên mảnh đất thiêng liêng mà cha ông chúng ta đã để lại ở miền Trung Việt Nam./.
Tin liên quan
Thủ tướng chỉ đạo phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP năm 2025 đạt trên 8%
15:53 | 21/12/2024 Sự kiện - Vấn đề
Thủ tướng: Nghiên cứu, đề xuất chính sách ưu đãi tài chính cho công nghiệp bán dẫn
15:47 | 14/12/2024 Kinh tế
Thủ tướng Chính phủ: Tăng nguồn thu, cần "cởi trói" để mở rộng sản xuất kinh doanh
19:23 | 07/12/2024 Sự kiện - Vấn đề
Báo động tai nạn tự chế pháo nổ
13:51 | 22/12/2024 Người quan sát
Đột phá cho chuyển đổi số
06:51 | 22/12/2024 Sự kiện - Vấn đề
Chuyển đổi số - xu hướng tất yếu trong hoạt động giáo dục và đào tạo
10:41 | 21/12/2024 Sự kiện - Vấn đề
Ngân hàng Thế giới: Kinh tế toàn cầu ổn định, Việt Nam tăng trưởng vượt trội
09:06 | 20/12/2024 Sự kiện - Vấn đề
Thích ứng và đổi mới trong môi trường toàn cầu luôn biến động
07:45 | 20/12/2024 Sự kiện - Vấn đề
Tổ chức trưng bày các thành tựu xây dựng Lực lượng vũ trang nhân dân
16:31 | 19/12/2024 Sự kiện - Vấn đề
Giá xăng dầu đồng loạt tăng, xăng RON95-III ở mức hơn 21.000 đồng/lít
15:16 | 19/12/2024 Sự kiện - Vấn đề
“Cán bộ có ô tô thuê nhà ở xã hội”
09:15 | 19/12/2024 Người quan sát
Hợp tác kết nối thị trường
07:48 | 19/12/2024 Sự kiện - Vấn đề
Cafe Giảng
07:45 | 19/12/2024 Người quan sát
Tạp chí Hải quan đứng đầu về mức độ chuyển đổi số trong khối tạp chí Trung ương và địa phương
08:49 | 17/12/2024 Sự kiện - Vấn đề
Động lực từ xuất khẩu, đầu tư, công nghệ số... cho tăng trưởng kinh tế 2025
08:25 | 17/12/2024 Sự kiện - Vấn đề
Hỗ trợ tiếp cận tài chính
08:12 | 16/12/2024 Sự kiện - Vấn đề
Vấn đề Bạn quan tâm
Tin mới
Xuất khẩu 2024 có thể lập đỉnh mới hơn 400 tỷ USD
Podcast Hải quan Online tổng hợp tuần 4 tháng 12/2024
Agribank quyết liệt đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu dân cư theo Đề án 06
Doanh nghiệp đồng thuận, đánh giá cao hỗ trợ của Hải quan Quảng Ngãi
Đánh thức tiềm năng dược liệu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
(Infographics) Tổng thu từ xuất nhập khẩu các tỉnh, thành vùng Tây Nguyên
10:50 | 15/12/2024 Hải quan
(INFOGRAPHICS) Kim ngạch hơn 67 tỷ USD, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam
11:29 | 04/12/2024 Infographics
(INFOGRAPHICS): Tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp tham gia chương trình tự nguyện tuân thủ
16:30 | 06/12/2024 Infographics
(INFOGRAPHICS) Tổng thu từ XNK các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ
16:33 | 06/12/2024 Xuất nhập khẩu
(INFOGRAPHICS) 66 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 11
14:29 | 12/12/2024 Infographics